Đông Phương Minh Nguyệt - HỊCH ĐÁNH TÂY - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 53 : Đông Phương Minh Nguyệt - HỊCH ĐÁNH TÂY

  Ngày rằm tháng 7 năm Nhâm Tuất (tức ngày 10/8/1862 dương lịch), một chiến hạm cỡ lớn dừng lại trước cửa biển Thuận An, bắn ba phát pháo vào bờ, sau đó cho sứ giả đi trên một chiếc thuyền nhỏ vào bờ, trao cho thủ quân ở đồn Trấn Hải một chiếc ống đồng, bên trong là công hàm gửi cho triều đình Huế.

Thủ quân ở đồn Trấn Hải không dám tự chuyên, vội sai khoái mã cấp báo về kinh.

Vua Tự Đức mở ống đồng, thấy bên trong có hai bức công hàm, một bằng chữ “tây dương” không ai đọc được (thực ra là chữ quốc ngữ), một là phó bản bằng chữ Hán, chỉ có mấy câu :

“Nguyễn thị khi dân thất thiên mệnh, Thoái vị, bảo mệnh, an xã tắc.

Thập nhật hậu bất tuân, tử lộ nhất điều.

” (Họ Nguyễn lừa dối dân nên mất mệnh trời.

Thoái vị, sẽ giữ được mạng và đất nước được yên ổn.

Mười ngày sau mà không nghe theo, chỉ còn một con đường chết).

Ở phần ấn ký là “Bạch Lưu quốc triều, Quân cơ viện, Hải quân bộ trưởng, Tân Khẩu Bá, Đại tá Hải quân Nguyễn Vân Phong ấn ký”.

Pelew trong chữ Hán được ký âm thành Bạch Lưu, cũng giống như Saigon được ký âm thành Tây Cống, Cam Ranh thành Kim Lan, Paris thành Ba Lê, Française thành Pháp Lan Tây, .

Tự Đức long nhan phẫn nộ, xô long án, ném văn phòng tứ bảo, rồi nộ khí trùng trùng triệu quần thần nghị sự.

Nhìn bức công hàm, chúng triều thần ngơ ngác nhìn nhau, nhưng không ai nói gì.

Bọn họ bất giác nhớ đến lời phán của Đức Bà Thiên Mụ hồi năm ngoái, đến nay cũng vừa một năm.

Tự Đức biết bọn họ nghĩ gì, bởi khi mới đọc nội dung công hàm, Tự Đức cũng nghĩ đến bài kệ “Nhất thu” của Đức Bà Thiên Mụ.

Nhưng nếu thoái vị nhường ngôi, Tự Đức thật không cam tâm.

Nhìn thấy đại điện lặng lẽ như tờ, bá quan ai nấy miệng câm như hến, Tự Đức tức giận nói :

- Dưỡng quân thiên nhật, dụng quân nhất thì.

Các khanh ăn lộc vua lộc nước, giờ chẳng phân ưu cùng trẫm được sao ?

Một vị vương gia trong Hoàng tộc nói :

- Bệ hạ.

Trước khi biết đối phương thực lực thế nào, không nên tự loạn trận cước.

Tự Đức hài lòng nhìn hoàng đệ của mình, rồi quay sang quần thần hỏi :

- Chư khanh có ai biết đối phương thực lực thế nào không ?

Quần thần đều lắc đầu, nói :

- Bệ hạ.

Chúng thần kiến văn thiển bạc, chưa từng nghe nói đến Bạch Lưu quốc.

Cả Tự Đức hào xưng văn hay chữ tốt, học thức uyên bác, nhưng cũng chẳng biết Bạch Lưu quốc là nước nào.

Chúng thần cũng người nọ nhìn người kia.

Hồi lâu, một vị đại thần tâu :

- Bệ hạ.

Cho dù chúng ta không biết Bạch Lưu quốc, nhưng đối phương có thuyền to pháo lớn là sự thật, e rằng bản triều không chống nổi.

Tự Đức gật đầu nói :

- Theo tấu trình của trấn thủ đồn Trấn Hải thì chiến thuyền của đối phương còn lớn hơn chiến thuyền của Pháp quốc nữa.

Chư khanh ai có kế sách gì giúp triều đình vượt qua khó khăn này không ?

Một vị đại thần do dự giây lát, rồi tâu :

- Bệ hạ.

Trong hiệp ước mới ký kết với Pháp quốc có nhắc đến khoản cầu viện.

Hay là chúng ta cầu viện Pháp quốc, giống như Đức Tiên Hoàng đã từng cầu viện Pháp quốc đánh đuổi Tây Sơn.

Tự Đức không muốn mất ngôi, nên đã chuẩn tấu, đồng thời điều tập quân đội từ Bắc Kỳ về giữ kinh đô.

Tạm thời Tự Đức không còn tâm lực để quản việc phản loạn ở Bắc Kỳ nữa.

Trong lúc triều đình đang hoang mang lo lắng thì khắp dải đất Nam Kỳ đột nhiên truyền tụng một bài Hịch đánh Tây, được dân gian lưu truyền rộng rãi.

Bài hịch chẳng mấy chốc truyền đến đất Tân Hòa.

Tân Hòa, Gò Công, là dải đất ven biển thuộc huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường.

Đây cũng là đại bản doanh của nghĩa quân Trương Định.

Sau khi Đại Đồn Chí Hòa tan vỡ, Trương Định đã về đây họp nghĩa quân chống Pháp.

Lúc này, Trương Định vẫn còn là Lãnh binh, chưa xưng Bình Tây Đại Nguyên Soái.

Hôm nay, một viên phó tướng khẩn cấp mang bài Hịch đánh Tây về dâng cho Trương Định.

Đọc qua mấy lượt, Trương Định trầm ngâm giây lát, rồi nói với chúng thủ hạ :

- Văn phong của bài hịch này quen lắm.

Nếu ta không nhận lầm thì đây chính là tác phẩm của Hối Trai tiên sinh Nguyễn Đình Chiểu.

Nói rồi liền đọc lớn cho mọi người cùng nghe.

“Trị dân phải nuôi dân làm trước, dân nhờ vua đặng lẽ sống vui, Gặp loạn đành dẹp loạn mới xong, người vì nước rủ nhau chết ngặt ! Tủi phận biên manh, Căm loài dương tặc.

Nhớ khi xưa :

Khí vận trời Nam, Vốn dòng họ Nguyễn.

Từ thuở Tây dương cướp đất, xưng tân trào gây nợ oan cừu, Chẳng qua dân mắc nạn trời, hoài tiên chúa mang lời phản trắc.

Các bậc sĩ nông công cổ, liền mang tai với núi song tâm, Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mắc hại cùng cờ tam sắc.

Bọn tam giáo quen theo đường cũ, riêng thân bất hạnh lâm nghèo, Bầy cửu lưu cứ giữ nghề xưa, thầm tủi vô cô chịu cực.

Ở đâu mà chẳng thấy :

đào mồ mả, phá miếu chùa, làm những việc bất nhơn, Ở đâu mà chẳng hay :

đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm lắm điều vô đạo.

Phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của quay treo, Tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật.

Kể siết mấy năm trời khốn khó, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nghe nào siết đếm tên, Đem ba tấc hơi mọn bỏ liều, hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi, hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt.

Dân sa nước lửa chầy ngày, Giặc ép mỡ giàu hết sức.

Đành những kẻ cha thù anh oán, nhảy vòng báo ứng đã cam, Cực cho người vợ góa con côi, gây đoạn thảm sầu khôn dứt.

Trời Gia Định ngày chiều ráng bắn, âm hồn theo cơn bóng ác dật dờ, Đất Biên Hòa đêm vắng trăng lờ, oan quỷ nhóm ngọn đèn trời hiu hắt.

Kiến An quận đang khi bạch trú, gió cây vụt thổi, cát xoáy bay con trốt dậy bên thành, Long Tường Giang mỗi lúc hoàng hôn, khói nước sông mù, lửa huỳnh nháng binh ma chèo dưới vực.

Thế cho nên :

Giận quốc phó ra lòng bội phản, Nên sĩ dân xướng nghĩa đánh tây.

Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa, Hơn làm người đeo mặt ngựa đầu trâu.

Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu cướp đoạt, Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kẻo dân đen sa chốn lầm than.

Ví lòng trời còn nền nếp Phú Xuân, Ắt dấu cũ lại cơ đồ Đại Việt.

Chúng cùng đường đem cờ nghĩa về đầu, nên quân số mỗi ngày một thịnh, Dân cơ cận cảm lòng nhân ngóng cổ, khiến binh uy càng thấm càng thêm.

Có ngờ đâu :

Phan Lâm mãi quốc, Triều đình khi dân.

Lòng nghĩa dân phải với ngô quân, Tiếng nghịch đảng lỗi cùng địch vức.

Gần Côn Lôn xa đại hải, máu thây trôi nổi ai nhìn, Hàng cai đội bậc quản cơ, xương thịt rã rời ai cất ?

Mong sớm thấy ngọn cờ điếu phạt, phận thần dân đâu chẳng toan còn, Chưa kịp nghe tiếng trống đồn binh, nghĩa quân phụ nào dè tan mất.

Ví như sĩ sinh đời Đông Tấn, nay đánh Hồ mai dẹp Yết, thời phơi gan trong đám tinh chiên, Nào phải dân ở cõi U Yên, sớm đầu Hạ, tối về Liêu, mà trây máu bên đường kinh cức.

Bớ sĩ dân ơi ! Chớ thấy triều đình hòa nghị, mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha, Đừng rằng ba tỉnh giao hòa, mà cái việc cừu thù đành bỏ dở.

Ơn thủy thổ thảy đều mang nặng, Việc thần dân chớ khá lỗi nghì.

Phải nương tựa nhau mà ở đãi thì, Lo sửa kiếm cung để theo đánh giặc.

Ta đây :

Qua sông Mạnh phất cờ Chu Võ, ra tay sử chính dẹp tà, Vào đất Quan thét ngựa Hán Hoàng, quyết chí lấy nhân trừ bạo.

Ba quân sĩ khí trùng trùng, Súng ống thuyền bè trận trận.

Nam một dải tăm kình phẳng lặng, cơ thái bình đứng đợi đã gần, Bắc mấy thành tin nhạn chưa yên, bề cứu viện ngồi trông sao tiện.

Lửa cháy đá lỡ hòa lầm ngọc, dầu hiền ngu khôn lọt lưới trời, Nước triều đông ví chẳng thuận dòng, lũ cường khấu chạy đâu cho khỏi.

Ân với uy ngỏ cáo lời này, Truyền khắp cõi sĩ dân đều biết.

” Đọc xong, cả bọn lặng người hồi lâu.

Lát sau, Trương Định mới hỏi :

- Mọi người thấy sao ?

Phó tướng Lê Quang Quyền nói :

- Ai mà khí thế ghê vậy nhỉ ?

Dám xưng Chu Võ, Hán Hoàng, lại còn có “ba quân sĩ khí trùng trùng, súng ống thuyền bè trận trận”.

Chẳng lẽ còn hơn cả giặc Tây dương nữa ?

Phó tướng Lưu Tiến Thiện nói :

- Hịch văn mà, có nói quá một chút cũng bình thường.

Trương Định lắc đầu nói :

- Hối Trai tiên sinh là người trung hậu, đã nói hẳn là không sai đâu ?

Lưu Tiến Thiện ngớ người :

- Vậy nghĩa sĩ ở đâu mà lợi hại đến thế ?

Thiên Hộ Võ Duy Dương trầm ngâm một hồi, rồi chợt vỗ đùi thốt :

- Phải rồi ! Mọi người đều giật mình quay lại nhìn.

Trương Định hỏi :

- Thế nào ?

Chẳng lẽ ngươi đã biết là ai rồi ư ?

Thiên Hộ Dương lắc đầu :

- Không.

Lưu Tiến Thiện nói :

- Vậy mà làm chúng ta giật mình.

Phải rồi là phải rồi chuyện gì ?

Thiên Hộ Dương không đáp, lại hỏi :

- Mọi người có nhớ lần giặc Tây dương sang đây năm Kỷ Mùi không ?

Mọi người nhìn nhau.

Lê Quang Quyền nói :

- Đương nhiên là nhớ.

Lần đó giặc đánh thành Gia Định, chỉ mất có nửa buổi là thành phá, quan quân chết rất nhiều, vũ khí vật tư mất không biết bao nhiêu mà kể.

Vậy mà không ngờ giặc lại bị tiêu diệt bởi chúng hương thân trong thành.

Trương Định trầm ngâm một lúc, rồi nói :

- Giờ mới thấy sự việc đó rất đáng ngờ.

Giặc mạnh thế nào mọi người cũng biết rồi.

Làm sao chúng hương thân trong thành có thể diệt giặc gọn ghẽ như thế chứ ?

Thiên Hộ Dương gật đầu nói :

- Trong đó hẳn có huyền cơ.

Ta nghĩ có liên quan đến bài hịch này.

Trương Định thở dài nói :

- Triều đình thì không trông đợi được gì rồi.

Hy vọng bọn họ khá hơn.

Chúng ta cứ chờ xem.

Nếu như bọn họ có khả năng đánh bại quân giặc, chúng ta sẽ dẫn quân theo về.

Mọi người thấy cũng phải, nên đều tán đồng.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-hich-danh-tay-96273.html