Thông tin bệnh Lị amip cấp

Tra cứu bệnh bắt đầu bằng chữ cái L

Lị amip cấp

Các tên gọi khác của bệnh này:
  • Lị amip cấp tính

Thông tin bệnh Lị amip cấp

Tổng quan Bệnh Lị amip cấp cùng các dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và thông tin về các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chữa bệnh Lị amip cấp.

Tóm tắt bệnh Lị amip cấp

Lị amip là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do vi khuẩn Entamoeba histolytica (E.histolytica).

Hầu hết người mang mầm bệnh không triệu chứng, một số biểu hiện ở dạng tiêu chảy nhẹ kéo dài, hoặc trầm trọng hơn là lị tối cấp.

Biểu hiện lâm sàng ngoài ruột là viêm màng bụng, màng phổi và màng ngoài tim.

Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp là hội chứng lị: đau bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần, đi tiêu phân loãng, nhầy máu.

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Soi phân tươi tìm thể vi khuẩn.

Điều trị

Dùng thuốc diệt amip như Metronidazol: liều 25-30mg/kg/ngày, trong 10 ngày.

Dùng thuốc và các biện pháp điều trị kết hợp khác như thuốc giảm đau và băng niêm mạc ruột: Atropin, Nospa, Smecta...

Vệ sinh ăn uống tránh để lây nhiễm kén amip vào thức ăn, nước uống.

Xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau.

Khi dùng rau quả tươi phải rửa sạch, có thuốc sát trùng hoặc xử lý bằng tia cực tím để diệt kén amip.

Tổng quan bệnh Lị amip cấp

Lị amip là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do vi khuẩn Entamoeba histolytica (E.histolytica).

Hầu hết ở dạng mang mầm bệnh không triệu chứng, một số biểu hiện ở dạng tiêu chảy nhẹ kéo dài, hoặc trầm trọng hơn là lị tối cấp.

Biểu hiện lâm sàng ngoài ruột là viêm màng bụng, màng phổi và màng ngoài tim.

Nhiễm trùng E.histolyca có thể xảy ra khắp nơi trên thế giới, với tỉ lệ trung bình 10%; ở Mỹ 1-5%, các xứ nhiệt đới 25-40%.

Ở Việt Nam tỉ lệ người lành mang mầm bệnh có nơi lên đến 25%.

Theo thống kê gần đây ở TP.

Hồ Chí Minh, tỉ lệ trung bình là 8%.

Ngoài ra, trên cơ thể người Việt Nam các loại vi trùng sẵn có là yếu tố phối hợp với amip để gây biến chứng.

Theo Blanc và Siguier, một nghiên cứu trước đây cho thấy trong hơn 2.000 người mắc bệnh amip ở Việt Nam có đến 500 người có biến chứng gan (25%).

Ở phần lớn các nước phát triển, bệnh amip thường có 2 nguồn gốc: “nội địa” và “nhập khẩu”.

Thường bệnh “nhập khẩu” do di dân hay do khách du lịch mang lại.

Tuổi mắc bệnh: Độ tuổi mắc nhiều nhất là 20 - 30 tuổi.

Trẻ dưới 5 tuổi ít mắc bệnh.

Tình hình kinh tế - xã hội và vệ sinh: Amip dễ hoành hành trong điều kiện sinh hoạt thấp kém, ăn uống thiếu vệ sinh (ăn rau sống, uống nước lã), vệ sinh ngoại cảnh thấp, rác gần nhà tạo điều kiện cho ruồi phát triển nhiều và nhanh.

Nguyên nhân bệnh Lị amip cấp

Tác nhân gây bệnh

Trong cơ thể, vi khuẩn tồn tại dưới 3 dạng:

Thể hoạt động ăn hồng cầu: lớn, đường kính 30-40µm, sống trong vách đại tràng, tăng trưởng tốt dưới điều kiện kỵ khí, có thêm các vi khuẩn khác, tìm thấy trong phân bệnh nhân lị cấp tính.

Soi tươi thấy amip di động nhanh theo chiều nhất định.

Nguyên sinh chất ngoại vi có màu trắng trong, còn nội nguyên sinh chất chứa nhiều hạt nhỏ mịn và hồng cầu.

Số hồng cầu này có kích thước không đồng đều vì mức độ tiêu hóa khác nhau.Sau khi nhuộm, nhân hiện rõ, có kích thước 5-6µm, nhiễm sắc thể ngoại vi đều đặn và một nhân thể ở trung tâm.

Thể không ăn hồng cầu: tìm thấy trong phân, ngoài giai đoạn cấp tính, kích thước 15-25µm, nhân giống như nhân của thể ăn hồng cầu: ngoại nguyên sinh chất không phân biệt rõ với nội nguyên sinh chất và không chứa hồng cầu.

Thể bào nang:

Không di động, nhỏ, kích thước 10-14µm, gặp trong phân của người mang trùng không triệu chứng hay bệnh nhẹ.

Bào nang còn non có 1 nhân, đến khi trưởng thành có 4 nhân, có một màng đôi bảo vệ chúng chống lại các dịch tiêu hoá khi bị nuốt vào.

Bào nang sống rất lâu là thể chịu đựng của amip trong những điều kiện không thuận lợi.

Ở nơi khô, có ánh nắng mặt trời, bào nang sống được vài ngày.

Ở 500C sống được 5 phút.

Ở chỗ ẩm thấp trong bóng mát, trong nước, bào nang có thể sống 1-4 tuần.

Bào nang có sức đề kháng với các hoá chất tương đối cao, do đó vấn đề diệt bào nang trong nước là vấn đề khó.

Dùng Clo hay Iode đến mức có thể diệt được bào nang thì nước không thể uống được.

Amip có 2 chu trình phát triển:

Ở người lành: Chu trình phát triển không gây bệnh, chỉ đảm bảo sự lây lan bệnh.

Amip sinh sản bằng phương thức phân đôi, sẽ hoá nang khi điều kiện sinh sống không thuận lợi và được thải ra ngoài.

Một ký chủ mới ăn phải bào nang; đến ruột bào nang 4 nhân biến thành 8 nhân, từ đó biến thành 8 amip.

Chu trình tiếp tục cho đến khi có đủ điều kiện sinh bệnh thì amip bắt đầu ăn hồng cầu.

Ở người bệnh: Nhờ tác động của các enzyme tiêu protein, amip xâm nhập vào niêm mạc ruột, gây tổn thương ở manh tràng, đại tràng lên, đại tràng sigma, ruột thừa.

Sang thương đầu tiên là những lở loét nhỏ ở niêm mạc, phía trên hẹp, bên dưới mở rộng.

Giữa các vết loét, niêm mạc bình thường khác với tổn thương trong lị trực trùng (niêm mạc đỏ, xung huyết).

Sau đó các vết loét ăn sâu vào niêm mạc gây chảy máu trầm trọng, một số trường hợp loét xuyên lớp cơ gây thủng ruột, áp-xe tại chỗ.

Ở manh tràng và đại tràng sigma, nhiễm trùng mãn tính có thể dẫn đến việc thành lập các bướu amip (amoebome).

Amip cũng có thể xâm nhập vào tuần hoàn cửa gây hoại tử tế bào gan, tạo thành ổ áp-xe.

Hiếm khi áp-xe phổi, não hoặc lách.

Phương thức lây bệnh

Lây gián tiếp: qua thức ăn, nước uống, nước rửa rau quả, thú vật mang mầm bệnh (chó, mèo), côn trùng trung gian, trong đó ruồi là một trung gian truyền bệnh nguy hiểm.

Các thí nghiệm của Frye và Meleney (1936) cho thấy 3/4 ruồi trong nhà người bệnh lị amip có mang bào nang.

Lây trực tiếp: thường do tay bẩn, bào nang dính dưới móng tay, từ đó được đưa vào miệng qua thức ăn.Bệnh nhân có bệnh nặng ít gây nhiễm trùng hơn người mang trùng không triệu chứng vì thải ra nhiều dưỡng bào hoạt động (dễ chết) trong phân.

Do đó, dịch tễ học bệnh amip phức tạp vì những người truyền bệnh quan trọng lại ít hoặc không có triệu chứng, vì vậy ít được sự quan tâm của các tổ chức y tế.

Ngoài ra bệnh amip có thể lây qua hoạt động tình dục, đây là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng ở những quần thể đồng tính luyến ái.

Phòng ngừa bệnh Lị amip cấp

Tổng quát:

Phụ thuộc vào trình độ kinh tế - xã hội, giáo dục, ý thức của nhân dân.

Xét nghiệm thăm dò: Điều trị người lành mang bào nang, đặc biệt ở nơi sống tập thể và người phục vụ ăn uống, cấp dưỡng, nuôi dạy trẻ.

Vệ sinh phân, rác, quản lý việc dùng phân trong nông nghiệp.

Xử lý tốt nước thải và nước uống.

Clovà Iode ở nồng độ uống được thì không đủ diệt amip, cần phối hợp lọc và uống nước chín.

Cá thể:

Rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín, uống sôi, rửa sạch rau sống, thức ăn cần đậy kỹ tránh ruồi.

Phòng bệnh cá thể bằng thuốc diệt amip tuy có được đề cập đến nhưng không áp dụng vì khi dùng dài hạn có thể sinh tai biến và tác dụng không bảo đảm.

Điều trị bệnh Lị amip cấp

Các loại thuốc

Thuốc diệt amip khuếch tán trong mô theo đường máu đến mô, diệt amip ăn hồng cầu.

Émétine:

Alkaloid chiết suất từ cây Ipecac.

Liều tối đa dùng cho mỗi đợt điều trị là 1cg/kg.

Do thuốc thải trừ chậm nên cần tôn trọng khoảng thời gian giữa 2 đợt điều trị là 45 ngày.

Vì vậy, khi dùng émétine cần cho bệnh nhân nhập viện nghỉ ngơi, theo dõi các tác dụng bất lợi.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu tổn thương cơ tim phải ngừng thuốc ngay.

Déhydro - émétine: ít độc, thải trừ nhanh hơn émétine.

Khoảng cách giữa 2 đợt điều trị là 15 ngày.

Metronidazole tương đương tác dụng của déhydro - émétine, tập trung với nồng độ cao trong mô gan dùng điều trị hữu hiệu áp-xe gan do amip.

Thuốc xâm nhập qua hàng rào máu não tốt nên là được chọn lựa để điều trị các trường hợp có tổn thương thần kinh trung ương.

Một số thuốc cùng họ với Metronidazole như Secnidazole, Nimorazole, Tinidazole, Ornidazole, đều có hiệu lực tương đương.

Tác dụng phụ: nôn, ù tai, phát ban.

Trên súc vật thí nghiệm métronidazole có thể gây ung thư, dị dạng bào thai.

Trên người chưa có bằng chứng cụ thể nhưng cần thận trọng khi dùng métronidazole cho phụ nữ có thai.

Một số thuốc khác: Amino 4 quinoléine (Chloroquine Phosphate), Amodiaquine (Flavoquine).

Thuốc diệt amip trực tiếp trong lòng đại tràng:

Các axyquinoléine:

Diiodohydroquinoléine (Direxiode).

Diiodohydroquin (Iodoquinol: hiệu quả 60 - 70%).

Chloroiodoquine (Enterovioforme).

Métronidazole.

Dehydroémétine.

Thuốc khác: Paromomycin, Tétracycline (ngăn chặn tạp khuẩn ruột, tác dụng gián tiếp trên amip), dẫn chất arsénic như Difetarsone, Stovarsol hiện ít dùng.

Chỉ định điều trị:

Nhiễm trùng tại ruột

Bào nang trong phân (ít hoặc không có triệu chứng):

Diloxanide furoate (Furamide): 500mg x 3 lần/ngày x 10 ngày.

Hoặc:

Iodoquinol: 650mg x 3 lần/ngày x 20 ngày.

Hoặc:

Paromomycin 8-12mg/kg x 3 lần/ngày x 7 ngày.

Dưỡng bào trong phân:

Bước 1: Thể nhẹ - trung bình.

Métronidazole (Flagyl): 750mg x 3 lần/ngày x 5 - 10 ngày.

Kết hợp với Iodoquinol (liều như trên).

Hoặc: Diloxanide furoate (liều như trên).

Hoặc: Tétracycline 500mg x 4 lần/ngày x 5 ngày.

Bước 2: Thể nặng: Điều trị như trên + kết hợp với:

Dehydroétine 1mg/kg/ngày x 10 ngày (tĩnh mạch, 90 mg/ngày).

Hoặc Emétime 1mg/ kg/ ngày x 10 ngày (60 mg/ngày).

Nhiễm trùng ngoài ruột

Métronidazole: Liều như trên.

Kết hợp với Iodoquinol.

Hoặc: Chloroquine phosphate1g /ngày x 2ngày, sau đó: 500mg/ ngày x 4 tuần.

Dehydroémétine: như trên x 10 ngày, hoặc émétine như trên x 10 ngày.

Mạng Y Tế
Nguồn: https://amp.mangyte.vn/benhcategory-li-amip-cap-1458.html

Lưu ý: Thông tin về bệnh chỉ mang tính chất tham khảo.

Bệnh cùng chuyên mục

Thuốc liên quan đến bệnh Lị amip cấp