Rượu đi trước đái tháo đường theo sau
Là một kỹ sư xây dựng, anh Lê Văn Bảy trú ở P.13, Q.Tân Bình, Tp.HCM thường xuyên phải đi công tác. Trong những lần đi công tác thực tế kiểm tra công trình với các anh em ở công trường lần nào cũng được mời uống rượu. Mặc dù công việc vẫn hoàn thành nhưng đi nhiều cộng với uống nhiều rượu nên anh Bảy không béo được.
Với những dân làm xây dựng phải đi nhiều xa nhà thường xuyên như anh rượu là “người bạn” không thể thiếu. Mà uống rượu với anh lúc nào cũng có lý do rất “chính đáng”. Anh em lâu ngày gặp nhau uống chén rượu, buồn nhớ nhà cũng uống, đi tiếp khách cũng phải uống, liên hoan mừng thành công cũng uống, mà gặp khó khăn cũng uống cho quên sầu… Và chẳng biết từ khi nào trong bữa cơm của anh không thể thiếu chén rượu. Anh bảo uống chén rượu thấy người nó khẻo hơn, tinh thần làm việc hăng hái, minh mẫn lắm.
Lưu ý nếu bắt buộc phải uống - Ăn cơm trước khi uống rượu. - Uống ít, trung bình 1-2 ly nhỏ/ngày. - Nên uống rượu vang nguyên chất hoặc rượu mạnh hẳn: Tránh uống rượu khai vị, rượu ngọt và bia. - Có thể uống rượu mạnh với 1 cốc nước lớn. |
Việc uống rượu của anh kéo dài trong nhiều năm. Gần đây anh không may bị tai nạn trên công trường làm gẫy chân phải đi bệnh viện cấp cứu. Sauk hi khám cấp cứu cho cái chân của anh. Bác sỹ yêu cầu anh làm các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe. Bấy giờ anh mới biết mình bị đái tháo đường tuýp 2. Bác sĩ yêu cầu anh phải dừng ngay việc thường xuyên uống rượu và phải thực hiện lối sống ăn ít chất đường.
Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Công ở P.Thượng Đình, Q. Thanh Xuân, Hà Nội cũng khiến người thân và bạn bè một phen hoảng hồn. Anh bị đái tháo đường nhưng vì không kiềm chế được việc uống rượu trong buổi họp mặt anh em đồng môn thời đại học mà anh suýt nữa thì “đi gặp ông bà ông vải”.
Chuyện là bạn bè lâu ngày mới gặp nhau vui quá anh uống khá nhiều, mặc dù biết mình có bệnh nhưng phần vì nể bạn, phần vì anh nghĩ uống một chút chắc không có vấn đề gì.
Quả đúng là uống xong anh vẫn bình thường. Nhưng đến buổi tối khi đi ngủ anh lại bị hạ đường huyết. Rất may, vợ anh đã nhanh chóng phát hiện khi anh bị co giật. Lay mãi không thấy chồng tỉnh dậy chị gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện trong tình trạng đã bị hôn mê.
Các bác sĩ chẩn đoán anh bị hôn mê do hạ đường huyết. Sau khi điều trị trong bệnh viện hơn một tháng trời sức khỏe anh Công đã bình phục nhưng anh vẫn bị các di chứng do bệnh để lại. Anh hay bị chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, thỉnh thoảng lại bị các cơn co giật kiểu động kinh.
Uống mà không ăn dễ hạ đường huyết
BS. Lâm Đình Phúc (Chủ tịch Hội Đái tháo đường Hà Nội) cho biết: Đối với những người uống rượu thường bỏ bữa, không ăn điều này rất không tốt cho sức khỏe. Uống rượu trong lúc bụng đang đói cơ thể sẽ bị hạ đường huyết. Thông thường nếu đường huyết của cơ thể hạ xuống quá thấp, gan sẽ đưa thêm glucose vào máu từ glycogen dự trữ trong gan.
Nhưng nếu có một lượng rượu nào đó trong cơ thể, gan sẽ xem rượu như là chất độc và tìm cách tống nó ra ngoài. Trong lúc gan đang bận thải trừ rượu, đường huyết có thể xuống thấp đến mức độ nguy hiểm. Nguy hiềm hơn đó là tìn trạng say rượu và hạ đường huyết có biểu hiện giống nhau như mệt mỏi, đau đầu, chân tay run… Nên khi say rượu nhiều người không phân biệt được để có cách xử lý kịp thời điều này rất nguy hiểm.
Việc thường xuyên uống một lượng rượu lớn sẽ khiến tụy bị suy yếu, gây rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như sỏi tụy, cổ trướng… và đặc biệt là đái tháo đường. Lạm dụng rượu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn tính. Theo thời gian, tụy giảm sản xuất các men tiêu hóa, dẫn tới kém hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, calci lắng đọng gây sỏi. Tụy yếu cũng gây thiếu insulin, dẫn đến đái tháo đường. Tính từ lúc tụy bắt đầu viêm cho đến khi bệnh đái tháo đường xuất hiện thường mất chừng vài năm.
Cũng theo bác sĩ Phúc bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường đang phải điều trị bằng cách tiêm insulin mà uống rượu nhưng lại không ăn, hoặc ăn ít sẽ rất dễ bị hạ đường huyết. Bởi sau bữa ăn nồng độ đường trong máu được duy trì ở mức bình thường nhờ lượng đường do gan sản xuất, nhưng khi uống rượu vào quy trình này sẽ bị rượu ức chế.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường uống rượu cũng sẽ làm tình trạng hạ đường huyết nặng hơn và khó hội phục hơn so với những người bình thường. Việc uống rượu cũng làm tăng các biến chứng do bệnh đái tháo đường như tim mạch…
Không riêng gì với những người bị đái tháo đường mà với hầu hết mọi người cũng nên không uống rựơu nếu chưa ăn. Người có bệnh đái tháo đường nên tự kiểm tra đường huyết sau khi uống rượu khaonrg một giờ đẻ biết minh có nguy cơ bị tăng hay hạ đường huyết hay không. Để có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Với những người có bệnh đái tháo đường mà uống rượu phải theo dõi huyết áp, cân nặng đều đặn. Nếu thấy tăng (nhất là huyết áp) thì nên ngừng uống.
Khi đang dùng thuốc hạ đường huyết thì không nên uống rượu. Nếu bệnh nhân đái tháo đường đang dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của bác sỹ, phải ngừng uống rượu hoàn toàn. Nếu đang tiêm insulin mà trong ngày có uống rượu phải thử đường huyết trước khi đi ngủ. Nếu kết quả dưới 7mmol/l thì nên ăn thêm. Nếu không thử được nên ăn thêm đồ ăn có tinh bột để tránh nguy cơ hạ đường huyết lúc nửa đêm. Nếu bệnh nhân đái tháo đường bị nghiện rượu nên đến ngay các chuyên khoa đái tháo đường, dinh dưỡng và tâm lý để được hướng dẫn và giúp đỡ bỏ rượu.
D.H
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: