Sức khỏe hôm nay

Tuổi cao chưa chắc đã già!

Làm sao để “không già” khi tuổi đời cứ tích cao dần theo năm tháng? Người xưa quan niệm và đúc kết rằng: tiết trời có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông; vòng đời con người cũng có “bốn thì” Sinh - Lão - Bệnh - Tử.
Đừng nói tôi già! Xin được mượn tựa và lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mai để gửi tới bạn đọc “tâm sự” của những người quyết “không già theo năm tháng”

Lời hát rằng: “Đừng nói tôi già mà, tôi có già đâu. Dù tóc hai màu nè, tôi vẫn hào hoa. Dù cho mưa nắng gió, thì ta vẫn có đó, thiết tha tình người, niềm vui chan chứa”.

Những “lý sự” về cái già

Và cũng rất hay, rất duyên, nhạc sĩ Xuân Mai “lý sự” về cái già, cái tuổi của ngày xưa với ngày nay đã khác: “Ngày xưa nhân sinh thất thập cổ lai hy, ngày nay bảy mươi chưa phải là già, vẫn còn ca hát, vẫn còn sáng tác những bài tình ca yêu thiết tha. Bạn ơi! vui lên cho đời hết thương đau, ngày nay bảy mươi là tuổi mặn mà, truy tìm trang web, những gì chưa biết, hát bài tình ca “Tôi đâu có già”.

Vậy, làm sao để “không già” khi tuổi đời cứ tích cao dần theo năm tháng? Người xưa quan niệm và đúc kết rằng: tiết trời có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông; vòng đời con người cũng có “bốn thì” Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Tất cả đều là lẽ biến thiên, tuần hoàn của trời đất, con người không can dự được. Thế nhưng, ngày nay, với sự phát triển của khoa học và sự đi lên của đời sống xã hội, “2 thì” lão (già) và bệnh (ốm yếu, bệnh tật) có thể kéo dài ra được, có thể thay đổi được. Bằng chứng là con người sống ngày càng thọ hơn, thậm chí tuổi thọ trung bình đã cao hơn “người xưa” đến hàng chục tuổi. Điều thú vị là trong ý thức của chúng ta, nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều nước và cả thế giới đều “công nhận” là tuổi cao chưa chắc đã già! Bạn không tin ư? Thì đây, thế giới có Ngày Quốc tế Người cao tuổi (ngày 1-10), rồi Ngày Người cao tuổi Việt Nam (ngày 6 - 6), báo Người cao tuổi, Câu lạc bộ Người cao tuổi… chẳng có ai gọi Ngày “người già”, báo người già hay CLB người già bao giờ đâu! Quả vậy, chúng ta cũng ý thức và cảm nhận được rằng vai trò của người cao tuổi là vô cùng lớn với mỗi gia đình và rộng ra là mỗi quốc gia! Đúng như lời Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã từng nhận xét: “Người cao tuổi vẫn luôn là cây cao bóng cả, và luôn nêu gương sáng, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, mãi là tấm gương để con cháu học tập”.

Thách thức… thời gian

Nói theo cách của BS. Lê Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện YHDT TP.HCM, người ta chỉ thật sự già khi nghĩ mình đã già! Còn nếu luôn giữ tinh thần lạc quan, sống vui - sống khỏe - sống có ích thì còn “thách thức” được thời gian.

Nếu có sự tập luyện thể lực và có một công việc nhẹ nhàng và đặc biệt là một thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng chuẩn mực, phù hợp, người cao tuổi sẽ có những năm tháng sống vui và sống khỏe. Sự vui vẻ lạc quan sẽ tăng cường sức sống cho cơ thể, duy trì thăng bằng hệ thần kinh.

Hiện nay do cuộc sống phát triển, dù ở đâu cũng có nhiều phương tiện hoặc tìm cơ hội để tham gia vào các câu lạc bộ, hội thảo, sinh hoạt văn học, nghệ thuật... làm cho người cao tuổi ít có nguy cơ rơi vào tình trạng trống rỗng hoặc buồn nản như trước kia. Người viết bài này đã có may mắn được tiếp xúc với rất nhiều người cao tuổi còn “rất trẻ” cả trong đời sống và năng nổ trong hoạt động chuyên môn và xã hội. Đó là một Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS Việt Nam năng nổ, nguyên là Bộ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS. Trần Thị Trung Chiến; đó là nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ tịch Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM; là một Anh hùng Lao động - TS. Dương Quang Trung; là BS.Trần Đông A, GS. Nguyễn Chấn Hùng...

Trong nhiều dịp được đi công tác, làm việc cùng họ, người viết thường “theo không kịp” sự nhanh nhẹn, sôi nổi và chuyên nghiệp của họ.

NGUYỄN TUÂN

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-tuoi-cao-chua-chac-da-gia-5166.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY