Thông tin bệnh H5N1

Tra cứu bệnh bắt đầu bằng chữ cái H

H5N1

Các tên gọi khác của bệnh này:
  • Cúm gà
  • H5N1

Thông tin bệnh H5N1

Tổng quan Bệnh Cúm gia cầm cùng các dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và thông tin về các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chữa bệnh Cúm gia cầm.

Tóm tắt bệnh H5N1

Đây là một loại virus cúm thường gặp ở gia cầm.

Một trong những loại virus cúm gia cầm phổ biến là H5N1 là Virus ở các loài gia cầm, hiếm khi lây nhiễm từ gia cầm sang người hoặc từ người này sang người khác.

Tuy nhiên, trong trường hợp con người bị nhiễm Virus này, các triệu chứng rất nghiêm trọng và nguy hiểm.

Virus H5N1 được truyền cho con người khi họ xử lý gia cầm nhiễm bệnh.

Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở châu Á, châu Phi và châu Âu.

Triệu chứng

Các triệu chứng ban đầu tương tự như cúm thông thường: Ho, sốt, đau họng, đau nhức cơ bắp, mắt sưng đỏ.

Khi bệnh nặng hơn bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp, ngất xỉu,huyết áp thấp và tử vong.

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Mẫu chất lỏng từ mũi hoặc cổ họng có thể được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm xem có Virus H5N1 hay không.

Tiến hành chụp X-quang có thể hữu ích trong việc đánh giá tình trạng của phổi, giúp xác định chẩn đoán thích hợp và lựa chọn điều trị tốt nhất cho các dấu hiệu và triệu chứng.

Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), phân tích nước tiểu (UA), chụp X-quang.

Điều trị

Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza) là những loại thuốc chính được sử dụng để điều trị cúm gia cầm.

Các phương pháp điều trị khác sẽ được thực hiện dựa trên các biến chứng của nhiễm trùng bao gồm: Đặt nội khí quản, truyền dịch tĩnh mạch, sử dụng thuốc hỗ trợ huyết áp.

Tổng quan bệnh H5N1

Tình hình dịch trên thế giới trong thời gian gần đây

Từ 1997, sự bùng phát của Virut H5N1 đã làm nhiễm bệnh và chết hàng chục triệu gia cầm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ tháng 12/2003 đến 19/6/2008, đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385 ca nhiễm H5N1 tại 15 nước, chủ yếu ở châu Á.

Indonesia là nước có nhiều ca tử vong nhất do H5N1 với 110 người chết trong 135 ca nhiễm.

Từ năm 1997, các phân týp Virut cúm gia cầm khác cũng đã phát hiện ở người như H7N2, H7N3, H7N7, H9N2.

Tình hình dịch ở Việt Nam trong giai đoạn 2003-2008

Kể từ khi xuất hiện cuối năm 2003, tính đến ngày 10/9/2008 tại Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A (H5N1), 52 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc chung là 49%).

Các vụ dịch trên người này gồm 4 đợt cụ thể như sau:

Đợt 1: Từ 26/12/2003 đến 10/3/2004, 23 trường hợp mắc, 16 tử vong (tỷ lệ chết/mắc 69%).

Đợt 2: Từ 19/7/2004 đến 28/8/2004, 4 trường hợp mắc, tất cả đều tử vong (tỷ lệ chết/mắc 100%).

Đợt 3: Từ 16/12/2004 đến tháng 11/2005, 65 trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) trong đó có 3 trường hợp nhiễm không triệu chứng, 62 bệnh nhân, 22 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc 33,8%).

Đợt 4: Từ 7/5/2007 đến 4/3/2008 có 13 trường hợp mắc bệnh, 10 tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 77%.

Đặc điểm dịch tễ học:

Dịch cúm A (H5N1) trên người ở Việt Nam có những đặc điểm sau:

Dịch cúm gia cầm liên quan tới hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông, là nơi có mật độ chăn nuôi vịt cao hơn các vùng khác.

Trong đợt dịch 2 và 3, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đa số các trường hợp nhiễm cúm ở người có liên quan tới cúm gia cầm.

Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm).Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm (phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương).

Bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi từ 4 tháng đến trên 80 tuổi, tuy nhiên dịch tập trung ở các lứa tuổi dưới 40, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi.Chưa thấy có sự khác biệt giữa nam và nữ về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Việc xuất hiện một số chùm ca bệnh gia đình gợi ý là có thể yếu tố di truyền cũng đóng vai trò trong sự nhạy cảm với virut cúm gia cầm.

Tuy nhiên, cho tới nay chưa tìm thấy những bằng chứng rõ ràng về sự lan truyền giữa người và người.

Nguy cơ xảy ra đại dịch cúm ở người:

Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về khả năng có thể xảy ra đại dịch cúm, do có khả năng xuất hiện một chủng virut cúm mới có độc lực cao và lây truyền mạnh từ người sang người, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Các nghiên cứu cho thấy rằng có 3 điều kiện cần thiết để xuất hiện đại dịch.

Thứ nhất là chủng Virut cúm hoang dại có thể truyền sang cho người.

Thứ hai là Virut mới có khả năng nhân lên ở người và gây bệnh.

Thứ ba là Virut mới có khả năng truyền từ người sang người và gây ra các vụ đại dịch lớn.

Kể từ năm 1997, hai điều kiện đầu tiên đã xảy ra ở Hồng Kông năm 1997 và năm 2003 (H5N1), ở Hà Lan năm 2003 (H7N7), ở Việt Nam và Thái Lan năm 2004-2005 (H5N1).

WHO đã phân loại và định nghĩa các giai đoạn của đại dịch như sau:

Thời kỳ trước đại dịch

Giai đoạn 1: Không có chủng Virut cúm mới phát hiện trên người.

Chủng Virut cúm gây bệnh trên người có thể xuất hiện trên động vật.

Nếu xuất hiện trên động vật, nguy cơ nhiễm bệnh trên người được cho là thấp.

Giai đoạn 2: Không có chủng Virut cúm mới phát hiện trên người.

Tuy nhiên, sự lưu hành của Virut cúm trên động vật dẫn tới nguy cơ đáng kể khả năng nhiễm bệnh trên người.

Thời kỳ cảnh báo đại dịch

Giai đoạn 3: Có chủng Virut cúm mới trên người, nhưng không có sự truyền lây giữa người với người, hầu như không có trường hợp lây lan do tiếp xúc gần.

Giai đoạn 4: Có sự lây lan từ người sang người nhưng ở diện hẹp, mang tính địa phương, khả năng thích ứng và lây lan của Virut trên người còn thấp.

Giai đoạn 5: Có sự lây lan từ người sang người ở diện rộng, nhưng vẫn mang tính địa phương, khả năng thích ứng của Virut trên người tăng lên, nhưng chưa có khả năng lây truyền thành đại dịch.

Thời kỳ đại dịch

Giai đoạn 6: Là giai đoạn xảy ra đại dịch, Virut có khả năng lây lan trên diện rộng.

Nguyên nhân bệnh H5N1

Nguồn truyền nhiễm:

Ổ chứa: Chim nước di trú, mà hầu hết là các loài vịt, là ổ chứa tự nhiên của Virut cúm gia cầm và chúng thường đề kháng với nhiễm virut, có nghĩa là chúng mang virut mà không bị bệnh.

Các gia cầm nuôi đặc biệt cảm thụ với virut cúm chim.

Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân phổ biến của dịch.

Những chợ chim sống cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch.

Các Virut cúm chim bình thường không gây nhiễm cho các loài khác ngoài chim và lợn.

Nhiễm Virut cúm gia cầm ở người xảy ra đồng thời với dịch cúm gia cầm có độc lực cao ở các loài gia cầm.

Các điều tra cho thấy người bệnh có tiếp xúc mật thiết với gia cầm nhiễm bệnh.

Các nghiên cứu về di truyền xác định rằng Virut đã lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.

Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh của cúm A (H5N1) dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm theo mùa, từ 2-8 ngày và có thể dài đến 17 ngày.

Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với virut dẫn đến việc khó xác định chính xác thời kỳ ủ bệnh.

Tổ chức Y Tế Thế giới đề nghị đến thời kỳ ủ bệnh là 7 ngày áp dụng cho điều tra và theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân.

Thời kỳ lây bệnh: Như cúm theo mùa, người bệnh đào thải virut khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên có thể dài hơn, từ 7-10 ngày.

Phương thức lây truyền:

Các chủng của Virut cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người.

Virut cúm có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép...

Virut có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất.

Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.

Virut có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm Virut...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm Virut.

Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Phòng ngừa bệnh H5N1

Bạn có thể bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi mắc bệnh bằng các biện pháp sau :

Tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm hoặc chết.

Báo ngay cho cơ quan chức năng nếu có gia cầm ốm hoặc chết.

Xử lý và giết mổ gia cầm một cách an toàn (đeo khẩu trang, đi găng, sử dụng chất diệt trùng).

Nấu chín kỹ gia cầm (không ăn thịt còn đỏ, trứng sống hoặc tiết canh ngan vịt).

Rửa tay xà phòng trước và sau khi xử lý gia cầm và khi chuẩn bị nấu.

Hãy nhớ:

Cúm gia cầm gây tử vong nhưng có thể phòng tránh được.

Cúm gia cầm có thể truyền từ gia cầm sang người.

Không phải mọi gia cầm nhiễm bệnh đều có biểu hiện cúm gia cầm.

Gia cầm nhà bạn có thể mắc bệnh mà bạn không biết.

Điều trị bệnh H5N1

Nguyên tắc điều trị:

Cần phải điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.

Dùng các thuốc hạ sốt, chống viêm Corticosteroid, kháng sinh.

Hồi sức hô hấp.

Điều trị suy đa tạng (nếu có).

Bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chăm sóc.

Tiêu chuẩn ra viện:

Hết sốt 7 ngày sau khi ngừng thuốc.

Xét nghiệm máu, X-quang tim, phổi ổn định.

Xét nghiệm virut cúm A (H5N1) âm tính.

Mạng Y Tế
Nguồn: https://amp.mangyte.vn/benhcategory-h5n1-1076.html

Lưu ý: Thông tin về bệnh chỉ mang tính chất tham khảo.

Thuốc liên quan đến bệnh H5N1