Đông Phương Minh Nguyệt - SỨ GIẢ CỦA SATSUMA - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 42 : Đông Phương Minh Nguyệt - SỨ GIẢ CỦA SATSUMA

  Trùng Thằng đảo (Okinawa shoto), đảo lớn nhất trong quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu), và cũng là nơi đặt kinh đô của Vương quốc Lưu Cầu.

Đầu thế kỷ 15, lãnh địa Trung Sơn (Chuzan) đánh bại hai lãnh địa khác trên Trùng Thằng đảo là Bắc Sơn (Hokuzan) và Nam Sơn (Nanzan), thống nhất đảo và nhận được sắc phong của Minh triều ở Trung Hoa, chính thức thành lập Vương quốc Lưu Cầu, một chúc quốc của Minh triều.

Minh đế còn ban cho Quốc vương Lưu Cầu họ Thượng (Sho).

Từ đó về sau, các Quốc vương Lưu Cầu thuộc cả hai triều đại đều lấy họ Thượng (dù họ thật của bọn họ là họ khác).

Vương quốc Lưu Cầu có quan hệ thương mại khá phát triển, là trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Trung Hoa và Nhật Bản.

Do Nhật Bản bị Trung Hoa “cấm vận” trong suốt thời Minh và thời Thanh nên chỉ có thể buôn bán với Trung Hoa bằng danh nghĩa của Vương quốc Lưu Cầu.

Thời bấy giờ, trước khi bị các cường quốc Âu châu dùng chiến hạm và đại pháo buộc phải mở cửa, thì Minh triều và Thanh triều chỉ cho phép những quốc gia triều cống cho họ được tiến hành buôn bán trao đổi hàng hóa.

Họ xem những quốc gia triều cống cho họ là chúc quốc, là một bộ phận của Trung Hoa, trong khi những quốc gia không triều cống là ngoại quốc.

Họ nghiêm cấm người dân buôn bán với ngoại quốc bằng “Cấm hải lệnh”, tuyệt đối nghiêm cấm người dân chèo thuyền ra biển, kể cả thuyền đánh cá, trừ đản dân (thổ dân ở Hải Nam).

Những người Hoa hoạt động trên biển sẽ bị triều đình xem là “tẩu tư phạm” (buôn lậu), hoặc “hải khấu” (cướp biển).

Những người Hoa di cư ra ngoại quốc cũng bị xem là “khí dân” (người dân bị bỏ rơi), sinh tử bất luận, triều đình không quản đến, các nước khác muốn giết muốn mổ thì tùy.

Có mấy lần người Hoa ở ngoại quốc bị giết hại, kêu lên Thanh triều cầu cứu thì Thanh triều công khai tuyên bố bọn họ là “khí dân”, triều đình không quản.

“Cấm hải lệnh” đã mang lại lợi ích cho các cường quốc Âu Mỹ, và giờ thì Vương quốc Pelew cũng được hưởng lợi từ nó.

Đến đầu thế kỷ 17, do vai trò quan trọng của Vương quốc Lưu Cầu trong quan hệ thương mại với Trung Hoa, các Mạc phủ ở Nhật Bản luôn tìm cách kiểm soát Lưu Cầu, từ Mạc phủ Hideyoshi cho đến Mạc phủ Tokugawa.

Gia tộc Shimazu, phiên chủ của phiên Satsuma đã được trao quyền chinh phục Lưu Cầu.

Việc chiếm giữ Lưu Cầu diễn ra khá nhanh và đơn giản, với sự kháng cự vũ trang tối thiểu, và Quốc vương Lưu Cầu là Thượng Ninh (Sho Nei) bị bắt làm tù binh ở phiên Satsuma và sau đó là Edo (đô thành của Mạc phủ, là Tokyo ngày nay).

Khi ông được thả hai năm sau đó, Vương quốc Ryukyu nhận được chiếu chỉ trao quyền tự trị.

Tuy nhiên, phiên Satsuma đã giành quyền kiểm soát các đảo phía bắc của Vương quốc Lưu Cầu, rồi sáp nhập vào phiên Satsuma.

Quốc vương Lưu Cầu cũng bị xem là một chư hầu của phiên chủ Satsuma, trong khi phiên chủ Satsuma lại là chư hầu của Mạc phủ Tokugawa.

Tóm lại, cả Thanh triều, Mạc phủ Tokugawa và phiên Satsuma đều xem Vương quốc Lưu Cầu là chư hầu của họ.

Vì lực lượng quân sự không đáng kể nên Vương quốc Lưu Cầu phải chịu cảnh một cổ ba tròng trong suốt mấy trăm năm.

Họ phải triều cống và phục vụ cho cả ba vị tôn chủ.

Đài Loan và các đảo phụ cận được Thanh triều cắt nhượng cho Pelew.

Khi chiếm giữ Đài Loan, quân đội Pelew đã kiểm soát luôn các đảo nhỏ xung quanh nó, gồm cả Bành Hồ liệt đảo và Bát Trung Sơn liệt đảo, hai quần đảo nhỏ nằm hai phía đông và tây của đảo Đài Loan, do vậy đã phát sinh xung đột với thủy sư Nhật Bản, cụ thể là thủy sư của phiên Satsuma.

Gọi là thủy sư, bởi bọn họ không có chiến hạm, nên không thể gọi là Hải quân.

Vì tin cấp báo từ Đài Loan, Tuấn Văn đã triệu tập các đại thần nghị sự.

Kết quả không có gì phải bàn cãi.

Ngay cả Đại Thanh còn bị quân đội Pelew đánh đến tận Bắc Kinh, chỉ một phiên Satsuma thì có vấn đề gì.

Thậm chí cả Mạc phủ Tokugawa cũng không vấn đề.

Hải quân Pelew không sợ bất kỳ một quốc gia nào ở Á Đông.

Tuấn Văn cũng không sợ phải đương đầu với cả Nhật Bản, bởi ở tình hình Nhật Bản lúc này rất căng thẳng, Mạc phủ Tokugawa gần như mất khả năng kiểm soát đối với các phiên chư hầu.

Và mỗi phiên gần như là một tiểu quốc độc lập, giống như thời Xuân Thu – Chiến Quốc bên Tàu, còn tự gọi là phiên bang.

Thấy các đại thần không có ý kiến gì khác, Tuấn Văn ra lệnh thành lập một tiểu Hạm đội, gồm chiến hạm Long Phú và ba Hộ vệ hạm, năm Tuần duyên hạm, năm vận binh thuyền, chở theo hai trung đoàn của Viễn chinh quân Đệ nhất sư đoàn đến Lưu Cầu (trung đoàn thứ ba đang trú đóng ở Đài Loan).

Nguyễn Vân Phong được cử làm Tổng chỉ huy.

Quân đội Pelew còn mạnh hơn và tinh nhuệ hơn quân đội của phiên Satsuma nhiều, nên đã chiếm lĩnh Lưu Cầu dễ dàng, không gặp phải sự phản kháng nào đáng kể.

Cũng như lần trước Quốc vương Thượng Ninh (Sho Nei) bị bắt về Satsuma rồi Edo, lần này Quốc vương Thượng Thái (Sho Tai) cũng bị bắt về kinh đô An Phú, trở thành vị Quốc vương cuối cùng của Lưu Cầu.

Vị Quốc vương này nguyên bản cũng là Quốc vương cuối cùng, sẽ bị diệt quốc sau vài năm nữa.

Nhưng vì Thanh triều nhượng Đài Loan và các đảo phụ cận cho Vương quốc Pelew nên Lưu Cầu đã bị diệt quốc sớm hơn vài năm.

Quần đảo Lưu Cầu nằm cạnh Đài Loan, nên cũng thuộc khái niệm “các đảo phụ cận”.

Vương quốc Lưu Cầu trở thành quận Lưu Cầu thuộc tỉnh Đài Loan.

Diện tích của tỉnh Đài Loan lúc này là khoảng 39.

000 kilômét vuông.

Sau khi chiếm giữ Lưu Cầu, Hải quân Pelew xua đuổi thủy sư của phiên Satsuma về phía đông.

Không thể chống lại những chiến hạm trang bị rất nhiều đại pháo của đối phương, các chiến thuyền cỡ nhỏ của phiên Satsuma buộc phải rút về cảng cố thủ.

Ở bến cảng có vài pháo đài.

Ở đó bọn họ sẽ thấy an toàn hơn.

Xua đuổi thủy sư của phiên Satsuma về cảng xong, Hải quân Pelew liền dàn ra phong tỏa mặt biển, ngăn cảng mọi loại tàu thuyền ra vào các cảng của phiên Satsuma, kể cả thương thuyền của Nhật Bản và ngoại quốc.

Hiện tại, trong cảng Satsuma có hai thương thuyền treo cờ Mỹ quốc.

Chủ của hai thương thuyền đó đi thuyền nhỏ ra liên hệ với Hải quân Pelew.

Một người thái độ có vẻ ôn hòa, còn người kia thì rất ngạo mạn, có lẽ vì thấy chỉ huy Hạm đội là một người Á Đông.

Gã có thái độ ngạo mạn trợn mắt nhìn Nguyễn Vân Phong, kiêu căng nói :

- Đây là thương thuyền của Liên Bang Mỹ, được đặc quyền tự do buôn bán với Nhật Bản.

Các vị không được xâm phạm quyền tự do thương mại của chúng ta.

Nguyễn Vân Phong hừ lạnh nói :

- Đặc quyền đó là do các ngươi dùng quân hạm và đại pháo thỏa thuận với phía Nhật Bản, không liên quan gì đến bản quốc.

Nói xong, Nguyễn Vân Phong đứng dậy, trước khi bỏ đi còn nói thêm :

- Các ngươi có thể cho thuyền rời đi.

Gã kia ngạo mạn nói :

- Như thế mới phải chứ.

Nguyễn Vân Phong lại nói tiếp :

- Nhưng nếu gặp phải tên bay đạn lạc mà chịu thiệt hại gì thì đừng trách ta không báo trước.

Đây là vùng chiến sự.

Chỉ cần câu nói “đây là vùng chiến sự” cũng đủ.

Hai gã kia làm sao dám cho thuyền rời cảng.

Nếu bị Hải quân Pelew phóng vài phát pháo đạn vào thuyền thì hết cứu.

Gã có vẻ ôn hòa hơn vội kêu lên :

- Tướng quân.

Tướng quân.

Xin chờ chút.

Nhưng Nguyễn Vân Phong đã đi mất rồi.

Gã quay sang trách gã ngạo mạn :

- Ngươi thật không biết giữ gìn lời nói.

Dù gì Vương quốc Pelew cũng từng đem quân đánh đến tận Bắc Kinh, buộc Đại Thanh quốc phải cắt nhượng Đài Loan.

Ngươi đừng xem bọn họ giống như Đại Thanh quốc hay Nhật Bản quốc.

Lúc này, viên phó quan của Nguyễn Vân Phong đi đến nói :

- Hai vị xin hãy rời chiến hạm.

Bá tước đại nhân ra lệnh tiễn khách.

Cả hai không biết làm sao, chỉ đành rời chiến hạm, quay về cảng.

Phiên chủ Satsuma đút lót hai người họ để cả hai dùng danh nghĩa Mỹ quốc uy bức đối phương rút quân xem như không thành rồi.

Cả hai rời Mỹ quốc trước khi nội chiến bùng nổ, nên chưa hay biết tình hình hiện tại ở Mỹ quốc, nếu không đã không tỏ ra ngạo mạn như vậy.

Trên bến cảng có mấy pháo đài phòng vệ.

Hải quân Pelew không tấn công, chỉ phóng mấy quả “tên lửa’ Dynamite vào đó, phá hủy nó.

“Tên lửa” Dynamite đúng là loại vũ khí phá thành, diệt pháo đài tuyệt hảo.

Loại “tên lửa” Dynamite dành cho Hải quân phức tạp hơn loại dành cho Lục quân, với ống thuốc nổ Dynamite được gắn vào đầu viên pháo đạn, có kíp nổ chậm giống loại kíp nổ trong lựu đạn (quân Pháp đã từng sử dụng lựu đạn trong cuộc tấn công Đại Đồn Chí Hòa).

Hai gã chủ thuyền người Mỹ nhìn thấy cảnh đó cũng không khỏi lạnh người.

Đó là loại vũ khí có sức công phá lớn nhất mà bọn họ được biết.

Sứ mệnh của hai gã chủ thuyền người Mỹ đã thất bại.

Phiên chủ Shimazu Hisamitsu của Satsuma đành gửi viên quan thu thuế của phiên Satsuma là Okubo Tashimichi đi tìm gặp đối phương để bàn việc hòa giải.

Khi được đưa lên chiến hạm Long Phú, vì thái độ nhã nhặn nên Okubo Tashimichi được Nguyễn Vân Phong tiếp kiến.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-su-gia-cua-satsuma-96251.html