12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Tiết lộ gây sốc về công nghệ trồng rau siêu bẩn

Dù thế mọi người cũng không thể sống thiếu rau, và tìm đỏ mắt ngoài chợ không thấy rau sạch, mà nếu có rau được coi là sạch thì số lượng cũng chẳng thấm gì với nhu cầu tiêu thụ và giá cả cũng đắt hơn mong muốn của đại đa số người tiêu dùng.

Đối với thủ đô Hà Nội, thì nguồn cung cấp rau chính vẫn là những khu vực ngoại thành như Tây Tựu, Thanh Trì, Gia Lâm… với công nghệ trồng rau luôn “tiên tiến” và được các hộ nông dân “áp dụng tích cực” hơn rất nhiều. Để đốt cháy giai đoạn, các hộ trồng có đủ cách để từ lúc trồng cho đến lúc đẩy rau ra thị trường luôn được nhanh nhất, vừa rẻ vừa tiết kiệm với phương châm “kệ, miễn là nhà mình không ăn!”.

Phóng viên có một cô bạn gái khá thân ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, gia đình là một trong những hộ trồng rau lớn ở đó, chuyên cung cấp cho thị trường Hà Nội. Nhờ đó, phóng viên cũng đã nhiều lần mục sở thị công nghệ trồng rau siêu bẩn, siêu tốc của các hộ gia đình ở đây

Bản thân người trồng cũng không dám ăn

Tất nhiên, gia đình cô bạn ấy cũng quán triệt nguyên tắc: không ăn rau được trồng trên những thửa ruộng ấy, mà trồng riêng mấy luống rau trong vườn chỉ đủ cho nhu cầu của gia đình với tiêu chí: không phun thuốc, không tưới phân…

Theo người dân ở đây, lúc còn non, thì rau muống, mùng tơi, các loại rau cải hay bất kỳ loại rau nào cũng phải tưới. Và cứ cuối giờ chiều mỗi ngày, phóng viên lại được chứng kiến kiểu tưới rau siêu bẩn từ việc dùng nước từ những cống, rãnh đầy chất thải, cho đến nước sông Tô Lịch đen ngòm để tưới cho rau muống, mùng tơi, hành… cho đến việc mang phân tươi hay ủ các loại phân để chăm sóc.

Hầu như nhà người dân trồng rau nào ở Vĩnh Quỳnh cũng có hố ủ phân đầy ruồi bọ hay cảnh người nông dân gánh nước từ những con mương đen xì, toàn rác tưới cho những luống hành, rau thơm xanh mơn mởn.

Bên cạnh việc bón phân, thì công đoạn sử dụng các loại hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng luôn được áp dụng triệt để. Chị TH, một nông dân trồng rau ở đây cho biết, ngoại trừ trồng rau cho nhà ăn thì các hộ nông dân trồng rau bán hầu hết đều cần đến các loại thuốc trừ sâu, chất biến đổi gen di truyền cho rau màu như Ga3 (Giberelin), “viên sủi”... Bên cạnh đó, còn có những loại thuốc trôi nổi, có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tuy không có nhãn mác, nhưng rất dễ tìm ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật với giá rất rẻ, chỉ khoảng 10-15 nghìn đồng/ gói. Các hóa chất được sử dụng tràn lan, nhất là trong những ngày cận thu hoach. Kết quả của nó là những mớ rau mơn mởn, mỡ màng, trong rất ngon mắt. Không những thế, thời gian sinh trưởng của cây trồng cũng được rút ngắn hơn so với cách trồng rau thông thường từ 10-15 ngày.

2h sáng, cô bạn lại dẫn tôi ra ruộng rau của gia đình. Cô cho biết vì đầu giờ sáng thu hoạch nên đây là lúc phải bón thuốc cho rau được đẹp mã, dễ bán. Hai gói phân bón Toponsu được pha trong thùng cỡ 20 lít nước, thêm một gói bột trắng sền sệt khuấy đều, rồi trút vào bình xịt.

Cô cho biết: “Toponsu là phân bón chất lượng cao, chỉ giữ cho gốc rau có thêm chất dinh dưỡng ổn định. Còn muốn cho tăng trưởng nhanh thì hòa thêm nửa ký thuốc tăng trưởng của Trung Quốc, rau lớn như thổi”. Gia đình cô mua thuốc này ở chợ Long Biên, không biết tên là gì vì bao bì đã bị lột hết.

Đặc biệt, các loại rau cần tươi xanh như bắp cải, xà lách, ngải cứu… đều cần phải rưới lên 1 loại hóa chất thường gọi là “viên sủi” có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuốc được phun 1 lần với nồng độ đặc.Rau chỉ cần khoảng 3-5 ngày kể từ lúc mọc mầm, rưới thuốc… đã có thể thu hoạch bán. Hoặc đậu quả rất có thể dùng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu cận ngày thu hoạch. Chưa đủ thời gian để nó phân hủy hết chất độc hại, các sản phẩm rau củ này đã được bán cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là kết thúc. Để đến với người tiêu dùng, rau xanh còn bị “xử đẹp” một lần nữa. Rau bẩn, rau có mùi à! Không lo, khi ra chợ người bán nào cũng có những chiêu “phù phép", tưới lên rau bằng tất cả các loại nước mà người bán tận dụng được ở chợ đến những bí quyết pha một số loại thuốc vào nước rưới lên để giúp rau tươi, rau xanh. Trong đó, phổ biến vẫn là dùng nước lạnh hòa với thuốc B1 hoặc viên C.

Thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng

Cô bạn tôi luôn nhắc nhở: “đừng có chê rau nhiều sâu, hoặc nhìn không đẹp, chính đó mới là loại rau an toàn. Còn bó rau nào nhìn to mà cầm lên thấy nhẹ, lá rau thì xanh mướt, hay rau muống trắng nõn là chắc chắn đã dùng thuốc trừ sâu, hóa chất kích thích tăng trưởng”.

Tuy nhiên, khảo sát qua một loạt các chợ trên địa bàn Hà Nội, thì sạp hàng nào cũng thấy rau xanh mơn mởn. Hình như người bán nào cũng hướng tới tiêu chí rau tươi, non… mà không cần quan tâm trong đó chứa những gì. Mang vấn đề này ra hỏi một bà nội trợ tên T.L mà phóng viên gặp tại chợ Dịch Vọng thì nhận được một cái lắc đầu ngao ngán: "Rau xanh thì không thể tẩy chay được, nên có lẽ chỉ còn cách nhắm mắt làm ngơ nếu muốn tiếp tục ăn rau hay chấp nhận chi thêm tiền mua rau trong siêu thị hay các cửa hàng rau sạch để mua lấy sự yên tâm!".

Trước tình trạng rau nhiễm bẩn, hầu hết các cơ quan quản lý như: Cục bảo vệ thực vật, Trung tâm kiểm nghiệm VSATTP hay Viện nghiên cứu Rau quả…. đều nhanh chóng vào cuộc để điều tra, kiểm nghiệm. Và hầu hết đều đưa ra những kết luận tương tự nhau về tác hại mà người tiêu dùng dễ mắc phải khi ăn các loại rau xanh có chứa độc tố, chất kích thích chưa phân hủy hết… tác hại nhãn tiền là gây ngộ độc, và khi các hóa chất độc hại này ngấm dần vào cơ thể người ăn có thể dẫn đến các bệnh nan y như ung thư…và bao nhiêu thứ khác.

Tuy nhiên, dù nói bao nhiêu lần về rau bẩn, rau hóa chất… thì nó vẫn cứ luôn là vấn đề gây sốt xình xịch cho đến hiện tại. Đề giải quyết được tình trạng này, thì vẫn theo kiểu: biết rồi, khổ lắm nói mãi… Nhưng nói mãi vẫn cứ thế!.

MH (ghi)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/tiet-lo-gay-soc-ve-cong-nghe-trong-rau-sieu-ban-16570/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY