Thông tin bệnh Viêm khớp

Tra cứu bệnh bắt đầu bằng chữ cái V

Viêm khớp

Các tên gọi khác của bệnh này:
  • Viêm xương khớp

Thông tin bệnh Viêm khớp

Tổng quan Bệnh Viêm khớp cùng các dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và thông tin về các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chữa bệnh Viêm khớp.

Tóm tắt bệnh Viêm khớp

Viêm khớp thông thường được hiểu là viêm một hay nhiều khớp.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, bao gồm nhiễm trùng và các tình trạng viêm như: Viêm xương khớp, bệnh gút, giả gút, viêm khớp dạng thấp, lupus, viêm cột sống dính khớp, bệnh vẩy nến.

Triệu chứng

Đau khớp, sưng khớp, nóng đỏ khớp, chuyển động khó.

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Xét nghiệm máu và/hoặc phân tích dịch khớp để xác định nguyên nhân của bệnh viêm khớp.

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp X-quang, cộng hưởng từ (MRI).

Xét nghiệm tìm kháng thể kháng nhân (ANA).

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), tốc độ lắng của hồng cầu (ESR), yếu tố dạng thấp (RF).

Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào loại viêm khớp.

Nếu khớp bị nhiễm trùng, điều trị chủ yếu là thuốc kháng sinh và loại bỏ dịch khớp.

Đối với các nguyên nhân khác, điều trị có thể bao gồm: Các thuốc chống viêm không steroid/NSAIDs (Ibuprofen/Motrin hoặc Advil, Naproxen/Naprosyn hoặc Aleve), Acetaminophen (Tylenol), Sulfasalazine, Corticosteroid (prednisone), Methotrexate, liệu pháp sinh học và/hoặc liệu pháp miễn dịch.

Tổng quan bệnh Viêm khớp

Viêm khớp là một dạng rối loạn tại khớp được đặc trưng bởi hiện tượng viêm.

Viêm khớp thông thường được hiểu là viêm một hay nhiều khớp.Viêm khớp thường có kèm triệu chứng đau khớp.

Các loại viêm khớp: Có nhiều dạng viêm khớp khác nhau (trên 100 dạng).

Các dạng viêm khớp có thể có liên quan đến hiện tượng 'mòn và rách' sụn khớp (ví dụ viêm xương khớp) hoặc hiện tượng đáp ứng miễn dịch quá mức (ví dụ viêm khớp dạng thấp).

Nguyên nhân bệnh Viêm khớp

Do di truyền; bệnh tự miễn; bệnh mắc phải: sau chấn thương, thoái hóa, dị ứng hoặc viêm nhiễm do lao...

Phòng ngừa bệnh Viêm khớp

Nhiều người cho rằng viêm khớp chỉ xuất hiện ở độ tuổi trung niên hoặc những người có tuổi.

Đó là một quan niệm sai lầm, viêm khớp có thể xuất hiện ngay từ khi còn trẻ, vì vậy để phòng ngừa viêm khớp cần phòng ngừa ngay từ khi còn trẻ.

Giữ trọng lượng cơ thể ở mức độ hợp lý, nếu bạn đang thừa cân thì cần phải giảm cân, giảm cân chính là cách giảm trọng lượng chèn lên các xương, khớp điều này giúp các xương, các khớp không phải gánh chịu một áp lực quá lớn, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

Tập thể dục thường xuyên mà không gây hại đến xương khớp.

Có thể nói tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên những môn thể thao mà lặp đi lặp lại một động tác liên tục lại không tốt cho xương khớp.

Một số môn thể thao được khuyến khích tập luyện giúp hạn chế bệnh viêm khớp là: bơi lội, đi xe đạp, đi bộ.

Ăn uống hợp lý, với chế độ ăn giàu can xi, vitamin C, vitamin E để tăng cường sức khỏe cho bộ xương, ngăn ngừa bệnh viêm khớp.

Uống nhiều nước giúp bảo vệ cơ thể, chống lại bệnh viêm khớp bởi nước chiếm 70% của sụn khớp, giúp giữ cho chúng bôi trơn để xương không chà xát lên nhau, bảo vệ khớp.

Ngăn ngừa và điều trị chấn thương.

Bong gân mắt cá chân quá nhiều, hoặc bong gân sau khi điều trị không đủ, có thể đưa bạn vào con đường dẫn đến viêm khớp ở mắt cá chân của bạn.

Hạn chế mang vác những vật nặng.

Nếu tính chất của công việc phải lặp đi lặp lại một hành động thì thỉnh thoảng nên đứng dậy làm một vài động tác cho thư giãn và thoải mái.

Hạn chế căng thẳng, không ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hormon sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc viêm khớp.

Điều trị bệnh Viêm khớp

Việc điều trị viêm khớp tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây nên viêm khớp, độ nặng và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.

Tuổi tác và nghề nghiệp cũng là những khía cạnh cần được xem xét để bác sĩ có thể đưa ra những kế hoạch điều trị phù hợp.Nếu có thể, việc điều trị sẽ tập trung vào việc loại bỏ những nguyên nhân gây viêm khớp.

Tuy nhiên, nếu các nguyên nhân này không thể được chữa khỏi (Ví dụ như trường hợp viêm xương khớp hay viêm khớp dạng thấp) thì việc điều trị sẽ hướng đến mục tiêu làm giảm đi các triệu chứng của viêm khớp, ngăn chặn những tổn thương khớp không hồi phục hay tàn phế và mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân.

Có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của viêm xương khớp và các dạng viêm khớp mãn tính khác mà không cần dùng thuốc.Thực tế, việc thay đổi lối sống mà không cần dùng thuốc là phương pháp điều trị được ưa chuộng đối với bệnh viêm xương khớp và các dạng viêm khớp khác.

Khi cần thiết thì có thể sử dụng thuốc cùng với việc thay đổi lối sống.

Tập thể dục

Đối với viêm khớp thì tập thể dục là cần thiết để duy trì khớp khỏe mạnh, giảm đau, giảm hiện tượng cứng khớp, cải thiện sức mạnh của cơ và xương.

Mỗi cá nhân cần được thiết kế chương trình tập riêng bởi bác sĩ vật lý trị liệu, bao gồm: các bài tập vận động về độ mềm dẻo, tăng trương lực cơ, các bài tập về sức bền.

Các nhà vật lý trị liệu cũng có thể áp dụng những liệu pháp nóng, lạnh khi cần thiết và có thể cố định bạn bằng những thanh nẹp hay các thiết bị chỉnh hình khác để giúp nâng đỡ và điều chỉnh khớp.

Điều này đặc biệt cần thiết đối với viêm khớp dạng thấp.

Các nhà vật lý trị liệu cũng có thể áp dụng các liệu pháp bằng nước, mát-xa bằng nước đá, hoặc kích thích các dây thần kinh qua da.

Nghỉ ngơi

Cũng quan trọng như tập thể dục.

Nên ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ.

Các biện pháp khác

Uống Glucosamine và Chondroitin: Đây là những chất giúp tạo sụn khớp, một lớp chất đệm của mặt khớp.

Một số công trình nghiên cứu cho thấy những chất này có thể làm giảm các triệu chứng của viêm xương khớp, một số nghiên cứu khác thì không.

Tuy nhiên, những chất này thì an toàn và có thể sử dụng thử.

Nhiều bệnh nhân nhận thấy các triệu chứng của họ được cải thiện.

Ăn chế độ ăn nhiều vitamin và khoáng chất đặc biệt là những chất chống ôxy hóa như vitamin E.

Các chất này có trong rau và trái cây.

Điều trị bằng thuốc:

Acetaminophen (Tylenol): Thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng mà không gây nhiều tác dụng phụ như các thuốc kê đơn.

Không được uống vượt quá liều khuyến cáo của acetaminophen hoặc uống thuốc khi uống nhiều rượu vì có thể làm tổn thương gan.

Aspirin, ibuprofen, hay naproxen: Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) này thường có hiệu quả trong việc điều trị đau do viêm khớp.

Tuy nhiên, chúng cũng có thể có những nguy cơ, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài.

Không nên tự ý sử dụng các thuốc này nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Các tác dụng phụ có thể bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ (tai biến mạch máu não), loét dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa, và tổn thương thận.

Nếu bạn có tiền sử bệnh gan, bệnh thận, xuất huyết tiêu hóa thì không nên sử dụng các thuốc này trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Các thuốc kê đơn bao gồm:

Nhóm thuốc ức chế men cyclooxygenase-2 (ức chế COX-2): Nhóm thuốc này ức chế men thúc đẩy quá trình viêm có tên là cyclooxygenase-2 (COX-2).

Nhóm thuốc này được cho rằng có hiệu quả như nhóm thuốc kháng viêm không steroid nhưng ít tác dụng phụ trên dạ dày hơn, nhưng có nhiều báo cáo ghi nhận các tác dụng phụ của nhóm này về nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Corticosteroid (Steroid): Các thuốc nhóm này có tác dụng ức chế hệ miễn dịch và các triệu chứng viêm.

Thông thường, chúng được sử dụng trong các trường hợp nặng của viêm khớp dạng thấp qua đường uống hoặc tiêm chích.

Các thuốc kháng viêm steroid này được sử dụng để điều trị các dạng viêm khớp tự miễn nhưng tránh sử dụng trong các trường hợp viêm khớp nhiễm trùng.

Nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ, bao gồm kích thích dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, cao huyết áp, loãng xương, đục thủy tinh thể ở mắt, nhiễm trùng nặng lên.

Các nguy cơ càng tăng lên nếu sử dụng lâu dài và liều cao.

Việc điều trị với những thuốc này cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Các thuốc chống bệnh thấp: Nhóm thuốc này được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và các dạng viêm khớp tự miễn khác.

Các thuốc nhóm này bao gồm penicillamine, sulfasalazine và hydroxychloroquine.

Gần đây, methotrexate đã được nhận thấy là có khả năng làm chậm tiến triển của viêm khớp dạng thấp và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Methotrexate có độc tính cao, do đó cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra.

Các chế phẩm sinh học: Đây là những tiến bộ mới nhất trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp, bao gồm etanercept (Enbrel), infliximab (Remicade) và adalimumab (Humira) qua đường chích có thể cải thiện ngoạn mục chất lượng cuộc sống.

Các chế phẩm sinh học mới bao gồm Orencia (abatacept) và Rituxan (rituximab).

Nhóm thuốc ức chế miễn dịch: Các thuốc này giống như azathioprine hoặc cyclophosphamide được sử dụng trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp nặng mà các thuốc khác thất bại.Điều rất quan trọng là những dạng viêm khớp khác nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau và do đó sẽ có những cách thức điều trị riêng biệt.

Không được tự ý dùng thuốc mà phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Phẫu thuật và những cách tiếp cận điều trị khácTrong một số trường hợp, việc tiến hành phẫu thuật để tái tạo hoặc thay thế khớp mới (ví dụ thay thế toàn bộ khớp gối) có thể giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống bình thường hơn.

Quyết định phẫu thuật thay thế khớp chỉ được thực hiện khi các biện pháp điều trị khác như thay đổi lối sống và dùng thuốc không còn hiệu quả nữa.Khớp bình thường có chứa chất bôi trơn bên trong được gọi là hoạt dịch (dịch khớp).

Trong viêm khớp thì hoạt dịch không được sản xuất đầy đủ.

Bác sĩ có thể tiêm vào trong khớp một loại dịch khớp nhân tạo trong một số trường hợp.

Loại dịch tổng hợp này giúp trì hoãn nhu cầu phẫu thuật ít nhất là tạm thời và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm khớp.

Mạng Y Tế
Nguồn: https://amp.mangyte.vn/benhcategory-viem-khop-3644.html

Lưu ý: Thông tin về bệnh chỉ mang tính chất tham khảo.

Bệnh cùng chuyên mục

Thuốc liên quan đến bệnh Viêm khớp