Đông Phương Minh Nguyệt - NGUYỄN THỊ THẤT THIÊN MỆNH - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 52 : Đông Phương Minh Nguyệt - NGUYỄN THỊ THẤT THIÊN MỆNH

  Tin triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất với Pháp lan ra, toàn quốc nhất thời bàng hoàng.

Tiếp đó, dân chúng nhiều nơi sôi sục phẫn hận.

Câu nói “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân” lan truyền nhanh chóng.

Ở Trung Kỳ còn tạm ổn, ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ dân chúng bất mãn triều đình Huế đến cực điểm, tranh nhau gia nhập nghĩa quân, ủng hộ nghĩa quân.

Họ không cần biết mục tiêu cuối cùng của nghĩa quân là gì, có chính nghĩa hay không, chỉ cần bất tuân mệnh lệnh triều đình thì gọi là nghĩa quân.

Dân chúng phẫn hận, bởi trong Hiệp ước, triều đình Huế còn hứa giúp quân Pháp trấn áp nghĩa quân chống Pháp.

Ở Nam Kỳ, nhiều hào kiệt nghĩa sĩ bất chấp thái độ của triều đình Huế, họp dân chống Pháp, giương cao cờ nghĩa, mà nổi bật là Trương Định, Lưu Tiến Thiện và Lê Quang Quyền ở Gò Công (huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường); Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều ở Mỹ Quý (huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường, vùng Tháp Mười ngày nay); Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường).

Dân chúng các tỉnh không còn nghe lệnh quan triều đình, đua nhau góp công góp của ủng hộ nghĩa quân.

Ở Bắc Kỳ, có nhiều cuộc khởi “nghĩa” chống triều đình Huế nhưng không chống Pháp (vì quân Pháp chỉ ở Nam Kỳ), dù vậy vẫn tự xưng là “nghĩa” quân.

Tạ Văn Phụng, từng theo giáo sĩ sang Pháp, rồi theo quân Pháp về đánh Đà Nẵng, nay mạo xưng là Lê Duy Minh dòng dõi nhà Lê, tự xưng là Minh chủ, dấy binh đánh các phủ Hải Ninh, Quảng Yên.

Nguyễn Văn Thịnh, tục gọi là Cai Tổng Vàng, xưng làm Nguyên soái, lập một người mạo xưng làm con cháu nhà Lê làm Minh chủ, dấy binh đánh các phủ Lạng Giang, Bắc Ninh.

Ở Thái Nguyên thì có giặc Nông và giặc Khách đánh phá.

Ở Tuyên Quang thì có Nông Hùng Thạc quấy nhiễu.

Ở Cao Bằng thì có Lý Hợp Thắng vây đánh tỉnh thành.

Nói chung Bắc Kỳ đại loạn.

Quân triều đình đi đánh nơi này thì “nghĩa” quân lại nổi lên ở nơi khác, đánh mãi không được (trong thời Tự Đức có đến hơn 50 cuộc nổi loạn ở Bắc Kỳ).

Vì vậy triều đình Huế mới ký hòa ước với Pháp để rảnh tay mang đại quân ra Bắc Kỳ dẹp loạn.

Rồi không biết kể từ khi nào, câu chuyện “Nhất thu” ở chùa Thiên Mụ lộ ra, nhanh chóng lan đi các nơi trong nước.

Dân chúng đều cho rằng nhà Nguyễn đã mất thiên mệnh.

Những bậc hào kiệt, nghĩa sĩ, kiêu hùng, gian hùng bắt đầu hoạt động.

Ở Nam Kỳ, cuộc vận động tôn Trương Định làm Bình Tây Đại Nguyên Soái bắt đầu.

Theo thông lệ thời xưa, những người khởi nghĩa không xưng đế ngay, mà trước tiên sẽ xưng Nguyên soái, hoặc xưng vương, sau khi thành công mới đăng cơ xưng đế.

Do đó, nếu công cuộc chống Pháp thành công thì Trương Định có đủ tư cách để đăng cơ xưng đế (nguyên bản Trương Định còn gửi thư cho triều đình tuyên bố ly khai, và phong các chức quan như Tri phủ cho các thủ lĩnh nghĩa quân).

Ở Bắc Kỳ, những vị “Minh chủ” tự xưng con cháu nhà Lê chuẩn bị chiếm thành xưng vương.

Các thành Quảng Yên, Hải Ninh, Lạng Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên đều thất thủ.

Nội dung Hiệp ước Nhâm Tuấn truyền đến An Phú cũng làm chúng triều thần Pelew sôi sục, đặc biệt là những người gốc Đại Nam.

Bọn họ đối triều đình Huế đã thất vọng đến cực điểm.

Những điều khoản trong Hiệp ước Nhâm Tuất còn hà khắc hơn Hiệp ước Bắc Kinh mà liên quân Anh

- Pelew từng ký kết với Đại Thanh, trong khi chiến quả của liên quân Pháp

- Tây Ban Nha kém hơn liên quân Anh – Pelew nhiều.

Trong buổi triều nghị, Lý Ngân suất lĩnh chúng tướng lĩnh, lớn tiếng nói :

- Bệ hạ.

Chúng ta xuất binh thôi.

Nam Kỳ dù sao cũng là quê hương.

Thỉnh Bệ hạ ban chiếu thu phục Nam Kỳ.

Chúng tướng đồng thanh nói :

- Thỉnh Bệ hạ ban chiếu.

Tuấn Văn nhìn chúng văn thần, hỏi :

- Chư khanh thấy sao ?

Thủ tướng Lý Kim xuất ban tâu :

- Bệ hạ.

Dân Đại Nam truyền ngôn “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân”.

Đức Bà Thiên Mụ cũng phán cơ nghiệp họ Nguyễn chỉ còn lại “Nhất thu”.

Nguyễn thị thất thiên mệnh.

Thay vì để Đại Nam rơi vào tay Pháp quốc, thỉnh Bệ hạ ban chiếu xuất binh, cứu lê dân cõi Đại Nam khỏi cơn lửa bỏng dầu sôi.

Chúng văn thần đồng thanh nói :

- Thỉnh Bệ hạ ban chiếu.

Xem ra cả triều đình đã thống nhất ý kiến.

Bọn họ không hề lo ngại khi có chiến tranh với Đế quốc Pháp.

Thật ra thì Tuấn Văn đã chuẩn bị cho việc này mấy năm nay, nên chỉ suy nghĩ giây lát, rồi nói :

- Chuẩn bị công hàm cho triều đình Huế.

Chuẩn bị Hịch xuất chinh.

Ngoại giao bộ trưởng Phạm Hưng Hào tâu :

- Bệ hạ.

Hối Trai tiên sinh là người có tài văn học, lại căm thù quân Pháp.

Thần tiến cử Hối Trai tiên sinh chấp bút Hịch xuất chinh.

Tuấn Văn ngạc nhiên :

- Hối Trai tiên sinh ?

Phạm Hưng Hào tâu :

- Bệ hạ.

Hối Trai tiên sinh tuy mù lòa, nhưng yêu nước và căm thù quân Pháp.

Năm Kỷ Mùi, khi quân Pháp chiếm Gia Định Thành, tiên sinh đã viết bài thơ “Chạy giặc”, trong đó có câu :

“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng, Nỡ để dân đen mắc nạn này ?

” Tuấn Văn giật mình.

Hóa ra chính là Nguyễn Đình Chiểu, Hối Trai là tên hiệu, nên được gọi là Hối Trai tiên sinh.

Giống như Nguyễn Du có hiệu là Tố Như, nên được gọi là Tố Như tiên sinh.

Phạm Hưng Hào lại nói :

- Tiên sinh còn có bài “Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn” rất xúc động, truyện thơ “Lục Vân Tiên” rất phổ biến trong dân chúng Nam Kỳ.

Sau khi triều đình Huế cùng Pháp quốc ký kết Hiệp ước Nhâm Tuất, tiên sinh định đưa gia đình tỵ địa về Ba Tri, nhưng trong lúc hỗn loạn, không thể qua sông.

Người của ta ở Phú Thạnh gặp tiên sinh, liền đưa về tạm lánh ở Phú Thạnh, sau đó đưa sang đây.

Tiên sinh mới sang đây sáu ngày trước.

Nguyễn Đình Chiểu là ai ?

Tài thơ văn thế nào ?

Tuấn Văn biết rất rõ.

Nếu tiên sinh chịu chấp bút thì còn gì bằng.

Tuấn Văn nói :

- Được rồi.

Tiên sinh là người tài hoa, khanh hãy tiếp đãi cho chu đáo, khi việc quân cơ xong rồi, ta sẽ triệu kiến.

Phạm Hưng Hào vâng dạ lĩnh chỉ.

Tuấn Văn lại bảo :

- Chư quân chuẩn bị sẵn sàng.

Tham mưu bộ lập kế hoạch chiến tranh, trình cho ta xem.

Tuyên truyền bộ phái người sang Đại Nam làm công tác tư tưởng với dân chúng.

Chính vụ viện phụ trách chuẩn bị lương thực vật tư phục vụ chiến tranh.

Ngoại giao bộ chuẩn bị công hàm gửi các đại sứ của Vương quốc Anh, Vương quốc Phổ và Đế quốc Nga.

Có lẽ đã chuẩn bị sẵn từ trước nên kế hoạch chiến tranh được trình lên Tuấn Văn rất nhanh ngay sau đó.

Hối Trai tiên sinh vì lòng căm thù giặc, chỉ sau một đêm đã viết xong bài hịch đánh tây.

Tuấn Văn sau khi phê chuẩn việc quân cơ, đã triệu kiến Nguyễn Đình Chiểu vào cung.

Do Nguyễn Đình Chiểu bị mù, nên lễ nghi miễn hết.

Sau khi cho ngồi, Tuấn Văn hỏi :

- Ta nghe nói khanh từng ở vùng chiến sự.

Vậy theo khanh, do đâu quân Nam bại trận, bốn tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay quân Pháp ?

Nguyễn Đình Chiểu hai tay nắm chặt, phẫn hận nói :

- Không phải sĩ dân không quyết chiến, chỉ tại triều đình vô năng, sau lại còn hòa hảo với giặc, mãi quốc khi dân.

Nói rồi Nguyễn Đình Chiểu lại hướng về phía Tuấn Văn hỏi :

- Bản quốc binh hùng tướng mạnh, sao không can thiệp từ sớm mà để đến bây giờ ?

Xem ra Nguyễn Đình Chiểu đã nhận đồng triều đình An Phú.

Tuấn Văn mỉm cười nói :

- Đế quốc Pháp là một cường quốc nhất nhì ở Âu châu.

Bản triều không sợ Pháp, nhưng chiến tranh hẳn sẽ kéo dài.

Khi đó, khanh cho rằng triều đình Huế sẽ liên hợp bản triều chống Pháp, hay sẽ liên hợp với Pháp chống bản triều.

Nguyễn Đình Chiểu tuy mù nhưng lòng rất sáng, hiểu ngay Tuấn Văn muốn nói gì.

Triều đình Huế sợ nghĩa quân hơn sợ giặc, so với triều đình Đại Thanh chẳng khá hơn chút nào.

Trong Hiệp ước Nhâm Tuất, triều đình Huế còn hứa với Pháp sẽ trấn áp nghĩa quân chống Pháp.

Nguyễn Đình Chiểu than thở :

- Triều đình khi dân.

Triều đình khi dân.

Tuấn Văn hỏi :

- Khanh cảm thấy bản quốc thế nào ?

Còn có vấn đề gì cần cải thiện hay không ?

Nguyễn Đình Chiểu trầm ngâm hồi lâu, mới nói :

- Tại sao triều đình bỏ chữ viết của tổ tiên mà dùng chữ viết của Tây dương ?

Tuấn Văn nghiêm giọng nói :

- Chữ nho không phải là chữ viết của tổ tiên ta, mà là chữ viết của người Tàu.

Thời Hùng Vương, thời An Dương Vương, dân ta đâu có dùng chữ nho.

Chữ nho với chữ Hán là một.

Còn chữ Việt của bản triều khác hoàn toàn chữ viết của các nước khác, nhìn có vẻ giống, nhưng hoàn toàn không giống.

Chữ nho gắn liền với chính sách ngu dân của Nho giáo.

Ở những nước sử dụng chữ nho, có một sự thật là chẳng có mấy người biết chữ.

Bản triều không chấp nhận chính sách ngu dân, nên cũng không chấp nhận chữ nho.

Chữ nôm có khá hơn, nhưng lại có nguồn gốc từ chữ nho, và có đặc điểm là khó học hơn cả chữ nho.

Chữ Việt dễ học dễ nhớ, có thể phổ cập toàn dân.

Các trường Sơ cấp của bản triều dạy học miễn phí cho mọi thần dân, và bản triều bắt buộc mọi thần dân đều phải đi học, ban ngày phải đi làm thì học ban đêm.

Triều đình có Giáo dục bộ, có trọng trách là phải làm sao cho toàn dân đều biết chữ.

Khi thần dân đều có học thức thì đất nước mới hùng cường được.

Nguyễn Đình Chiểu kinh ngạc nói :

- Bệ hạ muốn cho toàn dân đều biết chữ ?

Tuấn Văn mỉm cười nói :

- Đó là ý chí của ta, là trách nhiệm của triều đình.

Tuy mới thực hiện được hơn hai năm, nhưng hiệu quả cũng khả quan.

Ở các xứ xa xôi hẻo lánh thì có ít nhiều khó khăn, nhưng ở các tỉnh thành thì gần như đã hoàn thành xóa mù chữ.

Còn ở An Phú, hầu như không có ai không biết chữ.

Nguyễn Đình Chiểu vội phục lạy nói :

- Bệ hạ anh minh.

Vì sự nghiệp giáo dục toàn dân, thần nguyện cống hiến hết sức mình.

Tuấn Văn nói :

- Khanh hãy bình thân.

Ta giao cho khanh việc biên soạn một bộ “Luân lý giáo khoa thư”, tập hợp những câu chuyện đơn giản, dễ nhớ, nhưng không giáo điều, để dạy đạo lý làm người.

Việc học chữ quan trọng, nhưng việc học đạo lý cũng rất quan trọng.

Nguyễn Đình Chiểu vâng dạ nói :

- Thần tuân chỉ.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-nguyen-thi-that-thien-menh-96271.html