Quan Cư Nhất Phẩm - Quế bảng phiêu hương (4) - Quan Cư Nhất Phẩm

Quan Cư Nhất Phẩm

Tác giả : Chưa rõ
Chương 802 : Quan Cư Nhất Phẩm - Quế bảng phiêu hương (4)

Ngày mười ba tháng chín, Nam Kinh cách tám trăm dặm báo tin khẩn cấp :

Ngày mùng mười, Ứng Thiên thi hương yết bảng, quan chủ khảo Vương Hi Liệt, Tôn Đĩnh ở trong văn miếu, bị mấy trăm sĩ tử thi rớt bao vây, lời lẽ kịch liệt.

Pháp ti Nam Kinh theo lệnh Hình bộ thượng thư Nam Kinh dẹp loạn, hai bên xảy ra xung đột dữ dội, tử thương mấy người.

Sau đó đám người gây loạn ép hai người Vương, Tôn cùng vào tử thủ trong văn miếu, giằng co với quan binh.

Nam Kinh Ngụy quốc công Từ Bằng dẫn quân đồn trú trấn giữ bên ngoài, khắp nơi đều trong trạng thái phòng bị, xin triều đình tức tốc phái khâm sai tới giải quyết.

(yết bảng:

công bố danh sách) (thi hương:

ba năm thi một lần, thi vào mùa thu các năm tí, ngọ, mão, dậu.

Người thi đỗ gọi là cử nhân, có tư cách thi hội.

Lúc yết bảng cũng là lúc hoa quế tỏa mùi hương, cho nên gọi là quế bảng) Theo truyền thống nhiều năm qua thì năm nay chỉ thi hương, giữa tháng tám thi Hương rồi đến mùng mười tháng chín sẽ yết bảng.

Người trúng tuyển chỉ có hạn, mười người thì có chín người rớt, nhưng chưa từng xảy ra chuyện người thi rớt bao vây chủ khảo, suýt chút nữa đập đi văn miếu.

Chẳng lẽ bọn họ tự làm hại chính mình?

Chuyện này thực sự là quái gở.

Khoa cử chính là đại điển tuyển chọn nhân tài của quốc gia, liên quan đến tôn nghiêm của triều đình, gắn với nền tảng của bộ máy thống trị, sự trang nghiêm của nó không thể bị khinh nhờn.

Bản thân bọn họ cũng hiểu được chuyện này chẳng phải chuyện nhỏ, lẽ nào những chuyện bọn họ làm chỉ đơn giản để hả cơn giận?

Từ Giai đương nhiên không nghĩ như vậy, nên lập tức phái người tới Nam Kinh điều tra ẩn tình.

Nhưng đạo mệnh lệnh này còn đang trên đường thì bản tấu thứ hai từ Nam Kinh đã đưa đến, nói rõ nguyên nhân của cuộc xung đột.

Thì ra bởi vì số người thi đỗ đột nhiên bị thay đổi.

Ngày mười lăm tháng ba năm nay, để chuẩn bị cho cuộc thi hương, Ngự sử Cảnh Định Hướng dâng sớ nói sáu điều, năm điều trước cũng không có gì mới, nào là người đảm nhiệm chức vị quan chủ khảo thi hương của lưỡng kinh không cần biết là ai, nhưng phải là người đủ tài đủ đức; quan chủ khảo chỉ phát bài thi, sau đó để cho các hội đồng thi tự xét duyệt.

Để tránh bỏ sót nhân tài, cũng như tránh các tệ nạn, các điểm thi cũng phải có sự chuẩn bị kỹ càng.

(lưỡng kinh:

từ Hán, Đường tới nay chỉ tây kinh Lạc Dương, đông kinh Trường An.

Trong truyện chỉ Bắc Kinh và Nam Kinh) Nhưng đáng chú ý là điều thứ sáu:

Bỏ đi ký hiệu ưu tiên của giám sinh, bài thi không phân biệt của ai, chỉ cần ưu tú là sẽ được trúng tuyển.

Chuyện này có ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần của giám sinh.

Giám sinh, ý nghĩa như tên, là những học sinh học tập tại Quốc Tử Giám.

Trải qua hơn trăm năm, giám sinh được chia ra bốn loại:

cử giám, cống giám, ấm giám và lệ giám.

Cử giám là chỉ những cử nhân tham gia thi hội ở kinh sư nhưng không trúng tuyển, sau đó được Hàn Lâm viện chọn ra những người ưu tú vào học trong Quốc Tử Giám; cống giám là là nhân tài được cử đến Quốc Tử Giám.

Những năm đầu Hồng Vũ có quy định, hàng năm mỗi châu huyện đều phải cử một người đến Quốc Tử Giám.

Nhưng sau này những học sinh được cử đi đều chỉ có hư danh, thậm chí phần lớn là dạng vô học thức, chỉ muốn hưởng quyền ưu tiên của giám sinh, cho nên thành tích của giám sinh ngày càng kém.

Đến thời Hiếu Tông, các châu huyện ngoài việc cử người hàng năm ra, thì mỗi ba đến năm năm lại cử một người, thông qua các cuộc thi sát hạch để chọn ra người giỏi nhất cử vào Quốc Tử Giám học tập.

Ngoài ra, con em của các quan tam phẩm trở lên hoặc thân thích của huân quý thế gia cũng có thể vào Quốc Tử Giám, gọi là ấm giám; còn lệ giám để chỉ những bình dân đã nạp túc với quan phủ, khi quốc gia có việc mà nhân tài không đủ dùng, thì sẽ được cấp phép đặc biệt để vào Quốc Tử Giám học tập.

Chưa vào phủ, châu, huyện học đường mà muốn thi hương, hoặc chưa có khoa danh mà muốn làm quan thì phải làm giám sinh, coi như có được xuất thân.

Như đường huynh của Thẩm Mặc là Thẩm Kinh Thẩm Cao Lăng cũng thông qua con đường này mới được làm huyện lệnh Thượng Hải.

Rõ ràng trong giám sinh tốt xấu lẫn lộn, tuy có người học thức uyên bác, tư chất thông minh, nhưng đại đa số đều là dạng ngu dốt, thậm chí không có chút học vấn, hiểu biết gì, nhưng vì sao tú tài các nơi lại đổ xô vào để làm giám sinh như vậy chứ?

Tất cả cũng chỉ vì giám sinh có tư cách trực tiếp tham gia thi hương, hơn nữa đến khi tuyển chọn lại có rất nhiều ưu đãi.

Bình thường các cuộc thi hương ở mỗi tỉnh đều chỉ cho phép sĩ tử trong tỉnh tham gia, nhưng cũng có ngoại lệ, lấy lưỡng kinh làm ranh giới, giám sinh Quốc Tử Giám của Bắc Kinh có thể tham gia thi hương ở Thuận Thiên phủ, giám sinh Quốc Tử Giám của Nam Kinh có thể tham gia thi hương ở Ứng Thiên phủ.

Ngoài ra trong cuộc thi hương ở lưỡng kinh, các giám sinh đều sẽ có ký hiệu 'Mãnh' riêng, lấy từ chữ 'Mãnh' trong chữ 'Giám', để ký hiệu cho văn quyển của mình.

Cái lợi nhất chính là, mỗi kinh (trong lưỡng kinh) có đến ba mươi lăm người có ký hiệu 'Mãnh' trên văn quyển sẽ được trúng tuyển.

(Mãnh:

皿, Giám:

监) Nói cách khác, chỉ cần ngươi là giám sinh của Quốc Tử Giám, thì sẽ không cần phải cạnh tranh với tất cả thí sinh dự thi, chỉ cần cạnh tranh cùng ba đến năm trăm giám sinh là được.

Tuy tỉ lệ trúng tuyển vẫn là khoảng một phần mười, nhưng nếu để ý tới tố chất của giám sinh, thì chỉ cần người hơi có thực lực là có khả năng thi đỗ, cho nên giám sinh từ trước tới nay vẫn được coi là lối đi tắt.

Nhưng loại tuyển chọn này xưa nay cũng gây ra không ít tranh cãi, nhất là các điểm thi thuộc Nam Kinh, đặc biệt là nơi Giang Nam giàu có và đông đúc, tố chất của các thí sinh dự thi thuộc loại đứng đầu cả nước, thậm chí đã được giới sĩ tộc công nhận, chỉ cần thông qua nhiều vòng tuyển chọn, có tư cách trở thành thí sinh vào trường thi, thì trình độ so với các cử giám của các tỉnh xa xôi chắc chắn còn cao hơn.

Cho nên sự cạnh tranh ở cuộc thi hương ở Ứng Thiên phủ xưa nay vô cùng tàn khốc, mỗi lần đều có không biết bao nhiêu thanh niên tài đức bụng đầy kinh luân phải nuốt hận trường thi.

Dưới tình hình như vậy, quy định về ký hiệu 'Mãnh' của giám sinh của triều đình làm họ cảm thấy không công bằng, đều cùng thi mà lại không cùng cách tuyển chọn, cho nên trước mỗi lần thi hương nửa năm, lần nào cũng có yêu cầu loại bỏ đặc quyền này, mặc dù triều đình luôn dựa vào lý do đây là quy định của tổ tiên nên không thể sửa đổi được, nhưng theo thời gian chất lượng giám sinh ngày càng kém, cho nên các yêu cầu càng lúc càng mạnh mẽ, thậm chí đã có rất nhiều nhân sĩ trong triều cũng tham gia vào, cùng chung sức thúc đẩy việc này.

Đề xuất loại bỏ ký hiệu ưu tiên 'Mãnh' của đốc học Nam Kinh Cảnh Định Hướng lần này cho thấy tình hình đã trở nên trầm trọng.

Hắn chính là đồng niên tiến sĩ với Thẩm Mặc, nếu nói Thẩm Mặc là lãnh tụ quan trường của các quan trong khoa thi Bính Thìn, thì hắn lại là nhân tài kiệt xuất về học thuật của khoa thi đó.

Trước đây Thẩm Mặc dạy học ở Linh Tể cung, tuy đỗ trạng nguyên nhưng trong giới học thuật, ảnh hưởng của y không thể so với Cảnh Định Hướng.

Cảnh Định Hướng là người tiêu biểu cho học Thái Châu học phái, năm đó vào kinh thi hội liền có tư cách đăng đàn dạy học.

Mặc dù Thẩm Mặc lúc đó không có thời gian tham gia, nhưng dù y có rảnh rỗi tham gia thì chắc cũng không ai đăng ký học.

Được coi như đại biểu học thuật của khoa thi Bính Thìn, Cảnh Định Hướng cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn từ các đồng khoa, năm Gia Tĩnh bốn mươi mốt trở thành đốc học Nam Kinh, sau đó lấy Nam Kinh làm trung tâm, cùng Vương Kỳ, La Nhữ Phương và tiền bối Vương Học luận việc học, mở ra Sùng Chính thư viện, thu nhận môn đồ rộng rãi, ông tự mình tới các phủ giảng giải, dạy học cho các học sinh, sự ảnh hưởng của ông đã mơ hồ vượt lên trên các vị tiền bối, được xưng tụng là đại nho đương đại.

Cảnh đại nho vừa lên, tự nhiên liền có người hưởng ứng theo, có rất nhiều người sùng bái, học sinh ùn ùn đến lớp.

Nhất là Lễ bộ thượng thư mới lên Triệu Trinh Cát cũng là người của Thái Châu học phái, khi Triệu Trinh Cát còn chưa lên nắm quyền thì đã từng làm khách của Sùng Chính thư viện nhiều năm, hai người thường xuyên đàm đạo, đi đây đi đó, sớm đã là bạn thân.

Mà bản thân Triệu Trinh Cát cũng là một người vô cùng chính trực, tôn trọng công bằng, cho nên ông toàn lực ủng hộ Cảnh Định Hướng.

Đề án vừa đưa đến nội các, Từ Giai vì ngại Triệu Trinh Cát và Thái Châu học phái, nên cũng không tiện phản đối; mà lúc đó trong nội các còn có Cao Củng, mặc dù không phải là Tâm học phái, nhưng rất tán thành việc bãi bỏ đặc quyền, do đó nội các cuối cùng cũng thông qua đề án.

Nội các thông qua đương nhiên Long Khánh cũng thông qua, chuyện này cứ thế mà thành.

(Tâm học:

coi như một phái của Nho học) Vì vậy lần này trong cuộc thi hương của lưỡng kinh, các giám sinh quyển đều đã bỏ đi chữ 'Mãnh', tất cả đều được tuyển chọn giống nhau, kết quả Quốc Tử Giám Nam Kinh chỉ có mấy người đậu, so với ban đầu giảm tới ba phần tư.

Cho nên các giám sinh sớm đã một bụng tức giận, đã phẫn nộ đem quan chủ khảo Vương Hi Liệt và Tôn Đĩnh bao vậy ở văn miếu, yêu cầu khôi phục ký hiệu chữ 'Mãnh', tuyển chọn lại lần nữa.

Tin tức truyền về cũng chỉ nói tới đây, theo tin mới nhất thì hai bên còn đang giằng co, nếu như xử lý không khéo thì chắc chắn sẽ dẫn đến tai tiếng cực lớn.

Nghe được tin tức này, Lễ bộ thượng thư Triệu Trinh Cát giận tím mặt, đi tới nội các yêu cầu được đích thân tới Nam Kinh xử lý việc này.

Nhưng Từ Giai nhìn vẻ mặt của hắn thì lắc đầu nói:

- Ngươi không thể đi.

Triệu Trinh Cát mặc dù tuổi đã sáu mươi, cũng trải qua con đường làm quan không bằng phẳng, nhưng tính cách cương liệt chưa bao giờ thay đổi, Nam Kinh hiện đang thời khắc nước sôi lửa bỏng nên ông muốn đích thân mình đi, nếu không sẽ không kịp xử lý.

Do hiện tại cần phải phái một người đi giải quyết vấn đề, cho nên Từ Giai liền nghĩ ngay tới đệ tử tốt của mình.

Mạng Y Tế

Nguồn: https://amp.mangyte.vn/truyendoc-quan-cu-nhat-pham-que-bang-phieu-huong-4-24035.html