Bệnh tiểu đường ở trẻ em xuất hiện ngày một nhiều được xem là hệ quả của tình trạng trẻ thừa cân, béo phì sau giai đoạn đại dịch gia tăng một cách đáng báo động. Theo công bố từ Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em béo phì tăng nhanh gấp 2,2 lần, từ 8.5% ở năm 2010 lên thành 19% ở gần cuối năm 2020. Điều này có nghĩa là cứ 10 trẻ thì sẽ có 4 em bị béo phì, thừa cân và có 2 em gặp biến chứng tiểu đường.
Các chuyên gia cho biết thêm, bệnh tiểu đường có 2 loại: tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2.
Trong đó, tiểu đường type 1 sẽ thường phổ biến hơn với nhóm trẻ em và thanh thiếu niên do có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, không loại trừ các yếu tố môi trường có thể đóng vai trò tác nhân gây ra hệ quả này.
Còn tiểu đường type 2 sẽ phổ biến hơn ở người lớn, nhưng vẫn có thể xảy ra với trẻ em, đặc biệt là trẻ bị béo phì. Trái ngược với type 1, bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu liên quan lối sống và phát triển theo thời gian.
Tuy nhiên, dù là tiểu đường type nào thì nó vẫn sẽ mang đến nhiều biến chứng khó lường cho sức khỏe, đặc biệt là ở nhóm trẻ em khi hệ miễn dịch vẫn còn chưa hoàn thiện (Ảnh: Internet) |
Khi lượng đường trong máu cao, thị lực sẽ bị giảm dần. Nếu không có biện pháp khắc phục hạ đường huyết ngay hoặc để lâu dài, thì những mạch máu nhỏ trong mắt dễ bị nghẽn và bị bể trong lòng mắt dẫn đến mù lòa.
Những năm đầu vừa mới bị tiểu đường thường không có triệu chứng cụ thể, vì vậy gia đình nên thường xuyên phải đưa trẻ đi khám mắt định kỳ mỗi năm để có thể phát hiện sớm những nguy cơ có khả năng gây bệnh, nhằm điều trị kịp thời (Ảnh: Internet) |
Đường tắc nghẽn trong máu càng lâu thì các tác động gây ra càng xấu, chẳng hạn như làm hư các mạch máu nhỏ dẫn đến hư thận. Khi thận hư, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, người bị phù, khó thở do chất độc không được đào thải ra khỏi cơ thể. Một khi thận hư hoàn toàn thì chỉ còn cách là dùng máy lọc thận để duy trì tính mạng.
Mắc phải các bệnh lý tim mạch và đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, gây tử vong hàng đầu ở người bị tiểu đường. Bệnh có thể gây ra xơ vữa động mạch, gây hẹp - tắc mạch máu dẫn đến các biến chứng tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Tăng huyết áp rất thường gặp ở người bị tiểu đường, và người bệnh có thể gặp các biến chứng liên quan đến bệnh tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim,…
Biện pháp điều trị quan trọng đối với người bệnh kèm tăng huyết áp là cần phải vừa đảm bảo bình ổn cả chỉ số đường huyết lẫn chỉ số huyết áp, như vậy mới giảm được các biến chứng tim mạch và tỉ lệ tử vong.
Các vết thương trên cơ thể người bệnh đái tháo đường thường lâu lành hơn người bình thường không bị đái tháo đường. Đó là do khi lượng đường cao trong máu làm cơ thể người bệnh giảm sức đề kháng, từ đó vết thương dễ nhiễm trùng và khó lành hơn. Hơn nữa, đái tháo đường kiểm soát kém có thể dẫn đến biến chứng thần kinh gây ra mất cảm giác, bệnh nhân dễ bị vết thương hơn từ đó nhiễm trùng xâm nhập và lan rộng. Hậu quả có thể bị cắt chân nếu hoại tử nhiễm trùng nặng nếu điều trị không đúng cách.
Nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể ngăn ngừa mọi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ càng sớm càng tốt, các chuyên gia nhắc nhở cha mẹ nên lưu ý những điều sau:
1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ: cha mẹ nên hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều chất béo chuyển hóa (như khoai tây chiên, gà rán,...), thực phẩm chế biến sẵn và các loại thực phẩm có đường bổ sung (như kem, bánh ngọt, kẹo,...) vì đây đều là các tác nhân gây ra tình trạng béo phì, thừa cân ở trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên khuyến khích con ăn các thực phẩm có chứa protein nạc (có trong thịt bò, thịt heo,..), chất béo tốt (các loại cá béo, hải sản, trái bơ,...) và chất xơ (rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc nguyên cám,...) để vừa nạp được các dưỡng chất thiết yếu nhưng vẫn kiểm soát được cân nặng của con.
2. Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên: bên cạnh việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh, vận động thường xuyên cũng là “chìa khoá” giúp cha mẹ kiểm soát cân nặng của con một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường đề kháng và hệ miễn dịch cho con, hạn chế được mọi nguy cơ bệnh tật có thể tấn công.
Ở tuổi của trẻ, cha mẹ nên cho con theo học các hoạt động như võ thuật, bơi lội, bóng rổ, cầu lông, chạy bộ, aerobics,... để phát huy hết sự phát triển về thể chất và chiều cao (Ảnh: Internet) |
3. Tầm soát tiểu đường định kỳ: các chuyên gia khuyến nghị cha mẹ nên cho trẻ đi tầm soát tiểu đường 6 tháng/ lần, đặc biệt là những gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thì càng phải tuân thủ điều này. Vì nó sẽ giúp phát hiện các nguy cơ bệnh khởi phát sớm hơn, đồng thời có các biện pháp điều trị kịp thời và thích hợp.
Mong rằng các bậc phụ huynh sẽ luôn cảnh giác, chú ý đến tình trạng sức khoẻ của con nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ tiểu đường có thể xảy ra ở trẻ. Đồng thời tuân thủ chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh để giúp trẻ hạn chế được mọi nguy cơ bệnh tật khác chứ không chỉ là tiểu đường.
Xem thêm: Cảnh báo 2 nguyên nhân khiến sốt xuất huyết trở nặng và bí quyết phòng ngừa bệnh hiệu quả
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: