Mọi thức ăn khi vào cơ thể đều phải đi qua gan để chuyển hóa. Gan đóng vai trò như một cái máy lọc để bảo vệ cơ thể khỏi những chất có hại và chịu trách nhiệm cho việc sản xuất, sử dụng các chất dinh dưỡng. Vì vậy mọi thứ được tiêu hoá đều có một ảnh hưởng đến gan: có tốt, có xấu. Đó là lý do tại sao mọi người cần ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe của gan, nhất là khi gan bị tổn thương.
Gan đóng vai trò như một cái máy lọc để bảo vệ cơ thể khỏi những chất có hại và chịu trách nhiệm cho việc sản xuất, sử dụng các chất dinh dưỡng |
Hiểu những vấn đề cơ bản về dinh dưỡng là cần thiết để chọn lựa thức ăn tốt cho gan. Dưới đây là những nguyên tắc dinh dưỡng mà những người được chẩn đoán mắc bệnh lý gan mật cần tuân theo để hạn chế những ảnh hưởng tới chức năng gan và giúp gan hồi phục tốt hơn:
1. Bệnh nhân gan mật phải giảm bớt lipid trong chế độ ăn:
Điều quan trọng ở những người bệnh gan là hạn chế tối thiểu việc hấp thụ lipid (chất béo) vào gan bằng cách tránh những thức ăn có thành phần mỡ cao như dầu ăn, mỡ động vật, các loại hạt như lạc, hạt điều, hạt dẻ…. Chất béo khi được dung nạp vào cơ thể sẽ bài tiết ra ngoài ở gan. Do đó nếu sử dụng quá nhiều lipid sẽ gây gánh nặng cho gan. Gan không thể bài tiết mỡ, dẫn đến tích tụ và gây bệnh cho cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân cần loại trừ ngay chế độ ăn có nhiều mỡ.
2.Nên tăng Glucid trong chế độ ăn của bệnh nhân gan mật
Thức ăn chứa nhiều glucid chủ yếu là thực phẩm chứa tinh bột điển hình là gạo, khoai, sắn, bột mỳ |
Bình thường, một phần glucid (chất bột đường) của chế độ ăn được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen, chức năng dự trữ và chuyển hoá glycogen rất quan trọng vì nó giúp gan đảm nhiệm được vai trò giải độc chống lại các yếu tố độc hại xâm nhập qua đường tiêu hóa. Đồng thời, nó làm giảm độc tính và thải trừ một số chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Khi gan bị tổn thương thì glycogen trong gan bị giảm đi, do đó chế độ ăn cần phải có nhiều glucid để tạo ra nhiều glycogen.
Trong sinh lý bệnh học người ta cũng đã chứng minh: lipid và glycogen là hai chất có tỷ lệ trái ngược nhau trong gan, chất này nhiều thì chất kia sẽ ít đi. Vậy chế độ ăn nhiều glucid không những cung cấp glycogen cho gan mà lại còn làm chậm sự xâm nhập lipid vào gan.
Một số loại thức ăn chứa nhiều glucid chủ yếu là thực phẩm chứa tinh bột điển hình là gạo, khoai, sắn, bột mỳ…
3. Tăng Protein
Sự tái tạo tế bào, trong đó có tế bào gan cần phải có nhiều protein. Một chế độ ăn nhiều lipid hoặc chế độ ăn ít protein sẽ dẫn đến sự thoái hoá mỡ của gan. Vì vậy, bệnh nhân gan mật cần có chế độ ăn tăng protein để có thể bảo vệ gan, chống ngộ độc do asen, clorofoc, tetraclorua cacbon.
Người ta đã chứng minh chất cholin methionin có thể chống lại sự xâm nhập mỡ vào gan . Methionin là một acid amin cần thiết, nó giúp cho tổng hợp cholin.
Methionin và cholin được gọi là các chất tiêu mỡ vì nó có tác dụng chuyển các chất lipid từ gan đến các kho dự trữ mỡ ở dưới da. Không có những chất này thì mỡ sẽ tụ lại trong tế bào gan gây thoái hoá mỡ. Chúng có đặc tính này nhờ có gốc metyl trong công thức hoá học, methionin còn có nguyên tử S (lưu huỳnh) có khả năng chống độc, chính vì thế mà methionin được coi là một “acid amin bảo vệ gan”.
Bênh nhân gan mật có thể tăng protein trong chế độ ăn uống bằng cách bổ sung các loại thịt, cá, tôm, cua và một số loại hạt như đậu, lạc, vừng.
Người mắc các bệnh lý gan mật cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học để hỗ trợ điều trị bệnh, kiểm soát các triệu chứng bệnh và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: