Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Mua thức ăn mang về lên ngôi trong mùa dịch, nhưng nếu không cẩn thận bạn có thể tự làm hại sức khỏe cả nhà

Dùng túi nilon để mua thức ăn mang về không còn xa lạ gì đối với các gia đình trong mùa dịch. Tuy nhiên ít ai biết rằng, thói quen tưởng chừng vô hại này lại có thể mang đến không ít những “phiền toái” cho sức khỏe của cả nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Thói quen đựng thức ăn bằng túi nilon rất có hại cho sức khỏe

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân ngày càng chuộng hình thức mua thức ăn mang về hơn bao giờ hết. Từ gói xôi, ổ bánh mì, đến những món nóng hổi như phở, cháo, hủ tiếu… đều được đựng trong những chiếc túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa... dùng một lần.

Không thể phủ nhận túi nilon, hộp nhựa có giá thành rẻ, tiện dụng, nhưng vẫn kèm theo không ít những tác hại không ngờ đối với sức khỏe.

Bạn biết không, với giá thành chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, túi nilon chủ yếu được làm từ nhựa PE hoặc nhựa PP và các chất phụ gia làm mềm dẻo tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại. Theo một số chuyên gia, nếu đựng thức ăn nóng có nhiệt độ từ 70-80 độ C, những chất phụ gia này sẽ phát sinh nhiều độc tố và ngấm vào thức ăn gây hại cho sức khỏe. Cụ thể, phthalates là một trong những chất phụ gia thường được dùng để tạo độ dẻo và đàn hồi cho túi nilon. Loại hóa chất này rất dễ ngấm vào thức ăn khi gặp nhiệt độ cao. Nếu chúng ta vô tình ăn phải, phthalates sẽ ngấm vào máu, tích tụ trong cơ thể và gây nên những bệnh nguy hiểm như: ung thư, vô sinh ở nam giới… Đó là chưa kể, một số loại túi còn có thể bị nhiễm vi sinh vật do quá trình khử trùng và bảo quản không đạt chuẩn. Đặc biệt, nhiều chuyên gia còn khuyến cáo người dân không nên đựng thức ăn trong những túi nilon nhiều màu sắc như màu đỏ, vàng, xanh… Vì các loại túi này chứa nhiều kim loại như chì, cadimi… có thể gây hại cho bộ não, cũng như tăng nguy cơ gây nên bệnh ung thư.

Bên cạnh đó, một số bao bì sản xuất từ nhựa tái chế kém chất lượng cũng có thể chứa chất DOP (hay còn gọi là Dioctin Phatalat). Đây là một chất vô cùng có hại đối với sức khỏe của trẻ nhỏ, cụ thể có thể khiến bé nam bị nữ tính hóa, tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé nữ.

Làm gì để hạn chế tác hại của túi nilon, nhựa khi mua thức ăn mang về?

Trước những tác hại của túi nilon, đồ nhựa, khi mua thức ăn mang về bạn nên tuân thủ những quy tắc sau để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình:

1. Khi mua hàng, hãy chủ động mang theo hộp đựng thực phẩm của mình để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa hạn chế rác thải xả ra môi trường.

2. Thay vì dùng đồ nhựa 1 lần sử dụng, bạn hãy ưu tiên sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như hộp thủy tinh, túi giấy, giỏ mây, túi vải, ống hút tre...

3. Trong trường hợp buộc phải dùng túi nilon, hộp nhựa/xốp của cửa hàng, bạn chỉ nên dùng chúng để đựng những món ăn nguội, lạnh. Với những món ăn nóng, chua cay, bạn cần chú ý chọn những loại hộp có chất liệu nhựa đặc, chịu được nhiệt độ cao.

4. Chỉ sử dụng hộp nhựa một lần, không nên tái chế.

5. Ưu tiên chọn những loại túi nilon không màu, trong suốt, bề mặt nhẵn, không bị xước.

Mách nhỏ cách bảo quản thực phẩm tươi lâu, tốt cho sức khỏe

Một lưu ý khác, chị em nội trợ cũng không nên dùng túi nilon để bảo quản rau củ trong tủ lạnh. Vì thói quen này có thể phát sinh mầm bệnh, khiến rau bị mất chất và dễ hỏng.

Để bảo vệ sức khỏe cả nhà, bạn nên bảo quản thức ăn trong túi, hộp đựng thực phẩm chuyên dụng.

Thay vì dùng túi nilon, chị em nội trợ nên dùng màng bọc thực phẩm/ túi/ hộp đựng thực phẩm chuyên dụng để bảo quản rau củ trong tủ lạnh. Ngoài ra, chị em cũng có thể áp dụng các cách sau để bảo quản rau quả đúng cách và khoa học hơn:

- Với rau xanh, chị em không nên rửa hay cắt nhỏ trước khi cho vào tủ lạnh vì điều này dễ khiến rau bị dập nát, hư hỏng, hao hụt dưỡng chất. Ngoài ra, chị em nội trợ cũng nên loại bỏ phần bị sâu trước khi cho vào tủ lạnh.

- Tách rau củ và trái cây vào từng túi, hộp đựng riêng biệt, tuyệt đối không nên để chung.

- Với các loại trái cây, chị em nên ưu tiên đặt theo chiều dọc, với phần cuống ngửa lên trên để giúp trái cây tươi lâu, ngon ngọt và tránh làm hao hụt vitamin.

- Cần chú ý, 3-7 ngày là thời gian lý tưởng để chị em nội trợ bảo quản thực phẩm.

- Lau dọn tủ lạnh thường xuyên để tránh lây nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm với nhau.

Mong rằng qua bài viết trên, bạn đã biết cách mua thức ăn mang về, bảo quản thực phẩm đúng cách, để từ đó giúp bữa ăn thêm ngon miệng, an toàn và lành mạnh nhé!

Ngọc Duyên

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/mua-thuc-an-mang-ve-len-ngoi-trong-mua-dich-nhung-neu-khong-can-than-ban-co-the-tu-lam-hai-suc-khoe-ca-nha-31142/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY