Đông Phương Minh Nguyệt - TRIỀU NGHỊ (2) - Đông Phương Minh Nguyệt

Đông Phương Minh Nguyệt

Tác giả : Chưa rõ
Chương 69 : Đông Phương Minh Nguyệt - TRIỀU NGHỊ (2)

  Sau khi quyết định xong việc khoách quân, Tuấn Văn lại hỏi :

- Sinh hoạt của người dân Đại Nam lục tỉnh hiện tại thế nào rồi ?

Giống như người dân Đại Nam trước đây gọi các tỉnh xứ Nam Kỳ là Nam Kỳ lục tỉnh, ngày nay triều đình Đại Việt cũng gọi các tỉnh gốc Đại Nam là Đại Nam lục tỉnh.

Tuấn Văn rất quan tâm đến cuộc sống của dân chúng ở đó, bởi bọn họ chiếm phần lớn dân số của Đế quốc Đại Việt.

Thủ tướng Lý Kim thở dài nói :

- Khải tấu Thánh hoàng.

So với trước đây thì đã có khá hơn rất nhiều, dân chúng cũng đã nhìn thấy hy vọng ở tương lai.

Nhưng thật sự mà nói, so với dân chúng ở các tỉnh của Vương quốc Pelew trước đây, dân của Đại Nam lục tỉnh thật sự là nghèo quá.

Triều thần người gốc Đại Nam cũng khẽ thở dài.

Dân chúng Đại Nam thời Tự Đức quả thật rất nghèo khổ, nếu không thì sao chỉ riêng xứ Bắc Kỳ đã có hơn 50 cuộc nổi dậy chống triều đình, nhiều tỉnh thành bị quân nổi dậy chiếm mất trong nhiều năm, cả Cao Bá Quát (người được xếp cùng Trương Hán Siêu trong câu “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán”) cũng tham gia.

Còn ở xứ Nam Kỳ, sự nghiệp làm quan của Huỳnh Mẫn Đạt (người làm bài thơ ca ngợi Nguyễn Trung Trực :

“Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa.

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

”) cũng gắn liền với việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Định Tường và Hà Tiên.

Cha của Nguyễn Trung Trực cũng là lưu dân từ miền trung vào nam lập nghiệp.

So với các nước xung quanh như Đại Thanh, Ai Lao (Lào), Cambodge (Campuchia) thì người dân Đại Nam cũng chưa đến nỗi nào, nhưng so với “thế giới văn minh” thì kém rất xa.

Việc sát nhập Đại Nam lục tỉnh đã khiến thu nhập bình quân đầu người của cả nước giảm đi hàng chục lần.

Vương quốc Pelew trước đây là một nước công nghiệp phát triển, thì Đế quốc Đại Việt hiện tại đã biến thành một nước nông nghiệp.

Không làm sao hơn được, bởi trong số 21 triệu thần dân thì có đến gần 18 triệu người sống ở Đại Nam lục tỉnh, 88% dân số sống trên một khu vực chỉ chiếm 3,3% diện tích lĩnh thổ, mà sinh kế chủ yếu của bọn họ là làm nông nghiệp tự cấp tự túc, đa số người dân cả đời chưa ra khỏi làng, như vậy không nghèo sao được.

Tuấn Văn trầm ngâm giây lát, rồi bảo :

- Tây Borneo ngũ tỉnh có diện tích tương đương Đại Nam lục tỉnh, nhưng dân số chưa đến 5%.

Ở đó còn rất nhiều đất đai có thể khai khẩn canh tác.

Hãy cho di dân từ Đại Nam lục tỉnh sang đó.

Đại Nam lục tỉnh quả là đất chật người đông, mỗi người chỉ có một mảnh đất nhỏ thì khó mà khá lên được.

Dân chính bộ phụ trách việc này.

Thủ tướng Lý Kim kiêm quản cả Dân chính bộ, nên vội vâng dạ lĩnh chỉ.

Tuấn Văn lại hỏi :

- Hôm trước trẫm giao cho các khanh lập kế hoạch thành lập Nghị hội cho Đế quốc, công việc đến đâu rồi ?

Đế quốc Đại Việt theo chế độ quân chủ chuyên chế, hay nói rõ hơn, Tuấn Văn là độc tài, nhưng điều đó không đối lập với việc thành lập Nghị hội.

Thời bấy giờ, đa số các vị quân chủ trên thế giới đều như thế, trừ Nhật Bản và một số nước ở Âu châu mà quân chủ không có thực quyền.

