Thông tin bệnh Sỏi niệu quản

Tra cứu bệnh bắt đầu bằng chữ cái S

Sỏi niệu quản

Các tên gọi khác của bệnh này:

    Thông tin bệnh Sỏi niệu quản

    Tổng quan Bệnh Sỏi niệu quản cùng các dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và thông tin về các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chữa bệnh Sỏi niệu quản.

    Tóm tắt bệnh Sỏi niệu quản

    Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ trên thận xuống dưới bàng quang.

    Niệu quản có chiều dài khoảng 25cm và đường kính lòng niệu quản từ 2-4mm tuỳ vị trí .

    Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

    Do sự tắc nghẽn này mà thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.

    Triệu chứng

    Xuất hiện các cơn đau quặn thận (thận đau dữ dội), đau buốt thắt lưng, đái ra máu.

    Chẩn đoán

    Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

    Chụp X-quang, siêu âm niệu quản.

    Một số ít trường hợp khó cần đến sự trợ giúp của chụp cắt lớp vi tính (CT-Scaner) hay chụp thận có thuốc cản quang (UIV).

    Điều trị

    Với viên sỏi nhỏ, có thể dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, uống nhiều nước kết hợp với tập vận động để đưa sỏi ra ngoài một cách tự nhiên.

    Trường hợp sỏi to, không thể tự đưa ra ngoài thì cần sử dụng các biện pháp tán sỏi hoặc phẫu thuật.

    Tổng quan bệnh Sỏi niệu quản

    Niệu quản và sỏi niệu quản

    Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ trên thận xuống dưới bàng quang.

    Niệu quản có chiều dài khoảng 25cm và đường kính lòng niệu quản từ 2-4mm tùy vị trí.

    Càng xuống dưới thấp thì niệu quản có đường kính càng nhỏ.

    Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

    Do sự tắc nghẽn này mà thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.

    Sỏi có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản: đoạn nối thận vào niệu quản, đoạn nối niệu quản vào bàng quang và đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu.

    Hình dáng: sỏi thường có hình bầu dục hoặc hình trụ, bờ nhẵn hay xù xì như quả dâu, đường kính thay đổi từ vài mm đến trên 1cm.

    Số lượng: thường là 1 viên, có khi 2 viên.

    Nếu nhiều viên xếp kế tiếp nhau thì tạo thành ‘chuỗi sỏi niệu quản’.

    Sỏi niệu quản 2 hai bên rất nguy hiểm, dễ dẫn tới vô niệu.

    Sỏi niệu quản và sỏi thận có khác nhau?

    Sỏi thận hình thành và khu trú tại thận.

    Sỏi niệu quản đa số là từ sỏi thận di chuyển xuống niệu quản (80%).

    Một số ít các trường hợp sỏi niệu quản hình thành do sự bất thường bẩm sinh của đường tiết niệu.

    Sỏi niệu quản thường có kích thước nhỏ, thường chỉ vài mm đến khoảng hơn 1cm, thường chỉ có 1 viên.

    Khác với sỏi thận thì thường rất to có khi đến 5-6cm, có thể chỉ có 1 viên hay có khi hàng chục viên rải rác trong thận.Sỏi niệu quản tuy nhỏ nhưng gây suy giảm chức năng thận nhanh hơn gấp nhiều lần sỏi thận.

    Tuy rất nguy hiểm, nhưng sỏi niệu quản thường nhỏ nên có nhiều phương pháp điều trị đơn giản hơn, đa số có thể tán sỏi hay mổ lấy sỏi qua nội soi.

    Khác với sỏi thận, thường to hay nhiều viên thường phải mổ mở để lấy sỏi.

    Nguyên nhân bệnh Sỏi niệu quản

    Nguyên nhân sỏi niệu quản tới 80% do rơi từ thận xuống.

    Một số sỏi niệu quản sinh ra tại chỗ do dị dạng niệu quản như: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ...

    đó là các yếu tố làm dễ cho sự ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi.

    Sỏi canxi:

    Nguyên nhân chính là tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận.

    Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng rất cao.

    Bình thường thận đào thải khoảng 300mg canxi qua nước tiểu trong 1 ngày, trong trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên 800-1.000mg/24 giờ với chế độ ăn bình thường.

    Nguyên nhân thứ hai là giảm citrat niệu.

    Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi.

    Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu thì thường citrat niệu giảm.

    Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh sỏi.

    Nguyên nhân thứ ba là nước tiểu quá bão hòa về oxalat.

    Thức ăn chứa nhiều oxalat như rau chút chít, đại hoàng hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tình trạng này.

    Ở người bị viêm ruột, cắt một phần ruột non cũng thường thấy tăng oxalat niệu và có sỏi oxalat, những người có rối loạn hệ thống men chuyển hóa ở gan do di truyền gây tăng bài xuất axit oxalic để tạo thành oxalat cũng dễ có sỏi oxalat.

    Sỏi axit uric

    Nguyên nhân là do nước tiểu quá bão hòa axit uric tạo điều kiện gây sỏi urat và thường có tăng axit uric niệu đi kèm.

    Sỏi axit uric gặp trong tăng axit uric máu, bệnh gút, trong một số trường hợp di truyền.

    Sỏi struvit

    Sỏi struvit là do nhiễm khuẩn lâu dài đường tiết niệu, vi khuẩn giải phóng men urease, men này phân giải ure gây tổng hợp ammoniac trong nước tiểu giảm, dẫn tới làm giảm hòa tan struvit (MgNH4PO46H2O) tạo điều kiện hình thành sỏi.

    Phòng ngừa bệnh Sỏi niệu quản

    Không ăn quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi.

    Không nén chịu khi buồn đi tiểu.

    Nên uống khoảng 2 lít nước để mỗi ngày bài tiết được hơn 1,5 lít nước tiểu.

    Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, rắt thì nên dùng sớm các loại lợi tiểu có sẵn như râu ngô, mã đề...

    Cần khám sức khỏe định kỳ đề phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi, tránh các biến chứng.

    Điều trị bệnh Sỏi niệu quản

    Sỏi niệu quản nằm trên đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây ứ đọng nước tiểu tại thận và gây suy giảm chức năng thận.

    Vì tính chất nguy hiểm của sỏi niệu quản, nên mọi phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu nhanh chóng đưa sỏi ra ngoài và tái lưu thông nước tiểu.

    Điều trị nội khoa:

    Là điều trị hỗ trợ để đưa sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên nên ưu điểm là có thể điều trị ngoại trú, rẻ tiền, hợp với sinh lý.

    Thông thường khi điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn thuốc giảm đau, giãn cơ và hướng dẫn bạn chế độ vận động và uống từ 2-3 lít nước/ngày để tăng khả năng tống sỏi ra ngoài.Tuy vậy, điều trị nội khoa cũng phải có những điều kiện nhất định (như sỏi nhỏ chỉ vài mm, không bị nhiễm khuẩn tiết niệu, thận còn tiết nước tiểu…) và không phải trường hợp nào cũng thành công.

    Điều trị can thiệp

    Đối với các trường hợp không có khả năng điều trị nội khoa hay điều trị nội khoa thất bại (tính từ khi điều trị sau 2 tuần mà sỏi không tự thoát ra ngoài) thì bạn nên nhập viện để can thiệp, tránh để lâu gây nhiều biến chứng.

    Do sỏi niệu quản đa số thường nhỏ nên các biện pháp can thiệp cũng đơn giản, nhẹ nhàng và ít biến chứng sau can thiệp.

    Các biện pháp còn được chấp nhận để điều trị sỏi niệu quản:

    Tán sỏi ngoài cơ thể: đẩy sỏi lên thận để tán bằng máy tán sỏi siêu âm.

    Tán sỏi qua da: đưa đầu tán qua da vào thận sau đó xuống niệu quản để tán sỏi.

    Tán sỏi ngược dòng: đưa máy soi kèm đầu tán theo niệu đạo vào bàng quang sau đó lên tới niệu quản để tán sỏi.

    Đây là phương tối ưu nhất.

    Mổ lấy sỏi nội soi: nội soi qua ổ bụng hay khoang sau phúc mạc để lấy sỏi.

    Mổ hở để lấy sỏi: thường áp dụng khi sỏi quá to hoặc nhiễm trùng nặng.

    Mổ cắt thận: do sỏi làm thận mất hoàn toàn chức năng, gây đau và nhiễm khuẩn.

    Khi sỏi niệu quản càng để lâu thì càng có nhiều biến chứng nên điều trị càng khó khăn vì vừa phải lấy sỏi vừa phải điều trị các biến chứng, nên càng khó áp dụng các biện pháp tiên tiến gây tổn hại sức khỏe.

    Mạng Y Tế
    Nguồn: https://amp.mangyte.vn/benhcategory-soi-nieu-quan-2409.html

    Lưu ý: Thông tin về bệnh chỉ mang tính chất tham khảo.

    Bệnh cùng chuyên mục

    Thuốc liên quan đến bệnh Sỏi niệu quản