Trẻ em hôm nay

Chăm sóc trẻ em

Mổ cứu sống trẻ sinh non, nhẹ ký bị tắc ruột ngay khi rời bụng mẹ

MangYTe - Vừa rời khỏi bụng mẹ, bé gái sinh non ở tuần thứ 29, chỉ nặng 1,2kg được chẩn đoán tắc ruột ngay sau sinh. Các bác sĩ quyết định mổ khẩn. Hơn 2 tiếng đồng hồ khâu nối 4 đoạn ruột tí hon vừa giãn vừa teo, giải quyết thông tắc kịp thời.

Bé sơ sinh non tháng (tuần thứ 29), chỉ nặng 1,2kg bị tắc ruột ngay sau sinh vì do dị tật teo ruột non từ trong bụng mẹ - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tối 8-5, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết vừa phẫu thuật cứu sống kịp thời một trường hợp tắc ruột ở trẻ non tháng (tuần thứ 29), chỉ nặng 1,2kg do dị tật teo ruột non từ trong bụng mẹ.

Trước đó, tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), sản phụ L.T.A. (ngụ tỉnh Quảng Nam) buộc phải chấm dứt thai kỳ lập tức vì chuyển dạ sinh non, được mổ bắt con. Vì bào thai được theo dõi bị tắc ruột do dị tật teo ruột non từ trong bụng mẹ nên trẻ phải chuyển cấp tốc đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Đánh giá tình trạng trẻ rất nặng, các bác sĩ khoa hồi sức sơ sinh, gây mê phối hợp với khoa ngoại tổng hợp đã phối hợp khẩn gây mê, phẫu thuật cho bé.

Các bác sĩ tiến hành gây mê nội khí quản cho trẻ, đặt ống thông dạ dày giảm chướng bụng. Trong suốt quá trình gây mê, phẫu thuật trẻ được theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ, SPO2,… kết hợp bù nước điện giải, truyền dịch nuôi dưỡng.

Phẫu thuật viên tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ đoạn ruột teo và một phần đoạn phình ở trên rồi tái lập lưu thông tiêu hóa theo kiểu tận - bên có dẫn lưu, sinh thiết, lấy phân su và dẫn lưu hỗng tràng cách góc tá hỗng tràng ra da giải áp.

Sau phẫu thuật lần đầu 3 ngày bụng trẻ giảm chướng nhiều, dẫn lưu ruột hoạt động hiệu quả, vết mổ sạch được chăm sóc tốt.

ThS.BS Tạ Huy Cần - trưởng khoa ngoại tổng hợp, trưởng êkip mổ - nhận định đây là một trường hợp gây mê khó khăn vì trẻ non tháng, cân nặng thấp, chức năng hô hấp tuần hoàn chưa hoàn chỉnh nhưng phải quyết định mổ khẩn để thông suốt chỗ tắc, tránh để xoắn hay hoại tử ruột, nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân diễn tiến nhanh….

Hiện tại sau điều trị và chăm sóc tích cực tại khoa hồi sức sơ sinh, tổng trạng trẻ khá dần, thở máy hiệu quả, dinh dưỡng sữa qua đường ruột hoạt động tốt và có triển vọng, không nôn ọc, dẫn lưu ruột non cho dịch tiết.

Được biết, đây là trường hợp trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân nhất được gây mê và phẫu thuật đường tiêu hóa thành công tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và tại Việt Nam.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết teo ruột non bẩm sinh, hay sự bít tắc hoàn toàn lòng ruột non bẩm sinh, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh.

Nếu trẻ sơ sinh mắc bệnh teo ruột non và dẫn tới tắc ruột mà chưa được chẩn đoán từ trong bụng mẹ và can thiệp sớm thì các triệu chứng sẽ được phát hiện trong vòng một hoặc hai ngày sau khi sinh như: trẻ không chịu bú, bị nôn, bụng phình to

Trẻ cần được theo dõi, đưa đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để chẩn đoán, phẫu thuật cấp cứu nếu không trẻ có thể bị Tu vong hay để lại các biến chứng nặng liên quan đến dinh dưỡng, phát triển thể chất và chất lượng cuộc sống sau này.

XUÂN MAI

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/mo-cuu-song-tre-sinh-non-nhe-ky-bi-tac-ruot-ngay-khi-roi-bung-me-20200508205218491.htm)

Tin cùng nội dung

  • Hiện nay có nhiều quan điểm mới trong điều trị, đặc biệt là sự nhấn mạnh trong dự phòng sinh non, làm sao giảm hẳn tỉ lệ sinh non, giúp cho thai nhi được nuôi dưỡng tốt trong bào thai của người mẹ...
  • Trẻ đẻ non là những trẻ ra đời khi tuổi thai chưa đầy 37 tuần lễ, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng bất kể trọng lượng trẻ sinh ra là bao nhiêu (thường cân nặng dưới 2.500g).
  • Các bác sĩ BV Bạch Mai đã liên tiếp cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa bằng kỹ thuật hỗ trợ phổi nhân tạo (ECMO). Thành công này mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đồng thời cho thấy sự sáng tạo, tận tâm vì người bệnh của đội ngũ thầy Thu*c áo trắng.
  • Tan ca trực, chưa kịp ra đến cổng viện Nhi, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu nghe tiếng kêu cứu thất thanh của một bà mẹ đang run rẩy bồng trên tay bé gái nhỏ xíu.
  • Do quả hồng chứa khá nhiều tanin và pectin, nếu ăn lúc đói chúng sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày.
  • Đối với trẻ không nghe được, nếu không can thiệp kịp thời sẽ không nói được (điếc câm), trong khi thực chất bộ phận phát âm hoàn toàn bình thường.
  • Cháu bé Đinh Văn Rể ở tỉnh Quảng Ngãi đã 5 tuổi nhưng chỉ nặng 3 kg và cao 50 cm, yếu ớt chẳng khác trẻ mới sinh ra.
  • Thận ứ nước là một tình trạng bệnh lý bẩm sinh gây ra do sự hẹp hay tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang.
  • Trẻ sơ sinh là những sinh linh bé bỏng đáng yêu nhưng cũng là những đối tượng bí ẩn của khoa học. 5 thử nghiệm dưới đây được xem là độc đáo và thú vị lần đầu tiên được thực hiện ở nhóm đối tượng này.
  • Dây rốn và bánh nhau thường bị bỏ đi sau khi em bé ra đời. Tuy nhiên, một số cha mẹ quyết định trữ máu cuống rốn vì việc này có thể giúp ích khi trẻ bị bênh hiểm nghèo trong tương lai.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY