Thông tin bệnh Rối loạn chức năng tình dục

Tra cứu bệnh bắt đầu bằng chữ cái R

Rối loạn chức năng tình dục

Các tên gọi khác của bệnh này:

    Thông tin bệnh Rối loạn chức năng tình dục

    Tổng quan Bệnh Rối loạn chức năng tình dục cùng các dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và thông tin về các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chữa bệnh Rối loạn chức năng tình dục.

    Tóm tắt bệnh Rối loạn chức năng tình dục

    Rối loạn chức năng tình dục liên quan tới việc không có khả năng phản ứng lại một cách hiệu quả với các kích thích tình dục của bạn tình trong thời gian dài.

    Những rối loạn này là mãn tính, nó khiến cho cá nhân không thể đạt được sự thỏa mãn trong các quan hệ tình dục.

    Các nhóm rối loạn tình dục bao gồm: rối loạn ham muốn tình dục (Sexual desire disorders), rối loạn hưng phấn tình dục (Sexual arousal disorders), rối loạn cực khoái (Orgasm disorders), rối loạn đau khi quan hệ (Sexual pain disorders), và các rối loạn tình dục khác.

    Triệu chứng

    Triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào dạng rối loạn tình dục.

    Có thể bao gồm: giảm ham muốn và ghét tình dục; xuất tinh sớm, xuất tinh muộn, giao hợp không xuất tinh và xuất tinh ngược dòng; đau khi xuất tinh; rối loạn cực khoái; rối loạn cương sương.

    Chẩn đoán

    Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

    Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt (PSA), kiểm tra mức độ Testosterone.

    Điện tâm đồ (EKG), phân tích nước tiểu (UA).

    Kiểm tra bổ sung có thể được yêu cầu.

    Điều trị

    Tổng quan bệnh Rối loạn chức năng tình dục

    Rối loạn chức năng tình dục liên quan tới việc không có khả năng phản ứng lại một cách hiệu quả với các kích thích tình dục của bạn tình trong thời gian dài.

    Những rối loạn này là mãn tính, nó khiến cho cá nhân không thể đạt được sự thỏa mãn trong các quan hệ tình dục sau khi đã cố gắng đi cố gắng lại với lòng momg muốn, và người bạn tình sẵn sàng kéo dài thời gian.

    Các bác sĩ chẩn đoán và chữa trị những rối loạn này chỉ ra tình trạng rối loạn của một số bệnh nhân là do yếu tố sinh học và hay yếu tố tâm lý.

    Các nhóm rối loạn tình dục bao gồm: rối loạn ham muốn tình dục (Sexual desire disorders), rối loạn hưng phấn tình dục (Sexual arousal disorders), rối loạn cực khoái (Orgasm disorders), rối loạn đau khi quan hệ (Sexual pain disorders), và các rối loạn tình dục không thuộc những nhóm trên.

    Nguyên nhân bệnh Rối loạn chức năng tình dục

    Nguyên nhân gây ra các rối loạn chức năng tình dục có rất nhiều và chúng rất phức tạp.

    Vì có quá nhiều yếu tố phải xem xét - bản chất và mức độ của vấn đề, hoàn cảnh và học vấn của cá nhân, ý nghĩa một triệu chứng cụ thể mà cá nhân hay hai người mắc phải - nên việc khái quát hoá các nguyên nhân là việc làm rất khó khăn.

    Nhưng vì một số kiểu mẫu có thể nhìn thấy rõ nên có một vài nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục có thể được nhận diện và phân vào các nhóm.Về mặt sinh học, bất kỳ tình trạng sức khỏe, rối loạn, bệnh tật, hay thuốc nào làm thay đổi chức năng hệ thần kinh cũng có khả năng gây rối loạn chức năng tình dục.

    Các chuyên gia tin rằng yếu tố sinh học chỉ phải chịu trách nhiệm đối với 10-20% các ca rối loạn chức năng tình dục.

    Tuy nhiên, các điều tra gần đây hơn đã phản đối quan điểm này, các điều tra này cho rằng yếu tố sinh học có ảnh hưởng nhiều hơn thế đến các chức năng tình dục.

    Nhà tình dục học Helen Singer Kaplan và các bác sĩ khác đã phân nhóm các nguyên nhân sinh lý/y tế liên quan đến sự rối loạn chức năng tình dục như sau:

    Các rối loạn và tình trạng sức khỏe.

