Thông tin bệnh Abscess thận

Tra cứu bệnh bắt đầu bằng chữ cái A

Abscess thận

Các tên gọi khác của bệnh này:
  • Ápxe thận
  • Áp xe thận
  • Abscess thận

Thông tin bệnh Abscess thận

Tổng quan Bệnh Áp-xe thận cùng các dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và thông tin về các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chữa bệnh Áp-xe thận.

Tóm tắt bệnh Abscess thận

Áp xe thận là tình trạng thu mủ (tập hợp các dịch lỏng chứa vi khuẩn) ở thận.

Bệnh thường là di chứng của viêm bể thận cấp tính, dẫn đến hoại tử nước và hình thành ổ áp-xe.

Triệu chứng

Sốt, đau sườn, đau bụng, ớn lạnh, tiểu khó.

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).

Sinh thiết chất lỏng ở ổ áp-xe để xác định vi khuẩn.

Điều trị

Điều trị bao gồm dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và loại bỏ dịch mủ trong ổ áp-xe bằng cách siêu âm hoặc CT hướng dẫn.

Tổng quan bệnh Abscess thận

Trước kia người ta quan niệm mưng mủ ở thận và tổ chức quanh thận là do tụ cầu (staphylocoques) gây nên, nhưng ngày nay quan niệm này đã thay đổi rất nhiều vì khi làm xét nghiệm và nuôi cấy vi khuẩn gram (-) cũng gây nên mủ ở nhu mô thận và tổ chức quanh thận.

Đại thể:

Khi vi khuẩn đi tới nhu mô thận có thể gây một ổ mủ duy nhất thường hay gặp ở cực trên thận phải và hay gặp ở người trẻ tuổi, ở nam nhiều gấp 2 lần ở nữ giới.

Nhưng nhiều khi vi khuẩn có thể gây nhiều ổ mủ ở nhiều nơi, ở 1 thận hoặc ở cả 2 thận, tiên lượng nặng hơn nhiều.

Các ổ mủ không thông thương với đường bài tiết, trừ khi ổ mủ vỡ vào đài bể thận làm cho bệnh nhân đái ra mủ.

Vi thể:

Ở nhu mô thận các ổ mủ (áp-xe) chứa đầy mủ.

Lớp vỏ ổ mủ lúc đầu chỉ là tổ chức viêm nhiễm, dần dần bị xơ hóa tạo thành một lớp vỏ ngăn cách rõ rệt với các tổ chức nhu mô xung quanh.

Nguyên nhân bệnh Abscess thận

Nguyên nhân sinh bệnh áp xe thận do tụ cầu đi từ các ổ nhiễm khuẩn của cơ thể như mụn nhọt ngoài da, hoặc từ các ổ áp-xe của cơ thể, ngoài thận, như áp-xe răng, áp-xe phổi,… theo đường máu đi tới thận, vào nhu mô rồi từ đó mưng mủ gây nên.

Áp-xe thận còn có thể do trực khuẩn gram (-) ở các ổ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hoặc do ứ tắc đường niệu (sỏi, khối u … ) vi khuẩn vào máu tới thận, hoặc do sự lan truyền từ ổ nhiễm khuẩn, trào ngược nước tiểu, vi khuẩn vào thận gây áp-xe.

Trong nguyên nhân sinh bệnh còn cần phải kể đến các yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển như cơ thể suy nhược có mắc thêm một bệnh khác, đặc biệt là bệnh đái đường.

Khoảng 10% trường hợp mưng mủ ở thận ở người đái đường.

Phòng ngừa bệnh Abscess thận

Nếu bạn có sỏi thận, hãy tư vấn bác sĩ để được điều trị tốt nhất, tránh áp-xe quanh thận.

Nếu bạn trải qua phẫu thuật tiết niệu, hãy giữ cho vùng phẫu thuật càng sạch càng tốt.

Điều trị bệnh Abscess thận

Điều trị nội khoa

Chủ yếu nâng cao thể trạng và điều trị kháng sinh.

Nếu chủng gây bệnh là loại cầu khuẩn, sử dụng loại kháng sinh nhóm Beta-lactamin, thông thường là các loại Penicilline, hoặc loại kháng sinh có phổ rộng thế hệ 2, 3.

Nếu chủng gây bệnh loại gram (-) nên dựa vào kháng sinh đồ để điều trị kháng sinh thích hợp.

Có thể điều trị một loại kháng sinh hoặc phối hợp nhiều loại tùy theo kết quả nuôi cấy vi khuẩn.

Điều trị thủ thuật

Chọc dò ổ áp-xe qua thành bụng, hút mủ, sau đó bơm rửa ổ áp-xe rồi bơm kháng sinh vào điều trị tại chỗ.

Người ta có thể chọc dò dưới sự hướng dẫn của siêu âm, và có thể qua kim chọc dò, luồn ống dẫn lưu để dẫn lưu ổ mủ.

Điều trị phẫu thuật

Chích tháo mủ và dẫn lưu mủ là chính.

Lấy nguyên nhân gây ứ tắc đường niệu như sỏi thận.

Chỉ tiến hành cắt thận bán phần hay cắt thận khi xác định phần thận bị hủy hoại hoàn toàn mất chức năng.

Chỉ định điều trị

Khi bệnh cấp tính chỉ có biểu hiện lâm sàng: chưa có dấu hiệu ổ mủ khư trú, chủ yếu điều trị kháng sinh thích hợp và nâng cao thể trạng, bệnh có thể khỏi.

Tuy nhiên, phải theo dõi tiếp về sau qua xét nghiệm và siêu âm đề phòng tái phát và bệnh trở thành mạn tính.

Khi ổ mủ đã hình thành: Trích tháo mủ với điều trị kháng sinh là phương pháp điều trị chính.

Khi trích tháo mủ phải trích đủ rộng và tháo để mủ, đề phòng miệng trích bít tắc lại gây ổ mủ tổn dư.

Điều trị biến chứng: Khi ổ mủ vỡ vào các cơ quan lân cận gây biến chứng phải mổ điều trị biến chứng như dẫn lưu mủ màng phổi, màng bụng hoặc cắt bỏ đường dò ra ngoài da…

Điều trị nhiều ổ áp-xe nhỏ như kê: thì chủ yếu điều trị nội khoa bằng kháng sinh, có khi phải phối hợp với lọc máu và corticoid, và nhiều khi phải giải quyết nguyên nhân gây bệnh như mổ lấy sỏi, giải quyết ứ tắc đường niệu.

Mạng Y Tế
Nguồn: https://amp.mangyte.vn/benhcategory-abscess-than-110.html

Lưu ý: Thông tin về bệnh chỉ mang tính chất tham khảo.

Bệnh cùng chuyên mục

Thuốc liên quan đến bệnh Abscess thận