Bạn sẽ không thể nào hạnh phúc nếu lệ thuộc vào một mối quan hệ, một kỳ nghỉ mát, một công việc hay tiền bạc... Đức Phật đã từng nói, “Bình yên đến từ bên trong. Đừng cố công tìm kiếm bên ngoài”.
Sự thật là chúng ta không thể kiểm soát những gì xảy đến với mình nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được cách chúng ta nhìn nhận những gì xảy đến với mình.
Mỗi ngày, điều mà tất cả chúng ta đối diện là cuộc chiến bên trong tâm của mình. Nếu bạn đang cảm thấy tiêu cực và bị đánh bại bởi các ý nghĩ thì bạn đã thua cuộc rồi. Hãy cố gắng tích cực và lạc quan một cách hợp lý. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt trong cách chúng ta cảm nhận về mỗi ngày đi qua của mình.
Hãy thành thật, hầu hết chúng ta đều muốn được tưởng thưởng mà không phải đối diện bất kỳ một nguy cơ hay rủi ro nào - “một sự tỏa sáng không cần qua nhào giũa”. Nhưng bạn không thể chạm chân đến đích mà không đi qua một hành trình. Bạn phải đầu tư thời gian và năng lượng vào nơi bạn đang muốn đến, vào việc bạn đang làm.
Khi bạn nỗ lực tìm ra mục đích cuộc đời mình, thay vì hỏi điều gì bản thân thấy đam mê, hãy hỏi rằng: “Điều gì xứng đáng cho những khổ đau?” - Câu hỏi này sẽ giúp bạn sáng tỏ điều gì là xứng đáng cho sự chiến đấu của bản thân.
Chúng ta ai cũng có những khao khát. Đó là bản chất tự nhiên của con người. Tuy nhiên, theo Đức Phật - tham dục và dính mắc là những nguyên nhân dẫn đến khổ đau.
Tại sao lại thế? - Là vì bạn dính mắc chính bản thân mình với một kết quả được đặt định trong khi thế giới này luôn không ngừng biến chuyển. Ví dụ, bạn nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc khi mua được một chiếc điện thoại mới, nhưng sự hân hoan trải nghiệm được chỉ là một cảm xúc không trọn vẹn và trước khi bạn biết ra điều này, sự thay đổi đã diễn ra và bạn lại ở trong vòng quay của ham muốn.
Nếu bạn dựa vào những sự dính mắc bên ngoài để làm cho mình hạnh phúc, bạn sẽ chỉ cảm thấy thất vọng mà thôi. Bạn sẽ không thể nào có được tất thảy những gì mình mong muốn. Hạnh phúc chỉ có thể đến từ bên trong mà thôi.
Làm sao để dẹp bỏ được tham dục và những sự dính mắc? - Bạn không thể loại bỏ được tham dục một cách hoàn toàn nhưng có thể hạn chế chúng. Bất cứ khi nào đối diện với điều bản thân mong muốn, hãy tự hỏi: “Tôi có thật sự mong muốn điều này chăng, hay chỉ là sự mong muốn thoáng qua?”.
Các ý nghĩ đến và đi một cách liên tục. Đó là tự nhiên. Đau khổ có mặt khi chúng ta tự dính mắc chính mình vào các ý nghĩ của bản thân. Thực tế là, các suy nghĩ của chúng ta không thật sự có ý nghĩa và chúng không đại diện cho chúng ta. Khi bạn dừng lại và quan sát các suy nghĩ của mình, bạn sẽ nhận ra rằng chúng không thể là chính bạn.
Một người nổi tiếng đã đúc kết rằng: “Một sự giải thoát cần nhận diện là ‘tiếng nói trong tâm tôi’ không phải là bản thân tôi. Thế thì tôi là ai? - Tôi chính là người nhìn thấy được điều đó”.
Đôi khi chúng ta đau khổ vì một người nào đó. Dù là trong các mối quan hệ hay công việc, không phải tất cả mọi người đều đáng tin cậy. Điều này nhấn mạnh đến lợi ích của việc xây dựng các mối quan hệ thật sự ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi người. Và cách duy nhất để làm được điều này chính là “trông cậy” vào chính bản thân mình.
Nếu bạn không chấp nhận bạn là người yêu thương mình nhất hay bạn là người yêu thương bản thân thì bạn sẽ không thể có những bước tiến tốt đẹp nhất. Bạn sẽ luôn là người hoài nghi và tin rằng mình không có đủ phẩm chất và khả năng cho điều gì đó. Tuy nhiên, nếu muốn có bình yên nội tại, bạn cần yêu thương chính mình.
Tất cả chúng ta đều già đi. Chúng ta không thể kiểm soát điều này. Tuy vậy, điều chúng ta kiểm soát được chính là cách chúng ta phản hồi lại sự già đi của mình. Nếu chúng ta suy sụp khi xã hội không còn “thấy chúng ta hấp dẫn nữa” thì đó chính là lỗi của bản thân ta.