Đông Phương Minh Nguyệt - THỐNG NHẤT ĐẢO BABELDAOB - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 22 : Đông Phương Minh Nguyệt - THỐNG NHẤT ĐẢO BABELDAOB

  Tân Phú trấn, tân cứ địa ở Pelew.

Tuấn Văn cho chỉnh đốn lại lực lượng, chuẩn bị thống nhất cả quần đảo.

Tuấn Văn cần chính danh, để có tư cách trong quan hệ quốc tế.

Và danh hiệu Quốc vương Pelew có thể sử dụng trong lúc này.

Đồng thời, để củng cố sự thống trị ở đây, cũng như để phát triển thế lực, Tuấn Văn đã phái tiểu tướng Nguyễn Văn Tí suất lĩnh hai chiếc thương thuyền về Phú Thạnh mộ quân.

Lúc này, các chiến hạm neo đậu trong cảng, đang được cải trang lại.

Để tạo diện mạo mới cho nó, Tuấn Văn đã cho sơn sửa lại, trang hoàng lại boong tàu, sửa lại cột buồm và thay buồm mới.

Trước khi sang đây, Tuấn Văn đã cho chuẩn bị đầy đủ vật liệu, nên ước tính chỉ mất khoảng một tháng là sẽ cải trang xong.

Như vậy, tạm thời chỉ điều động được lục quân.

Đội hộ vệ giờ đây được gọi là quân đội, kể cả quân tướng hiện có 319 người, nên chỉ tổ chức một cách đơn giản, lấy 10 người làm 1 tiểu đội, đặt tiểu đội trưởng và tiểu đội phó.

Rồi tùy vào mỗi trận chiến mà sẽ phái người chỉ huy và lấy số quân thích hợp.

Bản ý của Tuấn Văn là sẽ đặt quân chế theo kiểu tây phương :

tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn; chứ không theo kiểu :

ngũ, thập, đội, cơ / vệ, doanh, đạo như triều Nguyễn.

Theo quân chế triều Nguyễn thì 5 người là 1 ngũ, 2 ngũ là 1 thập, 5 thập là 1 đội, 10 – 12 đội là 1 cơ / vệ, 5 – 8 cơ / vệ là 1 doanh, một số doanh (tùy tình hình) hợp thành đạo (cả nước chỉ có 5 đạo).

Các chức vị Ngũ trưởng, Cai thập, Suất đội, Quản cơ / Chưởng vệ / Lãnh binh, .

nghe cũng không hay tí nào.

Nhưng muốn tổ chức chính quy thì phải có đủ tướng lĩnh và có vài nghìn quân đã.

Hiện tại quân ít tướng hiếm thì đành chịu vậy.

Sau khi chỉnh đốn xong quân đội, Tuấn Văn lấy 20 tiểu đội tiến hành nam chinh, Lý Ngân làm Tướng quân, Lê Đức An và Võ Đình Hiếu làm Phó tướng.

Số quân còn lại phải phụ trách phòng vệ địa bàn và kiểm soát hàng binh.

Số hàng binh Pháp – Tây Ban Nha được tự do chứ không bị hạn chế, nhưng phải làm việc cùng với dân bản địa.

Có làm thì mới có ăn mà.

Và để đảm bảo an toàn thì phải phái người canh phòng.

Vùng cực nam của đảo Babeldaob có một vịnh nhỏ thích hợp làm bến cảng.

Vùng đất bên bờ vịnh là địa bàn của bộ tộc lớn nhất trên đảo, bộ tộc Airai, với dân số gần 500 người, chỉ thua bộ tộc Idid nằm trên đảo Koror bên kia eo biển.

Xung quanh địa bàn của bộ tộc Airai có hàng chục bộ tộc nhỏ khác có dân số chỉ vài chục người, càng làm nổi bật vị thế của bộ tộc Airai trong khu vực.

Mục tiêu của bọn Lý Ngân lần này chính là bộ tộc Airai.

Chỉ cần chinh phục được Airai thì có thể dễ dàng chiêu hàng các bộ tộc nhỏ quanh đó.

Từ Tân Phú trấn đi đến Airai, nếu đi dọc theo bờ biển phía đông của đảo thì chỉ có khoảng 40 kilômét, hành quân một buổi là đến nơi.

Khu trại của bộ tộc Airai nằm bên bờ vịnh, cách sông Ngerderar không xa.

Dừng quân cách mục tiêu khoảng 1 kilômét, Lý Ngân phái Lê Đức An suất lĩnh 50 quân mang theo hướng đạo đến đó chiêu hàng.

Gã hướng đạo thuộc một trong số 10 gia đình dân bản địa được ở trong khu trung tâm của Tân Phú trấn, trải qua nửa năm học tập đã có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Việt, ngoài nhiệm vụ hướng đạo còn đảm đương vai trò phiên dịch khi giao thiệp với dân bản địa.

Lê Đức An dẫn quân đến trước khu trại của bộ tộc Airai, sai gã hướng đạo kêu gọi đối phương quy thuận.

Thấy đối phương không đông lắm, các thủ lĩnh của bộ tộc Airai tức giận dẫn trai tráng trong bộ tộc ra nghênh chiến.

Cả bộ tộc có gần 500 dân, nhưng số trai tráng chỉ có khoảng 150 người.

Bọn họ cầm cung tên, gậy gộc ra đối trận cùng đối phương.

Phía bọn Lê Đức An thì dàn thành trận hình chiến đấu, còn phía bộ tộc Airai loạn thành một đoàn, hàng ngũ lộn xộn.

Nhưng cũng có một điều đặc biệt là phía bộ tộc Airai cho những người già yếu ở phía trước, còn những người mạnh khỏe cường tráng ở phía sau.

Đây là cách bố trí chiến đấu thường thấy của các dân tộc còn lạc hậu, bởi đối với bọn họ, những người già yếu là không cần thiết cho xã hội, là gánh nặng cho những người còn lại, vì thế khi chiến đấu sẽ được mang ra hy sinh đầu tiên.

Sau một tiếng quát xung phong và giữa những tiếng trống trận tùng tùng vang dội, “đại quân” Airai tràn lên tấn công.

Thấy khí thế đối phương quá hung hăng, Lê Đức An cho quân tạm thời rút lui về phía sau.

Quân Airai thừa thắng xông lên, đuổi sát theo sau.

Đến lúc này tố chất quân sự của bọn họ mới hiển lộ rất rõ ràng.

Mạnh ai nấy truy đuổi, không ra hàng ngũ gì cả.

Chỉ có 150 người mà chia thành ba tốp rõ rệt.

Tốp đầu là những chiến sĩ dũng mãnh nhất, trong lúc truy đuổi đã vượt qua khỏi tốp những người già yếu ở hàng đầu, quyết đuổi theo giết giặc lập công.

Tốp thứ hai là những người già yếu.

Còn tốp cuối cùng là giới thủ lĩnh của bộ tộc.

Truy đuổi được một lúc, đột nhiên, nhiều tiếng nổ vang ở cả phía trước và phía sau khiến cả bọn kinh hãi thất thần.

Bọn Lê Đức An đã dừng lại nổ súng phản kích, làm hàng loạt chiến sĩ thuộc bộ tộc Airai ở tốp đầu gục ngã.

Bọn Lý Ngân và Võ Đình Hiếu mai phục từ hai bên cũng nổ súng công kích vào tốp cuối, tiêu diệt số thủ lĩnh của bộ tộc ở đấy.

Sau đó, cả bọn đổ ra bao vây những kẻ còn lại.

Đến lúc này, phía bộ tộc Airai đã bị tiêu diệt quá nửa, chỉ còn lại những kẻ già yếu, mà chúng thủ lĩnh cũng đều tử trận, không người chỉ huy, khiến cả bọn hoang mang sợ hãi, sĩ khí không còn.

Bị một lực lượng đông gấp ba lần với vũ khí tinh lương bao vây, cả bọn chỉ còn biết đầu hàng.

Tiếp đó, Lý Ngân lại kéo quân đến khu trại của bộ tộc Airai, thu hàng số phụ nữ và trẻ con ở đó.

Sau trận này, phía bộ tộc Airai tử trận 78 người, chỉ còn lại 391 người, đều là người già, phụ nữ và trẻ em.

Chinh phục được bộ tộc Airai, Lý Ngân nhanh chóng chiêu hàng các bộ tộc nhỏ quanh vùng, không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào.

Vậy là chỉ sau 4 ngày, khu vực phía nam đã được chinh phục.

Toàn bộ đảo Babeldaob đã được thống nhất.

Sau khi hoàn thành việc nam chinh, Lý Ngân một mặt phái người về Tân Phú trấn báo tin chiến thắng, một mặt cho tập trung toàn bộ cư dân trong vùng về xây dựng một thị trấn mới ở vị trí khu trại của bộ tộc Airai trước đây.

Tổng dân số của thị trấn mới này là hơn hai nghìn người, đông gấp đôi so với Tân Phú trấn.

Thị trấn mới này nằm ở vị trí thuận lợi hơn so với Tân Phú trấn.

Phía nam là một vịnh nhỏ thích hợp xây dựng bến cảng.

Xung quanh có nhiều vùng đất bằng phẳng nằm cạnh sông hồ, có thể trồng lúa.

Vì vậy, Tuấn Văn quyết định chuyển đại bản doanh đến đây, và đặt tên là An Phú trấn.

Đến lúc này, trên đảo Babeldaob chỉ còn lại ba thị trấn là An Phú trấn, Tân Phú trấn và Tân Thạnh trấn.

Để kỷ niệm làng Phú Thạnh, Tuấn Văn quyết định tên của mọi khu dân cư ở đây đều phải có chữ Phú hoặc chữ Thạnh.

Cách An Phú trấn về phía nam khoảng vài kilômét là nhóm đảo Koror, phân cách với đảo Babeldaob bằng một eo biển hẹp, chỉ rộng vài trăm mét.

Nhóm đảo này có ba đảo lớn là Koror, Ngerekebesang và Malakal, cùng nhiều đảo nhỏ khác, là địa bàn thực tế của Quốc vương Pelew, thuộc bộ tộc Idid.

Do đã từng tiếp xúc với phương tây từ những năm 1784, nên xã hội ở đấy tương đối phát triển hơn trên đảo Babeldaob.

Tất cả người dân ở đấy đều chịu sự thống trị trực tiếp của Quốc vương.

Xã hội tương đối thống nhất và đã có mầm mống quốc gia sơ khai.

Theo tin tức từ dân bản địa và tin thám báo thì thần dân của Quốc vương Pelew có gần bảy nghìn người, nhiều gấp đôi số cư dân trên đảo Babeldaob.

Trong đó có đến hơn năm nghìn sống ở kinh đô Koror trên đảo Koror và khoảng 600 người sống ở thị trấn Meyuns trên đảo Ngerekebesang.

Số còn lại chưa đến một nghìn người sống rải rác trong 11 ngôi làng nhỏ khác trên các đảo.

Do các chiến hạm còn đang tu sửa nên Tuấn Văn tạm thời dừng việc chinh phục, tập trung kiến thiết An Phú trấn.

Đảo nhỏ (bằng một nửa Singapore), tài nguyên không nhiều, nhưng cũng có đá vôi và đất sét, có thể sản xuất xi măng, một vật liệu quan trọng trong xây dựng.

Quy trình sản xuất xi măng thời xưa tương đối đơn giản.

Năm 1824, một kỹ sư người Anh là Joseph Aspdin đã chế tạo xi măng bằng cách nung đá vôi và đất sét, sau đó nghiền mịn hỗn hợp thu được, tạo thành xi măng Portland (đặt theo tên đảo Portland ở miền nam nước Anh).

Sau này người người ta còn thêm các phụ gia vào xi măng để tăng chất lượng, nhưng với điều kiện hiện tại, Tuấn Văn đã hài lòng với loại xi măng nguyên thủy đó.

Dù sao thì Tuấn Văn cũng chưa có ý định xây cao ốc hay lâu đài.

Đương nhiên, cũng có thể dùng đất sét để nung gạch ngói.

Có xi măng và gạch ngói thì có thể xây nhà kiên cố, nhà lầu.

Khi đó phố xá cũng sẽ khang trang hơn.

Đặc biệt, các con đường được tráng xi măng cũng sẽ sạch sẽ hơn, không còn bị lầy lội khi trời mưa, và bụi bay mù mịt khi trời nắng nữa.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-thong-nhat-dao-babeldaob-96211.html