Tựa Như Ánh Mặt Trời - Chương 3 - Tựa Như Ánh Mặt Trời

Tựa Như Ánh Mặt Trời

Tác giả : Chưa rõ
Chương 3 : Tựa Như Ánh Mặt Trời - Chương 3

Thành phố là một nơi hoàn toàn khác biệt với nông thôn.

Ở đây có rất nhiều con đường, ngã rẽ khiến bản thân chúng ta dù thông minh, tỉnh táo cỡ nào cũng có lúc bị lạc lối.

Người qua lại rất đông đúc, xe cộ tấp nập, chật kín mọi nơi, mọi ngóc ngách.

Những tòa nhà cao tầng to lớn, đồ sộ giống như những lâu đài nguy nga, tráng lệ chọc thẳng lên trời.

Nhịp sống nơi đây vô cùng hối hả.

Con người phải bước đi nhanh hơn, phải tính toán chi li từng tí một, phải chạy đua với thời gian để bắt kịp với mọi thứ.

Từng giây, từng phút, từng giờ đều có sự cạnh tranh khốc liệt.

Không cạnh tranh sinh tồn cũng cạnh tranh danh lợi, địa vị.

Bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, lúc ban đầu tôi còn tưởng nơi đây thời gian bị rút ngắn lại, mọi thứ diễn ra nhanh chóng, ồ ạt, đến nỗi chúng khiến tôi trở nên bức bối, khó chịu, khó thở, khó hòa nhịp với cuộc sống xung quanh.

Tôi lờ mờ hiểu ra được lý do Anh Thư và mẹ rất thích cuộc sống nơi thanh bình, dân dã ở nhà, vì nơi đó hòa mình vào cái đồng hồ chậm nhịp, có cảm giác đang sống hơn là đang thở.

Tôi tập làm quen dần với tất cả những thứ xa lạ từ đồ vật, đường đi đến con người.

Tôi thích nghi dần với nhịp sống hối hả xung quanh, biến những thứ lạ lẫm thành những thứ thân quen thuộc về mình.

Tuy nhiên, hòa nhập thì tốt nhưng nếu không biết giữ mình, không có lý trí thì sẽ dễ dàng bị những thứ ấy hòa tan.

Hai tháng sau, tôi cùng Anh Thư đến thành phố Z để trọ học.

Chúng tôi sống trong một căn hộ khá tiện nghi giữa trung tâm.

Anh Thư trở thành tân sinh viên của trường Đại Học Y Z khá bận rộn, còn tôi vừa đi làm thêm đồng thời cũng lo luôn việc nhà và bếp núc.

Nhờ quen biết mấy người bạn ở trung tâm luyện thi, tôi được họ giới thiệu làm thêm ở một quán ăn nhỏ gần đó.

Tuy nhiên, làm được hai tuần tôi phải xin nghỉ vì công việc vô cùng vất vả, mất rất nhiều thời gian, lương lại thấp có cảm giác không hề xứng đáng.

Nghe nói sau khi tôi đi, vẫn có nhiều người đến xin việc, họ không kêu ca phàn nàn gì vẫn chấp nhận giá lương hàng tháng đó.

Tôi chợt thở dài.

Ở thành phố đông dân, kiếm việc đã khó, việc làm phù hợp lại khó hơn, công việc giống như miếng mồi dù trơ xương hay béo bở vẫn có người tranh giành với nhau.

Anh Thư khuyên tôi không nên đi làm nữa, nhưng với thân phận một đứa con nuôi, có nhiều việc tôi đâu thể hoàn toàn dựa dẫm vào bố mẹ cô ấy.

Tôi muốn đi ra ngoài hòa nhập xung quanh, tiếp xúc với nhiều người, kiếm tiền tự trang trải sinh hoạt cho bản thân hơn là suốt ngày ngồi ở nhà rồi đến trung tâm học.

Vài bữa sau, tôi đến xin việc ở một quán Bar lớn có tên là Êm Đềm cùng hai cô bạn ở dưới nhà là Tuyết Vân và Mai Trang.

Công việc nơi đây được cho là khá nhẹ nhàng, lương cũng đủ trang trải và tiết kiệm hằng ngày.

Buổi đầu tiên, ba chúng tôi được tập đi đứng, bưng bê đồ ăn, thức uống phục vụ, làm quen với phòng, với sàn nhảy,… Tuy nhiên, tôi lại đi không đẹp, không uyển chuyển đúng yêu cầu như hai cô bạn của mình.

Giày quá cao, váy bó sát lại ngắn củn cỡn, ngồi xuống là khoe gần hết đùi khiến tôi cảm thấy vừa đau, vừa khó chịu nên hôm sau, chị Mai Trinh đành để cho tôi đi lau dọn vệ sinh và rửa ly tách.

Mai Trang dáng hơi mập, nhưng có giọng nói ngọt ngào, dáng đi mềm mại, biết cách bưng bê lại là em gái của chị chủ nên cũng được giữ lại làm phục vụ.

Nhìn hai người ấy vui mừng sung sướng, tôi có hơi ghen tỵ, trong lòng khởi lên một chút so sánh:

dáng tôi cũng đẹp gần bằng Tuyết Vân, khuôn mặt hơn hẳn Mai Trang chỉ không biết cách trang điểm nên khá bình thường, bưng bê lại nhanh nhẹn tuy không được khéo léo cho lắm nhưng… cũng đâu đến nỗi bị chê tệ hại đến như vậy?

Tôi khẽ thở dài.

Không làm việc đó cũng tốt, lương ít hơn nhưng đỡ phải mặc váy chật và giày đau chân, không phải học thêm cái này hay cái kia.

Tôi cắn cắn môi rồi cũng tỏ ra vui vẻ chúc mừng hai cô bạn của mình, vì dù sao nhờ họ tôi mới có việc làm tốt.

Vậy là cuộc sống vừa học, vừa làm của chúng tôi bắt đầu từ đấy.

Không ai đoán trước được tương lai, không ai đoán trước được vận mệnh.

Nhưng có ai ngờ, quán Bar đó lại làm thay đổi cả cuộc đời ba cô gái chúng tôi mãi cho đến sau này, mỗi khi nhớ lại giây phút hào hứng được bắt đầu với công việc mới đó, cả ba đã ngồi lại với nhau và tự hỏi:

ngày trước, có nên hay không nên?

Công việc của tôi bắt đầu từ 5 giờ 30, sau giờ tan học và kết thúc 8 giờ 30 đúng ba tiếng đồng hồ.

Chị Mai Trinh từng khuyên tôi nán ở lại làm thêm hai giờ, lương sẽ được trả gấp đôi, vì lúc đó khách rất đông nhưng tôi lại từ chối.

Quán Bar này khá xa nhà, làm chừng nấy thời gian sẽ không đủ sức để đạp xe về, cho nên dù có ham tiền cỡ mấy tôi vẫn thấy sức khỏe mình là hàng đầu, phải coi trọng.

Tuyết Vân và Mai Trang thì làm nhiều giờ hơn, nghe nói lương của họ gấp bốn, năm lần của tôi, có hơi tiếc nhưng nghĩ lại, họ phải hy sinh nhiều thứ như thế cũng là công bằng.

Anh Thư nghe tôi làm ở quán Bar, ban đầu đã ngăn cản quyết liệt.

Với cô ấy, những người làm trong đó đều là những kẻ xấu, những kẻ chơi bời lêu lổng, không học hành, lại hay phạm tội,… Những cô gái làm trong quán Bar thường bị khinh rẻ, coi thường, dễ bị sa ngã vì đồng tiền.

Cô ấy còn lên mạng cho tôi xem rất nhiều câu chuyện kinh nghiệm của “những người đi trước”, nhưng tôi chỉ cảm thấy buồn cười.

Tôi có đi làm tiếp viên đâu mà lo chứ, công việc hiện giờ của tôi là dọn vệ sinh, rửa ly tách.

Vả lại nếu có làm như thế thật, tôi không nghĩ mình sẽ bán thân vì những lý do lãng xẹt.

“Cậu đi làm cũng tốt, nhưng nhớ phải tỉnh táo giữ mình, đừng có làm quá sức…” “Yên tâm, công việc của tớ còn chưa thấy cả mặt khách thì sợ sa ngã thế nào được.

” Tôi mỉm cười, vỗ vỗ ngực khẳng định.

Anh Thư lại thở dài giống như một bà cụ non, cô ấy là một người rất biết suy nghĩ và hay lo lắng, tính cách… không khác gì Hoàng Tùng.

Nhắc đến Hoàng Tùng, tôi đã gặp lại anh mấy lần, tuy nhiên chúng tôi ở hai thành phố xa nhau, liên lạc chủ yếu bằng điện thoại.

Anh vẫn thường hỏi thăm tôi và Thư, thường xuyên nhắc nhở, chăm chút cho tôi không khác gì thời ở nhà, như ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ đúng giờ.

Tôi giấu việc đi làm thêm, chỉ hỏi thăm việc học của anh và… dì dượng, Hoàng Giang ở nhà giờ thế nào, anh nghe vậy chỉ thở dài một hồi lâu.

Trong lòng tôi bất giác có cái gì đó đè lên.

Bệnh gan của dượng trở nặng, nằm liệt ở nhà, mọi gánh vác gia đình, thuốc thang, sinh hoạt đều do dì lo hết cả.

Hoàng Tùng cũng đi làm thêm ở ngoài, gởi về nhà nhưng dì trả lại, dì muốn anh ăn uống đầy đủ để có sức học, sau này mới cần anh giúp đỡ.

Nghe như vậy, cả hai chúng tôi đều chìm dần vào im lặng, không biết phải nói thêm gì.

Quả thật, thiếu đi tôi, dì vất vả hơn rất nhiều, mọi nỗi lo đều đè nặng lên vai người phụ nữ đã gần năm mươi ấy, lo hết chồng, đến lo cho con.

Cuộc sống ở nhà không bao giờ thoát ra được chữ khổ.

Có một giọt nước mắt đắng chát rơi xuống.

Thực ra, từ trước đến giờ tôi không hề ghét dì, tôi biết sâu thẳm trong dì vẫn là người tốt, nếu không, dì đã không nuôi tôi lớn đến như vậy, không cho tôi đi học, không cho tôi đi thi Đại học.

nuôi một đứa không họ hàng, máu mủ, tôi phải biết ơn hơn là nên hận.

Ngày trước, cố chấp dứt áo ra đi cũng là suy nghĩ trẻ con, vẫn chưa thấu hiểu lẽ đời.

Nhắc đến Hoàng Giang, cậu bé vẫn khỏe mạnh, lúc nào cũng hỏi thăm tôi.

Sau cái lần tôi ra đi không nói gì, em ấy hai đêm không chịu ngủ, cứ toàn đứng ngoài cửa ngóng đợi tôi quay trở về.

Cậu bé quả thật là đứa rất biết suy nghĩ.

Những lúc dì đi làm ở ngoài, Hoàng Giang vẫn thường giúp mẹ việc nhà lặt vặt và chăm sóc ba.

Tôi từng nhờ Hoàng Tùng gởi cho cậu bé giấy và bút vẽ, tôi biết Hoàng Giang rất có năng khiếu hội họa.

Có lẽ ở nhà, ngày ngày ngắm nhìn những khung cảnh qua cửa sổ, em ước mình được bay nhảy như những người bạn đồng trang lứa, muốn được tung tăng khắp mọi nơi vui đùa, ca hát.

Những bức tranh em vẽ trong vở đó chính là điều ước sâu kín trong lòng mà em giữ chặt không muốn nói ra, không muốn để người khác buồn lòng, nhất là tôi.

*** Cuộc sống xung quanh luôn diễn ra, kéo con người vào vòng xoáy của nó, không có điểm dừng cũng không có nhiều lối thoát.

Ồ ạt, nhanh chóng.

Học cách làm quen với môi trường mới, con người mới chưa chắc giúp ích cho bản thân hòa nhập với tất cả mọi thứ.

Đôi khi để sống tốt, con người ta phải quên đi quá khứ, buông bỏ hết mọi đè nặng ký ức.

Anh Thư ôm lấy tôi đang ngồi khóc trên gường, từng câu, từng lời khuyên tôi chân thành như vậy.

Tôi lại thở dài.

Buông tay?

Buông tay, có khi không phải là tôi nữa.

Dù thế nào, họ vẫn là những người thân của tôi, những người bên cạnh nuôi dưỡng, chăm sóc cho tôi từ tấm bé đến tận bây giờ.

Phải, cuộc sống vẫn tiếp diễn, thời gian vẫn trôi đi không quay đầu, mọi thứ sẽ lại thay đổi vào ngày mai, điều đó nhắc nhở tôi cần phải sống tiếp, phải bước tiếp, phải tiếp tục thích nghi.

Tôi trở lại trung tâm để ôn thi lại Đại học, buổi sáng chăm lo việc nhà, buổi tối đến quán Bar làm việc, về đêm chong đèn học bài.

Guồng quay đó cứ nối đuôi nhau, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác.

Không cảm giác mệt mỏi, không cảm giác hạnh phúc, có đôi khi tự hỏi mình, tôi sống để làm gì, mục đích của tôi là gì ở thành phố này?

Nó cứ nhàm chán, lặng lẽ như thế khiến tôi phát ngấy.

không cảm xúc.

Cho đến một ngày, tôi gặp được người con trai ấy.

Một người khiến cho vận mệnh của tôi thay đổi, khiến cho cuộc sống của tôi nhiều xáo trộn, có đau, có hận, có vui, có buồn, khắc ghi đến tận cuối đời tôi vẫn không sao quên được.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-tua-nhu-anh-mat-troi-chuong-3-234763.html