Về mặt cấu tạo, thể thủy tinh có 2 phần cơ bản là bao thể thủy tinh (bao bọc ở phía ngoài), và nhân thể thủy tinh ở phía trong. Khi bị đục thể thủy tinh, đa số các trường hợp bị đục nhân bên trong. Cũng có những trường hợp bị mờ đục cả nhân và bao thể thủy tinh.
Để điều trị các trường hợp đục thể thủy tinh, đến nay, chỉ có một phương pháp duy nhất là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ lấy bỏ phần nhân thể thủy tinh bị đục, sau đó thay thế bằng thể thủy tinh nhân tạo, đặt vào phần bao (vỏ) của thể thủy tinh. Nhờ vậy mà ánh sáng có thể đi vào trong mắt, hội tụ trên võng mạc, bệnh nhân lại nhìn thấy được.
Tuy nhiên, sau một thời gian, phần bao thể thủy tinh còn để lại có thể bị mờ đục, làm cho bệnh nhân nhìn mờ trở lại. Với những trường hợp này, các bác sĩ có thể dùng laze để cắt phần bao bị mờ đục, bệnh nhân lại nhìn được bình thường.
Như vậy có thể nói rằng, với các trường hợp đục thể thủy tinh, chúng ta không có biện pháp nào khác là phẫu thuật. Nếu không phẫu thuật bệnh nhân sẽ không thể nhìn lại được. Đục bao sau hoàn toàn có thể chữa được bằng laze hoặc phẫu thuật. Còn trường hợp teo gai thị như bác nêu trong thư thì hoàn toàn không liên quan gì đến việc điều trị bệnh đục thể thủy tinh. Đây là trường hợp ngẫu nhiên, bệnh nhân bị bệnh thứ hai ở mắt. Nếu không phẫu thuật thể thủy tinh, bệnh nhân vẫn có thể bị bệnh này. Chính vì vậy, người bị đục thể thủy tinh vẫn nên phẫu thuật để nhìn thấy ánh sáng.