Để lựa chọn cho mình một loại sản phẩm phù hợp cho ngày “đèn đỏ”, các chị em thường phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, ưu điểm và nhược điểm của các loại băng vệ sinh đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn và sử dụng
1. Băng vệ sinh dạng miếng (Pad)
Đặc điểm nhận dạng: Đây là dạng thức truyền thống và cơ bản nhất của băng vệ sinh phụ nữ. Giống như tên gọi, loại băng vệ sinh này có dạng miếng, thường tròn ở hai đầu và có mặt lưới hoặc bông để thấm hút lượng kinh nguyệt mỗi kỳ.
Cách sử dụng: Băng vệ sinh dạng miếng được cố định với quần chíp bởi một dải keo hai mặt. Mặt băng sẽ tiếp xúc trực tiếp với “cô bé” của bạn.
Ưu điểm:
- Đa dạng về chất liệu (mặt lưới, mặt bông), kiểu dáng, kích thước và chủng loại để lựa chọn.
- Rẻ nhất trong các loại băng vệ sinh hiện nay.
- Phổ biến và dễ tìm mua, có thể tìm thấy ở bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào khi ngày “đèn đỏ” đến bất chợt.
- Có các công ty sản xuất trong nước để an tâm về xuất xứ và chất lượng sản phẩm.
- Phù hợp với tâm lý của phần lớn phụ nữ Việt Nam.
Nhược điểm:
- Không thân thiện với môi trường: Trung bình, một người phụ nữ thải ra môi trường gần 300 miếng băng vệ sinh trong một năm. Nếu lấy con số này để nhân cho một nửa dân số trên thế giới (3,5 tỉ phụ nữ) thì lượng rác thải nhựa của băng vệ sinh mà chúng ta thải ra môi trường sẽ là một con số cực kỳ khổng lồ.
- Bất tiện khi tham gia vào những hoạt động thể thao, bơi lội: Vì băng vệ sinh có tác dụng như một dụng cụ thấm hút lượng kinh nguyệt tiết ra trong chu kỳ, do đó sẽ rất khó để các bạn gái tham gia các hoạt động thể thao như bơi lội, nhảy múa...
- Dễ gây ngứa, kích ứng cho cô bé: Việc mặt băng tiếp xúc trực tiếp với cô bé trong suốt chu kỳ có thể gây ra các tình trạng như hăm, ngứa hay đau rát. Bên cạnh đó, một số loại băng vệ sinh có mùi hương hay sử dụng các loại chất tẩy trắng có thể gây kích ứng nghiêm trọng cho cô bé của bạn.
- Có mùi và dễ bị dây ra quần: Như chúng ta đã biết, khi máu tiếp xúc với không khí sẽ bị oxy hóa và có mùi. Chính vì thế, khi đến chu kỳ, các bạn gái thường rất ngại ngùng và khó xử vì vấn đề này. Giải pháp tốt nhất để giảm mùi khi mang băng vệ sinh chính là hãy thay băng thường xuyên hơn so với thời gian quy định. Tuy nhiên, việc này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa bạn thải ra môi trường sẽ nhiều hơn, và số tiền bạn chi cho băng vệ sinh cũng sẽ tăng lên.
2. Tampon
Tampon được thiết kế với kích thước nhỏ gọn và độ thấm hút cao |
Đặc điểm nhận dạng: Tampon là một loại băng vệ sinh dạng que, nhỏ bằng đầu ngón tay, được thiết kế đặc biệt nhỏ gọn để phù hợp với “cô bé” của chúng ta. Tampon thường có nhiều kích cỡ và độ thấm hút khác nhau để phù hợp cho từng ngày khác nhau của chu kỳ. Điểm khác biệt giữa tampon và băng vệ sinh đó là chúng ta sẽ đưa tampon vào trong cơ thể để thấm hút lượng máu tiết ra của chu kỳ.
Cách sử dụng:
- Rửa sạch tay trước khi sử dụng bất cứ loại băng vệ sinh nào.
- Chọn một tư thế ngồi thích hợp và thoải mái. Có thể gác một chân lên thành bồn tắm hoặc bồn cầu để dễ dàng đưa tampon vào cơ thể.
- Kéo nhẹ dây tampon ra phía sau
- Nhẹ nhàng đẩy tampon vào bên trong cơ thể.
- Khi muốn lấy tampon ra khỏi cơ thể, nhẹ nhàng nắm phần đầu dây và kéo dây ra theo hướng chúc xuống dưới.
Ưu điểm:
- Thuận tiện khi tham gia các hoạt động thể thao, bơi lội.
- Nhỏ gọn, dễ dàng mang theo.
- Độ thấm hút cao, nguy cơ gây tràn, dính ra quần thấp.
Nhược điểm:
- Không thân thiện với môi trường: Tam pon cũng được sản xuất cùng chất liệu với băng vệ sinh, do đó, mối e ngại về vấn đề môi trường của tampon và băng vệ sinh thực chất là như nhau.
- Có nguy cơ bị sốc độc: Bởi vì tampon được đưa trực tiếp vào cơ thể, do đó nguy cơ bị sốc độc do các loại hóa chất có trong tampon cũng tăng lên. Các triệu chứng thường thấy của tình trạng này chính là đau đầu, buồn nôn và thậm chí là phát sốt.
- Độ thấm hút cao dẫn đến vùng kín bị khô, mất cân bằng độ pH: Đặc điểm lớn nhất của tampon chính là độ thấm hút cực kỳ cao của nó. Do đó, khi đưa tampon vào trong vùng kín, không chỉ máu mà cả lượng dịch bôi trơn của vùng kín cũng sẽ bị thấm hút sạch sẽ, dẫn đến tình trạng khô và mất cân bằng độ pH của môi trường vùng kín.
- Dễ bị trầy, xước thành vùng kín: Vì môi trường vùng kín trở nên khô hơn khi sử dung tampon, dẫn đến quá trình thay tampon có thể khiến cho thành vùng kín bị trầy, xước do ma sát.
- Không thích hợp với những bạn gái chưa phát sinh quan hệ: Việc đưa một vật lạ vào trong vùng kín hoàn toàn có khả năng gây thương tổn đến màng trinh. Do đó, tampon không được khuyến khích sử dụng cho các bạn gái chưa lập gia đình.
3. Cốc nguyệt san (Moon Cup/ Menstrual Cup)
Cốc nguyệt san là một loại băng vệ sinh mới du nhập vào thị trường Việt Nam gần đây |
Đặc điểm nhận dạng: Cốc nguyệt san là một khái niệm khá xa lạ đối với phụ nữ Việt Nam. Đây là một loại cốc được thiết kế bằng các loại chất liệu mềm và linh hoạt, được đặt vào trong vùng kín để “hứng” lượng kinh nguyệt của mỗi chu kỳ thay vì thấm hay hút như các loại băng vệ sinh và tampon. Cốc nguyệt san thường có hình nón (giống quả chuông), được làm bằng cao su hoặc sillicon và có thể được làm sạch sau khi dùng để tái sử dụng cho những lần sau.
Cách sử dụng:
- Rửa sạch tay và luộc cốc theo hướng dẫn trước khi sử dụng.
- Gập miệng cốc lại để thu nhỏ kích thước của cốc, thuận tiện cho việc đưa vào bên trong vùng kín.
- Ngồi ở vị trí thích hợp, với tâm lý thoải mái.
- Nhẹ nhàng đẩy cốc vào bên trong vùng kín, bạn sẽ cảm nhận miệng cốc bung ra khi vào bên trong cơ thể. Điều chỉnh cốc đến vị trí thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ưu điểm:
- Thân thiện với môi trường: Cốc nguyệt san được xem như là một giải pháp cho bài toán môi trường về lượng rác thải nhựa hàng năm được thải ra của băng vệ sinh và tampon. Một chiếc cốc nguyệt san có tuối thọ lên đến 10 năm và có thể tiết kiệm cho bạn một khoảng chi phí lớn cho việc mua băng vệ sinh hàng tháng.
- Không gây dị ứng: Khác với băng vệ sinh và tampon, cốc nguyệt san được làm từ sillicon và cao su, do đó nó cũng an toàn hơn cho những cơ thể nhạy cảm và kích ứng với các loại hóa chất có trong băng vệ sinh.
- Thuận tiện khi tham gia các hoạt động thể thao: Cốc nguyệt san cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bạn khi tham gia những hoạt động ngoài trời hay những môn thể thao đặc biệt như bơi lội, nhảy múa.
- Không gây mùi: Vì máu được giữ lại bên trong cơ thể, do đó nó không có khả năng bị ôxy hóa và có mùi.
- Đảm bảo cân bằng độ pH: Cốc nguyệt san cũng không thấm hút hết tất cả dịch có trong vùng kín như tampon, nên nó vẫn đảm bảo môi trường cân bằng độ pH cho vùng kín của bạn.
Nhược điểm:
- Khó tìm mua: Vì cốc nguyệt san là một khái niệm khá mới đối với người Việt Nam. Do đó nó cũng khó để tìm mua hơn so với các loại băng vệ sinh khác. Chưa kể đến việc đảm bảo chất lượng và xuất xứ của sản phẩm mà bạn mua được.
- Lỉnh kỉnh khi thay: Tuy tiện lợi và thoải mái khi sử dụng, thế nhưng việc thay cốc khi đã đầy lại trở nên lỉnh kỉnh và rắc rối khi bạn phải đổ đi lượng máu đầy, vệ sinh và đặt lại cốc một lần nữa. Chưa kể đến ngày “đèn đỏ” thường đến rất bất chợt và không phải lúc nào chúng ta cũng mang theo “chiếc cốc” bên mình.
- Khó khăn trong việc làm sạch, có nguy cơ bị nhiễm trùng cao nếu làm sạch không đúng cách: Đây cũng là một trong những nhược điểm lớn nhất của cốc nguyệt san. Chúng ta không thể vệ sinh cốc nguyệt san bằng xà phòng hay các loại dung dịch tẩy rửa quá mạnh vì nguy cơ gây kích ứng cho vùng “nhạy cảm”. Thế nhưng, nếu chỉ vệ sinh bằng nước sẽ không đảm bảo được độ “tiệt trùng” và đây là con đường nhanh nhất dẫn đến các nguy cơ viêm nhiễm vùng kín. Thông thường, chúng ta sẽ được hướng dẫn luộc cốc nguyệt san với thời gian thích hợp cùng các loại muối sinh lý hoặc sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH cân bằng để vệ sinh cốc sau các lần sử dụng.
- Không phù hợp với các bạn gái chưa phát sinh quan hệ: Cũng như tampon, cốc nguyệt san được sử dụng để đưa vào bên trong vùng kín của chúng ta, do đó, nguy cơ gây tổn thương đến màng trinh là rất lớn. Đây cũng là một trong những lí do lớn khiến cốc nguyệt san không phổ biến tại thị trường Việt Nam mặc cho những lợi ích đáng kể của nó.
Một lưu ý nhỏ đó là những người đang đặt vòng tránh thai, vừa sinh con, hay không được bác sĩ chỉ định cho phép sử dụng sau khi phẫu thuật không nên sử dụng cốc nguyệt san.
Tùy vào nhu cầu, đặc điểm cơ thể hay sức khỏe, tâm lý và sở thích của bản thân mà các bạn có thể lựa chọn loại băng vệ sinh phù hợp cho ngày “đèn đỏ” của mình. Hãy nhớ rằng mọi vấn đề đều có 2 mặt, và mặc kệ các ưu điểm và nhược điểm của các loại băng vệ sinh, việc quan trọng nhất là bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và tự tin nhất với loại sản phẩm mà mình đang sử dụng.
Hạnh Nguyên
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình
Chủ đề liên quan: