Đông Phương Minh Nguyệt - THĂM PHỐ PHƯƠNG SINGARORE - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 12 : Đông Phương Minh Nguyệt - THĂM PHỐ PHƯƠNG SINGARORE

  Lại nói, Thống đốc Singapore, Sir Edmund Augustus Blundell, đề nghị Tuấn Văn mở rộng địa bàn của mình, và cổ động cậu khởi quân chống lại triều đình Huế, ông ta thay mặt Đế quốc Anh hứa sẽ hậu thuẫn và hỗ trợ vũ khí vật tư.

Tuấn Văn vừa nghe nói là đã biết ngay Anh quốc muốn gì.

Điều kiện nghe qua thì rất phong hậu, nhưng chỉ là nghe qua mà thôi.

Anh quốc là đầu sỏ thực dân, có thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới.

Việc gì không có lợi thì bọn họ chẳng bao giờ làm.

Và quan trọng hơn, các cường quốc Âu châu đã có thỏa thuận phân chia địa bàn ở Á đông.

Khu vực bán đảo Đông Dương là địa bàn thực dân của Pháp quốc và phạm vi truyền giáo của dòng Thừa sai Paris.

Anh quốc chỉ cổ động Tuấn Văn khởi quân để gây khó khăn cho Pháp quốc mà thôi, chứ không phải thật sự ủng hộ.

Bọn họ không tin rằng người của Tuấn Văn có thể chống lại quân đội Pháp.

Tuấn Văn mỉm cười bảo :

- Nghe nói bán đảo Đông Dương đã được phân cho Pháp quốc.

Nếu chúng ta khởi quân thành công, Anh quốc có thể bảo đảm Pháp quốc không tấn công Đại Nam hay không ?

Thống đốc Blundell ngớ người, không ngờ đối phương lại biết rõ như vậy.

Ông ta định nói dối là có thể thì cha Smith cười bảo :

- Cha Giang là người minh bạch.

Chúng ta nên nói chuyện một cách thành thực với nhau.

Thống đốc Blundell hết nhìn Tuấn Văn rồi lại nhìn cha Smith, sau đó thở nhẹ một tiếng, nói :

- Ta là người trong chính giới, nói chuyện như thế quen rồi, hai cha đừng cười.

Tuấn Văn nói :

- Ta có một phương án khác thích hợp hơn.

Sau khi quân đội Pháp vào Đông Dương, các linh mục của dòng Thừa sai Paris sẽ tràn ngập nơi đó, ảnh hưởng đến hoạt động của người Tân giáo chúng ta.

Ta hy vọng Anh quốc có thể ủng hộ giáo xứ của ta tự trị.

Cha Smith nói thêm :

- Giáo xứ của cha Giang nằm trên một hòn đảo nhỏ ngay bờ vịnh nơi có cửa của con sông dẫn vào Gia Định Thành.

Hòn đảo đó hình tam giác, hai mặt giáp sông, một mặt giáp biển, rộng tương đương 1/3 Singapore.

Giáo xứ hiện tại chiếm hơn một nửa diện tích hòn đảo đó.

Thống đốc Blundell ánh mắt chợt sáng ngời, suy nghĩ một lát, rồi gật đầu nói :

- Nếu chỉ là tự trị, ta nghĩ Pháp quốc không có lý do gì để can thiệp vào.

Ta sẽ báo cáo đề xuất của cha về Luân Đôn.

Cha Smith nói :

- Bọn họ giành hết Đông Dương, cũng phải để lại một chỗ cho Tân giáo chúng ta chứ.

Ta cũng sẽ gửi thư về Luân Đôn ủng hộ đề xuất của cha.

Khi từ biệt, cha Smith tặng cho Tuấn Văn 100 bảng Anh dùng cho việc mở mang “giáo xứ”, còn Thống đốc Blundell tặng 100 khẩu súng trường, 5 khẩu súng ngắn với đầy đủ đạn dược.

Tuấn Văn đều nhận hết.

Dù rằng biết người Anh hỗ trợ vì thấy rằng có lợi cho bọn họ, nhưng Tuấn Văn không nghĩ rằng mình có thể độc lực chống lại quân đội Pháp, còn triều đình nhà Nguyễn thì .

lịch sử đã cho thấy là rất vô năng.

Trước đó, ngay cả ông cha họ là Nguyễn Ánh hết cầu Xiêm lại cầu Pháp, còn gửi con trưởng là Hoàng tử Cảnh sang Pháp làm con tin, rồi chết ở bên đó.

Sau này, các vua nhà Nguyễn đều học theo.

Các Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Quý Mùi (1883), Giáp Thân (1884) lần lượt bán hết chủ quyền của Đại Nam cho Pháp.

Mặc dù các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân có yêu nước, nhưng chống Pháp theo kiểu chỉ có niềm tin mà không có thực lực thì làm sao thành công được.

Họ chống Pháp với ý thức chiến tranh thời cổ, nên đã thất bại rất nhanh chóng.

Vua Duy Tân sau khi khởi nghĩa thất bại, bị bắt đi đày sang châu Phi, đã học tiếng Pháp, rồi trở thành sĩ quan Pháp (đầu tiên với cấp bậc hạ sĩ, sau đó bị giải ngũ, ông đã “xin” với thống đốc La Réunion là Capagory để được làm binh nhì, rồi sau được thăng lên chuẩn úy).

Đến năm 1945, nhận thấy Việt Minh hoạt động rất mạnh và có nhiều cơ hội giành được chính quyền ở Đông Dương, Pháp đã định đưa cựu hoàng Duy Tân về nước để chống lại Việt Minh.

Ngày 5 tháng 5 năm 1945, có lệnh đưa “chuẩn úy Duy Tân” về phòng Quân sự của tướng Charles de Gaulle ở Paris.

Các sử gia cho rằng cựu hoàng Duy Tân đã bị dùng như một con bài chính trị trong kế hoạch tái chiếm Đông Dương của Pháp.

Và cựu hoàng đã không phản đối.

Nhưng vì tai nạn máy bay ngày 24 tháng 12 năm 1945 làm cựu hoàng tử nạn, khiến cho kế hoạch đó không tiến hành được.

Nói tóm lại, Tuấn Văn không có kỳ vọng gì với triều đình nhà Nguyễn.

Còn hợp tác với Anh quốc có khá hơn.

Anh quốc ít có đòi hỏi về lãnh thổ.

Khác với Pháp quốc chuyên vơ vét các thuộc địa mang về làm giàu cho “mẫu quốc”, Anh quốc quan tâm lợi ích kinh tế nhiều hơn.

Anh quốc cần thị trường cho hàng hóa của họ, nên quan tâm phát triển kinh tế.

Các thuộc địa của họ đều giàu có phồn vinh hơn những khu vực xung quanh, như Hương Cảng, Singapore, Canada, Úc, New Zealand, Ai Cập, Nam Phi, .

Nổi bật nhất là 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ đã mạnh lên rồi đánh bại “mẫu quốc”, giành được độc lập, trở thành Liên Hiệp Chúng Quốc Mỹ Lợi Kiên (United States of America), thường gọi là Hiệp Chúng Quốc hay Mỹ quốc.

Ở Á Đông, Anh quốc chỉ cần một đầu cầu cho hàng hóa của họ xâm nhập thị trường bản địa, chứ không chiếm cả một quốc gia làm thuộc địa.

Nhờ đó mà Singapore và Hương Cảng rất phồn hoa.

Đương nhiên, Tuấn Văn có giới hạn và kế hoạch của mình.

Nếu đánh thắng Pháp được thì tốt (cả Tuấn Văn cũng không tin vào khả năng này), còn không thì thắng vài trận nhỏ rồi đòi tự trị như kế hoạch trên, sau đó tập trung phát triển, củng cố thực lực, chờ thời cơ.

Hiện tại, quốc lực của Pháp đang dần xuống dốc.

Cơ hội sẽ đến sau ít năm nữa.

Ngài Thống đốc nghe nói Tuấn Văn định đi thăm phố phường Singapore, liền phái một viên hộ vệ của mình làm hướng dẫn viên.

Vì tình hình trị an của Singapore không được tốt lắm, nên ông ta mới phái hộ vệ chứ không phải văn chức nhân viên.

Tuấn Văn có ý định để cho những người đi theo được mở rộng tầm mắt, nên chỉ để lại 10 hộ vệ vừa theo cậu vào thành phố ở lại giữ thuyền, những người còn lại đều lên bờ vào thành phố tham quan.

Bọn ông Hương Cả lần đầu đến một thành phố theo kiểu tây phương, thấy khắp nơi đều là nhà lầu, người mua kẻ bán tấp nập, hàng hóa tràn ngập các cửa hiệu, nên đều trầm trồ về sự nhộn nhịp và thịnh vượng của nó.

Triều đình nhà Nguyễn cấm người không có địa vị xây nhà lầu, lại bế quan tỏa quốc, thực hiện chính sách của Nho giáo là “thương nhân tối tiện”, nên thương mại rất kém phát triển, không có nhà cao cửa rộng, phố xá sầm uất như nơi đây.

Ông Hương Cả là người tinh minh, quan sát một hồi rồi nói với Tuấn Văn :

- Hương Sư Đại nhân.

Nơi đây thật là thịnh vượng phồn hoa.

E rằng cả Gia Định Thành cũng không bằng.

Tuấn Văn gật đầu nói :

- Ngay cả Huế nếu không tính các đền đài cung điện thì cũng sẽ không bằng.

Mọi người hãy quan sát cho kỹ, học hỏi kinh nghiệm của họ rồi về phát triển chỗ chúng ta.

Ông Hương Cả giật mình hỏi :

- Đại nhân bảo chỗ chúng ta cũng có thể phát triển như thế này ?

Tuấn Văn mỉm cười :

- Sao lại không ?

Ở Singapore có hai khu vực khác biệt nhau :

khu người Âu và các khu phố người Á Đông (chủ yếu là người Hoa).

Khu người Âu thì sạch sẽ khang trang, trong khi các khu còn lại thì dơ bẩn và hỗn loạn (gọi nôm na là khu phố nghèo, khu ổ chuột).

Do đó, bọn Tuấn Văn chủ yếu đi dạo trong khu người Âu để được an toàn hơn.

Tuấn Văn tuy có dẫn theo 30 hộ vệ, nhưng vẫn khó đảm bảo an toàn.

Ở nơi đây, các tổ chức tội phạm bí mật kiểu như Hội Tam Hoàng phát triển mạnh.

Những vụ thanh toán đẫm máu với hàng trăm người chết diễn ra thường xuyên.

Tuấn Văn vẫn còn yêu đời lắm, không muốn mạo hiểm một cách vô ích.

Khi đi ngang một cửa hiệu nhỏ, Tuấn Văn nhìn thấy một bé trai khoảng hai, ba tuổi đang ngồi chơi trước cửa hiệu, quần áo dơ bẩn, mặt mũi lấm lem.

Trong cửa hiệu, một phụ nữ trung niên đang mải mê đọc báo, không chú ý gì đến bé, trông thái độ giống như bé không phải là con cháu của bà ta.

Thấy bé dễ thương, Tuấn Văn dừng lại, ngắm nhìn một lượt.

Đôi mắt bé to tròn, biếc xanh ánh vàng tuyệt đẹp.

Linh cơ thoáng động, Tuấn Văn bước đến, bế bé lên, âu yếm xoa đầu bé, hỏi :

- Ba mẹ bé ở đâu ?

Bé ngước mắt nhìn Tuấn Văn, ánh mắt hiếu kỳ, nhưng nhút nhát không dám lên tiếng.

Tuấn Văn bước vào cửa hiệu, hỏi người phụ nữ trong đó :

- Chị cho ta hỏi.

Bé trai này là con chị phải không ?

Bà ta nhìn thấy Tuấn Văn mặc đồ linh mục, phía sau có đông đảo hộ vệ, súng ống chỉnh tề, trong đó có cả hộ vệ của phủ Thống đốc, giật mình kinh hãi, lắp bắp nói :

- Xin cha tha lỗi.

Thằng nhỏ ngu ngốc đó dám mạo phạm cha, con sẽ trừng trị nó.

Nói xong lại quay sang mắng đứa bé một trận.

Tuấn Văn ngạc nhiên, nhìn bà ta một lượt, rồi nghiêm giọng hỏi :

- Bé trai này là con chị phải không ?

Bà ta vội nói :

- Không phải ạ.

Nó là trẻ bị bỏ rơi, con thấy tội nghiệp nên tạm nuôi nó.

Nghe bà ta kể lể, Tuấn Văn mới biết đứa bé này bị bỏ rơi trước cửa nhà bà ta hồi nửa năm trước, không biết cha mẹ là ai.

Bà ta thấy tội nghiệp nên giữ lại nuôi, nhưng chỉ xem như làm từ thiện chứ không xem bé như con.

Tuấn Văn liền tặng cho bà ta một xấp lụa, rồi nhận bé về nuôi.

Đi dạo phố phường hết hai ngày, sau đó mọi người rời Singapore, quay về.

Sau chuyến đi này, bọn ông Hương Cả được mở rộng tầm mắt, tăng gia kiến thức rất nhiều.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-tham-pho-phuong-singarore-96191.html