Đông Phương Minh Nguyệt - CHIẾN TRANH Ở NAM KỲ (2) - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 50 : Đông Phương Minh Nguyệt - CHIẾN TRANH Ở NAM KỲ (2)

  Sau khi kiểm soát được Gia Định, chỉ huy bộ của Đô đốc Léonard Victor Joseph Charner nhận thấy cần phải đánh lấy vùng lân cận là Định Tường và Biên Hòa để mở rộng địa bàn và cũng để ổn định các vùng đất mới chiếm được.

Nhưng vì không đủ binh lực để tiến đánh cả hai nơi, Đô đốc Léonard Victor Joseph Charner sau khi xem xét đã quyết định đánh chiếm Định Tường trước, bởi Định Tường bị cách biệt với quân đội của triều đình Huế ở miền ngoài, ít quân và chỉ có một ít viện binh từ ba tỉnh miền Tây.

Ngoài ra, Định Tường còn là vựa lúa quan trọng của Đại Nam, và có vị trí quan trọng trong hệ thống giao thông đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể dễ dàng đi đến Cambodge và ra Huế.

Chiếm được Định Tường sẽ có thể cắt đứt được nguồn cung ứng lúa gạo ra Huế và các tỉnh miền trung.

Đô đốc Léonard Victor Joseph Charner cũng biết câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, nên ngay khi quyết định đánh Định Tường đã sai nhiều toán trinh sát đi thăm dò, và cuối cùng đã chọn sông Bảo Định và kênh Thương Mại làm đường tiến quân.

Ngày 11 tháng 3 năm 1861 (nhằm ngày mồng 1 tháng 2 năm Tân Dậu), Trung tá Hải quân Bourdairs được lệnh mang chiến thuyền đến đóng ở cửa sông Bảo Định để chuẩn bị chở quân đến đánh Mỹ Tho.

Đúng nửa tháng sau, Bourdairs nhận được lệnh xuất quân.

Trung tá Bourdairs suất lĩnh hai pháo hạm La Mitraill và L’ Alarme, 5 tiểu pháo hạm, cùng 200 lính thủy và 20 lính Tây Ban Nha do Thiếu úy Maolini chỉ huy, tiến theo sông Bảo Định về phía thành Mỹ Tho.

Ngày 1 tháng 4 năm 1861, các pháo hạm cùng nã súng phá hủy hai đồn của quân Đại Nam ở bờ sông.

Hai ngày sau đó, quân Pháp và Tây Ban Nha tập trung phá các đập chắn ngang sông để cản ngăn đường tiến quân.

Phá xong bốn đập, ba pháo hạm tiến lên, nhanh chóng bắn hủy đồn thứ ba đang canh giữ đập thứ năm và thứ sáu.

Ngày 4, một đoàn quân đông đảo từ Gia Định tiến xuống chi viện, đi trên hộ vệ hạm Echo, do Đại úy De.

Vautré chỉ huy.

Đạo quân này gồm 200 bộ binh do hai Đại úy là Lafouge và Azières cầm đầu; và 100 lính thủy, hai đại đội thủy quân lục chiến, hai khẩu đại pháo, hai khẩu sơn pháo, do Đại úy Amlaudrie du Chauffaut chỉ huy.

Ngoài ra còn có 50 công binh do Đại úy Bovet chỉ huy, và có Thiếu úy Math theo hỗ trợ, Thiếu úy Hải quân Amirault làm phụ tá.

Hai ngày sau, lại có thêm một toán quân nữa do Trung tá Hải quân Desvaux chỉ huy đến sông Bảo Định.

Cùng lúc đó, Trung úy Guilhoust cũng được lệnh mang thêm pháo hạm xuống tăng viện Lúc này, đạo quân đã trở nên đông đảo, nên Đô đốc Léonard Victor Joseph Charner phái Đại tá Hải quân Le Couriault du Quilio xuống làm Tổng chỉ huy, với chỉ thị :

nếu đối phương đề nghị thương thảo thì phải chiếm thành trước rồi mới nói chuyện sau.

Nhiều ngày sau đó, liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải liên tục phá đập ngăn trên sông, rất mất thời gian.

Ngoài ra, dịch tả, kiết lỵ và sốt rét luôn làm cho quân Pháp và Tây Ban Nha kiệt sức, lo âu, sau đó trở thành nỗi kinh hoàng.

Chỉ đến ngày 5 tháng 4, đã có 150 quân sĩ bị bệnh phải di tản.

Sau đó có rất nhiều người chết, không phải vì chiến đấu mà vì bệnh dịch.

Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mà Trung úy Hải quân Vicaire đã thấy trên chiếc tuần duyên hạm Loire năm người trút hơi thở trước mắt mình.

Ngay cả Trung tá Bourdairs cũng bị sốt nặng.

Trong một trận công đồn ngày 10 tháng 4, Bourdairs bị chết vì trúng đạn pháo.

Trung tá Hải quân Desvaux nhận quyền chỉ huy các pháo hạm thay Bourdais.

Ngoài cánh quân tiến theo đường sông Bảo Định, Đô đốc Léonard Victor Joseph Charner còn phái Chuẩn Đô đốc Page suất lĩnh ba pháo hạm Fusées, Lily và Sham Rock đi theo đường biển, tiến vào cửa Tiểu, rồi tiến sát thành Mỹ Tho vào ngày 12 tháng 4.

Đối mặt với hai mũi giáp công, Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn chạy về huyện Kiến Đăng (thuộc phủ Kiến An, Định Tường), Án Sát Huỳnh Mẫn Đạt cũng bỏ trốn.

Chỉ có Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành và Phó Đề đốc Đặng Đức rút vào thành cố thủ.

Nhưng cuối cùng, cảm thấy lực lượng đối phương quá hùng hậu, vũ khí quá lợi hại, nhắm không thể nào giữ được thành nên trưa ngày 12 tháng 4, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành đã ra lệnh thiêu hủy toàn bộ kho tàng, dinh thự, rồi cùng với Phó Đề đốc Đặng Đức thu gom vũ khí, tài liệu, rút quân về Vĩnh Long.

Trước đó, Tổng đốc Long Tường là Trương Văn Uyển đã phái Án sát Nguyễn Duy Quang và Lãnh binh Tôn Thất Tuấn đem một nghìn quân Vĩnh Long sang cứu viện Định Tường.

Đội quân này đóng ở ngoài thành, thấy tình thế như vậy nên đã cùng quân Định Tường rút hết về Vĩnh Long.

Đến chiều, đoàn pháo hạm của Chuẩn Đô đốc Page dễ dàng chiếm lĩnh thành Mỹ Tho mà không hề tốn một phát đạn nào.

Đến ngày 14 tháng 4, khi đoàn quân của Trung tá Desvaux chiếm lĩnh Tân Hòa (Gò Công ngày nay) thì toàn cảnh Định Tường chính thức rơi vào tay Pháp.

Trận này tuy liên quân Pháp – Tây Ban Nha tiến quân rất khó nhọc, bị dịch bệnh chết rất nhiều, nhưng cũng đã khiến cho phe chủ hòa ở triều đình Huế, triều đình nhất quyết nghị hòa.

Khâm sai Nguyễn Bá Nghi ở Biên Hòa thấy tình hình không thể sáng sủa được, đã viết thư nghị hòa với Đô đốc Léonard Victor Joseph Charner.

Tuy triều đình Huế muốn cầu hòa, nhưng quân dân Nam Kỳ nhất định không chịu.

Phong trào kháng Pháp của người dân Nam Kỳ càng thêm mạnh mẽ.

Nhiều tướng lĩnh cũng về thống lĩnh dân binh chống Pháp, trong đó nổi bật nhất là Trương Định ở Gò Công, Đỗ Trình Thoại ở Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu đã ca ngợi trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”), .

Quân dân Nam Kỳ liên tục tổ chức tập kích liên quân Pháp – Tây Ban Nha, khiến bọn họ tổn thất không nhỏ.

Đô đốc Léonard Victor Joseph Charner bất lực trước sự đề kháng này, nên đã xin từ chức.

Tháng 10 năm 1861, Đô đốc Bonard được cử sang thay.

Rút kinh nghiệm thất bại của Charner, Đô đốc Bonard chủ trương chưa đánh sâu vào các làng xã mà khẩn trương đánh chiếm những tỉnh thành.

Kế hoạch đánh chiếm Biên Hòa và Vĩnh Long liền được thảo ra, và nhanh chóng thực hiện nhằm mở rộng khả năng càn quét, bao vây, tiêu diệt các lực lượng nghĩa quân trên một địa bàn rộng lớn từ sông Đồng Nai đến tận sông Hậu.

Để dọn đường cho cuộc tấn công Biên Hòa, tướng Bonard sai hai toán quân đi thám thính.

Nhưng cả hai toán đều bị tập kích trên đường đi, phải tháo lui.

Ngày 14 tháng 12 năm 1861, tướng Bonard vừa gửi tối hậu thư cho Khâm sai Nguyễn Bá Nghi và Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan, vừa ra lệnh xuất binh.

Liên quân Pháp – Tây Ban Nha có khoảng một nghìn người được chia làm bốn đạo.

Đạo quân bộ thứ nhất do Thiếu tá Comte chỉ huy gồm pháo binh và bộ binh Tây Ban Nha.

Đạo quân bộ thứ hai do Trung tá Domenech Diégo chỉ huy gồm một đại đội thủy quân lục chiến Tây Ban Nha và một đội kỵ binh Pháp cùng hai khẩu pháo.

Đạo quân thủy thứ ba do Đại tá Lebris chỉ huy gồm hai đại đội thủy quân lục chiến.

Đạo quân thủy thứ tư do Tỉnh trưởng Renommée chỉ huy.

Ngay trong ngày, đạo quân của Thiếu tá Comte đã đánh chiếm được Gò Công Trao Trảo (khu vực Thủ Đức ngày nay).

Ngày 15, đạo quân của Thiếu tá Comte hợp với đạo quân của Trung tá Domenech Diégo, cắt đứt liên lạc giữa đồn Mỹ Hòa và thành Biên Hòa, rồi cùng bao vây đồn Mỹ Hòa, khiến quân Đại Nam phải bỏ đồn rút qua sông.

Trong khi đó, đoàn chiến thuyền do Trung tá Haren chỉ huy tiến theo sông Đồng Nai vừa phá chướng ngại vật vừa bắn phá các pháo đài trên bờ.

Đồng thời, đạo quân thủy của Đại tá Lebris cầm đầu, theo rạch Gò Công Trao Trảo đánh vào phía sau các pháo đài.

Sau khi các chướng ngại vật và pháo đài của quân Đại Nam đều bị phá hủy, đến ngày 16, cả bốn đạo quân trên đều có mặt trước thành Biên Hòa.

Sáng sớm ngày 16, liên quân Pháp

- Tây Ban Nha tấn công thành trên cả hai mặt.

Trung tá Domenech Diégo được lệnh tiến quân ào ạt bức thành, nã pháo vào trong thành, yểm trợ cho quân thủy và quân bộ kéo lên.

Tuần Phủ Nguyễn Đức Hoan và Án sát Lê Khắc Cẩn chống đỡ suốt ngày, thấy không giữ nổi, đành nhờ đêm tối lui quân về Hồ Nhĩ.

Hôm sau, liên quân tiến vào trong thành.

Trong khi đó, Khâm sai Nguyễn Bá Nghi đang ở phủ Phước Tuy, chưa thấy bóng dáng địch quân đâu, đã vội lui quân vào rừng Long Kiên, Long Tả rồi chạy luôn về Bình Thuận.

Ngày 28, liên quân đánh chiếm Long Thành.

Ngày 7 tháng 1 năm 1862, liên quân lại theo sông Đồng Nai, đánh lấy thành Bà Rịa (phủ lỵ Phước Tuy).

Trước tình thế nguy cấp đó, triều đình lại khệnh khạng, mất hết thì giờ cho việc ban kiếm, ban nhung y, ban thắt lưng cho các tướng Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp và Nguyễn Công Nhàn.

Rồi còn phải đợi Khâm Thiên Giám coi “bản mệnh của đại tướng, tốt hay xấu”; chờ ngày tốt để “khởi mã”.

Cho nên mấy nghìn quân do Nguyễn Tri Phương chỉ huy chưa kịp đến nơi, thì thành Biên Hòa đã thất thủ, Nguyễn Bá Nghi đã chạy về Bình Thuận rồi.

__________________________________________________ ____ Có thể nhiều người không biết Huỳnh Mẫn Đạt là ai, nhưng bài thơ của ông ta có câu :

'Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

' thì khá quen thuộc.

Nhiều người qua bài thơ trên xem ông ta là nhà yêu nước (còn được đặt tên đường).

Nhưng mỗi khi đọc tiểu sử của ông ta, nhất là khi đọc các tư liệu về cuộc nổi dậy ở Hà Tiên, vụ che giấu thuốc phiện, và nhất là trận chiến Định Tường, tui thấy xem ông ta là gian thần thì đúng hơn.

Huỳnh Mẫn Đạt cũng không phải là danh sĩ, mà là một nhà nho chuyên trấn áp quân nổi dậy ở Nam Kỳ lục tỉnh.

Năm 1840, ông lo việc trấn áp nhóm nổi dậy ở thôn Xướng Ca (Định Tường), bị thương.

Dưỡng thương một tháng thì được chuyển sang Hà Tiên làm Quyền Thự Án Sát và Quyền Tuần phủ Quan Phòng.

Nhậm chức chưa được một năm thì hàng nghìn người dân bất mãn nổi dậy đánh đồn Châu Nham.

Đồn bị hạ, quân nổi dậy lại tràn xuống đánh chiếm Tô Châu, nhờ có Thự Tuần phủ Lê Quang Huyên đem quân cứu viện mới trấn áp được.

Năm 1852, xảy ra vụ án che giấu thuốc phiện, ông bị cách chức, bãi quan.

Tám năm sau được tha, bổ làm Án Sát Định Tường, chưa được một năm thì Định Tường bị Pháp chiếm.

Khi Pháp chưa đến thì đã bỏ thành mà trốn, chỉ có Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành và Phó Đề đốc Đặng Đức rút vào thành cố thủ.

Để mất thành, ông bị bắt giải ra Huế trị tội, nhưng sau được cho theo Nguyễn Tri Phương đánh giặc để lập công chuộc tội.

Và sau đó toàn gặp thất bại, Pháp chiếm mất cả Nam Kỳ.

Ông chỉ có điều đáng chú ý là không chịu hợp tác với Pháp, về Rạch Giá ở ẩn cho đến khi mất (1882).

Các bài thơ của ông, trừ bài thơ trên, đều có ngụ ý rất cao xa (dân Việt chưa chắc đã hiểu, nói gì người Pháp).

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-chien-tranh-o-nam-ky-2-96267.html