    Nhóm này bao gồm các bệnh và các viêm nhiễm khác nhau gây trở ngại đến chức năng tình dục, thường bao gồm: ốm yếu, viêm nhiễm trầm trọng và mãn tính, bệnh tim, rối loạn dạ dày-ruột, bệnh tiểu đường, bệnh đa xơ cứng, và bệnh Parkinson.

    Những rối loạn thần kinh và thương tổn.

    Tổn thương hay khủng hoảng liên quan đến não bộ, hệ thần kinh và vùng sinh dục thuộc nhóm nguyên nhân này.

    Ma tuý và dược phẩm.

    Nhóm này bao gồm các hoá chất phá hỏng chức năng tình dục bằng cách làm suy giảm hệ thần kinh và/hay làm thay đổi tâm tính, chúng bao gồm các thuốc chống tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, ma tuý, Nicôtin và rượu cồn.

    Tâm lý.

    Các nhà trị liệu tình dục rất chú ý đến những quá trình tâm lý hình thành nên hoạt động tình dục của một cá nhân.

    Đa số các rối loạn chức năng tình dục có nguyên nhân là do những mâu thuẫn nội tâm lý, sự lệch lạc trong kiến thức, điều kiện và nhận thức của một người.

    Kiến thức tình dục.

    Ảnh hưởng của kiến thức đối với hoạt động tình dục là rất rõ ràng.

    Hầu hết mọi người học cách suy nghĩ về kích thích và các hoạt động tình dục nhất định khi có sự hấp dẫn và hưng phấn.

    Trạng thái tình dục này có ảnh hưởng tích cực khi môi trường xã hội nuôi dưỡng các thái độ lành mạnh về tình dục, các quan hệ yêu đương, giao tiếp cởi mở và tự do lựa chọn.

    Thật không may vì không phải lúc nào cũng là như vậy.

    Nhiều người nhận được những huấn thị tiêu cực từ thời thơ ấu về hoạt động tình dục, và điều này dẫn đến các cảm giác và thái độ tiêu cực khi lớn lên.

    Những thông điệp từ thời thơ ấu này có thể là:

    Tình dục là sai trái.

    Khỏa thân là xấu xa.

    Không được sờ mó vào bộ phận sinh dục.

    Không bao giờ được sờ mó vào bộ phận sinh dục của người khác.

    Những suy nghĩ về tình dục là bẩn thỉu.

    Các huấn thị kiểu như vậy có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục, nó can thiệp vào các quá trình suy nghĩ và củng cố thêm các hành vi tình dục không được mong muốn.

    Nhiều người bị rối loạn tình dục cũng tham gia vào việc quan sát, hay tự theo dõi tình dục của bản thân.

    Thay vì cho bản thân được hưởng thụ những khoái cảm tình dục nhờ việc làm tình thì họ lại "bước ra ngoài bản thân" và tập trung vào việc theo dõi quá trình "thể hiện" tình dục của mình.

    Quan sát có thể làm tăng sự tập trung cực khoái (lo lắng sợ không đạt được cực khoái khi quan hệ tình dục) và/hay lo lắng về việc thể hiện tình dục (sợ không có khả năng làm cho bạn tình thỏa mãn, hay lo sợ người bạn tình cho mình là lố bịch).

    Hệ thần kinh còn bận dàn xếp với các cảm giác lo lắng, sợ hãi, tội lỗi và các phản ứng ám ảnh, nên bất kỳ cảm giác nào trong số các cảm giác đó cũng có thể ngăn cản ham muốn tình dục, hưng phấn tình dục và cực khoái.

    Các vấn đề về mối quan hệ cũng ảnh hưởng đến chức năng tình dục.

    Tức giận, oán hận, thù địch và chống đối - cũng giống với các cảm giác lo lắng, sợ hãi và tội lỗi - can thiệp đến hoạt động tình dục bằng cách cản trở các phản ứng của hệ thần kinh cần thiết đối với hưng phấn và phản ứng tình dục.

    Nhàm chán về tình dục, các kỳ vọng tình dục mâu thuẫn, những chỉ trích, tranh đấu quyền lực, những lo lắng về tài chính, và sợ hãi việc mang bầu có thể gây rối loạn tình dục.

    Những đòi hỏi phi thực tế cũng có thể gieo hạt giống của nghi ngờ và tạo nên những rối loạn chức năng tình dục.

    Các ảnh hưởng xã hội cũng tạo nên sự phát triển của những rối loạn chức năng tình dục.

    Một số ảnh hưởng xã hội phổ biến là: được nuôi lớn trong sự đè nén về tình dục, các quan điểm tiêu cực của cha mẹ về sinh hoạt tình dục và bộ phận sinh dục, những chuyện hoang đường về tình dục được duy trì bởi các phương tiện thông tin đại chúng, và khi bé bị lạm dụng, tham gia vào hoạt động tình dục loạn luân hoặc bị hiếp dâm.

    Phòng ngừa bệnh Rối loạn chức năng tình dục

    Trong cuộc sống nam giới cần phải chú ý đến những sinh hoạt hàng ngày, nếu không sẽ ảnh hưởng đến rối loạn chức năng sinh lý.

    Chúng ta cần phải hiểu làm thế nào để phòng chống rối loạn chức năng sinh lý để có hiệu quả tích cực trong việc điều trị rối loạn chức năng sinh lý.

    Một số phương pháp phòng chống rối loạn chức năng sinh lý nam:

    Bỏ thuốc lá và rượu.

    Đối với người hút thuốc lá và rượu bia thường xuyên có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

    Vì thế nam giới cần phải tránh rượu bia, thuốc lá phòng ngừa rối loạn chức năng sinh lý nam.

    Tăng cường thể dục.

    Tập thể dục không chỉ là thói quen có lợi cho sức khỏe mà nó còn giảm nguy cơ bị rối loạn chức năng sinh lý ví dụ như đi bộ, bơi,… đều có lợi trong việc phòng tránh rối loạn chức năng sinh lý.

    Nhưng đối với việc đi xe đạp trong một thời gian dài và thường xuyên là không phù hợp vì nó làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng tình dục.

    Lựa chọn thực phẩm hợp lý.

    Các chuyên gia chỉ ra rằng một số thực phẩm như thịt bò, thịt cừu, tôm, thịt dê… đều có thể dự phòng rối loạn chức năng sinh lý.

    Cần có sự hiểu biết về quan hệ tình dục.

    Phát triển thói quen tình dục hợp lý, không nên thủ dâm thường xuyên, chế độ ăn uống hợp lý có thể phòng rối loạn chức năng sinh lý.

    Điều chỉnh áp lực tâm lý.

    Yếu tố tinh thần là nguyên nhân chính gây ra rối loạn chức năng sinh lý.

    Do đó, điều trị tâm lý là vấn đề quan trọng trong việc chữa rối loạn chức năng sinh lý.

    Để phòng tránh các rối loạn tình dục, phụ nữ cần:

    Trang bị cho mình kiến thức hiểu biết cơ bản về tình dục và an toàn tình dục ngay từ tuổi tiền hôn nhân và tuổi đang hoạt động tình dục.

    Thẳng thắn, cởi mở tâm sự với chồng về các khó khăn liên quan đến quan hệ tình dục của hai vợ chồng và những cảm xúc của bản thân.

    Xây dựng và thực hiện cho mình lối sống khỏe mạnh: Hạn chế các thức uống có cồn, không hút thuốc lá (vì thuốc lá làm giảm tưới máu cho các cơ quan trong cơ thể kể cả cơ quan sinh dục dẫn đến rối loạn kích thích và rối loạn khoái cảm), tập thể dục thường xuyên và đều đặn để giữ thân hình thon gọn, cân đối và thể lực ổn định, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí hợp lý để giữ tinh thần luôn thoải mái, không căng thẳng.

    Điều trị bệnh Rối loạn chức năng tình dục

    1.

    Thuốc chữa rối loạn tình dục ở nữ giới

    Apomorphine - loại thuốc vẫn dùng để gây nôn - làm tăng khả năng cảm nhận của người phụ nữ đối với các kích thích tình dục.

    Tuy nhiên, thuốc không làm tăng ham muốn tình dục.Loại thuốc trên đang được nghiên cứu để sử dụng vào việc chữa rối loạn chức năng tình dục của phụ nữ.

    Theo các nhà khoa học, Apomorphine có khả năng tác động đến khu vực cảm nhận kích thích ở thần kinh trung ương.

    Mỗi lần đặt 2-4 mg, thuốc tác dụng trong vòng 10-15 phút.

    Apomorphine có thể dùng cho người đang điều trị đau thắt ngực bằng nitrate.

    Apomorphine là một trong những thuốc vốn được dùng cho nam giới và đang được nghiên cứu để chữa rối loạn tình dục nữ.

    Thuốc có tác dụng phụ là buồn nôn và nôn, hạ huyết áp, ngất xỉu.

    Testosterone: Được dùng nhiều nhất cho phụ nữ bị biến đổi chức năng tình dục, nhất là người có trạng thái giảm ham muốn.

    Chỉ cần một liều nhỏ bằng 1/10 của nam giới, thuốc đã có tác dụng cho phụ nữ.

    Tiêm 20 mg dưới da 3 tuần/lần là liều lượng thường được dùng.

    Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu sản xuất thuốc dưới các dạng khác như kem, cao dán.

    Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc là gây các dấu hiệu nam tính hóa; nhưng nếu dùng đúng phương pháp thì điều này sẽ ít khả năng xảy ra.

    Các bác sĩ khuyến cáo không dùng Testosterone dạng uống thường xuyên vì có nguy cơ cao gây độc cho gan.

    Vasomax: Thuốc làm tăng lưu lượng máu tới các cơ quan của cơ thể, kể cả những cơ quan của tiểu khung như âm đạo.

    Nó làm cho âm đạo tăng sung huyết, tăng dịch nhờn, thậm chí cả trạng thái hưng phấn.

    Tác dụng phụ chủ yếu là làm giảm huyết áp tạm thời kèm ngất xỉu, buồn nôn.

    Viagra: Thuốc làm giãn các mạch máu tiểu khung, tăng lưu lượng máu đến vùng này.

    Với phụ nữ, nó gây sung huyết vùng âm đạo và tăng bài tiết dịch nhờn.

    Tác dụng phụ rất ít: bừng nóng mặt, nhức đầu, nôn nao...

    Không được dùng kết hợp với thuốc chứa Nitrate vì có thể xảy ra biến chứng nguy hại đến tính mạng (tránh dùng chúng trong vòng 24 giờ sau khi uống viagra).

    Viagra có tác dụng tốt nhất khi dạ dày rỗng, uống xong nên đợi ít nhất 1 giờ mới có kích thích tình dục để đạt hiệu quả tối đa.

    Tác dụng tốt nhất là khoảng 1-4 giờ sau khi dùng thuốc.Viagra được coi là thích hợp với những phụ nữ bị biến đổi chức năng tình dục, giảm bài tiết dịch nhờn, kém sung huyết âm đạo và kém hưng phấn.

    Các nhà khoa học hy vọng có thể dùng Viagra cho phụ nữ trong một tương lai gần.

    2.

    Thuốc chữa rối loạn tình dục ở nam giới

    Rối loạn cương

    Có hai nhóm thuốc điều trị rối loạn cương: Điều trị không đặc hiệu (độc lập với nguyên nhân gây ra rối loạn cương) và điều trị đặc hiệu theo nguyên nhân.

    Các biện pháp điều trị không đặc hiệu tỏ ra có hiệu quả trong đa số trường hợp rối loạn cương.

    Thuốc điều trị đặc hiệu: Liệu pháp nội tiết Testosterone có thể cải thiện chức năng cương ở một số bệnh nhân bị suy tuyến sinh dục (Hypogonadism).

    Hiện đã có những dạng thuốc Testosterone mới, cũng như những dạng uống không kèm theo độc tính gan.

    Tăng Prolactin huyết thường được xử trí bằng Bromocryptine hay những thuốc tương tự.

    Đôi khi, phẫu thuật được dùng để cắt bỏ những khối u tăng tiết Prolactin.

    Các thuốc điều trị không đặc hiệu

    Thuốc uống: Trị liệu bước một (First line therapy).Được xếp vào nhóm trị liệu bước một vì các thuốc uống dễ sử dụng, không xâm lấn, hồi phục được, tác dụng phụ thấp, thích hợp cho nhiều bệnh nhân.

    Hiện tại, trong nhóm này là các thuốc ức chế men PDE-5 (PDE5i) như Sildenafil (Viagra, Kamagra), Vardenafil (Levitra, Varafil), Tadalafil (Cialis, Synalis).

    Liều dùng: Liều khởi đầu đối với Sildenafil là 50mg trước khi quan hệ tình dục 1 giờ, tránh xa bữa ăn, thời gian tác dụng của thuốc là 4-8 giờ và không nên sử dụng quá 1 viên trong vòng 24 giờ; với Vardenafil là 10mg trước khi quan hệ 30 phút, thời gian tác dụng của thuốc là 10 giờ và không nên sử dụng quá 1 viên trong vòng 24 giờ; và với Tadalafil là 10 mg trước khi quan hệ 2 giờ, thời gian tác dụng của thuốc là 36 giờ và không nên sử dụng quá 1 viên trong vòng 48 giờ.

    Thận trọng: Đối với người đang sử dụng các thuốc như Ritonavir, cần giảm liều khởi đầu.

    Nếu dùng Sildenafil kèm với Darunavir (kết hợp với Ritonavir) thì liều khởi đầu là 25mg, sử dụng không quá 1 lần trong vòng 48 giờ; với Vardenafil là 2,5mg, sử dụng không quá 1 lần trong vòng 72 giờ; và với Tadalafil là 10 mg, sử dụng không quá 1 lần trong vòng 72 giờ.

    Bệnh nhân suy gan, suy thận, trên 65 tuổi hay đang dùng những thuốc ức chế men P450 3A4 (như Cimetidine, Erythromycine và Ketaconazole) cần khởi đầu bằng liều thấp.

    Chống chỉ định: Những bệnh nhân đang sử dụng các thuốc làm giãn mạch vành có Nitrate như Nitromin®t, Imdur® (để phòng ngừa và điều trị đau thắt ngực) hay các chất tăng sảng khoái có Nitrate vì tác động hiệp đồng gây giãn mạch của Nitrate và PDE5i có thể gây tụt huyết áp nặng, dẫn đến tử vong.

    Tác dụng phụ: Ngoài tác động ức chế PDE-5, các chất này còn có tác động ức chế các thành phần khác của nhóm PDE (từ PDE-1 đến PDE-11).

    Sildenafil và Vardenafil ức chế nhẹ PDE-6, ở võng mạc, nên một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc có thể có thay đổi thị giác tạm thời.

    Đau cơ do Tadalafil có liên quan đến sự ức chế PDE-11A.

    Theo báo cáo của FDA thì không có bằng chứng có mối liên hệ giữa tần suất tử vong bị tăng lên ở những người sử dụng Sildenafil so với dân số chung.

    Thuốc tiêm thể hang: Trị liệu bước hai (Second line therapy).Thuốc giãn mạch được tiêm vào trong thể hang để làm giãn động mạch và máu đổ đầy các xoang hang.

    Cương thường xảy ra trong vòng 15 phút và kéo dài khoảng 1 giờ.

    Papaverine là thuốc đựơc sử dụng đầu tiên để tiêm thể hang, nhưng do dễ có biến chứng cương đau dương vật kéo dài (Priapism) nên Papaverine ít được sử dụng.

    Hiệu quả của Papaverine là 84,8%, với 65% trường hợp cương tự nhiên xuất hiện trở lại.

    Alprostadil thường được sử dụng với hiệu quả khoảng 75% và ít gây ra cương đau dương vật hơn nhiều so với Papaverine, nhưng lại gây đau dương vật nhiều nhất (40% bệnh nhân).

    Rối loạn xuất tinh

    Xuất tinh sớm

    Thuốc tê thoa quyđầu: Thuốc tê thoa tại chỗ như kem hay thuốc xịt Lidocaine và Prilocaine, làm giảm cảm giác quyđầu để làm tăng khả năng kiềm chế sự xuất tinh.

    Tuy nhiên, thuốc tê thường gây giảm sự cương cứng, có thể gây cảm giác “bì bì” ở dương vật, và nếu nó ngấm qua âm đạo thì cũng gây cảm giác tê rần ở âm đạo.

    Các PDE5i (Sildenafil, Vardenafil, Tadalafil): Đây là những thuốc dùng trong điều trị rối loạn cương.

    Do vậy, các thuốc này có thể có hiệu quả ở những người vừa bị rối loạn cương, vừa bị xuất tinh sớm; các trường hợp khác ít hiệu quả.

    Các SSRI: Các thuốc này có thể uống mỗi ngày, ví dụ Paroxetine (20 - 40 mg), Sertraline (50 - 100 mg), và Fluoxetine (20 - 40 mg).

    Clomipramine (10 - 50 mg), một thuốc chống trầm cảm ba vòng cũng có tác dụng tốt trong điều trị xuất tinh sớm.

    Tác dụng phụ của chúng là mệt mỏi, ngáp, buồn nôn, nhược cơ, run, phân lỏng.

    Những tác dụng phụ này thường xuất hiện trong tuần đầu và mất dần trong 2-3 tuần.

    Đôi khi, chúng còn gây giảm ham muốn tình dục và giảm vừa phải độ cứng dương vật; khi ngưng thuốc thì các tình trạng này cũng mất đi.

    Ngoài ra, các thuốc này cũng có thể uống theo nhu cầu, khoảng 5 giờ trước khi giao hợp có thể giúp kéo dài thời gian xuất tinh.

    Tất cả những thuốc kể trên đều là thuốc điều trị xuất tinh sớm không chính thức (off-label).

    Thuốc uống đầu tiên được chính thức công nhận là thuốc điều trị xuất tinh sớm nguyên phát theo nhu cầu, cho nam giới từ 18-64 tuổi là Dapoxetine, đã được hai nước Phần Lan và Thụy Điển cho phép lưu hành từ ngày 10/02/2009.

    Tuy nhiên, hiện tại, nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, vẫn chưa cho phép lưu hành thuốc này để trị xuất tinh sớm.

    Dapoxetine cũng là một thuốc thuộc nhóm SSRI, nhưng có thời gian tác dụng nhanh, nên chỉ cần uống trước khi quan hệ 1-3 giờ, và thuốc cũng mau bị thải ra khỏi cơ thể.

    Chậm xuất tinh, không xuất tinh

    Nếu bệnh nhân đang sử dụng SSRI thì cần ngưng thuốc này, chuyển sang nhóm chống trầm cảm khác ít gây ảnh hưởng trên sự xuất tinh và tình dục như Trazodone.

    Nếu bệnh nhân không đang sử dụng SSRI: Thuốc điều trị chậm xuất tinh hay không xuất tinh là những chất đồng vận như Phenylephrine.

    Tuy nhiên, tỉ lệ thành công khá thấp (dưới 30%).

    Xuất tinh ngược dòng

    Điều trị xuất tinh ngược dòng bằng các chất giống giao cảm (Sympathomimetic agents) có thể có hiệu quả như Pseudoephedrine (120 mg, 2-2,5 giờ trước khi giao hợp), Ephedrine, Phenylpropanolamine.

    Các chất này kích thích sự phóng xuất Norepinephrine (Noradrenaline) từ các tận cùng thần kinh và cũng có thể kích thích trực tiếp trên cả các thụ thể α và β adrenergic.

    Imipramine, ức chế sự tái hấp thu của Norepinephrine cũng có thể có hiệu quả (25mg, 2 lần mỗi ngày).

    3.

    Giảm ham muốn tình dục ở nam giới

    Theo Hoschi (Hoschi C.

    và cộng sự, 2004), điều trị giảm ham muốn tình dục ở các trường hợp lo âu, trầm cảm có thể bằng những biện pháp sau đây:

    Chờ hồi phục tự nhiên (10-19%)

    Giảm liều hay đổi thuốc (sử dụng Trazodone)

    Dùng thuốc chống trầm cảm sau quan hệ tình dục

    Dùng thuốc chống trầm cảm ít gây rối loạn cương (ví dụ Tianeptine)

    Ngưng thuốc ngày cuối tuần

    Dùng thêm thuốc hỗ trợ cương PDE5i.

    Liệu pháp tâm lý

    Cần chú ý đến liệu pháp tâm lý và có thể hy vọng đến sự hồi phục tự nhiên, hoặc sử dụng thêm các thuốc hỗ trợ cương PDE5i (một khi chức năng cương cải thiện, tình trạng giảm ham muốn tình dục của bệnh nhân có thể được cải thiện).

    Mạng Y Tế
    Nguồn: https://amp.mangyte.vn/benhcategory-roi-loan-chuc-nang-tinh-duc-2206.html

    Lưu ý: Thông tin về bệnh chỉ mang tính chất tham khảo.

    Bệnh cùng chuyên mục

    Thuốc liên quan đến bệnh Rối loạn chức năng tình dục