Nhất Thống Thiên Hạ - Trung Văn Hiến Kế Sách - Nhất Thống Thiên Hạ

Nhất Thống Thiên Hạ

Tác giả : Chưa rõ
Chương 85 : Nhất Thống Thiên Hạ - Trung Văn Hiến Kế Sách

“Ha ha, có gì mà hai người phải suy nghĩ nhiều thế?

Được rồi, vấn đề này còn phải bàn bạc, suy ngẫm lại nhiều lắm.

Trung Văn, trẫm biết khanh là người bác học đa tài, khanh nói cho trẫm nghe thử về tình hình kinh tế của nước ta.

” Lý Hạo chăm chú nhìn Trần Trung Văn dò hỏi.

“Bẩm hoàng thượng, hoàng thượng đã có lời hỏi, thảo dân mạn phép đánh giá tình hình kinh tế nước ta vậy.

Nền kinh tế Đại Việt chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cho nên triều đình luôn chú trọng đến chuyện bảo vệ và phát triển nông nghiệp.

Việc áp dụng chính sách ngụ binh ư nông là rất phù hợp với tình hình thực tế thời điểm này.

Hơn nữa, triều đình cần chú trọng nhiều hơn ở những mặt thủ công nghiệp, thương nghiệp và giáo dục, khoa cử.

Về mặt thương nghiệp, nước ta có cảng Vân Đồn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, nằm trên trục hàng hải từ Đại Tống xuống các nước Chiêm Thành, Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La và Tam Phật Tề.

Về phần khoa cử, khi hoàng thượng đã bình định được giang sơn cần tổ chức ngay khoa thi, chủ yếu đòi hỏi người ứng thí các khoa thi phải thông hiểu kiến thức cả ba đạo Nho, Phật và Lão mới có thể đỗ đạt, từ đó tìm người hiền tài vì hoàng thượng mà ra sức giúp dân, giúp nước.

” Trần Trung Văn đáp lời với giọng không nhanh không chậm.

Lý Hạo chập hai tay, gấp chiếc quạt vải lại mà rằng:

“Hay, một lời của khanh đã giúp trẫm hiểu đại khái được tình hình chung của nước ta.

Huyền Trân, còn khanh?

Khanh có kiến giải nào khác hay không?

” Trần Huyền Trân cười nhẹ một tiếng trả lời:

“Bẩm hoàng thượng, dân nữ là phận nữ nhi, nào dám bàn những chuyện lớn lao như tế thế kinh bang của đấng nam nhi.

” Lý Hạo cười ngất nói:

“Cần gì phải so sánh đàn ông với đàn bà.

Trẫm biết có rất nhiều người tuy phận nữ nhi nhưng mưu trí, tầm nhìn cũng chẳng thua kém những bậc mày râu là mấy.

Như Đại Đường thời xưa, chẳng phải có một Võ Tắc Thiên đã từng xây dựng đất nước Đại Đường trở nên cường thịnh đấy sao?

Không cần nói đâu xa, ở Đại Việt ta cũng có Thái hậu Ỷ Lan với tài năng trị nước yên dân được sử gia khen ngợi và tán dương rất nhiều, Thái hậu Ỷ Lan đã góp công rất lớn giúp triều Lý được ổn định và hưng thịnh không suy.

” “Bẩm hoàng thượng, dân nữ ít học nên chỉ có thể nói những lời sau, nếu có điều gì khiến ngài phật ý, mong hoàng thượng bỏ quá cho.

” Trần Huyền Trân hơi nghiêng đầu khẽ nói.

“Việc gì mà khanh phải rào trước đón sau như vậy?

Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.

Nhưng lời thật sẽ khiến cho người ta tìm ra đường sáng để tiến những bước tiến dài hơn lên phía trước.

” Lý Hạo sáng khoái đáp.

Trần Huyền Trân ngẫm nghĩ một hồi mới cất tiếng:

“Bẩm hoàng thượng, hoàng thượng đã biết thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng, là điều đáng quý.

Dân nữ không đủ đức tài để hiến kế giúp ngài trị quốc bình thiên hạ.

Dân nữ chỉ biết quyền hành là một thứ đáng sợ và nguy hiểm.

Khi quyền lực đã tập trung vào hết một người, nó sẽ khiến người biến đổi, làm cho người đó chỉ còn biết thỏa mãn lòng hư vinh của bản thân.

Dân nữ mong rằng, khi hoàng thượng đã bước lên ngôi cửu ngũ chí tôn, hãy luôn giữ mình, tu thân dưỡng tính để mãi là một đấng hiền quân, minh chủ, giúp cho người dân được ăn no mặc ấm.

Khi ấy, con dân sẽ vĩnh viễn thần phục hoàng thượng, lòng dân sẽ vĩnh viễn hướng về ngài.

” Lý Hạo ngẩn người, hắn không thể ngờ được Trần Huyền Trân lại nói ra những lời ấy.

Cúi đầu suy nghĩ, sau khi đã thông suốt, tận đáy lòng hắn dâng lên nỗi niềm cảm phục người thiếu nữ thiện lương kia.

Lý Hạo chắp tay, khẽ cúi đầu, nói:

“Trẫm cảm ơn khanh, những điều khanh nói, trẫm sẽ khắc cốt ghi tâm.

Kiếp này, trẫm sẽ không bao giờ quên.

Trẫm biết.

khanh vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào trẫm.

Trẫm còn quá trẻ để hứa hẹn được điều gì.

Từ khi trẫm phải rời hoàng cung chạy loạn, đến những tháng ngày sống tha hương khắp nơi, trẫm mới hiểu rõ chân chính ý nghĩa của cuộc sống.

Phải rèn luyện, phải chịu cực, chịu khổ nhiều mới thấu hiểu nhân tình thế thái, mới rõ được cái đạo làm người.

” Nói tới đây, Lý Hạo chợt ngâm nga:

Gạo đem vào giã bao đau đớn.

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.

Sống ở trên đời người cũng vậy.

Gian nan rèn luyện mới thành công.

“Bài thơ đầy ý nghĩa.

Chỉ dựa vào việc giã gạo rất đỗi bình thường của người nông dân mà những câu thơ đã nêu lên bài học làm người thực sâu sắc.

Bẩm hoàng thượng, thảo dân đã đọc rất nhiều những bài thơ của thánh hiền, nhưng chưa từng đọc qua bài này.

Chẳng hay bài thơ này là của bậc hiền nhân nào đây ạ?

” Trần Trung Văn nhắm mắt thưởng thức bài thơ, đoạn dò hỏi.

“Bài thơ này trẫm đọc được trong cổ thư của Hoàng tộc, nhưng lại là bài thơ khuyết danh, không rõ tên người sáng tác.

Trẫm rất thích bài thơ ấy, nên luôn ghi nhớ trong lòng.

Trung Văn này, về kinh tế nước ta, khanh đã nắm rõ như thế.

Vậy khanh có chủ ý cải cách nào giúp cho kinh tế phát triển hơn nữa không?

” Lý Hạo nói.

Trần Trung Văn tự tin nói:

“Bẩm hoàng thượng, như lúc trước thảo dân đã nói qua, nền kinh tế nước ta chủ yếu là dựa vào nông nghiệp.

Chính vì thế, việc quan trọng nhất là tu bổ đê điều, đào hào, đào mương để tránh nạn ngập lụt, cần phải đặt thêm chức quan chuyên để trông coi việc đê điều trong cả nước.

Về việc đắp đê, đào mương, thần nghĩ nên để quân và dân cùng làm, để thể hiện mối đoàn kết quân dân, thể hiện sự quan tâm của triều đình đối với dân chúng.

Bên cạnh đó, nên chiêu tập những người nghèo khó, lưu lạc đi khai khẩn đất hoang để mở mang thêm ruộng nương.

” Trần Trung Văn nâng chén trà lên ngang miệng, một tay che lại, hớp một ngụm trà, nói tiếp:

“Nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nước ngày càng tăng, nước ta vẫn đúc tiền bằng hợp kim đồng, trong khi đó tiền do triều đình đúc ra không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông hàng hóa nên nhiều đồng tiền nhà Tống và thậm chí thời Đường vẫn được lưu hành trong nước.

Thảo dân đề xuất để tiện việc tiêu dùng, cho đúc thêm vàng, bạc, đồng thành phân, lượng và có hiệu của Hoàng Thượng.

Vả lại hiện nay, tuy triều đình có mở những khoa thi để tìm người đức độ, nhưng các khoa thi chỉ được mở ra khi nào triều đình cần người tài giỏi ra giúp nước chứ chưa mở định kỳ.

Thảo dân trộm nghĩ, có nên chăng cho mở khoa thi theo định kỳ cứ cách năm năm thì triều đình lại tổ chức thi một lần.

Và khi tổ chức thi, sẽ vinh danh những chức vị cho người tài giỏi đứng đầu trong kỳ thi đó.

” Chú thích:

Bài Thơ “Giã Gạo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-nhat-thong-thien-ha-trung-van-hien-ke-sach-261468.html