Đông dương hấp hối - Kế hoạch Navarre - Đông dương hấp hối

Đông dương hấp hối

Tác giả : Chưa rõ
Chương 3 : Đông dương hấp hối - Kế hoạch Navarre

      HOÀN CẢNH TỔNG QUÁT LẬP KẾ HOẠCH Tôi đến Đông Dương mà không có một chỉ thị cụ thể của cấp trên.

Tôi phải nắm quyền chỉ huy, nghiên cứu tình hình tại chỗ, sau đó trở về kiến nghị với Chính phủ những gì tôi thấy là khả thi.

Cách thức này cho thấy rõ tâm trạng bối rối trong các giới chính trị về vấn đề Đông Dương.

Nó hoàn toàn trái ngược với tính lôgic bình thường, đòi hỏi tất cả các Chính phủ sau khi có một định hướng cho đường lối chính trị tổng thể, cho mục đích chiến tranh, phải đề ra được một kế hoạch tiến hành chiến tranh, và sau đó trong khuôn khổ được đề ra, yêu cầu các cấp chỉ huy quân sự đệ trình một kế hoạch hành quân.

Trong trường hợp đặc biệt này, Chính phủ lại yêu cầu một viên tư lệnh quân sự hoàn toàn mới

- thực tế không phải một viên chỉ huy quân sự đúng nghĩa, vì trên tôi còn có một ông tổng ủy dân sự nắm giữ một số quyền hành đáng lẽ phải nằm trong tay vị Tổng chỉ huy

- không những làm thay viên tổng ủy chưa được bổ nhiệm ấy, mà còn làm thay luôn cả chính phủ, để xác lập những kế hoạch thực ra thuộc thẩm quyền của hai cấp đó, chứ không phải của tôi.

Dù sao đi nữa, trong vòng một tháng trong những điều kiện (tôi sẽ trình bày ở phần sau), tôi xây dựng xong một kế hoạch hành động chính trị

- quân sự.

Tôi trở về Paris, đầu tháng 7, để trình nó lên Chính phủ.

Ủy ban các tham mưu trưởng (Le Comité des Chefs d’étatmajor)1 đã chuẩn y, nhưng họ tỏ ra dè dặt về khả năng nước Pháp có thể cung cấp các phương tiện mà tôi yêu cầu để thực hiện.

Trong một số các cuộc họp Nội các hạn chế, tôi cố gắng để có được hướng chỉ đạo của một chính sách rõ ràng, mà kế hoạch của tôi chỉ là một thể hiện.

Chỉ vào cuối tháng bảy mới có được các ý tưởng tương đối rõ nét

- cho dù chúng vẫn còn rất là mù mờ

- để các đề nghị của tôi có thể được trình ra trước Ủy ban Quốc phòng Quốc gia.

Ủy ban này họp vào ngày 24 tháng 7.

Sau khi mô tả tình hình tôi nắm được tại Đông Dương, tôi nhấn mạnh đến các điều kiện mang tính chính trị, rất cần thiết để thực hiện.

Tôi trình bày các phương án của tôi để tiến hành kế hoạch, cũng như tổ chức lại và gia tăng các lực lượng của ta, rồi yêu cầu chi viện các phương tiện tôi nhận thấy rất cần thiết.

Sau cuộc tranh luận dai dẳng và phức tạp không có một quyết định dứt khoát nào về tất cả các vấn đề được đặt ra.

Không một đường lối chính trị tổng quát nào được quyết định để làm cơ sở đúng đắn cho kế hoạch quân sự.

Tổng chi viện về tài chính chưa được xác định, chỉ có một việc được quyết định là “kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ”.

Nguyên tắc gửi thêm chi viện được nhất trí, nhưng khối lượng thì chưa được xác định.

Còn kế hoạch hành quân chỉ được bàn đến khi nào có liên quan đến vấn đề chính trị, chưa có một quyết định nào đã được nhất trí về vấn đề này.

Đặc biệt vấn đề rất nghiêm trọng là vùng Thượng Lào, dù đã được thảo luận rất nhiều vẫn không có một giải pháp nào được đưa ra.

Trước kết quả đáng thất vọng đó, tôi được yêu cầu tìm cách lập ra một kế hoạch ít tốn kém hơn về nhân lực và tài chính, nhưng lại không có một hướng dẫn nào kèm theo.

Một lần nữa, hướng giải quyết vấn đề đã bị đặt ngược.

Thay vì đề ra một chính sách và giao trách nhiệm cho tôi trong phạm vi của chính sách đó, cùng với các phương tiện để thực hiện nó, Chính phủ lại yêu cầu tôi làm thế nhiệm vụ của họ.

Tôi phải tự giao nhiệm vụ cho chính tôi, mà không có một đường lối chính trị tổng quát nào được xác định để theo.

Quyết định cuối cùng tôi nhận được, sau một tháng làm việc ở Paris và sau nhiều buổi họp là, trong vòng khoảng ba tuần, tôi phải trình lên Chính phủ các đề nghị mới ít tốn kém hơn, thời hạn đó một mặt để chuẩn bị sự chi viện, mặt khác để thương lượng với Mỹ trong việc cung ứng các chi phí bổ sung để thực hiện kế hoạch của tôi nếu kế hoạch được chấp nhận.

Tôi quay trở lại Sài Gòn vào đầu tháng 8 trong những điều kiện như thế.

Trên các nền tảng không chắc chắn, tôi phải chuẩn bị cho xong một kế hoạch hành động dứt khoát.

Tôi phải đưa ra cho được những con số tối thiểu cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch này.

Vào cuối tháng 8 tôi gửi bản kế hoạch mới về Paris.

Tôi nhấn mạnh đến việc cần thiết phải thực hiện kế hoạch tôi đã trình vào tháng 7, không có thay đổi gì quan trọng.

Để thực hiện việc này tôi yêu cầu phải được cung cấp một số phương tiện về mặt tài chính, nhân lực và trang thiết bị, tôi đã cố gắng rút gọn một cách tối đa và nhấn mạnh là không thể có cách nào tiết kiệm được nhiều hơn nữa.

Người phụ tá của tôi, tướng không quân Bodet, đã bay về Paris để bảo vệ quan điểm của tôi.

Kết quả là kế hoạch đã được thông qua, nhưng không có một thông báo chính thức nào để làm chỉ thị công tác cho tôi, phần lớn các vấn đề ở cấp chính phủ đặt ra trong kế hoạch đã không được giải quyết.

Còn các phương tiện tôi yêu cầu, chúng chỉ được đồng ý trên nguyên tắc một phần, song cũng không có một quyết định rõ ràng và dứt khoát nào được thông qua.

Trên thực tế là phải có một sự tranh luận kéo dài nhiều tháng giữa Chính phủ với tôi về khối lượng các phương tiện yêu cầu, và chúng chỉ được cung cấp nhỏ giọt cho tôi, đến nỗi tôi không biết tổng số chính xác là bao nhiêu.

Truyện 'Đông Dương Hấp Hối ' Đó là những hoàn cảnh tổng quát của cái mà báo chí Pháp và Mỹ đặt cho cái tên “Kế hoạch Navarre”.

Họ đã trình bày với công chúng bằng các cách diễn đạt ít nhiều mang tính chất tùy tiện, cùng với một không khí ồn ào rất đáng tiếc, vì nó làm cho đất nước chúng ta nghĩ rằng “có thể chiến thắng cuộc chiến tranh” này mà không cần có những cố gắng mới, hơn nữa lại góp phần báo động cho Việt Minh.

Dù đã rất cố gắng, nhưng tôi không ngăn cản được sự ồn ào này.

Đến đây tôi xin trình bày thế nào là kế hoạch thực sự của tôi.

__________________________________ 1.

Ủy ban các tham mưu trưởng gồm các vị sau, dưới sự chủ trì của thống chế Juin (về sau do tướng Ely chủ trì):

tướng Blanc, Tham mưu trưởng Lục quân; tướng Fay, Tham mưu trưởng Không quân và đô đốc Nomy, Tham mưu trưởng Hải quân.

CÁC ĐIỀU KIỆN VỀ MẶT CHÍNH TRỊ Bản kế hoạch hành động tôi phải soạn gồm hai phần:

phần về chính trị

- như tôi đã nói

- phải do Chính phủ vạch ra, hay ít nhất là do Tổng ủy Pháp thực hiện với sự thông qua của Chính phủ; phần về quân sự, dựa trên cơ sở đường lối chính trị, do tôi thực hiện và cùng được sự thông qua của Tổng ủy và Chính phủ.

Bị hạn chế một mặt, do sự vắng mặt của ông Tổng ủy (ông Dejean chưa được bổ nhiệm), mặt khác do Chính phủ không xác định đường lối chính trị làm cơ sở cho đường lối quân sự nên tôi bắt buộc phải tự đề xuất đường lối này.

Tôi trình bày nó dưới hình thức một số “điều kiện về chính trị” mà tôi tuyên bố là vô cùng cần thiết để triển khai kế hoạch quân sự của tôi.

Điều kiện đầu tiên là phải xác định các “mục đích rõ ràng của cuộc chiến tranh” của Pháp tại Đông Dương.

Việc này chưa hề được thực hiện, cho đến tận lúc này, chiến tranh được tiến hành trong một không khí bấp bênh và hỗn độn.

Thế nhưng, vì nhiều lý do, sự xác định này vô cùng cần thiết.

Nó cần thiết cho chính nước Pháp, vì người dân không thể không thắc mắc tại sao đất nước lại phải dồn hết sức cho một cuộc chiến mà không biết nguyên nhân rõ ràng của cuộc chiến đó.

Nó cũng vô cùng cần thiết cho tinh thần của quân đội, nhất là của quân nhân thuộc các khung chỉ huy người Pháp

- sĩ quan và hạ sĩ quan

- những người tạo nên kết cấu tổ chức của quân đội.

Họ phải biết lý do tại sao họ đánh nhau và phải được thuyết phục rằng họ chiến đấu vì mục đích của người Pháp.

Nhưng xác định mục đích của cuộc chiến tranh, quan trọng nhất ở chỗ, nó làm cơ sở để ấn định một đường lối chính trị chung với các Quốc gia Liên kết và với Mỹ.

Nước Pháp, các Quốc gia Liên kết và Mỹ

- cho dù cường quốc này không phải là một nước tham chiến theo đúng nghĩa của nó

- hình thành một liên minh chống lại kẻ thù chung là Việt Minh, nhưng không một thành viên nào trong liên minh này có cái nhìn từ một góc độ chung về đối phương mà họ đang đối mặt, và về mục đích cuộc chiến mà họ đang theo đuổi.

Đối với người Mỹ, Việt Minh là “Chủ nghĩa Cộng sản” và mục đích của cuộc chiến tranh này cũng giống như mục đích của cuộc chiến tranh Triều Tiên:

“ngăn chặn” Chủ nghĩa Cộng sản tràn vào vùng Đông Nam Á.

Đó là để ngăn chặn một thảm họa mà sẽ là sự mất đi, đối với phương Tây, một phần của thế giới, với những quyền lợi chiến lược và kinh tế sống còn gồm các nước Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Indonesia, Ấn Độ.

Do đó Đông Dương phải là một lá chắn rất cần thiết.

Cùng với mục đích chính thức và cơ bản nói trên, là các ý đồ về mặt kinh tế, thậm chí chính trị của họ đối với các Quốc gia Liên kết Pháp, mà Washington muốn nhìn thấy rời khỏi hay ít nhất lánh xa quỹ đạo của Pháp, để cùng vào quỹ đạo của họ như Nhật Bản và Philippines.

Đối với các Quốc gia Liên kết, mục đích của cuộc chiến tranh là để loại khỏi vòng chiến một địch thủ nội bộ, một nhóm “phản loạn” là Việt Minh.

Nhưng họ cũng muốn rằng cùng lúc với việc tiến hành chiến tranh, là sự ra đời của “nền độc lập”, có nghĩa là một sự nới lỏng ít nhiều những mối liên hệ với nước Pháp

- một sự nới lỏng mà sẽ được tiếp nối vào một ngày nào đó bằng sự thắt chặt quan hệ với nước Mỹ

- vì các quốc gia như Việt Nam, Lào và Campuchia còn rất lâu mới có thể đứng một mình mà không có sự bảo hộ của một nước lớn.

Như thế thì các mục đích của cuộc chiến tranh của Mỹ và các Quốc gia tạm thời liên hiệp với chúng ta có phần nào trùng nhau, và thậm chí phần nào chống lại chúng ta.

Còn đối với nước Pháp, họ không hiểu tại sao họ lại đi đánh nhau.

Mục đích ban đầu của cuộc chiến tranh đã biến mất.

Không còn là một sự tái chinh phục một phần của đế quốc thực dân nữa.

Vậy thì, tại sao phải theo đuổi cuộc chiến đấu?

Có phải như chúng tôi thường hay nghe nói, chiến đấu để “giải phóng những Quốc gia Liên kết khỏi tay Việt Minh, sau đó trả độc lập cho họ”?

Đây đúng là mục đích để theo đuổi chiến tranh của các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia; và chỉ đúng với nước Pháp, khi nào sự độc lập của ba quốc gia này vẫn nằm trong khuôn khổ của Liên hiệp Pháp mà họ sẽ không tìm cách thoát ra khi họ không còn cần đến chúng ta nữa, và khối này không phải chỉ là một cái nhãn thôi.

Nếu không có những điều này, thì chúng ta không có lý do gì để chiến đấu; nếu tiếp tục chiến tranh thì chúng ta chỉ làm một trò lừa bịp thôi.

Một mục đích khác của cuộc chiến tranh mà nước Pháp có thể nhắm tới là, chỉ đơn giản tham gia vào chiến lược toàn cầu của Mỹ

- ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản ở vùng Đông Nam Á.

Nước Pháp phải từ bỏ mọi lợi ích quốc gia ở Đông Dương, chấp nhận rời bỏ vùng đất này khi chiến tranh kết thúc

- một cách hoàn toàn hoặc là chỉ giữ một số quyền lợi mong manh về kinh tế, văn hóa.

Như thế đó có phải là một việc bình thường không khi nước Pháp tiếp tục chấp nhận về phần mình tất cả sự hy sinh của một cuộc chiến tranh không còn một mục đích gì cho chính mình, và những người được hưởng lợi nhiều nhất là nước Mỹ đang bảo vệ vị trí của họ ở vùng Thái Bình Dương, nước Anh đang bảo vệ các nguồn cao su của họ tại Mã Lai cùng những nước khác như Australia, New Zealand.

Khi tiếp tục chiến đấu đơn độc, chúng ta chỉ phục vụ cho lợi ích của các quốc gia khác.

Hai mục đích nói trên của cuộc chiến tranh không thể có một sự dung hoà, vì mỗi mục đích đều có nhưng đường lối, chiến lược khác nhau.

Nếu muốn duy trì sự có mặt của chúng ta ở Đông Dương và xây dựng một khối Liên hiệp Pháp vững mạnh thì chúng ta phải có một số việc bắt buộc phải làm.

Chúng ta phải bảo vệ phần đất còn lại và tái chiếm tất cả lãnh thổ của các Quốc gia Liên kết, vì không thể chấp nhận một phần lớn lãnh thổ lại nằm trong sự kiểm soát của quân đội đối phương.

Chúng ta phải duy trì Quân đội Liên hiệp dưới ảnh hưởng duy nhất của người Pháp, có nghĩa là chúng ta phải đảm nhận việc thành lập, huấn luyện họ.

Những yêu cầu nói trên đòi hỏi nhiều sự hy sinh, sẽ được đền bù lại bằng sự giới hạn chủ quyền của những Quốc gia Liên kết với khối Liên hiệp Pháp.

Mặt khác chúng ta cũng phải buộc người Mỹ không dẫm chân vào các công việc của chúng ta tại Đông Dương, từ bỏ các ảnh hưởng của họ tại đây.

Ngược lại, nếu chúng ta chấp nhận là nước Pháp không tìm kiếm ở Đông Dương một quyền lợi nào cả, chỉ chiến đấu như một phần trong liên minh chống lại Chủ nghĩa Cộng sản do Mỹ lãnh đạo, thì chúng ta có thể trả gần như độc lập hoàn toàn cho các Quốc gia Liên kết, chỉ giữ lại một số giới hạn cần thiết cho việc tiến hành chiến tranh một cách có hiệu quả.

Chúng ta có thể chuyển giao vào tay người Mỹ một phần ảnh hưởng về mặt chính trị

- quân sự của ta, và chấp nhận rằng họ thay thế ta trong việc thành lập các Quân đội Liên hiệp.

Chúng ta có thể chia xẻ với họ quyền chỉ huy một số các cuộc hành quân, thậm chí nhường quyền chỉ huy cho họ.

Chúng ta có thể, với sự đồng ý của họ, rút khỏi một phần lớn lãnh thổ Đông Dương, chỉ giữ lại một số vùng quan trọng không thể chối cãi được cho chiến lược của các lực lượng đồng minh tại vùng Viễn Đông.

Nhưng nếu như thế thì không còn lý do gì mà chúng ta đóng góp phần chủ lực cho những cố gắng về quân sự, và ta có thể yêu cầu những người có quyền lợi lớn hơn chúng ta trong vùng Đông Nam Á thay thế ta.

Việc xác định các mục đích của chúng ta cho cuộc chiến tranh, như thế rất là cần thiết.

Đó là những gì tôi tìm cách giải trình với các thành viên chủ yếu trong Chính phủ.

Tôi đã không đạt được kết quả gì.

Không có một lúc nào tôi có được cảm giác là họ quan tâm thật sự đến vấn đề và họ có thể nắm được tính quan trọng của nó.

Đối với họ đây chỉ là một sự tranh luận mang tính chất Hàn lâm viện, trong khi đây lại là vấn đề mấu chốt nhất.

Thực tế đối với tất cả những “người của Chính phủ” ta, chỉ có một khái niệm tương đối rõ ràng là:

sự cần thiết phải rút nhanh ra khỏi1 Đông Dương.

Nhưng bằng cách nào?

Chúng ta có thể mong đợi là Trung Quốc sẽ bỏ rơi Việt Minh, để đổi lại một số các quyền lợi từ phương Tây chăng?

Một sự thỏa hiệp với đối phương là một việc khả thi chăng?

Chúng ta có thể chia đôi Đông Dương như người ta đã từng làm với Triều Tiên được không?

Có thể dự tính một sự thay thế quân đội Pháp bằng quân đội Mỹ, và quân đội của các nước khác quan tâm đến sự cân bằng lực lượng ở vùng Đông Nam Á chăng?

Để trả lời cho tất cả những câu hỏi ấy, trước tiên phải xác định cho được các mục đích chiến tranh của người Pháp.

Người ta đã hứa cung cấp cho tôi sự xác định ấy.

Nhưng tôi chẳng được nghe nói gì cả, và tôi phải nhìn nhận rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta không có một mục đích nào khác ngoài việc muốn rút ra khỏi cuộc chiến.

Vì không thể tìm ra một cái gì hay hơn được nên chúng ta chỉ có thể tiếp tục mỗi một đường lối đó mà thôi

- một đường lối có thể gọi là sự thoả hiệp mơ hồ và què quặt giữa các đường lối chính trị mâu thuẫn nhau.

“Đường lối” này bao gồm việc tìm cách duy trì sự thống trị của chúng ta ở Đông Dương đồng thời né tránh tất cả những cố gắng ta phải thực hiện.

Chúng ta muốn các Quốc gia Liên kết gia nhập vào một khối Liên hiệp Pháp mà chúng ta vẫn giữ sự lãnh đạo gần như tuyệt đối, nhưng lại làm họ nuôi hy vọng sẽ có những quyền lợi ngược lại với thực tế ấy.

Chúng ta dùng mánh khóe lừa bịp trong việc hứa trả độc lập cho các quốc gia này, đồng thời lại yêu cầu họ dấn sâu vào cuộc chiến tranh, nhân danh sự độc lập đó.

Chúng ta khích động họ tập trung nhiều nỗ lực cho cuộc chiến tranh song mặt khác, chúng ta từ chối không chịu làm gương.

Chúng ta đòi hỏi Mỹ không được nhúng tay vào việc chỉ huy cuộc chiến, cũng như xen vào các quan hệ của chúng ta với các quốc gia Đông Dương, nhưng ta lại cầu xin sự giúp đỡ của họ, tạo điều kiện cho họ quyền đương nhiên được giám sát những việc làm của chúng ta.

Điều kiện thứ hai cho các điều kiện về chính trị của tôi là cuộc chiến tranh phải được tiến hành trong một sự thống nhất về mặt chính trị và quân sự trong nội bộ chúng ta, như là cách mà đối phương đã làm được đối với phe họ vậy.

Thế nhưng, cơ cấu tổ chức quyền lực đã không cho phép có được sự thống nhất hành động này ngay tại Paris cũng như tại Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, sự phân trách nhiệm giữa một Tổng ủy và một Tổng tư lệnh đã mâu thuẫn với sự thống nhất này, cho dù quan hệ giữa hai người với nhau có tốt cách mấy.

Ở Paris tình trạng này còn tồi tệ hơn nữa, nhiều bộ trưởng có quyền có tiếng nói về vấn đề liên quan đến Đông Dương, nhưng lại không có sự phối hợp hành động nghiêm túc giữa họ với nhau.

Cuối cùng

- đây là điều kiện cuối cùng của tôi về mặt chính trị

- tôi yêu cầu tất cả mọi việc phải được tiến hành để đưa các Quốc gia Liên kết tham gia một cách tối đa vào cuộc chiến.

Để đạt được mục đích này, tôi cho là nước Pháp phải trao ngay một nền độc lập tối đa có thể được cho các Quốc gia Liên kết trong sự tương hợp với đường lối chính trị của nước Pháp.

Tôi cho rằng:

khi nước Pháp đã dứt khoát

- và không thể quay lui được nữa

- từ bỏ những ưu thế giúp giành thắng lợi của chế độ thuộc địa, chỉ có tinh thần độc lập mới có khả năng gợi lên trong các Quốc gia Liên kết một tinh thần quốc gia, làm động lực cho các nỗ lực chiến tranh.

Mặt khác tôi nhấn mạnh là, việc trao trả độc lập này phải được kèm theo các sự đảm bảo của các quốc gia này và của cả nước Mỹ nữa2.

Về điểm này, cũng không hơn gì những vấn đề khác, không có được một quan điểm chung ngay trong Chính phủ.

Một số bộ trưởng ủng hộ trao cho họ một nền độc lập rộng rãi, trong khi những người khác lo ngại hậu quả đối với phần còn lại của khối Liên hiệp Pháp, đòi hỏi giới hạn quan trọng đối với nền độc lập này.

______________________________________ 1.

Hầu hết các bộ trưởng tôi tiếp xúc có ý kiến là phải có một giải pháp trước mùa xuân năm 1956, thời điểm dự kiến cho các cuộc tuyển cử.

2.

Tôi đã phát biểu như sau trong một bản ghi nhớ gửi cho Chính phủ vào tháng 7 năm 1953:

“Phải làm cho ba quốc gia khối Liên hiệp Pháp có ý thức quốc gia, giải thích cho dân chúng của họ hiểu cuộc chiến này là cuộc đấu tranh cho độc lập.

Mặt khác, để tránh việc này biến thành một trò lừa bịp, chúng ta cũng phải chỉ rõ các điều kiện để tiếp tục những nỗ lực của mình:

việc hình thành khối Liên hiệp Pháp không phải chỉ là một bình phong.

Cũng phải có những điều kiện ràng buộc hành động của người Mỹ.

Chúng ta không tranh cãi về quyền kiểm soát những phương tiện họ cung cấp cho chúng ta.

Nhưng nó không thể là một lý do để họ nhúng tay một cách không có giới hạn, tạo khó khăn cho tư thế của chúng ta đối với các Quốc gia Liên kết làm tổn hại đến cơ hội hình thành một khối Liên hiệp Pháp thực sự”.

KẾ HOẠCH VỀ MẶT QUÂN SỰ Sau khi đặt ra những điều kiện chính trị, sau khi đã thử làm công việc của những người khác, tôi phải làm công việc của tôi, tức là đề đạt lên Chính phủ một kế hoạch quân sự.

Một kế hoạch như vậy đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở của một nhiệm vụ.

Nhiệm vụ của tôi, như tôi đã khẳng định, phải xuất phát từ mục đích của cuộc chiến tranh do Chính phủ xác định, và phải chính Chính phủ xác định nhiệm vụ đó cho tôi.

Đã không có một xác định nào cả và các cuộc tiếp xúc của tôi ở Paris không mang lại cho tôi một hy vọng để có được bất cứ một sự hướng dẫn nào.

Do đó tôi phải tự mình xác định mục đích của chiến tranh, dù sau đó phải có sự thông qua của Chính phủ.

Tôi đã nói, chỉ có một khái niệm theo tôi hình như thống nhất trong tập thể các ngài Bộ trưởng là phải tìm ra “một lối thoát” cho “ngõ cụt Đông Dương”.

Mặt khác, tính cách rối rắm của tình hình chính trị ở Đông Dương cùng với việc chúng ta để Việt Minh chiếm ưu thế trên lĩnh vực quân sự làm cho lối ra đó không thể là một chiến thắng quân sự.

Lối ra này chỉ có thể là một giải pháp chính trị.

Do đó tôi thừa nhận nhiệm vụ của tôi là tạo ra các điều kiện trên lĩnh vực quân sự để có được một giải pháp chính trị trong danh dự sẽ được Chính phủ quyết định vào thời điểm thích hợp.

Tôi chưa bao giờ mong ước, cũng như chưa bao giờ hứa một cái gì xa hơn.

Trong khi đó báo chí lại gán cho tôi một cách miễn phí các mục tiêu rất nhiều tham vọng hơn.

Theo họ thì tôi đã đề nghị một kế hoạch “để đạt tới chiến thắng”.

Đây là hoàn toàn sai sự thật.

*** Trên thực tế, thì phải làm như thế nào?

Nói vắn tắt, mục đích là chứng tỏ cho Việt Minh thấy, nếu như chúng ta không thể thắng cuộc chiến tranh, thì họ cũng không có cơ hội thắng chúng ta bằng vũ lực.

Ý tưởng này được ông Pleven, Bộ trưởng Quốc phòng phát biểu nhiều lần, trong các buổi họp của chính phủ mà tôi có dịp tham dự.

Ý kiến này không gặp một sự chống đối nào từ các bộ trưởng có mặt.

Ở Paris, các nhà chính trị và thậm chí một số nhà quân sự mà hầu hết là những người không biết gì về tình hình Đông Dương, đã gợi ý nên “co cụm” lại để tập trung các lực lượng của ta, nhằm mục đích tước đi của Việt Minh mọi cơ hội đánh bại ta.

Họ cho rằng, thay vì “rải” các lực lượng trên khắp lãnh thổ Đông Dương, chúng ta chỉ nên tập trung tại một số vùng “được lựa chọn kỹ”.

Một số người đề nghị rút về vùng “châu thổ có lợi” (Hà Nội, Hải Phòng) hoặc ngay lập tức rút về Hải Phòng.

Số khác thì muốn bỏ luôn phía bắc và khuyên nên làm một “mặt trận” tại vĩ tuyến 18.

Một số khác nữa thậm chí dự kiến chỉ nên duy trì Nam Bộ thôi.

Truyện 'Đông Dương Hấp Hối ' Các giải pháp như thế, có thể được chấp nhận trong cuộc chiến tranh kiểu châu Âu.

Ở Đông Dương, thì khác hoàn toàn.

Rút lui có nghĩa là giúp cho Việt Minh cơ hội để củng cố nhân lực và phương tiện chiến tranh.

Là kích thích thêm tinh thần phấn khởi của họ, đến mức độ không thể nào thỏa hiệp được nữa.

Điều này cũng sẽ khiến cho ta không thể nào thành lập được các Quân đội Liên hiệp, vì các lý do tinh thần cũng như nguồn nhân lực để tuyển mộ binh lính.

Có nghĩa là có thể tạo ra tiền đề cho các cuộc nổi loạn, tất nhiên những sự đào ngũ hàng loạt ngay trong lòng các lực lượng Viễn chinh, đã được “da vàng hóa” khá nhiều rồi, các lực lượng bản địa lẽ ra phải được thay thế bằng viện quân gửi từ Pháp.

Bất cứ một sự rút lui nào cũng sẽ lôi kéo theo sự sụp đổ khác, cuối cùng chỉ có thể giữ được một vài căn cứ như:

Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, là những căn cứ rất khó bảo vệ, vì chúng nằm bên cạnh bờ biển trong khi cả nước đều quay lại đối mặt với chúng ta.

Sự duy trì vĩnh viễn căn cứ nói trên chỉ có thể được dự kiến trong một khuôn khổ chính trị, tôi có nói đến ở phần trên, theo đó nước Pháp phải chấp nhận từ bỏ quyền lãnh đạo ở Đông Dương, chỉ hiện diện với tính cách là tham gia vào một “chiến lược vành đai” của Mỹ, một chiến lược mà qua đó, họ tìm cách

- có lẽ là không được thành công lắm

- bảo vệ vùng Đông Nam châu Á, chống lại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản.

Trong khuôn khổ của những chính sách chúng ta đang theo đuổi, tất cả mọi sự rút lui đều không thể làm được.

Nó sẽ là hồi chuông báo tử cho khối Liên hiệp Pháp, và tất yếu dẫn đến sự ra đi vĩnh viễn của nó.

Điều kiện quân sự cho một giải pháp chính trị trong danh dự là duy trì các vị trí chúng ta đang giữ, cải thiện tình trạng của chúng với tất cả các nỗ lực tối đa mà chúng ta có thể làm được.

Đây là một phương án nếu không phải là chính thức

- vì chưa bao giờ được viết ra cả

- thì ít nhất cũng được Chính phủ chấp nhận trên thực tế.

Tiếp quản một cuộc chiến tranh kéo dài bảy năm, đáng lẽ tôi phải tìm được tư liệu cần thiết trong những kế hoạch trước đây mà các nhà chỉ huy hành chính và quân sự tiền nhiệm đã sử dụng để hình thành kế hoạch của tôi.

Nhưng không có một chút gì cả.

Nhiều lắm cũng chỉ có các chỉ thị chung chung của Chính phủ ban hành sau khi thống chế De Lattre nhận nhiệm vụ, và chúng hoàn toàn lỗi thời.

Sự thiếu hụt này có thể được giải thích một phần bởi sự việc ông Letourneau, Tổng trưởng Bộ Phụ trách các Quốc gia Liên kết, đã kiêm nhiệm chức vụ Cao ủy Pháp tại Đông Dương từ sau khi thống chế chết vì bệnh.

Ngài Letourneau Cao ủy đã nhận sự chỉ đạo từ ngài Letourneau Bộ trưởng.

Chắc có lẽ vì vậy mà tôi không thể tìm được một dấu vết gì.

Dù sự việc như thế nào đi nữa, kể từ cái chết của thống chế De Lattre, cuộc chiến tranh được tiến hành theo kinh nghiệm, từng ngày một, không theo một kế hoạch lâu dài nào, kể cả trong công tác tổ chức, hậu cần, trang thiết bị, cũng như các cuộc hành quân.

Có lẽ là vì người ta bận tâm nhiều do sự lo lắng phải “kéo dài” hơn là bởi ý chí muốn “thoát ra”.

Tuy nhiên cũng có một kế hoạch rất hoàn chỉnh được trình cho tôi, bao gồm hai phần:

phần “những cuộc hành quân”, và phần “tổ chức các lực lượng”, do tướng Salan soạn thảo vài ngày trước khi tôi nhận nhiệm vụ.

Bản nghiên cứu này được thực hiện theo yêu cầu của ông Letourneau.

Vào tháng tư trong khi đi dự hội nghị Washington1, ông Letourneau đã thông báo những nét lớn của bản nghiên cứu trên cho phía Mỹ, và nhận được sự nhất trí của họ về mặt nguyên tắc để cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch này, thống chế Juin đề nghị thực hiện nó trong bản tường trình mà ông đã gửi cho Chính phủ vào tháng 3 năm 1953 (có nói tới ở phần trước).

Bản kế hoạch này chưa bắt đầu được thực hiện, nhưng hoàn toàn có giá trị.

Tôi quyết định tận dụng nó tới mức tối đa.

______________________________________ 1.

Đó là một hội nghị ở Washington để yêu cầu một sự gia tăng giúp đỡ của người Mỹ về mặt tài chính và trang thiết bị.

Bản nghiên cứu này được dùng để chứng thực những yêu cầu của chúng ta.

*** Như tôi đã nói ở phần trước, bất lợi chính của ta trong hành quân là, cho dù có nhiều hơn quân địch về quân số, nhưng ta thua kém họ rất nhiều về khả năng di động, nhất là các đơn vị có khả năng đối đầu trong các cuộc hành quân lớn với Binh đoàn Tác chiến của họ.

Việc thành lập một Binh đoàn Tác chiến mạnh hơn Binh đoàn của Việt Minh và có một khả năng di động tương đương là một vấn đề chủ yếu.

Người tiền nhiệm của tôi thấy được điều này, tuy nhiên không may là ông đã nhận thức vấn đề hơi muộn, đó là điểm chủ yếu trong kế hoạch ông để lại cho tôi.

Để hình thành Binh đoàn Tác chiến đó, tướng Salan dự kiến hai phương cách:

cơ động hóa các đơn vị Viễn chinh được cắm chốt trước đó; tăng cường các Quân đội Liên hiệp.

Việc “rút chốt” tạo ra những vấn đề rất khó khăn.

Rút chốt các đơn vị mà không thay thế bằng các đơn vị khác là một việc rất khó.

Chúng ta chốt quân cố định là một việc không hay, nhưng đó là một việc cần thiết1.

Rất hiếm khi các chốt tỏ ra vô dụng.

Điểm chốt quân trấn giữ một điểm quan trọng về mặt quân sự, hoặc duy trì sự phục tùng của dân chúng vùng chung quanh.

Thường thì chúng đóng vai trò kép này.

Rút các đơn vị này đi sẽ tạo ra các hậu quả rất khó khăn.

Phải chấp nhận bỏ trống một số vị trí như trục giao thông đường bộ, đường thủy, một số làng mạc.

Sự bỏ rơi này dẫn đến sự phản kháng của các viên chức địa phương dân sự cũng như quân sự.

Ở vị trí của họ, họ có lý khi phản kháng như vậy.

Chỉ có ở cấp bậc cao hơn, người chỉ huy mới có cái nhìn bao quát hơn, mới có thể được quyết định hy sinh một điểm nào đó, mà cấp dưới phải chấp hành.

Có như thế mới giải quyết được vấn đề.

Thay thế một đơn vị được rút đi bằng một đơn vị có chất lượng thấp hơn là giải pháp dễ chấp nhận hơn, cho dù nó cũng tạo ra nhiều vấn đề rất nghiêm trọng.

Chất lượng chiến đấu của các đơn vị tại chỗ của Việt Minh

- du kích cũng như địa phương

- đã gia tăng từng năm một đến mức độ mà một số đã đạt được chất lượng của các đơn vị chính quy

- thậm chí còn cao hơn do họ biết rất rõ địa hình của địa phương.

Dùng những đơn vị tầm thường để đối phó với những chiến sĩ tinh nhuệ trên của Việt Minh đồng nghĩa với việc chấp nhận trước vô số những thất bại địa phương.

Cũng giống như giải pháp đầu tiên, giải pháp này khó thể được sự đồng tình của giới chức thẩm quyền có liên quan, Pháp cũng như bản xứ.

Phương pháp có thể làm hài lòng được mọi người là đẩy các đơn vị chính quy và địa phương của Việt Minh ra khỏi vùng, huỷ diệt căn cứ của họ, khi đã bình định xong thì giao cho những đơn vị chính quy hoặc đơn vị bổ sung kém hơn bảo vệ.

Những cuộc hành quân “bình định” phải được tiến hành sau tất cả mọi cuộc rút chốt quan trọng.

Việc này đòi hỏi phải có thời gian và phương tiện.

Một kế hoạch rút chốt, bản thân nó phải tuỳ thuộc vào một kế hoạch bình định, được thiết lập trên toàn bộ Đông Dương.

Để có thể cung ứng các đơn vị dự kiến thay thế các đơn vị được rút chốt, có hai phương án:

tuyển các lực lượng bổ sung và phát triển các Quân đội Liên hiệp.

Phương án thứ nhất có ưu thế là có được các lực lượng linh hoạt, di chuyển nhanh.

Nhưng nó chỉ có thể cung cấp được các lực lượng với chất lượng chiến đấu tầm thường, dễ bị ảnh hưởng của sự tuyên truyền Việt Minh nên ta chỉ có thể tin tưởng một cách có giới hạn vào các lực lượng này.

Các lực lượng dự bị này chỉ phù hợp với việc canh giữ các điểm không quan trọng, “luẩn quẩn” trong một khu vực hạn chế, làm những việc mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự.

Mặc dù có những rủi ro, việc sử dụng chúng được đẩy mạnh một cách tối đa, nhưng trong một khu vực nhất định, không thể vượt qua một mức độ nào đó mà không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh.

Do đó, cần thiết có được một lực lượng rất lớn quân chính quy và để thực hiện mục đích đó phải phát triển tối đa các đơn vị Quân đội Liên hiệp.

Sự phát triển này trở thành một trong những phần căn bản nhất, nếu không nói là nền tảng cho kế hoạch của tôi:

không có nó, không có lối ra.

Ở phần trên, tôi đã có nói tới tình trạng của vấn đề này khi tôi mới đến Đông Dương.

Đã từng có những kế hoạch để cải thiện, cũng như để khắc phục thời gian đã chậm trễ.

Các kế hoạch đến với tôi quá muộn nhưng vẫn còn khả thi.

Nói chung tôi chấp nhận những kế hoạch này, chỉ điều chỉnh một số chi tiết nhằm mục đích tạo thêm sức mạnh, nhất là tăng cường nhịp độ lên.

____________________________________ 1.

Nguyên tắc này đã được lập lại ở Algérie với cái tên là đóng quân theo bàn cờ (quadrillage).

Hai phương cách mà người tiền nhiệm của tôi dự kiến để gia tăng các lực lượng cơ động (rút chốt một số đơn vị và gia tăng các lực lượng Quân đội Liên hiệp) đòi hỏi phải mất vài tháng.

Trong khi đó, yêu cầu của chúng ta lại rất gấp.

Một giai đoạn chiến tranh rất dữ dội sẽ nổ ra khi mùa đông đến.

Tướng Salan, trước khi rời nhiệm vụ, trong một bản nghiên cứu về các viễn cảnh có thể xảy ra kết luận rằng địch quân sẽ tung ra một cuộc tiến công mang tính chất quyết định vào thời gian này; ông đã không giấu những nguy cơ sẽ xảy đến.

Và chúng ta phải sẵn sàng đối phó.

Vì vậy tôi quyết định một mặt yêu cầu quân chi viện, mặt khác tự tôi sẽ xây dựng những lực lượng bổ sung bằng cách biên chế lại các đơn vị.

Về lực lượng chi viện, tôi đã có nói đến các giới hạn tôi sẽ gặp phải.

Tôi quyết định là phải nhấn mạnh tối đa đến sự cần thiết phải được chi viện và phải chi viện gấp.

Ý tưởng đầu tiên của tôi là phải gửi ngay hai sư đoàn hoàn chỉnh, rút từ các lực lượng Pháp đóng góp cho NATO.

Tôi đã trình bày ý kiến này với một đoàn công tác quan trọng của Mỹ đến thăm Sài Gòn vào tháng 61, và tôi nhận được những ý kiến rất thuận lợi.

Kinh nghiệm gần đây, hồi làm tham mưu trưởng NATO ở vùng Trung Âu cho thấy là nếu tôi đề nghị rút hai sư đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ sông Rhin đưa sang Đông Dương, sẽ không làm hại gì đến việc phòng thủ này.

Sự mất cân đối giữa các lực lượng của chúng ta và Liên Xô không có hy vọng được giải quyết bằng một sự phòng thủ trên bộ nào.

Trong những điều kiện như vậy, tạo ra một “ngõ cụt” ở châu Âu bằng cách rút một số đơn vị trong khoảng thời gian từ một đến hai năm để đổi lấy một kết quả tích cực tại Đông Dương, sau đó có thể giảm bớt quân số ở Viễn Đông một cách có lợi cho phương Tây?

Tôi không tìm thấy một sự phản hồi thuận lợi nào từ các giới dân sự cũng như quân sự có trách nhiệm.

Người ta chống đối tôi bằng các lý lẽ hết sức nặng nề, cả lý lẽ chính trị lẫn quân sự và kỹ thuật.

Các lý lẽ đó có thể được tóm tắt trong những trích đoạn sau đây của một lá thư mà một người có trách nhiệm cao gửi cho tôi:

“Có nên tạo ra cái ngõ cụt đó không?

Nếu có thể hoán vị một cách dễ dàng giữa các đơn vị giữa Pháp và Đông Dương, thì sẽ không có một vấn đề nào nghiêm trọng.

Nhưng cơ chế quân sự của chúng ta hiện nay chỉ cho phép ta làm việc nhỏ giọt như buôn bán “tạp hóa”; ông phải biết rằng để thành lập và gửi đi một tiểu đoàn, chúng tôi phải phá bỏ nhiều tiểu đoàn khác.

Như thế thì, không những chúng ta sẽ làm giảm những lực lượng đã được bố trí để bảo vệ Chính quốc, lại còn tạo ra một sự xáo trộn sâu sắc, lâu dài về mặt tổ chức.

Tác động của ngõ cụt này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự.

Nó sẽ gây tác động lên bình diện chính trị.

Giả định như trên thực tế việc di chuyển đến Đông Dương của các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy NATO không gây ra một sự nguy hiểm tức thì nào, nhưng nó có thể tạo ra nguy cơ đưa khối NATO đi đến sự buông lỏng chiến lược phòng thủ mà chúng ta đang theo đuổi.

Liệu chúng ta có củng cố thêm xu hướng của người Mỹ tập hợp lực lượng của họ theo một chiến lược toàn cầu?

Và Vương quốc Anh sẽ có cơ hội chối bỏ trách nhiệm của họ với châu Âu?

Phản ứng của các đồng minh của ta tại lục địa châu Âu sẽ như thế nào?

Vị thế của chúng ta đối với nước Đức hồi sinh sẽ ra sao?

Tư thế của chúng ta với các phần còn lại của thế giới sẽ như thế nào, nhất là ở châu Phi?

Cho dù các lập luận trên đây có vẻ đúng đến đâu, chúng không thể nào cưỡng lại sức ép của yêu cầu thực tế khi hai năm sau đó, chúng ta phải gửi quân sang Bắc Phi.

Vào năm 1953, chỉ cần một phần nhỏ các đơn vị nói trên cũng đủ để giải cứu Đông Dương

- và cũng có thể là Bắc Phi cùng một lúc.

Trước thất bại của các yêu cầu đầu tiên của tôi, tôi đành phải lui về những đề xuất khiêm tốn hơn nhưng đủ để đương đầu cho các trận đánh được dự đoán sẽ diễn ra vào đầu mùa đông.

Ở phần sau tôi sẽ làm rõ những đề xuất đó là gì và việc gì đã xảy ra.

Tuy nhiên tôi vẫn không từ bỏ quan điểm của tôi về “ngõ cụt” ở châu Âu.

Vào tháng 10, tôi cũng lại nhấn mạnh một lần nữa với tướng Ely, người vừa được bổ nhiệm thay thế thống chế Juin đứng đầu Ủy ban Tham mưu.

Song cũng không có một kết quả nào cả.

Để bổ sung cho các biện pháp nói trên, tôi ra lệnh tiến hành biên chế lại các đơn vị vì tôi cho là có thể giúp xây dựng thêm các nguồn bổ sung:

giảm quân số các nơi không cần thiết, nâng cấp việc sử dụng nhân lực, rút gọn các bộ phận tham mưu, phục vụ.

Tôi cũng sẽ nói đến các kết quả đạt được.

Từ các ý tưởng được trình bày trên đây mà kế hoạch thành lập Binh đoàn Tác chiến được vạch ra.

Số quân và cách tổ chức do tướng Salan đề nghị được dùng làm cơ sở cho kế hoạch này, nhưng thời hạn dự kiến để tiến hành không bắt kịp các nỗ lực mà Việt Minh sẽ thực hiện trong chiến dịch sắp tới.

Một kế hoạch mới được soạn ra với nhịp độ cao hơn kế hoạch Salan sẽ giúp ta kịp chạy đua với các cố gắng của Việt Minh.

Việc tận dụng tối đa các phương tiện mặt đất dự kiến chỉ có thể đạt được, nếu có một sự gia tăng tương ứng của sức mạnh không quân trong việc yểm trợ “hỏa lực”, “vận chuyển” cần thiết cho sức mạnh và sự cơ động của Binh đoàn.

Sự gia tăng các lực lượng hải quân cũng rất cần thiết để chi viện cho việc hành quân thủy bộ mà chúng ta có thể dự kiến.

Các yêu cầu được nhanh chóng dự trù.

______________________________________ 1.

Một đoàn công tác do tướng O’Daniel cầm đầu để thực hiện các sự thống nhất về mặt nguyên tắc đạt được với ông Letourneau tại Washington về sự giúp đỡ của Mỹ.

*** Đến đây tôi xin nói đến việc thực hiện kế hoạch.

Ở phần trên, tôi đã trình bày một cách chi tiết tình hình khi đến nhận nhiệm vụ.

Những viễn cảnh mà tình hình đó mở ra có thể được tóm tắt như sau.

Trước mắt, có nghĩa là trước tháng 10

- 11, ít có khả năng Việt Minh sẽ bắt đầu các chiến dịch quan trọng.

Mùa mưa bắt đầu đổ xuống cản trở hoạt động của họ.

Thêm vào đó là sự mệt mỏi của quân lính, dù họ không bị thiệt hại nặng trong chiến dịch mùa xuân, nhưng đã phải tác chiến dài ngày trong những chiến dịch cam go ở các vùng đất rất hiểm trở (miền thượng du Bắc Bộ và Thượng Lào).

Chúng ta có khả năng được nghỉ ngơi.

Ngược lại, trong khoảng thời gian ba hay bốn tháng nữa, có nghĩa là vào khoảng mùa thu hay đầu mùa đông, ta phải dự kiến đối phương sẽ tung ra một đợt tiến công rất lớn, tương đối kéo dài liên tục đến tận tháng năm 1954, nghĩa là cho đến mùa mưa tới.

Với cuộc tiến công này, họ tìm kiếm nếu không được một kết quả quyết định, thì ít nhất việc chiếm giữ được một số căn cứ quân sự và tạo ra thế đứng chính trị cơ bản, cho phép họ trong một hay hai năm sau đạt đến mục đích cuối cùng.

Chúng ta phải đối phó với cuộc đụng độ nảy lửa này bằng các phương tiện kém hơn đối phương rất nhiều.

Trong một tương lai xa hơn, có nghĩa là trong khoảng thời gian hai năm, với điều kiện là tương quan giữa các lực lượng cơ động nghiêng về phía chúng ta, thì có khả năng đến lượt chúng ta sẽ tiến hành được các cuộc tiến công.

Ý tưởng cơ bản của kế hoạch hành động tổng thể như sau:

trong chiến dịch 1953

- 1954, được xem như là đỉnh điểm nguy hiểm nhất, phải né tránh những trận đánh tổng lực với Binh đoàn Tác chiến Việt Minh và hình thành Binh đoàn Tác chiến chúng ta.

Trái lại, trong chiến dịch 1954

- 1955, khi Binh đoàn cơ động của chúng ta có được quân số và sự huấn luyện nhất định, chúng ta sẽ tiến hành các trận đánh lớn hơn.

Đây là suy nghĩ của tướng Salan mà tôi đã tiếp thu.

Giờ đây nó là suy nghĩ của tôi.

Một khái niệm cơ bản khác là sự phân chia chiến trường Đông Dương làm hai mặt trận rõ ràng, mặt trận phía bắc và mặt trận phía nam vĩ tuyến thứ 181.

Ở phía bắc Việt Minh có khả năng tập trung các lực lượng cơ động quan trọng hơn chúng ta, vì tại đấy tập trung hầu hết Binh đoàn Tác chiến của họ.

Ở phía nam, ngược lại, Việt Minh chỉ có các lực lượng địa phương, trừ Liên khu V, nơi họ có thể bất cứ lúc nào tung ra một lực lượng tương đương một sư đoàn với quân số rất đầy đủ.

Do đó, nếu không thể thực hiện được một cuộc tiến công chiến lược vào vùng phía bắc trong lúc này do sự yếu kém của quân đội ta, thì trái lại là một việc khả thi ở phía nam, nơi chúng ta có sự vượt trội về phương tiện chiến đấu.

Và cuối cùng, yếu tố cơ bản thứ ba là yếu tố thời tiết, rất khác biệt nhau giữa các vùng, chi phối triệt để khả năng tiến hành các chiến dịch quan trọng2.

Lịch trình hoạt động phải được dựa rất nhiều vào yếu tố này.

Tất cả những sự thẩm định trên buộc tôi phải dừng lại ở kế hoạch hành quân sau đây, rất gần với kế hoạch của tướng Salan trong bản nghiên cứu của ông vào tháng 5 năm 1953.

1.

Trong chiến dịch 1953-1954 giữ một tư thế chiến lược có tính cách phòng thủ ở phía bắc vĩ tuyến thứ 18, để tiến hành việc bình định ở phía nam và vùng Trung Bộ Đông Dương; tranh thủ nhận những phương tiện chiến tranh khác.

Đặc biệt là tìm cách trừ khử Liên khu V.

2.

Khi đã đạt được những ưu thế về các lực lượng cơ động, nghĩa là khoảng từ mùa thu năm 1954, sẽ tiến hành các cuộc tiến công ở vùng phía bắc Đèo Ngang, nhằm mục đích tạo ra một tình hình quân sự cho phép có được một giải pháp chính trị cho cuộc đối đầu.

Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở các thông tin về tiềm lực của đối phương mà chúng ta có thể biết, với mức độ phát triển có thể được ta tiên liệu trước.

_____________________________________ 1.

Tại vĩ tuyến thứ 18, có một rào chắn được tạo ra bởi ải An Nam (Porte d’Annam) tức là đèo Ngang, được tiếp nối về phía tây bằng một dãy núi đá vôi đến tận sông Mêkông đến thành phố Thakek.

Đây là biên giới tự nhiên duy nhất giữa phía bắc và phía nam Đông Dương.

Có thể đi vòng qua phía tây nhưng trên lãnh thổ nước Xiêm.

2.

Mùa mưa không đồng nhất tại Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.

Chế độ khí tượng (régime méteorologique) rất khác nhau ở phía đông và phía tây của dãy Trường Sơn.

Sự khác biệt về khí hậu này còn được tăng cường thêm do các đặc thù cá biệt của từng địa phương (ví dụ như mưa phùn ở đồng bằng Bắc Bộ).

Dự phòng hai trường hợp khó khăn có thể xảy ra, yêu cầu Chính phủ chính thức phải quan tâm1:

Một mặt, do ưu thế của Binh đoàn Tác chiến đối phương, chúng ta có khả năng sẽ bị thất bại nghiêm trọng trong chiến dịch 1953-1954.

Mặt khác, kế hoạch này chỉ có giá trị khi nào sự viện trợ của Trung Quốc cho Việt Minh vẫn ở mức độ hiện tại.

Trong trường hợp sự viện trợ này tăng cường một cách ồ ạt, thì chưa có một kế hoạch nào có thể được xem như khả thi.

Ngay khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu các phương cách thực hiện kế hoạch, thì một vấn đề rất nghiêm trọng lập tức xuất hiện:

việc bảo vệ vùng Bắc Lào.

Vấn đề này được đặt ra cho tướng Salan trong chiến dịch 1952

- 1953; nó có thể tạo cho tôi nhiều khó khăn nghiêm trọng hơn trong chiến dịch sắp diễn ra.

Việt Minh có thể làm những gì trong năm 1953

- 1954?

Các khả năng của họ có vẻ như được rút gọn trong ba phương án, và có thể là một sự kết hợp của những phương án này.

Khả năng thứ nhất là một cuộc tiến công tổng lực vùng châu thổ Bắc Bộ.

Đây là một khả năng rất nghiêm trọng, nhưng lại không tạo ra cho chúng ta các vấn đề phức tạp, vì phản ứng của ta được vạch ra rõ ràng:

chúng ta chống cự ngay tại chỗ, bằng cách tập trung các nỗ lực bằng mọi giá bảo vệ vùng trọng yếu của “khu tam giác có nhiều lợi ích”:

Hải Phòng, Hà Nội và các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt nối liền hai thành phố này.

Khả năng thứ hai là một cuộc tiến quân của Việt Minh về phía nam, xuất phát từ vùng Vịnh, hoặc đi dọc theo bờ biển, hoặc đi dọc theo sông Cửu Long, hoặc theo cả hai hướng trên, nối với Liên khu V, nơi có thể xuất phát một mũi tiến công phụ.

Giả thuyết này là rất đang sợ

- thậm chí đáng sợ nhất, vì miền Trung và miền Nam sẽ bị uy hiếp.

Sự đối phó đòi hỏi việc giải quyết các vấn đề rất nan giải, nhưng rõ ràng là tất cả phải được chuẩn bị để đối phó.

Khả năng thứ ba là Việt Minh xuất phát từ các căn cứ mà họ đã chiếm được trong chiến dịch năm 1952

- 1953, một chiến dịch đã từng giúp họ đạt được nhiều thành công đáng kể, tiến về vùng thượng sông Mêkông đến các vùng như Luang Prabang, Vien Tiane, Paksane.

Chúng ta xử trí hai khả năng đầu không khó vì chúng tức thì tạo ra tình thế nghiêm trọng, nhưng nếu xảy ra khả năng thứ ba thì vấn đề tế nhị hơn nhiều.

Đứng về mặt thuần tuý quân sự, có vẻ như sẽ không có một việc gì thật nghiêm trọng khi để cho đối phương chiếm được vùng thượng lưu sông Mêkông.

Các vùng lãnh thổ họ chiếm được không có giá trị lớn; và vào cuối chiến dịch quân địch có thể tiến sát biên giới nước Xiêm, một quốc gia trung lập.

Họ không thể xâm lược quốc gia này mà không gặp những vấn đề quốc tế nghiêm trọng.

Nhưng nếu ta nhìn vấn đề một cách cận kề hơn, việc bỏ rơi vùng Bắc Lào có thể tạo ra những nguy cơ rất lớn trên lĩnh vực thuần túy quân sự trong một thời gian nào đó.

Rõ ràng là khi đã tiến sát nước Xiêm, Việt Minh cho dù họ không trực tiếp xâm lược nước này bằng quân sự, cũng sẽ tìm cách phá hoại nước này về mặt chính trị; và họ sẽ tìm cách xâm nhập thông qua thung lũng sông Cửu Long để uy hiếp phần phía nam Đông Dương.

Không bảo vệ vùng Thượng Lào, đứng về khía cạnh quân sự có thể là một quyết định không gây ảnh hưởng xấu ngay lập tức, nhưng nó tạo mầm móng cho những tai họa lớn trong khoảng thời gian một vài tháng sau đó.

Đứng về mặt chính trị, quyết định này có những ảnh hưởng trầm trọng hơn rất nhiều.

Trong ba Quốc gia Liên kết, Lào là nước trung thành nhất với Pháp, và là quốc gia không đặt quá nhiều điều kiện để gia nhập khối Liên hiệp Pháp.

Bỏ rơi thành phố Luang Prabang

- kinh đô chính trị và tôn giáo của họ, một biểu tượng sự thống nhất của đất nước này

- để cho nó rơi vào tay đối phương mà không có một trận đánh thì chẳng khác nào nhìn nhận sự bất lực của chúng ta trong việc bảo vệ những người luôn tin tưởng vào ta.

Ngoài lý lẽ chính trị tối quan trọng này còn các vấn đề khác.

Mỹ trợ giúp chúng ta ở Đông Dương tại vì ta bảo vệ một vùng trọng yếu của vùng Đông Nam Á:

Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai.

Để cho quân địch tiến đến sông Mêkông có nghĩa là việc phòng thủ này đã bị thất bại.

Phản ứng của nước Mỹ là một việc phải quan tâm đến.

______________________________________ 1.

Bản ghi nhớ được làm vào tháng 7 năm 1953, được trình bày trước Ủy ban Quốc phòng Quốc gia ngày 24 tháng 7 năm 1953.

Các lập luận về chính trị và quân sự đều có sự thống nhất với nhau là phải bảo vệ vùng Thượng Lào.

Nhưng việc bảo vệ chống một cuộc tiến công bọc sườn như vậy đặt ra các vấn đề rất khó giải quyết, vì lý do địa hình của vùng này:

một vùng đầy núi non, được che phủ bởi rừng già, với một hệ thống giao thông đường bộ hết sức nghèo nàn, chỉ được giới hạn ở vài tuyến đường rất xấu.

Trên một vùng đất như thế, một cuộc chiến tranh cơ động không thể nào khả thi với những đội quân được trang bị, tiếp tế và huấn luyện theo kiểu châu Âu như quân đội của chúng ta.

Việc tổ chức phòng thủ chỉ có thể được tổ chức theo kiểu “con nhím”, những điểm mạnh được thiết lập chung quanh các sân bay và kiểm soát các đường liên lạc chủ yếu.

Phương cách này đã được tướng Salan cho triển khai từ năm trước, với sự thiết lập những căn cứ trong vùng Nà Sản, Lai Châu và cánh đồng Chum.

Phương cách này rất nguy hiểm, vì nó sẽ dẫn đến việc hình thành các đội quân đồn trú ở nhưng nơi dễ bị cô lập và khó được chi viện.

Nó đòi hỏi phương tiện vận tải đường không rất lớn.

Nhưng đây là phương cách duy nhất để đối phó lại những cuộc tiến công mạnh mẽ.

Tôi trình bày vấn đề này rất lâu với Ủy ban Tham mưu, vào tháng 7 năm 1953.

Đứng trên quan điểm quân sự, trên cơ sở khả năng tiếp viện hạn chế mà họ có thể hỗ trợ cho tôi, các tham mưu trưởng cho ý kiến là nhiệm vụ của tôi không nên bao gồm sự bắt buộc phải bảo vệ bằng mọi giá vùng Bắc Lào.

Lời khuyên này cũng tương tự như lời khuyên của tướng Revers vào năm 1949, trong việc rút ra khỏi các vùng biên giới với Trung Quốc.

Đây là một kế để tranh thủ thời gian, giúp cho công tác trước mắt của vị Tổng tư lệnh quân đội được dễ dàng hơn, và đồng thời cũng biện minh cho việc từ chối gửi thêm các lực lượng và quân trang chi viện

- những việc này đã theo thời gian chứa đựng mầm móng cho một sự thất trận.

Vai trò của các cố vấn quân sự cấp cao của Chính phủ là trình bày cho các vị này biết sự thật, cho dù chúng rất phũ phàng, chứ không phải là để đề nghị những giải pháp dễ dàng.

Tuy nhiên, vì không muốn tôi bị rơi vào một thế bí do họ đã ý thức được rất rõ các hậu quả của một quyết định như thế, các vị tham mưu trưởng đã gợi ý nên có một hành động ngoại giao để ngăn chặn Việt Minh tái diễn một cuộc tiến công trên đất Lào.

Họ nghĩ rằng chúng ta có thể nhờ Anh và Mỹ đảm bảo cho sự toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc Lào và kêu gọi sự quan tâm của Liên Xô và Trung Quốc về mối hiểm nguy của sự lan rộng cuộc chiến nếu có một cuộc tiến công vào Luang Prabang.

Trên thực tế, khi Việt Minh tiến công nước Lào với các lực lượng chính quy, họ đưa cuộc chiến tranh đi vào một giai đoạn mới:

từ một cuộc nội chiến thành cuộc chiến tranh với nước ngoài, và sẽ biện minh cho sự can thiệp của các cường quốc quan tâm đến sự ổn định của vùng Đông Nam châu Á.

Một viễn cảnh như thế có thể làm cho phe Cộng sản suy nghĩ lại.

Trong phiên họp ngày 24 tháng 7 năm 1953 của Ủy ban Quốc phòng, tôi báo cáo một cách chi tiết về vấn đề này, và quan điểm của Ủy ban các tham mưu trưởng cũng được trình bày.

Một cuộc tranh luận được tiến hành sau đó; một số các bộ trưởng ủng hộ quan điểm này, trong khi số khác thì nhấn mạnh đến sự tối cần thiết phải bảo vệ nước Lào bằng một giải pháp chính trị.

Tôi yêu cầu Chính phủ phải có một quyết định rõ ràng, theo tôi là vô cùng cần thiết cho việc thiết lập các kế hoạch hành động của mình.

Tôi không nhận được quyết định dứt khoát ngay tại chỗ nhưng được hứa sẽ có trong một thời gian rất ngắn.

Sự gợi ý của các tham mưu trưởng liên quan đến một hành động ngoại giao để tránh cuộc tiến công của Việt Minh trên đất Lào được ghi nhận cho dù Bộ Ngoại giao không thật sự ủng hộ.

Các tin tức từ cuộc họp đã bị “rò rỉ”, và Việt Minh nắm được cuộc thảo luận về việc bảo vệ nước Lào.

Tôi sẽ trở lại việc này ở phần sau.

*** Nói tóm lại, kế hoạch chung được tôi đệ trình lên Chính phủ

- theo tôi biết là kế hoạch đầu tiên từ khi cuộc chiến tranh này bùng nổ

- bao gồm nhiều kế hoạch riêng biệt:

sự chi viện từ Chính quốc bằng những phương tiện trên bộ, trên không và trên biển; kế hoạch sắp xếp lại quân lực; kế hoạch cơ động hóa các đơn vị có những nhiệm vụ chiến thuật (kế hoạch này dựa trên cơ sở một kế hoạch bình định); kế hoạch phát triển các lực lượng quân đội quốc gia; những kế hoạch khác nhau nói trên đều nhằm mục đích tiến tới việc thành lập một Binh đoàn Tác chiến.

Toàn bộ kế hoạch được kéo dài từ năm 1953 sang năm 1954

- 1955, tạo thành một tổng thể không tách rời nhau được, vì sự thành công của từng kế hoạch tùy thuộc chặt chẽ vào sự thành công các kế hoạch khác.

Cái tổng thể này còn phải dựa trên những điều kiện có tính cách chính trị:

xác định mục đích chiến tranh, sự thống nhất giữa các hoạt động chính trị và quân sự, việc lôi cuốn các Quốc gia Liên kết vào cuộc chiến.

Kế hoạch tác chiến chỉ là công đoạn cuối của tất cả những việc nói trên.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-duong-hap-hoi-ke-hoach-navarre-5043.html