Đông Phương Minh Nguyệt - THU HOẠCH PHONG HẬU - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 26 : Đông Phương Minh Nguyệt - THU HOẠCH PHONG HẬU

  Rời Hàng Châu, Hạm đội tiếp tục tiến về phía bắc, vượt qua Thượng Hải, tiến đến địa phận Dương Châu – Hoài An.

Đó là mục tiêu chủ yếu thứ hai của Tuấn Văn.

Tuấn Văn không nhắm đến Tô Châu, bởi sau nhiều phen tranh đoạt giữa Thái Bình Thiên Quốc và Thanh triều thì Tô Châu không còn phú túc nữa.

Nói về sự giàu có, người Hán có câu :

“nhất Dương, nhị Ích”, ý muốn nói các thương nhân ở Dương Châu và Ích Châu (Thành Đô, Tứ Xuyên) là giàu có nhất.

Vùng Dương Hoài và Thành Đô là những nơi sản xuất muối lớn nhất của Trung Hoa.

Nghề buôn muối có lợi nhuận rất cao.

Các diêm thương đều rất giàu có, nhiều người gia tài ức vạn, hào xưng “phú khả địch quốc”.

“Quốc” ở đây là chỉ triều đình.

Nhiều thương nhân thật sự còn giàu hơn cả triều đình.

Tài sản trong tư khố của bọn họ còn nhiều hơn cả quốc khố.

Ngay cả thời “Khang – Càn thịnh thế”, khi Càn Long truyền ngôi cho Gia Khánh, thì trong quốc khố chỉ còn lại hai triệu lượng bạc, đừng nói chi thời buổi loạn lạc như lúc này.

Trong khi một ức là một trăm triệu, thì vài triệu lượng bạc chẳng đáng kể gì.

Hành động tương tự như ở Hàng Châu, quân đội của Tuấn Văn cũng chiếm được Dương Châu phủ thành và Hoài An phủ thành.

Do địa phương cách xa nhau, tin tức ở Hàng Châu chưa truyền đến đây, nên ở đây chẳng có phòng bị gì.

Sau khi hạ được thành, tài sản của triều đình và quan thương hai nơi đó đều biến thành tài sản của Tuấn Văn và chúng thuộc hạ.

Các thuyền hạm đều đã chất đầy hàng hóa, không còn chỗ chứa nữa, Tuấn Văn quyết định quay về.

Lúc này Hạm đội không chỉ có bảy chiến hạm mà còn có thêm mấy chục chiếc chiến thuyền và thương thuyền tịch thu từ quan binh và thương nhân Thanh triều.

Tất cả đều chở đầy hàng hóa, của cải.

Trước khi rời đi, Tuấn Văn cho thả các quan viên bị bắt ở Dương Châu, giao cho bọn họ một công hàm gửi cho triều đình Đại Thanh ở Bắc Kinh, nhân danh Vương quốc Pelew, phản đối quan lại Thanh triều đòi hối lộ và gây cản trở việc buôn bán của thương nhân Vương quốc Pelew.

Tuấn Văn cần lý do cho cuộc tấn công.

Vấn đề tự do thương mại là lý do các nước tây phương vẫn nêu ra khi có chiến tranh với Đại Thanh, nay Tuấn Văn cũng lấy sử dụng.

Ít ra thì thương thuyền của bọn Tuấn Văn đã từng ghé Quảng Châu một lần sau chuyến “viếng thăm” Quỳnh Châu hồi năm ngoái, và việc đòi hối lộ của quan lại Thanh triều đã là một điều bí mật mà ai cũng biết.

Hạm đội đi ngang Hương Cảng.

Tuấn Văn cho ghé lại đó, liên hệ với thương nhân ở đấy và Thập tam hành ở Quảng Châu để bán bớt một ít hàng hóa ít giá trị, đổi ngân phiếu thành bạc nén hoặc bảng Anh, và mua thêm vũ khí.

Quân đội cũng được cho luân phiên nghỉ phép, vào Hương Cảng và Quảng Châu vui chơi thư giãn.

Sau chuyến này, ai nấy đều thu hoạch phong hậu, nên càng quyết tâm đi theo Tuấn Văn.

Kể cả số hàng binh Pháp – Tây Ban Nha cũng cảm thấy đi theo Tuấn Văn ít nguy hiểm mà thu nhập lại rất cao.

Tuấn Văn cần bọn họ bởi bọn họ có kiến thức và kỹ thuật.

Chúng thủ hạ người Việt của Tuấn Văn mặc dù dũng cảm và trung thành, nhưng kiến thức và kỹ thuật lại không bằng.

Nghỉ lại Hương Cảng ba ngày, Hạm đội lại rời cảng, quay trở về Pelew.

Sau mấy tháng rời Pelew, dân số ở đây đã tăng thêm hơn nghìn người, đều là lưu dân từ Đại Nam sang.

Nói về tình hình xã hội nước Đại Nam lúc bấy giờ, sử gia Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam Sử Lược :

“công nghệ không có, buôn bán không ra gì, trừ việc cày cấy làm ruộng ra thì người nghèo đói không có nghề nghiệp gì mà làm ăn cả, cho nên thủa ấy tuy một tiền được bốn bát gạo, mà vẫn có người chết đói, vì rằng giá gạo thì rẻ, nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó” (một tiền là 60 đồng; bát là đơn vị đong gạo, một bát tương đương nửa lít, bốn bát là một thăng, 30 thăng là một hộc).

Đến thời chiến loạn thì càng tệ hơn.

Do vậy, rất nhiều dân nghèo đã lưu lạc đến Phú Thạnh tìm phương sinh kế, và được ông Hương Chánh chiêu mộ.

Ngoài ra, do cơ nghiệp ở Pelew phát triển quá nhanh, ông Hương Cả Lê Kim cũng đã sang đây giúp Tuấn Văn quản lý dân chính sự vụ, đảm nhiệm chức bộ trưởng Dân chính bộ của Vương quốc Pelew.

Trong lúc Dân chính bộ lo an trí những thợ thủ công bị bắt đi theo, tổ chức việc sản xuất, tìm nơi trồng lại những cây trà Long Tỉnh, hoặc bọn Lý Ngân lo huấn luyện tân binh, thì Tuấn Văn thân tự chỉ huy việc kiểm tra thu hoạch.

Chuyến đi này, tuy thu hoạch phong hậu, nhưng cũng có 47 người bị thương, tạm thời mất sức chiến đấu, cần phải nghỉ dưỡng mấy tháng.

Cũng may là không có ai tử trận, nhờ lục dinh binh của Thanh triều quá tệ hại.

Hèn gì mà chỉ vài nghìn quân Anh đã có thể hoành hành không kiêng kị, và hơn vạn liên quân Anh – Pháp đã có thể đánh đến tận Bắc Kinh.

Ngay cả người Pháp cũng thừa nhận quân đội của Đại Nam lợi hại hơn quân đội của Đại Thanh nhiều.

Phải nói rằng người ở Hàng Châu, Dương Châu và Hoài An quá giàu có.

Tuấn Văn cướp phá hầu hết phủ huyện ở Đài Loan mà chỉ thu được khoảng 18 vạn lượng bạc, kể cả vàng bạc châu báu và hàng hóa.

Trong khi chỉ riêng Hàng Châu Thành đã thu được hơn ba ức, Dương Châu và Hoài An được hơn 11 ức.

Cộng thêm các thành trấn ở vùng duyên hải từ Hàng Châu đến Dương Châu được một ít nữa, tổng cộng khoảng 15 ức lượng bạc.

Đó là chỉ mới tính hiện ngân, chưa kể châu báu và hàng hóa, đại khái giá trị hơn 800 vạn lượng bạc.

Số tài sản đó là tích lũy nhiều năm, thậm chí nhiều đời của giới hào phú địa phương, và đã bị Tuấn Văn cho dọn sạch sẽ.

Cũng may của cải tích lũy của bọn họ hầu hết đều là hiện ngân, chứ với hơn chục ức lượng bạc ngân phiếu làm sao mà đổi cho hết.

Ngân phiếu của Đại Thanh thời bấy giờ chủ yếu do các tiền trang Sơn Tây phát hành, đều là của tư nhân, nên khi tích trữ của cải người ta chỉ trữ hiện kim, hiện ngân chứ không trữ ngân phiếu, bởi có ai biết được nhiều năm sau tiền trang phát hành ngân phiếu đó có bị phá sản hay không.

Môi trường kinh doanh ở Đại Thanh rất không đảm bảo, địa vị của thương nhân rất thấp kém, quan lại có thể kê biên, tịch thu tài sản của thương nhân bất cứ lúc nào, chỉ cần gán cho một tội nào đó là được.

Tuấn Văn thích vàng hơn bạc, chỉ đáng tiếc, do Đại Thanh chuộng dùng bạc, nên trong số đó chỉ có khoảng 600 vạn lượng vàng, còn lại đều là bạc khoảng 14 ức lượng.

Để quản lý số tài sản khổng lồ đó, Tuấn Văn quyết định thành lập Giang thị Thương hội, phụ trách quản lý sản nghiệp của Tuấn Văn và tiến hành đầu tư.

Ngoài ra, những thợ thủ công bị bắt đưa đến đây cũng được tổ chức lại thành các công ty, ví dụ như :

An Phú Kim khí công ty, có nòng cốt từ những người thợ của “Trương Tiểu Tuyền tiễn đao”, giờ đây sẽ sản xuất dao, kéo, đồ gia dụng bằng kim loại, .

; An Phú Dược phẩm công ty, có nòng cốt từ thợ của “Hồ Khánh Dư Đường hoàn dược”, sản xuất các loại dược phẩm đông tây y có thể sản xuất được, phát triển các loại dược phẩm gốc thuốc nam; An Phú Mỹ nghệ công ty, có nòng cốt từ thợ của “Vương Tinh Ký phiến tử”, sản xuất các loại hàng mỹ nghệ; An Phú Hóa mỹ phẩm công ty, có nòng cốt từ thợ của “Khổng Phương Xuân hóa trang phẩm, chuyên sản xuất hàng hóa mỹ phẩm, đồ trang điểm; .

Ngoài ra còn có An Phú Phảng chức công ty (chuyên sản xuất hàng dệt may, gồm cả tơ lụa gấm vóc) và An Phú Trà công ty.

Thời bấy giờ phải gọi là An Phú Dược phẩm công ty chứ không thể gọi là Công ty Dược phẩm An Phú.

Tên nước Việt Nam còn gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho đến tận năm 1976 kia mà.

Sau khi thành lập các công ty đó, Tuấn Văn chia thành nhiều cổ phần và cấp cho chúng thuộc hạ, kể cả những người đang ở Phú Thạnh như ông Hương Chánh cũng có phần.

Các tướng lĩnh gốc Pháp và Tây Ban Nha cũng vậy.

Chỉ có An Phú Phảng chức công ty, An Phú Trà công ty và An Phú Hóa mỹ phẩm công ty trực tiếp thuộc Giang thị Thương hội.

Sau khi thu xếp mọi việc xong đâu đấy, Tuấn Văn lại triệu tập chúng thủ hạ đến nghị sự.

Sau khi nghe báo cáo tình hình dân chính, quân vụ, xử lý các vấn đề phát sinh, Tuấn Văn nói :

- Ta định sang các nước tây phương mua về mấy dây chuyền sản xuất súng, đạn dược, luyện sắt thép để có thể tự chế tạo vũ khí.

Ngoài ra, chuyến vừa rồi chúng ta mang về rất nhiều hàng hóa.

Những thứ đó nếu mang sang các nước tây phương sẽ bán được rất nhiều tiền, lợi nhuận nhiều hơn bán ở đây gấp nhiều lần.

Vì vậy ta định đi sang các nước tây phương một chuyến.

Ai sẽ đi cùng ta nào ?

Lý Ngân nói :

- Bệ hạ.

Các nước tây phương quá xa xôi, bệ hạ đi có tiện không ?

Để con đi cho.

Tuấn Văn mỉm cười nói :

- Mọi người có biết mua loại nào mới thích hợp không ?

Giá cả thế nào mới hợp lý ?

Ai nấy ngơ ngác nhìn nhau.

Ngay cả Sandino Rodriguez, Fernando Martin và Renault Lambert cũng không rõ, nói gì đến bọn Lý Ngân.

Do vậy, Tuấn Văn không thể không đi.

Hơn nữa, Giang thị Thương hội đang có một số tài sản rất lớn, Tuấn Văn định sẽ đầu tư vào một số công ty có triển vọng ở Âu Mỹ.

Các nước tây phương rất tôn trọng tư bản đầu tư.

Ví dụ khi Pháp – Phổ đánh nhau, thì tài sản của người Pháp đầu tư ở Phổ hay người Phổ đầu tư ở Pháp vẫn không bị tịch thu.

Bằng chứng rõ nhất là hãng Telegraphen

- Bauanstalt von Siemens & Halske (tiền thân của hãng Siemens AG ngày nay, Siemens và Halske là hai nhà sáng lập) có trụ sở ở Berlin, thủ đô của Vương quốc Phổ, vẫn kinh doanh bình thường ở Pháp, mặc dù chiến tranh Pháp – Phổ diễn ra.

Sau khi bàn bạc, Tuấn Văn lấy Lý Ngân, Lê Đức An, Nguyễn Vân Phong, Nguyễn Trung Trực, Sandino Rodriguez, Fernando Martin và Renault Lambert cùng đi theo.

Võ Đình Hiếu ở lại hiệp trợ Dân chính bộ trưởng Lý Kim xử lý công việc trong Vương quốc.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-thu-hoach-phong-hau-96219.html