Chế độ quân chủ cũng phổ biến trên toàn thế giới.

Pháp quốc,herlands trước đây từng có thời kỳ theo chế độ cộng hòa, nhưng rồi sau một thời gian xã hội hỗn loạn hoặc kinh tế phá sản thì lại quay trở về với chế độ quân chủ.

Cả Đế quốc Pháp, Đế quốc Nga và Vương quốc Phổ (hoặc Đế quốc Đức sau này) đều theo chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng cũng đều có Nghị hội.

Các Nghị viên ở Nghị hội sẽ chỉ bàn bạc những vấn đề mà Hoàng đế giao cho.

Đặc biệt, người Việt cũng có một tiên lệ là Đại hội Diên Hồng do vua Trần Nhân Tông triệu tập để lấy ý kiến quốc dân về việc đánh hay hàng quân Nguyên.

Nghị hội của Đế quốc Đại Việt là Nghị hội lập pháp, các Nghị viên tối đa chỉ được quyền lập pháp, còn quyền lập hiến và quyền tối cao thuộc về Tuấn Văn.

Mặc dù Tuấn Văn nắm giữ quyền lực tuyệt đối, nhưng vì không muốn quản sự quá nhiều nên mới lập ra Chính vụ viện và Nghị hội.

Chính vụ viện giữ quyền hành pháp, Nghị hội giữ quyền lập pháp, Tuấn Văn chỉ trực tiếp giữ quyền tư pháp và quản quân đội.

Ngoài ra, Nghị viên còn được giao trách nhiệm giám sát các quan viên của triều đình.

Có như vậy mới có thể xây dựng một nền hành chính trong sạch và hiệu quả.

Thủ tướng Lý Kim tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng.

Chúng thần nghiên cứu thể chế của Vương quốc Anh, định sẽ thành lập Nghị hội lưỡng viện là Quý tộc viện và Bình dân viện.

Đại biểu trong Quý tộc viện sẽ được Bệ hạ chỉ định trong giới quý tộc của bản triều.

Còn Đại biểu trong Bình dân viện sẽ được tuyển cử từ các tỉnh, nhiệm kỳ 5 năm.

Chúng thần cho rằng chỉ những tỉnh nào đã gia nhập Đế quốc từ ba năm trở lên, hoàn thành việc phổ cập tiếng Việt, và đạt được một số chỉ tiêu kinh tế thì mới có thể bầu Nghị viên.

Những người có trình độ văn hóa không cao, không biết chữ, và còn phải lo ăn lo mặc hàng ngày thì khó đủ thời gian và trình độ để luận bàn quốc gia đại sự hoặc dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Quy định như thế mới khuyến khích các tỉnh nỗ lực phổ cập tiếng Việt và phát triển kinh tế địa phương.

Những tỉnh mới sát nhập vào bản quốc, tình hình chưa ổn định, thì cũng chưa tiện tổ chức tuyển cử.

Nói rõ hơn là những vùng mới chiếm được, lòng dân chưa được yên, chưa đảm bảo sự trung thành với triều đình, thì không tiện cho tham gia vào Nghị hội.

Những nơi quá nghèo khổ cũng vậy, bởi đó là những nơi dễ xuất sự nhất.

Tuấn Văn trầm ngâm một lúc, rồi nói :

- Chuẩn.

Nhưng cải một chút.

Đơn vị bầu cử là quận.

Mỗi quận một đại biểu.

Những quận nào có dân số quá đông, hoặc kinh tế đặc biệt phát triển thì tăng thêm một đại biểu nữa.

Một tỉnh là quá lớn, muốn đạt đủ các yêu cầu cũng khó hơn.

Quận nhỏ, nên cũng đơn giản hơn nhiều.

Nếu theo quy định mới này thì người dân ở quận Phú Thạnh, tỉnh Gia Định (làng Phú Thạnh trước đây) đã đủ điều kiện bầu đại biểu, trong khi nếu tính nguyên cả tỉnh thì lại không đạt yêu cầu.

Hơn nữa, như vậy mới dễ thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các quận với nhau.

Thủ tướng Lý Kim vâng dạ, rồi hỏi :

- Bệ hạ.

Những người sống ở Hoàng triều cương thổ có tham gia tuyển cử không ạ ?

Tuấn Văn nói :

- Họ đều là thần dân của trẫm, không nên phân biệt đối xử.

Kinh đô An Phú tính một đơn vị.

Lĩnh địa Vietian Columbia và Lĩnh địa Nam Thái Bình Dương mỗi nơi phân thành năm đơn vị.

Cũng cấp cho tô giới ở Thượng Hải một danh ngạch đại biểu.

Tiếp đó, Khoa học bộ trưởng John Smith tâu :

- Bệ hạ.

Việc nghiên cứu kỹ thuật quân sự phải áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt để bảo đảm bí mật, xếp chung với việc nghiên cứu kỹ thuật dân sự trong Hoàng gia Khoa học Viện không ổn.

Thần thỉnh Bệ hạ phê chuẩn thành lập Quân sự Khoa học Viện, tách riêng ra cho dễ quản lý.

Việc này bình thường, Tuấn Văn nói :

- Chuẩn.

John Smith lại tâu :

- Bệ hạ.

Việc thành lập Hoàng gia Hàn lâm Viện đã chuẩn bị hoàn tất, có thể tuyên bố thành lập bất cứ lúc nào.

Chúng thần đã lập danh sách những khoa học gia của bản quốc đủ điều kiện phong hàm viện sĩ.

Theo ý của Bệ hạ, tạm thời chỉ phong hàm viện sĩ cho người của bản quốc.

Thỉnh Bệ hạ xem xét.

Tuấn Văn xem qua một lượt, rồi bảo :

- Nền khoa học của bản quốc có nhiều vấn đề không tiện để cho người ngoài xen vào.

Cứ như thế đi.

Chuẩn.

Khoa học giới vẫn bàn luận xôn xao về hiệu quả và năng lực của các nhà khoa học ở Hoàng gia Khoa học Viện.

Nhiều nhà khoa học Âu Mỹ muốn đến đó nghiên cứu, hoặc học hỏi kinh nghiệm.

Nhưng từ trước đến giờ, theo lệnh của Tuấn Văn, Hoàng gia Khoa học Viện từ chối bất cứ nhà khoa học nào không chịu nhập tịch.

Giáo dục bộ trưởng Romero Fernández tâu :

- Bệ hạ.

Giáo dục bộ có kế hoạch thành lập thêm hai trường Đại học ở Đài Loan và Gia Định.

Thỉnh Bệ hạ phê chuẩn.

Tuấn Văn trầm ngâm giây lát, cảm thấy với điều kiện hiện tại của Đại Nam lục tỉnh, một trường Đại học cũng đủ, nên cũng phê chuẩn.

Xong phần dân chính sự vụ, Tuấn Văn lại bảo Lý Ngân :

- Lần này trẫm cho khanh trực tiếp cầm quân xuất chinh.

Khanh hãy chiếm lấy tất cả những thuộc địa của Pháp và Tây Ban Nha có thể chiếm lấy được cho trẫm.

Công lao của chư tướng ghi nhận lại đó, khi các chiến dịch đều kết thúc, bọn Vân Phong cũng hoàn tất nhiệm vụ quay về thì trẫm sẽ luận công ban thưởng luôn thể.

Lý Ngân thân là Lục quân bộ trưởng, bấy lâu nay phải tọa trấn trung ương, không được cầm quân chinh chiến, trong lòng cũng cảm thấy ngứa ngáy, nên vội lĩnh chỉ tạ ân.

Xong đâu đấy, Tuấn Văn hỏi Thủ tướng Lý Kim :

- Nghi thức gia phong cho Charles chuẩn bị xong chưa ?

Thủ tướng Lý Kim tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng.

Tất cả đã sẵn sàng.

Tuấn Văn gật đầu bảo :

- Lúc này có mặt đông đảo quần thần, cho tiến hành luôn đi.

Thế là bé Charles được gọi đến, triều đình Đại Việt tiến hành nghi thức gia phong cho bé Charles một tước hiệu mới – Công tước xứ Anjou.

Tuấn Văn trịnh trọng tuyên bố :

- Cơ nghiệp tổ tiên của Charles đã bị nhà Valois dùng âm mưu đoạt mất.

Trẫm hy vọng Charles sớm thu hồi được cơ nghiệp tổ tiên.

Việc phong tước này đánh dấu sự mở đầu của việc can thiệp vào Âu châu của triều đình Đại Việt.

Công tước xứ Anjou là một tước vị quan trọng ở Âu châu.

Quốc vương Anh và Quốc vương Pháp từng tranh giành nó, rồi Quốc vương Pháp và Quốc vương Tây Ban Nha cũng tranh giành nó (việc tranh chấp này kéo dài đến tận thế kỷ 21 và có đến 2 vị Công tước xứ Anjou).

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-dong-phuong-minh-nguyet-trieu-nghi-2-96305.html