Y khoa không dùng bột xương hổ
Anh Nguyễn Văn Hà, 57 tuổi, Khu Phú Mỹ Hưng, Tp.HCM bị đau xương khớp. Do đó anh đã bỏ ra gần 100 triệu đồng nhờ người quen biết mua hai chiếc xương bánh chè hổ về uống. Anh nghe nói, bột mài từ xương bánh chè hổ sẽ trị khỏi bệnh đau sưng xương khớp chỉ sau hai giờ; Thậm chí bột xương hổ còn có công dụng bổ thận tráng dương, hồi xuân, tăng cường tuổi thọ…Tuy nhiên, dùng chưa hết một cái xương bánh chè hổ, chân chưa khỏi đau thì anh đã thấy mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu nhiều lần... Anh đi khám thì được chẩn đoán bị suy thận độ 3, phải chạy thận nhân tạo mặc dù trước đó anh không có tiền sử bệnh gan, thận.
Bác sỹ Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cảnh báo thông tin bột mài từ xương bánh chè hổ có tác dụng chữa bệnh thấp khớp, xương khớp xưng đau hay bồi bổ tăng cường sức mạnh... chỉ là lời đồn thổi dân gian chưa được kiểm chứng. Thực tế trong các sách Đông y trong và ngoài nước đều không nói đến chuyện mài xương hổ để uống mà chỉ đề cập đến việc dùng để nấu cao.
Việc mài xương bánh chè hổ ra uống theo bác sỹ Hướng là rất độc vì sẽ ảnh hưởng tới gan và thận. Trong thành phần hóa học của xương hổ gồm: calci, phosphor, protein, chất keo (khi thủy phân sẽ sinh ra các acid amin). Xương có vị mặn, tính ấm, tác dụng vào gan, thận, công dụng trục phòng hàn, bồi dưỡng gân cốt. Nhưng nếu uống xương còn tươi, còn tủy rất nguy hiểm vì gân tủy hổ rất độc. Vì vậy bác sỹ Hướng khuyên người dân không nên uống bột xương hổ.
Rất khó để có cao hổ tốt
Bác sỹ Hướng cho hay việc nấu cao xương hổ là quá trình vô cùng phức tạp, khó khăn. Xương hổ dùng để nấu cao cũng phải làm rất sạch, bỏ hết thịt gân, tủy, nếu không làm sạch sẽ hỏng cao, nấu xong dễ sinh giòi, thậm chí còn gây độc cho người dùng. Bởi trong gân và tủy của hổ không có tác dụng với xương, thậm chí làm cho đau thêm bởi có chất gây đau, gây độc. Kể cả xương bánh chè cũng cần phải loại bỏ hết gân và tủy, phải ngâm tẩm với nước gừng, sao khô và tẩm rượu, phơi khô trong râm vài ba tháng...
Nấu cao hổ phải trải qua 3 giai đoạn: làm sạch xương, tẩm sao và nấu cô. Làm sạch là phải bỏ hết thịt gân và tuỷ bằng cách ngâm xương với nước vôi loãng hoặc đem luộc với lá đu đủ non. Sau đó, dùng trấu, cát chà xương cho sạch bóng, rửa kỹ rồi đem phơi hoặc sấy khô. Cưa xương thành những khúc ngắn như khẩu mía dài chừng 5 - 6 cm, chẻ làm 2 - 3 mảnh, xương nhỏ thì đập giập rồi đem luộc với nước dấm. Tiếp đó, rửa thật sạch và đem phơi hoặc sấy khô. Khi đó mới đem tẩm sao và có nhiều cách tùy theo từng địa phương. Khi nấu phải nấu ba nước, cô chung trực tiếp rồi cô cách thuỷ, đảo đều và kỹ, bọc giấy bóng...
Yêu cầu bộ xương hổ nấu cao tốt cũng khó khăn bởi nó phải nặng 10kg trở nên, xương phải đầy đủ, không thiếu mảnh nào, đặc biệt không được thiếu xương chân trước và xương bánh chè. Bởi những quy định trên nên bác sỹ Hướng cho rằng cao hổ hiện nay cũng thật khó có cao hổ “xịn”.
Nhấn mạnh thêm việc cao hổ bán trên thị trường có chất lượng không tốt, Ths.BS Hoàng Khánh Toàn, Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội phân tích: Hổ là loài được ghi trong sách đỏ để bảo vệ nên không được phép khai thác bởi vậy rất nhiều kẻ xấu tìm mọi phương cách chế ra cao hổ cốt “rởm” để trục lợi. Họ dùng các loại cao xương động vật khác như trâu, bò, lợn, gà... mạo danh là cao hổ cốt để bán với giá tương đương.
Nói về công dụng của việc dùng cao, bác sỹ Hướng nhấn mạnh: Các nghiên cứu cũng chỉ ghi nhận cao hổ cốt có chứa calcium phosphate, calcium carbonate, collagen, mỡ, megiesium phosphate... nghĩa là có thành phần cũng giống như các loại cao xương động vật khác. Thành phần đạm toàn phần trong cao hổ cốt tương đương cao gấu, cao khỉ, cao ban long ; tỷ lệ acid amin cũng tương tự. Bởi thế kinh nghiệm lâm sàng cho thấy, cao hổ cốt giả cũng có tác dụng làm giảm đau từ từ giống như cao hổ cốt thật. Do đó nhiều người dùng cao giả mà không phát hiện ra. Còn việc dùng rượu ngâm cao mà thấy giảm đau trong thời gian ngắn thì công dụng này là từ rượu chứ không phải từ cao.
Nhiều người nguy hiểm vì dùng cao hổ
Bác sỹ Hướng và bác sỹ Toàn đều nói rằng trong quá trình khám chữa bệnh, họ đã từng gặp nhiều bệnh nhân có biểu hiện suy gan, thận sau một thời gian dùng liên tục cao hổ cốt. Có trường hợp phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc cao hổ cốt.
Bác sỹ Toàn cho biết, loại cao này có tính nóng và trợ dương khá mạnh nên những người có thể chất yếu hoặc bị mắc các chứng bệnh thuộc thể Âm hư hỏa vượng (biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, hay có cảm giác nóng trong hoặc sốt về chiều, hay có cơn bốc hoả, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực rạo rực không yên, hai gò má đỏ, môi khô miệng khát, đổ mồ hôi trộm, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ, lưỡi đỏ, có rêu lưỡi…) thì không được dùng. Những người bị cao huyết áp cũng không được dùng cao xương hổ.
Thúy Nga
Chủ đề liên quan: