Đông Phương Minh Nguyệt - CHINH PHỤC KOROR - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 23 : Đông Phương Minh Nguyệt - CHINH PHỤC KOROR

  Sau một tháng khẩn trương thi công, các chiến hạm cuối cùng cũng đã cải trang hoàn tất.

Tuấn Văn quyết định xuất quân chinh phục Koror.

Lần này, Tuấn Văn phái một lực lượng đông hơn, gồm 25 tiểu đội người Việt và 6 tiểu đội Tây Ban Nha – Tagal.

Do chịu ảnh hưởng của bọn hộ vệ người Tây Ban Nha của Tuấn Văn mà đã có quá nửa số hàng binh Tây Ban Nha tình nguyện tham quân.

Bọn họ vốn là quân nhân, quen cầm súng hơn là cầm cày cuốc.

Ngoài ra, một tiểu đội người Pelew cũng được tham chiến để thử nghiệm cảm giác chiến đấu.

Tổng quân số xuất chinh là 320 người, cũng do Lý Ngân làm Tướng quân, Lê Đức An làm Phó tướng và Nguyễn Văn Chơn làm Đô đốc.

Võ Đình Hiếu phụ trách phòng vệ các thị trấn.

Do thiếu binh lực, nên chỉ có ba chiến hạm lớn nhất là Soái hạm An Phú và hai khu trục hạm Tân Phú, Tân Thạnh tham chiến.

Koror, kinh đô của Vương quốc Pelew, lúc này đã là một thị trấn lớn với hơn năm nghìn dân, nằm ở phía tây bắc đảo Koror.

Đảo Koror vừa dài vừa hẹp, nơi rộng nhất chưa đến 1 kilômét, còn nơi hẹp nhất chỉ khoảng trăm mét, nên các thôn trấn trên đó dễ dàng trở thành mục tiêu pháo kích của các chiến hạm.

Lý Ngân cho các chiến hạm tiến đến ngoài khơi thị trấn Koror, rồi cho các khẩu pháo hướng vào trong thị trấn, pháo thủ sẵn sàng, chuẩn bị pháo kích.

Để giảm tổn thất binh lực, Lý Ngân quyết định pháo kích thị trấn trước khi cho quân đổ bộ.

Khác với các bộ tộc trên đảo Babeldaob, bộ tộc Idid trên đảo Koror, chủ nhân của Vương quốc Pelew, có một đạo quân thường trực 500 người, trú đóng tại kinh đô, phụ trách bảo vệ Quốc vương và vương tộc.

Khi thấy các chiến hạm xuất hiện ngoài khơi, thủ quân và dân chúng trên bờ đều kinh hoàng sửng sốt.

Thị trấn bắt đầu rơi vào hỗn loạn.

Nhìn những chiến hạm ngoài khơi, ai nấy không lạnh mà run.

Nhưng rồi, dưới sự chỉ huy của Quốc vương, thủ quân nhanh chóng ổn định tình hình, chiếm giữ các vị trí trọng yếu, chuẩn bị ứng chiến.

Lý Ngân không để cho thủ quân có nhiều thời gian chuẩn bị, cờ hiệu lay động truyền lệnh tấn công.

Pháo thủ lập tức khai hỏa, nã pháo đạn vào trong thị trấn.

Thị trấn diện tích không lớn, hơn trăm khẩu pháo lê một lượt là gần như tan hoang.

Những ngôi nhà mái cao, dấu hiệu cho biết chủ nhân là phú gia hay quyền quý, đều bị san bằng.

Những nơi thủ quân tập trung phòng thủ cũng bị hủy diệt, khiến thủ quân tổn thất nặng nề.

Sau đó, 250 quân đổ bộ lên bờ, dưới sự chỉ huy của Lê Đức An, tiến vào trong thị trấn.

Thủ quân lúc này cũng còn được hơn 200 người, cũng tổ chức chống cự.

Nhưng dùng gậy gộc, cung tên chống lại súng đạn, nên nhanh chóng bị tiêu diệt.

Mặt đối mặt chiến đấu, cung tên có tầm bắn chỉ khoảng trăm mét, trong khi súng trường có tầm bắn xa hơn rất nhiều lần, thậm chí cả chục lần.

Vì thế, thủ quân đều bị bắn gục trước khi kịp đến gần đối phương, toàn bị công kích chứ không thể phản kích.

Chiến đấu hoàn toàn nghiêng về một bên.

Lê Đức An nhanh chóng dập tắt sự phản kháng và tiến vào khống chế thị trấn.

Tiếp đó, Lý Ngân truyền lệnh xử lý toàn bộ những “kẻ chống đối” và tịch thu tài sản.

Theo quan niệm của bọn Lý Ngân, toàn bộ quý tộc của vương quốc Pelew đều từng tham gia phản kháng, đều là những “kẻ chống đối”, cần phải nghiêm trừng.

Bọn họ chỉ lưu lại bình dân, cưỡng chế tất cả di dân đến An Phú trấn bên kia eo biển.

Xong đâu đấy, các chiến hạm lại chuyển mục tiêu sang thị trấn Meyuns trên đảo Ngerekebesang bên cạnh.

Thị trấn này chỉ có 600 dân, nên nhanh chóng bị khống chế.

Số phận cư dân ở đây cũng tương tự như cư dân ở Koror.

Chỉ có dân của 11 làng trên các đảo vì thấy thời thế đổi thay, chủ động quy thuận, nên được giữ nguyên hiện trạng.

Ngày mồng 9 tháng 4 năm Kỷ Mùi (tức ngày 11/5/1859 dương lịch), Tuấn Văn chính thức trở thành Quốc vương Pelew.

Một bữa tiệc nhỏ được tổ chức thay cho lễ đăng quang.

Thật ra mọi người cũng không xem trọng ngôi vị đó cho lắm, ngay cả Tuấn Văn cũng vậy, chủ yếu là để chính danh mà thôi.

Chứ làm Quốc vương của một Vương quốc chỉ có chưa đến một vạn quân dân thì có đáng kể gì.

Kinh đô của Vương quốc, An Phú trấn, giờ đã có hơn tám nghìn dân, đã có dáng vẻ của một đô thị “hiện đại” (theo quan niệm thời bấy giờ).

Nhờ có gạch ngói và xi măng, những ngôi nhà lầu hai, ba tầng lần lượt được xây dựng.

Đường phố được tráng xi măng phẳng lỳ, khiến cho diện mạo phố xá cũng khang trang hơn.

Mỗi bộ tộc ở Pelew đều có một ngôi nhà “Bai” làm nơi hội họp của các thủ lĩnh bộ tộc.

Những ngôi nhà đó cũng tương tự như “nhà rông” của các buôn làng ở Tây Nguyên.

Tuấn Văn cho phá dỡ chúng, dựng lên những ngôi nhà thờ, làm nơi học tập và sinh hoạt cộng đồng của dân chúng.

Xây nhà thờ chỉ để cho người tây phương thấy, cũng như để cho những người Pháp và Tây Ban Nha theo Tuấn Văn có chỗ cầu nguyện.

Hiện tại dân chúng đã có thể gọi là an cư lạc nghiệp, không đến nỗi thiếu đói vô gia cư, Tuấn Văn quyết định cải thiện tình trạng văn hóa của bọn họ.

Việc giáo dục rất quan trọng đối với mỗi quốc gia.

Tuấn Văn thân tự biên soạn chương trình xóa mù chữ dành cho dân chúng, chỉ dạy đọc viết chữ Việt (chữ quốc ngữ).

Trước đây, Tuấn Văn đã dạy chương trình thử nghiệm cho 10 người bản địa.

Bọn họ chỉ mất khoảng bốn tháng là có thể nói viết bằng tiếng Việt, làm hướng đạo và phiên dịch cho quân đội của Tuấn Văn.

Do đó, ước tính đối với người bình thường chỉ cần nửa năm là có thể hoàn thành chương trình xóa mù chữ đó.

Số người bản địa vừa được xóa mù đó sẽ lo việc dạy tiếng Việt cho cư dân bản địa.

Bọn họ vừa biết tiếng Việt vừa biết tiếng Pelew, việc giao tiếp sẽ dễ dàng hơn.

Ngay cả số người Pháp, Tây Ban Nha và Philippine cũng bị buộc phải học tiếng Việt.

Những ai học hành không xong sẽ phải làm những công việc nặng nhọc hơn những người khác.

Ngoài ra, Tuấn Văn còn biên soạn chương trình tiểu học với thời lượng hai năm.

Thời kỳ này, bảng hệ thống tuần hoàn Mendeleev chưa ra đời, thuyết tiến hóa của Darwin cũng vậy, dòng điện chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm với máy phát điện đơn giản dùng nam châm vĩnh cửu cho dòng điện rất yếu, .

Do đó chương trình tiểu học này chỉ dạy toán, văn, sử, địa, đạo đức với nội dung rất đơn giản.

Ít ra thì chương trình này tiến bộ hơn cách học Tứ Thư, Ngũ Kinh ở Đại Nam và Đại Thanh nhiều.

Hệ thống giáo dục ở Đại Nam và Đại Thanh chỉ đào tạo ra những “ông đồ” giỏi viết văn làm thơ.

Mà Tuấn Văn không tin rằng giỏi làm thơ thì cũng giỏi trị nước.

Cũng vì những “ông đồ” đó mà đề nghị duy tân của Nguyễn Trường Tộ đã bị triều đình Huế bác bỏ, trong khi cùng thời gian đó, ở Nhật Bản không có những “ông đồ” nên cuộc duy tân thời Minh Trị đã thành công.

Trong khi mọi việc đã dần ổn định, Tuấn Văn đang cố gắng phát triển thế lực của mình, thì đội thuyền của Nguyễn Văn Tí đã về đến.

Chuyến này, những người ở làng Phú Thạnh trong nước đã chiêu mộ được 500 người đưa sang đây bổ sung cho lực lượng của Tuấn Văn.

Bọn họ đều là lưu dân nghèo ở các tỉnh Định Tường và Gia Định, vì cuộc sống bức bách mà chấp nhận đi theo Tuấn Văn để kiếm cái ăn.

Tuy cảnh binh tai ở Gia Định và Định Tường chỉ kéo dài một tháng, nhưng cũng đã khiến cho không ít người rơi vào cảnh lang thang, phải trở thành lưu dân, đi nơi khác tìm phương sinh kế.

Có thêm người, bọn Lý Ngân liền cổ động Tuấn Văn tăng quân số.

Cả 500 người mới đến đó đều là thanh niên trai tráng, đều có thể tòng quân.

Sau một phen cân nhắc, Tuấn Văn quyết định tăng quân số lên mức tối đa có thể, bổ sung thêm 500 người Việt, 22 người Tây Ban Nha, 63 người Pháp, và 853 người Pelew bản địa.

Đến lúc này, tổng quân số đã là 1.

808 người, được chia thành các tiểu đội, trung đội, đại đội.

Theo quân chế mới, mỗi tiểu đội gồm 10 người, có tiểu đội trưởng và tiểu đội phó.

Ba tiểu đội hợp thành một trung đội, thêm trung đội trưởng và trung đội phó, tổng cộng 32 người.

Ba trung đội hợp thành một đại đội, thêm đại đội trưởng, đại đội phó và hai cận vệ, tổng cộng 100 người.

Hiện tại chỉ tổ chức đến cấp đại đội.

Các tướng lĩnh gồm có Lý Ngân, Lê Đức An, Võ Đình Hiếu, Nguyễn Văn Tí, Nguyễn Văn Chơn, Sandino Rodriguez và Fernando Martin (người Tây Ban Nha), Renault Lambert (người Pháp).

Tất cả được hợp chung với nhau phân thành 15 đại đội, 1.

500 người.

Quân đội được chính thức phân chia thành Lục quân và Hải quân.

Hải quân được phân cho 800 người, trong đó phối cấp cho Khu trục hạm An Phú 150 người (100 pháo thủ), Khu trục hạm Tân Phú và Tân Thạnh 125 người (80 pháo thủ), các Hộ vệ hạm còn lại mỗi chiếc 80 người (52 pháo thủ).

Còn lại 1.

000 người phân cho Lục quân, gồm 9 đại đội bộ binh và 10 tiểu đội pháo binh độc lập (mỗi tiểu đội 2 khẩu pháo).

Ngoài ra còn có tổ quân y 10 người (nguyên là quân y trong liên quân Pháp – Tây Ban Nha).

Tuấn Văn yêu cầu đối xử công bằng với tất cả mọi người, không ưu đãi ai mà cũng không kỳ thị ai.

Đương nhiên, khi phong các chức vị thì phải xem xét năng lực và sự trung thành.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-chinh-phuc-koror-96213.html