Đông Phương Minh Nguyệt - ĐẾN QUỲNH CHÂU “BUÔN BÁN” (2) - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 16 : Đông Phương Minh Nguyệt - ĐẾN QUỲNH CHÂU “BUÔN BÁN” (2)

  Thành Nhai Châu tuy được xây bằng gạch, nhưng vì nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh, nên đã lâu không được tu sửa, nhiều chỗ đổ nát rất thảm hại.

Theo quy định, Nhai Châu có 300 quân, nhưng thực tế chỉ có hơn trăm lão nhược bệnh tàn.

Nhiều kẻ vì hút thuốc phiện, hai mắt lờ đờ, cầm ngọn giáo không muốn vững, nói gì đến chiến đấu.

Đó là tình trạng thành Nhai Châu lúc bấy giờ.

Theo quân chế của Đại Thanh, quân địa phương được gọi là lục doanh, là một trong những đội quân được thừa nhận là vô năng nhất thế giới.

Chỉ vài nghìn quân Anh là đã có thể đuổi mấy chục vạn Thanh binh chạy dài.

Ngay cả đối phó với các cuộc nổi loạn trong nước cũng không xong, hoàn toàn phải dựa vào Tương quân, Hoài quân là lực lượng tư quân của giới sĩ phu và địa chủ miền nam chống giữ.

Chiều hôm đó, khi “dương thuyền” ghé vào cảng, đã có 9 vị “dương đại nhân” lên bờ.

Một vị ở lại bến cảng chỉ huy thủy thủ khuân mấy chiếc rương lớn lên bến.

Còn lại 8 vị dẫn theo 32 hộ vệ đi vào trong thành, rồi chia nhau đi đến các cửa hàng hỏi thăm giá cả hàng hóa.

Các vị “dương đại nhân” không biết Hán ngữ, còn người trong các cửa hàng lại không biết tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha, nên song phương nói chuyện bằng cách khua tay múa chân rất dữ dội.

Vì ngữ ngôn không thông, việc thăm dò giá cả tốn rất nhiều thời gian.

Khi trời tối, công việc vẫn chưa xong, các vị “dương đại nhân” quyết định nghỉ lại trong thành.

Tối hôm đó, đột nhiên trong thành có nhiều tiếng súng nổ vang, cùng với tiếng Thanh binh tử thương kêu gào thảm thiết.

Cư dân trong thành ai nấy đều đóng chặt cửa nẻo, không dám ló đầu ra ngoài, sợ rước vạ vào thân.

Đã lâu lắm rồi người dân nơi đây chưa từng biết chiến loạn là gì, nên ai nấy đều rất lo sợ.

Tiếng súng nổ chỉ khoảng nửa giờ thì dứt.

Thanh binh bị tấn công bất ngờ, lại quá vô năng nên nhanh chóng bị tiêu diệt.

Khi đã khống chế được toàn thành, Tuấn Văn thống suất hộ vệ tiến vào chiếm lĩnh châu phủ nha môn.

Các nhà hào phú và các cửa hiệu lớn cũng nhanh chóng bị khống chế.

Vũ lực trong thành không ra gì, nên chiến đấu chẳng tốn bao công sức.

Sau đó là lo dọn tài vật.

Theo lệnh của Tuấn Văn, những gì có giá trị đều được dọn sạch.

Trong thành tài vật không ít, mọi người phải thu dọn đến tận trưa hôm sau mới xong.

Quan ngân trong kho của nha môn không nhiều, nhưng tài sản của quan lại và phú hào thì vô số.

Người Thanh triều quả thật giàu có.

Đương nhiên, chỉ có phú hào và quan lại là giàu có, còn dân thường vẫn nghèo như dân Việt.

Tuấn Văn cảm thấy một viên Tri châu ở đây còn có nhiều tiền của hơn một viên Tổng đốc ở Đại Nam.

Mặc dù Quỳnh Châu là một trong những xứ nghèo khó nhất ở Đại Thanh.

Sau đó, Tuấn Văn cho tất cả hộ vệ tùy ý cướp bóc trong thành, nhưng yêu cầu bọn họ hạn chế giết người.

Cuộc cướp bóc diễn ra đến tận chiều thì mới kết thúc.

Túi tiền ai nấy đều rủng rỉnh.

Xong đâu đấy, Tuấn Văn quyết định rời Nhai Châu, kéo thuyền ra khơi.

Trên bến cảng có ba chiếc thuyền buồm nhỏ cũng bị tịch thu, kéo theo.

Mỗi chiếc thuyền buồm đó tải trọng chỉ vài chục tấn, nhưng có còn hơn không.

Khi rời Nhai Châu, Tuấn Văn còn để lại một bức thư trong nha môn, viết bằng tiếng Anh, đại ý khiển trách quan viên Thanh triều đòi hối lộ mới cho buôn bán.

Sau đó, các châu huyện gần bờ biển lần lượt bị bọn Tuấn Văn “viếng thăm” không sót nơi nào.

Ngay cả những khu dân cư nhỏ cũng không bỏ qua.

Mọi cuộc “viếng thăm” đều rất thuận lợi, thu hoạch khả quan.

Chỉ có trận chiến ở Quỳnh Sơn huyện thành (trị sở của Quỳnh Châu phủ), Thanh binh mới chống trả “kịch liệt”, gây cho bọn Tuấn Văn ít nhiều tổn thất :

16 hộ vệ bị thương vì tên bắn hoặc giáo đâm, cũng may không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ cần băng bó, nghỉ ngơi ít ngày là sẽ khỏe mạnh như thường.

Dù vậy, Tuấn Văn cũng nổi giận, cho xử lý hết toàn bộ quan binh trong thành.

Sau hơn một tháng ghé Quỳnh Châu “buôn bán”, bọn Tuấn Văn thu hoạch cực kỳ khả quan.

Túi tiền của chúng hộ vệ đều không đủ chỗ chứa, ai nấy đều phải may thêm cho mình một túi vải lớn để chứa tài vật.

Cả 9 gã Tây Ban Nha giờ này cũng chính thức trở thành hộ vệ của Tuấn Văn.

Bọn gã cảm thấy cuộc sống hiện tại sướng hơn khi làm hải tặc hồi trước nhiều.

Trong khi đó, thu hoạch của Tuấn Văn càng nhiều hơn.

Hiện tại không chỉ hai chiếc thuyền lớn mà cả 22 chiếc thuyền nhỏ kiểu vài chục tấn (tịch thu từ các bến cảng trên đảo) đều chở đầy tài vật.

Sau khi thống kê, Tuấn Văn thu được 12 vạn lượng bạc bằng ngân phiếu, hơn 2 vạn lượng bạc nén, tiểu trân châu 146 cân, ngoài ra còn rất nhiều tơ lụa, vải vóc và nhiều thứ có giá trị khác.

Sau khi hoàn thành việc “buôn bán”, Tuấn Văn cho thuyền đi về hướng Hương Cảng.

Ngân phiếu của Đại Thanh không thể sử dụng bên ngoài, do đó Tuấn Văn cần đổi thành hiện kim, rồi mua thêm vũ khí đạn dược.

Hương Cảng bị Thanh triều cắt nhượng cho Anh quốc vào năm 1852 sau Hiệp ước Nam Kinh, kết quả của cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất.

Lúc này, Hương Cảng vẫn chưa phát triển, kém hơn Singapore nhiều.

Tuấn Văn dẫn chúng hộ vệ lên bờ vui chơi thoải mái một ngày, sau đó mới lo đến chuyện chính.

Tuấn Văn tìm người bán hết hàng hóa và đổi ngân phiếu thành hiện kim, rồi tìm mua vũ khí.

Hiện tại Tuấn Văn có tiền, nhưng lại không có đủ vũ khí để mua.

Vì Tuấn Văn chỉ mua hai loại súng trường Pattern 1851 Minié và Pattern 1853 Enfield, thu góp từ hơn chục nhà buôn vũ khí ở Hương Cảng và Quảng Châu chỉ được 250 khẩu, mất hết mấy nghìn lượng bạc.

Do Tuấn Văn từng đi đến Singapore, có quan hệ với cả công sứ Mỹ quốc và Thống đốc Anh quốc, nên các nhà buôn không thể kêu giá trên trời được.

Mỗi khẩu súng Pattern 1851 Minié giá 12 lượng bạc, mỗi khẩu súng Pattern 1853 Enfield giá 15 lượng bạc, đạn dược tính riêng.

Lúc này đã qua tháng chạp, Tuấn Văn quyết định quay về Phú Thạnh ăn Tết.

Có lẽ đấy sẽ là cái Tết yên bình cuối cùng của mọi người, nên cần phải trân trọng.

Trên đường về, do ở Đà Nẵng đang xảy ra chiến tranh nên đội thuyền không dám đi gần bờ.

Tuấn Văn biết rõ kết quả của cuộc chiến Đà Nẵng, nên không quan tâm đến nó nữa, khẩn trương đi về Phú Thạnh ăn Tết và chuẩn bị cho cuộc chiến Gia Định Thành.

Khi mọi người về đến Phú Thạnh thì đã qua rằm tháng chạp.

Tuấn Văn đã quen sử dụng Dương lịch, sau khi đi Singapore đã mua một bộ lịch tây để tính ngày dương cho tiện việc giao thiệp với các nước tây phương.

Còn người Việt lúc bấy giờ sử dụng âm lịch.

Rằm tháng chạp năm Mậu Ngọ, người hiện đại như Tuấn Văn nghe nói thế chẳng hề biết là khi nào, đổi sang dương lịch là ngày 18 tháng 1 năm 1859.

Lúc này cuộc chiến Đà Nẵng đang đến hồi tàn.

Tuy các sử liệu gọi cuộc chiến Đà Nẵng năm Mậu Ngọ (1858

- 1859) là Trận Đà Nẵng lần thứ nhất, nhưng thực tế đó lại là lần thứ ba.

Trước đó, Pháp đã tấn công Đà Nẵng hai lần vào ngày 15 tháng 4 năm 1847 và ngày 26 tháng 9 năm 1857 để thăm dò và thử sức lực lượng phòng thủ của nhà Nguyễn.

Giống như khi Phó Đô đốc Matthew Perry của Hải quân Mỹ đem 4 chiến hạm đến nã pháo vào vịnh Edo, thành công buộc Nhật Bản phải mở cửa thông thương, Pháp quốc cũng định làm tương tự với Đại Nam, nhưng đã không thành công.

Nhà Nguyễn vẫn cương quyết từ chối mở cửa thông thương, vẫn tiếp tục bế quan tỏa quốc.

Sau đó, một ủy ban có tên là “Commission de la Cochinchine” do Nam tước Brenien đứng đầu đã nghiên cứu và đệ trình kế hoạch đánh chiếm Đại Nam, được Hoàng đế Pháp Napoleon III phê chuẩn.

Kế hoạch chọn Đà Nẵng làm điểm khởi đầu trong cuộc chiến tranh đánh chiếm Đại Nam, bởi Đà Nẵng là một hải cảng sâu và rộng, thuận tiện cho tàu chiến ra vào, lại nằm trên trục đường Bắc – Nam, còn có thể thông sang Lào, Cambod, và chỉ cách kinh thành Huế khoảng 100 kilômét, rất thuận lợi cho kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của liên quân Pháp – Tây Ban Nha.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn có cánh đồng Nam Ngãi có nhiều lúa gạo, và còn có nhiều giáo sĩ và giáo dân thân Pháp.

Vì thế, nếu chiếm được Đà Nẵng, quân Pháp có thể vượt đèo Hải Vân ra tấn công kinh thành Huế.

Đó chính là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao tốn tiền của và nhân lực nhất.

Sông Hương quá nhỏ và cạn, các chiến hạm của Pháp và Tây Ban Nha không vào được.

Trước đây, Pháp đã cho đóng các chiến hạm cỡ nhỏ có thể đi lại được trên sông Hương, để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này.

Nhưng rồi cuộc nổi loạn ở vùng Bắc Ý bùng nổ, buộc Pháp phải đưa những chiến hạm nhỏ mới đóng đó đến tham chiến, kế hoạch trực tiếp tấn công Huế từ sông Hương phá sản, phải đổi sang mục tiêu mới là Đà Nẵng.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-den-quynh-chau-buon-ban-2-96199.html