Tựa Như Ánh Mặt Trời - Chương 1 - Tựa Như Ánh Mặt Trời

Tựa Như Ánh Mặt Trời

Tác giả : Chưa rõ
Chương 1 : Tựa Như Ánh Mặt Trời - Chương 1

Tôi rớt Đại Học.

Dượng cho tôi hai cái bạt tai vào mặt, một cái bên trái, một cái nữa cũng bên trái.

Còn dì thì vứt nguyên cả chiếc vali và balo cũ của tôi ra đường.

Họ không muốn thấy mặt tôi nữa.

Khi con người ta hết giá trị lợi dụng thì cũng là lúc họ bị vứt bỏ, giống như miếng giẻ cọ nồi không thể cọ thêm được nữa thì nên bỏ đi.

Đống sách vở bị rơi tung ra, ướt hết.

Quần áo trong vali cũng thấm nước mưa.

Tôi cố gắng thu gọn chúng càng nhanh càng tốt, môi mím chặt cố gắng không khóc.

Phải, không được khóc, nhưng sao cứ cảm thấy mưa mặn chát quá.

Cơn mưa cuối hạ vừa to vừa dai dẳng giống như lời kết thúc thay tôi hơn mười mấy năm sinh sống trong ngôi nhà ấy.

Tôi biết mình thế nào cũng sẽ dọn đi ngay khi có kết quả, chỉ không ngờ lại vội vã và lạnh lẽo thế này.

Nước mưa thấm ướt vào bên trong áo, khiến tôi run bần bật, răng va vào nhau không tài nào dừng lại.

Tôi cố gắng đi nhanh vào một trạm điện thoại công cộng, sau khi vắt cạn kiệt hai tay áo mới hơ tay lên môi tìm chút hơi ấm.

Trong túi có mấy đồng, tôi bỏ vào hộp điện thoại, quay số gọi cho Hoàng Tùng.

Bốn đồng đã hết, anh ấy vẫn không nhấc máy, tôi cầm đồng cuối cùng do dự cho vào túi, không muốn gọi nữa.

Ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời, không biết ông ấy sẽ mưa đến bao lâu, có lẽ là cả đêm.

Con đường đất thêm lầy lội, đống quần áo trong vali chắc bẩn và ướt hết rồi.

Tôi thở dài, đầu tựa vào thành, mắt dần tối lại.

Trong đầu suy tính làm thế nào để lên thành phố tìm gặp Hoàng Tùng, cũng suy tính đêm nay và ngày mai phải làm sao không bị ốm.

Đầu chợt nặng trĩu, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi trong cái lạnh, ướt và đói.

Một ý nghĩ chạy qua ngang đầu, có khi nào tôi sẽ không thể tỉnh lại nữa, sẽ giống như cô bé bán diêm chết đi trong giá lạnh của trời đất lẫn con người.

Nhưng cô bé ấy may mắn hơn tôi, cô chết đi trong hạnh phúc dù nó là ảo, còn tôi chết đi chẳng có thứ gì để an ủi.

Ý thức tôi mơ màng trở về quá khứ, trở về tuổi thơ trước kia.

Không biết định nghĩa chúng là cay đắng hay bất hạnh hay điều gì đó đại loại, chỉ biết tôi đã quen với chúng giống như người ta ăn, người ta hít thở hằng ngày.

Những câu la mắng, những trận đòn của dì khiến cho tôi trở thành một đứa trẻ nhút nhát, làm gì cũng sợ, làm gì cũng không dám thậm chí là ghét dì.

Tôi vô thức nức nở, ôm chặt đầu không nghĩ nữa cũng không muốn nhớ lại chúng nữa.

Khi yếu đuối, con người ta không dám đối diện với những điều đau buồn, nó giống như một nhát dao chí mạng đâm xuyên qua tim, xuyên qua phổi, xuyên qua cái vỏ bọc mạnh mẽ bao lấy tâm hồn mỏng manh ấy.

Không thể thở nỗi, không thể khóc được.

Tôi ghét sự yếu đuối của bản thân, nhưng không biết cách làm cho nó biến mất, nên chỉ cố gắng giấu chặt nó, chôn sâu nó… Thực ra, dì dượng không phải là họ hàng thân thuộc gì của tôi, họ chỉ là những người nuôi dưỡng tôi trong hơn mười mấy năm qua.

Còn tôi từ lâu đã biết về xuất thân của mình.

Hai tuổi bị người ta bắt đi bán cho một cặp vợ chồng hiếm muộn, sau này hai người ấy qua đời trong một tai nạn, dì dượng đã cố tình nhận nuôi tôi để quang minh chính đại thừa kế căn nhà của “cha mẹ nuôi”.

Họ có hai người con trai, một người là Hoàng Tùng hơn tôi hai tuổi, một người là Hoàng Giang kém tôi năm tuổi.

Nói đến Hoàng Tùng, anh là một người tốt, ngay từ nhỏ lúc nào cũng bênh vực, lo lắng cho tôi, mỗi trận đòn roi đều có anh đứng ra che chở.

Anh thường lén giúp tôi việc nhà, bày tôi học bài, bôi thuốc cho tôi khi bị thương.

Tôi coi anh như cha mẹ của mình, như người thân yêu nhất trên đời, có chuyện gì đều nói với anh.

Tôi rất thích mỗi tối được ngả đầu lên vai anh, nghe anh thổi chiếc Acmonica cũ bị nứt vỡ một đầu, ở nhà chứa củi phía sau nhà, cảm giác bình yên và thanh thản biết bao.

Hoàng Tùng là vì sao sáng nhất, sáng nhất trong quãng ký ức tăm tối của tôi, tôi yêu quý anh vô cùng.

Hoàng Giang cũng là một đứa trẻ ngoan và tốt bụng, học rất giỏi và thích vẽ tranh.

Tiếc rằng ngày bé bị một con chó nhà bên cắn nát hết đôi chân, đến bây giờ không thể đi đâu được, chỉ có thể ngồi xe lăn gỗ.

Nhắc đến điều ấy, tôi lại nhói lòng, vì đó là lỗi của tôi.

Nếu ngày bé tôi trông coi Hoàng Giang cẩn thận, có lẽ cậu bé sẽ được vui chơi nhảy múa như ai, không thu lu ngồi trong góc nhà, hướng mắt ra cửa sổ buồn bã.

Chuyện này chỉ có tôi, Hoàng Tùng và Hoàng Giang biết, tuy hai anh em họ không trách tôi nhưng mỗi khi nhìn cậu bé tôi lại cố lảng tránh, giống như rũ bỏ trách nhiệm tội ác đã gây ra.

Chính vì điều này mà suốt cuộc đời tôi đều thấy bản thân nợ hai người ấy, và món nợ đó đã khiến tôi quyết tâm học làm bác sĩ để mau chóng giúp cho Hoàng Giang đi lại được.

Một cơn gió lạnh tốc thẳng vào mặt, tôi vô thức vùi đầu sâu vào đầu gối, cả người bắt đầu nóng dần lên… Tôi biết, mình đã bị sốt.

Tôi tên là Lam Vi.

Một kẻ ở nhờ, không hề biết bố mẹ ruột mình là ai, ở đâu.

Từ nhỏ, đã bị coi là đứa trẻ mồ côi.

Tuy nhiên, Hoàng Tùng không cho như thế, anh nói rằng tôi chỉ mất cha mẹ nuôi, còn cha mẹ ruột có khi đang ở nơi nào đó, đang tìm kiếm hoặc chờ đợi tôi.

Trên hàng lông mày bên phải của tôi có hai nốt ruồi nằm lấp ở bên dưới, nếu nhìn kĩ thì sẽ thấy rõ.

Hoàng Tùng luôn dựa vào đặc điểm đó để giúp tôi đi tìm cha mẹ, nhưng mấy năm rồi, họ vẫn không đến.

Có lẽ sẽ không bao giờ đến, và có khi tôi đúng là một đứa trẻ mồ côi thật.

Bầu trời như bị xé nát bởi tiếng sấm.

Tôi cố mở mắt ra nhưng xung quanh tối đen như mực.

Tôi sợ hãi, thu người vào sát bên trong, tay vẫn ôm đầu.

Cảm giác này thật quen, tôi nhớ lại ngày mình trở thành thiếu nữ.

Ngày đó, cả nhà lên thành phố để chữa bệnh cho Hoàng Giang, chỉ còn Hoàng Tùng bận đi học ở trường, hôm đó tôi đã khóc rất nhiều vì sợ chết.

Tôi bỏ nhà đi để tìm cha mẹ ruột của mình, với ý nghĩ trẻ con, trước khi chết phải gặp lại họ lần cuối.

Hoàng Tùng và các bạn đã đi tìm tôi rất lâu, kết quả gần một giờ sáng mới vớt tôi lên từ một con mương lớn, gần nghĩa trang nơi chôn cất cha mẹ nuôi.

Khi đó, tôi chẳng biết sợ là gì nữa, tâm trí như người mất hồn, sốt cao đến hai ngày mới khỏi.

Dì tôi trở về biết chuyện.

Từ dạo ấy, bà bớt đối xử hà khắc với tôi hơn, nhưng vẫn giữ thái độ lạnh nhạt, không mấy thân thiết.

Nhắc đến chuyện đi học, thực ra gia đình dì dượng không mấy khả giả lắm nhưng họ vẫn cho tôi đi học như các bạn đồng trang lứa bởi vì tôi học rất giỏi, bảng điểm luôn cao nhất lớp.

Bấy giờ ở nông thôn, học sinh nghèo được miễn học phí và học giỏi thì được trao học bổng giá trị.

Nhờ có Hoàng Tùng thuyết phục, nên tôi mới may mắn học gần hết 10 năm học và được đi thi Đại Học.

Mặc dù không mấy gì là dễ dàng vì phải phân chia thời gian vừa làm vừa học, tối thức khuya chong đèn đến nỗi cận thị, nhưng cũng nhờ có Hoàng Tùng kèm cặp nên bài vở tôi vẫn có thể nuối trôi hết.

Tốt nghiệp lớp 12 bằng khá, tôi đăng ký hồ sơ vào hai trường Sư Phạm và Y.

Mặc dù tôi đã cố gắng chăm chỉ rất nhiều nhưng hôm đó xui xẻo thế nào lại trúng ngày tôi bị đau bụng nguyệt san.

Kết quả không hoàn thành hết bài thi, kết quả tôi bị rớt Đại Học và kết quả tôi bị đuổi ra khỏi nhà với hai cái bạt tai trên mặt.

Chuyện nghe thật vô lý, thật nực cười nhưng đó hoàn toàn là sự thật.

Tôi chả còn sức để chống đối lại họ, một kẻ ở nhờ có quyền gì để chống đối họ đây?

Hoàng Tùng từng bảo, khi nào tôi đậu Đại học, tôi sẽ chuyển đến chỗ anh sống.

Chờ anh ra trường có công ăn việc làm ổn định sẽ cưới tôi làm vợ, sống xa gia đình dì dượng.

Tôi đã hy vọng nhưng rồi thất vọng.

Rớt Đại học tôi chẳng biết lấy gì để mơ tiếp cuộc sống về sau nữa.

Tối nay, tôi đã gọi cho Hoàng Tùng bốn lần, nhưng anh không hề nhấc máy.

Từ nhỏ đã quen với việc anh che chở, rơi vào đường này tôi chẳng biết làm gì cả.

“Anh à, em sợ chết vô cùng! Đừng bỏ rơi em, có được không?

” Trời giờ đã bớt mưa, nhưng tôi vẫn không thể động đậy được nữa.

Cứ ngồi đó, ngồi đó cho đến khi cảm thấy có một chỗ ấm áp, tôi mới an tâm ngủ sâu, mặc kệ bản thân nóng ran lên, mặc kệ tất cả thảy, tôi rơi vào thế giới không ý thức.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-tua-nhu-anh-mat-troi-chuong-1-234761.html