Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường, là căn bệnh mãn tính khiến lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể của bạn bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến bạn mắc bệnh tiểu đường
Ở bệnh nhân tiểu đường, cơ thể không chuyển hóa các chất đường bột từ thực phẩm một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng cho cơ thể khiến lượng đường tích tụ trong máu tăng cao.
Khi lượng đường trong máu vượt mức an toàn và thường xuyên duy trì ở ngưỡng cao thì bạn đã mắc tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, tổn thương ở mắt, thận, thần kinh và nhiều bệnh nghiêm trọng khác.
Có thể phân tiểu đường thành 2 loại:
Tiểu đường type 1: Người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. Tiểu đường típ 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.
Tiểu đường type 2: Những người bị tiểu đường type 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90% đến 95% người bị tiểu đường trên thế giới là type 2.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc tiểu đường
Khi phát hiện mắc bệnh tiểu đường, ngoài việc tuân thủ tuyệt đối theo phác đồ điều trị của các bác sĩ, người bệnh còn phải thay đổi ngay thói quen ăn uống hàng ngày.
Bạn cần thiết lập chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng và hạn chế hấp thu đường để tránh khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Người bệnh đái tháo đường cần lựa chọn và biết cân đối chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với vận động để có được cuộc sống khỏe mạnh.
Mục đích của thực đơn ăn kiêng là không làm đường huyết tăng sau mỗi bữa ăn mà vẫn đảm bảo yếu tố đầy đủ dinh dưỡng. Bệnh nhân đái tháo đường nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa, tốt nhất là từ 5-6 bữa/ngày
Bệnh nhân tiểu đường cần biết cách tổ chức các bữa ăn cho mình, những thức ăn thông dụng nhất trong các bữa ăn hằng ngày ở nước ta là: cơm, thịt lợn, rau xanh, dầu mỡ.
Đối với cơm, có thể thay thế bằng bún, bánh phở, miến, bánh canh, bánh cuốn, ...
Đối với nhóm béo: Nên chọn dầu thực vật như dầu vừng, nành, gấc… (trừ dầu dừa, dầu cọ), mỗi tuần nên ăn ít nhất 2 lần mỡ cá. Tránh dùng mỡ động vật (mỡ gà, lợn, bò, cừu), bơ, magarin, da, óc lợn, đồ lòng, phủ tạng (tim, gan, cật).
Đối với nhóm đạm: Nên chọn thịt nạc bỏ da, nên ăn cá và hải sản, đạm thực vật như đậu, đậu que, nấm… Người bị suy thận thì phải ăn ít chất đạm theo yêu cầu của bác sĩ.
Bệnh nhân tiểu đường cần có chế độ dinh dưỡng cân đối
Những món ăn tốt cho người mắc bệnh tiểu đường
1. Nấm xào cải xanh và bắp non
Nấm, cải xanh và bắp non đều là các loại rau chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ và ít năng lượng vì thế rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, món ăn này còn phù hợp với người mắc bệnh động mạch vành, máu nhiễm mỡ hoặc cao huyết áp.
Chuẩn bị:
- 350g cải xanh: làm sạch và thái khúc
- 6 tai nấm hương tươi: cắt bỏ cuống, ngâm qua nước muối pha loãng
- 50g bắp non
- 1 củ hành tím: lột vỏ và băm nhỏ
- Gia vị: 1/3 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt và ít dầu ăn
Cách nấu:
Phi thơm hành tím với ít dầu, cho nấm vào xào. Khi nấm chuyển màu chín, cho tiếp phần bắp non và rau cải xanh vào xào cùng. Nêm lại gia vị và tắt bếp.
2. Nhộng tằm xào lá chanh
Nhộng tằm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao lại có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu hiệu quả. Do đó, món ăn này rất phù hợp với bệnh nhân tiểu đường cả tuýp 1 và tuýp 2.
Chuẩn bị:
- 100g nhộng tằm: rửa sạch và xóc ráo nước.
- Vài lá chanh tươi: rửa sạch và thái sợi
- Gia vị: 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cá phê nước mắm ngon, 1/2 muỗng bột ngọt và 2 muỗng cà phê dầu ăn.
Cách nấu:
Làm nóng dầu, sau đó cho nhộng tằm vào xào săn với lửa nhỏ. Khi nhộng chín, nêm nếm gia vị và rắc lá chanh vào đảo đều. Tắt bếp sau khoảng 3 phút.
3. Thịt heo xào hành tây
Món ăn này không chỉ tốt cho thận mà còn giúp giảm đường huyết hiệu quả. Đây là món ăn nên đưa vào thực đơn của người bị tiểu đường hay mắc chứng nóng gan, người có bệnh thận hoặc bệnh ở bàng quang.
Lưu ý với bệnh nhân tiểu đường nên chọn phần thịt nạc, tránh ăn nhiều mỡ động vật.
Chuẩn bị:
- 2 củ hành tây: lột vỏ và thái múi cau
- 100g thịt nạc: thái mỏng
- Đầu hành lá: rửa sạch và băm nhỏ
- Gia vị: 1 muỗng cà phê tương, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt và 2 muỗng canh dầu
Cách nấu:
Phi thơm đầu hành với ít dầu nóng, sau đó cho thịt heo vào xào săn. Khi thịt chuyển săn, cho tiếp phần hành tây vào đảo đều. Nấu khoảng 3 phút, nêm nếm gia vị và tiếp tục đảo đều thêm lần nữa trước khi tắt bếp.
4. Thịt heo nạc xào cần tây
Cần tây có tác dụng rất tốt trong việc ổn định đường huyết và huyết áp nên được khuyến khích sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường. Bạn nên thêm món ăn này vào thực đơn hàng ngày để vừa đảm bảo dinh dưỡng lại tốt cho việc điều trị bệnh.
Chuẩn bị:
- 50g thịt heo: rửa sạch và thái nhuyễn
- 300g rau cần tây: cắt bỏ rễ, rửa sạch và cắt khúc
- 1 quả trứng gà
- 15g khoai mài khô: rửa qua nước và để ráo
- Vài lát gừng tươi thái nhuyễn
- 10 bột năng
- 1 củ hành tím băm nhỏ
- Gia vị: 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt và 2 muỗng cà phê dầu ăn.
Cách nấu:
- Cho khoai mài vào chảo với ít nóng và xào đến đi chín mềm, sau đó cho cần tây và gừng vào đảo đều. Nêm với ít muối, bột ngọt cho vừa miệng trước khi tắt bếp.
- Trộn đều phần thịt heo, bột năng với trứng gà và ít muối.
- Khử dầu nóng với ít hành, sau đó cho hỗn hợp thịt vào đảo đều. Khi thịt chín, trút phần khoai đã xào vào đảo đều.
5. Cơm kê
Món cơm này rất thích hợp dùng trong bữa sáng. Hạt kê không chứa nhiều tinh bột, lại giàu chất dinh dưỡng giúp ổn định đường huyết cho người mắc tiểu đường.
Chuẩn bị:
- 1 lon kê (dùng lon sữa bò để đong): ngâm trong nước khoảng 3 tiếng trước khi nấu
- Vài lá dứa
Cách nấu:
Sau khi ngâm, đem rửa kê lại một lần nữa trước khi đồ thành xôi. Khi kê chín, cho lá dứa lên trên mặt, đồ thêm khoảng 5 phút để xôi dẻo và có mùi thơm.
6. Cháo bí đao
Bí đao có tính mát, giúp lợi tiểu, mát gan rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. Món cháo bí đao còn giúp duy trì vóc dáng cân đối, phù hợp với người thừa cân, béo phì.
Chuẩn bị:
- 1 trái bí đao (khoảng 100g): gọt vỏ, bổ làm bốn và cắt miếng nhỏ
- 1/2 lon gạo tẻ: vo sạch và để ráo
- 1 muỗng cà phê muối
Cách nấu:
Rang gạo để chín một phần. Sau đó, cho thêm nước nấu thành cháo. Khi cháo bắt đầu nở, cho bí đao vào nấu cùng. Khi cháo mềm, cho thêm muối vào và tắt bếp.
7. Cháo rau cần tây
Rau cần tây được các chuyên gia khuyên rằng rất tốt cho người bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Bên cạnh đó rau cần tây còn tốt cho những người bị thừa cân, béo phì, người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
Chuẩn bị:
- 50g cần tây tươi: cắt bỏ rễ và thái khúc
- 1/2 lon gạo tẻ: vo sạch và để ráo
- Ít muối
Cách nấu:
Sau khi gạo ráo nước, cho vào nồi rang qua để gạo chín một phần. Kế đến, đổ thêm nước vào nồi và nấu thành cháo. Khi cháo chín mềm, cho cần tây vào tô và múc cháo lên trên để làm chín cần tây.
8. Canh tía tô, rau thơm
Tía tô là loại rau có khả năng tán hàn giải biểu, giàu chất dinh dưỡng và có nhiều công dụng tốt với sức khỏe. Bên cạnh đó tía tô còn giúp cân bằng đường huyết rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.
Chuẩn bị:
- 10g mỗi loại gia vị: húng quế, húng lủi, kinh giới…
- 30g tía tô: nhặt lấy lá
- 100g tôm nõn
Cách nấu:
- Giã tôm nát và thả vào nồi nước sôi.
- Kế đến, cho tất cả các loại rau thơm và tía tô vào nấu chín. Sau đó, dùng nước canh này ăn mỗi ngày một bữa. Dùng cách nhau 3 ngày và dùng liên tục trong tháng.
9. Cá chép hầm đậu đỏ
Theo các bác sĩ, bệnh nhân tiểu đường nên tăng cường ăn các loại cá. Bởi cá có hàm lượng dinh dưỡng cao, cân bằng, không chứa nhiều cholesterol hay các chất béo có hại khác.
Bạn có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau từ cá để thêm vào thực đơn hàng ngày. Trong đó cá chép hầm đậu đỏ là món ăn phù hợp với mọi loại bệnh tiểu đường.
Chuẩn bị:
- 1 con cá chép: làm sạch và mổ một đường ở bụng cá
- 100g đậu đỏ: ngâm nước trước lúc nấu khoảng 4 tiếng
- 5g trần bì
- 5g thảo quả
- 3 trái ớt đỏ
- Vài lát gừng tươi
- Ít đầu hành lá
- Gia vị: 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng cà phê hạt nêm
Cách nấu:
Nhồi trần bì, thảo quả vào bụng cá. Sau đó nấu nồi nước đậu đỏ đến khi đậu hơi mềm thì cho cá vào hầm. Nhớ thêm ít gừng, ớt đỏ, đầu hành lá và gia vị vào nước hầm. Sau khoảng 60 phút, cá chín mềm, múc ra dùng nóng.
Như Quỳnh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: