Thông tin bệnh Viêm não mùa hè

Tra cứu bệnh bắt đầu bằng chữ cái V

Viêm não mùa hè

Các tên gọi khác của bệnh này:
  • Viêm não mùa hè
  • Viêm não B
  • Encephalitis Japonica

Thông tin bệnh Viêm não mùa hè

Tổng quan Bệnh Viêm não Nhật Bản cùng các dấu hiệu, triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và thông tin về các bệnh viện, phòng khám, bác sĩ chữa bệnh Viêm não Nhật Bản.

Tóm tắt bệnh Viêm não mùa hè

Bệnh viêm não Nhật Bản do vi-rút thuộc nhóm Flavi, họ arbovirus nhóm B gây ra, lây nhiễm vào não qua vết muỗi đốt (muỗi Culex).

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não – màng não tuỷ với tỉ lệ mắc và tử vong rất cao.

Bệnh xảy ra chủ yếu ở các nước châu Á.Hiện có vắc-xin chống lại căn bệnh này.

Triệu chứng

Triệu chứng bắt đầu từ 5-15 ngày sau khi bị muỗi đốt, bao gồm: sốt, nhức đầu, cứng cổ, nhầm lẫn, run, co giật và yếu cơ.

Một số trường hợp nghiêm trọng có thể bị hôn mê và tử vong.

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Quét CT và chụp cộng hưởng từ (MRI).

Xét nghiệm máu tìm kháng thể (IgM) chống lại vi-rút.

Xét nghiệm dịch não tủy.

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

Điều trị

Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước, dùng Acetaminophen, steroid chống viêm (ibuprofen) hoặc Aspirin để hạ sốt.

Trẻ em không nên dùng aspirin vì nguy cơ mắc hội chứng Reye.

Cần nhập viện điều trị ngay lập tức nếu bệnh nhân bị ói mửa liên tục, đau đầu dữ dội, co giật, nhầm lẫn, suy nhược, hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác.

Tổng quan bệnh Viêm não mùa hè

Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm nhiễm vi rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao.

Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên gây bệnh là một loại vi rút được đặt tên là vi rút Viêm não Nhật Bản và từ đó tên bệnh cũng được gọi là viêm não Nhật Bản.

Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người.

Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt.

Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người.

Bệnh có tỉ lệ tử vong là 20%, di chứng có thể gây liệt và làm tổn thương não.

Nguyên nhân bệnh Viêm não mùa hè

Tác nhân gây bệnh:Vi-rút viêm não Nhật Bản

Nguồn truyền

Động vật nhiễm vi rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người.

Nguồn tuyền nhiễm trong thiên nhiên là loài chim, trong đó có một số loài ăn quả vải quả nhãn như tu hú, liếu điếu.

Nguồn truyền nhiễm gần người là một số loài gia súc, trong đó quan trọng nhất là lợn nhà.

Đường lây

Là đường máu, qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex là chủ yếu

Muỗi đốt súc vật bị nhiễm và sau đó truyền bệnh khi đốt trẻ em.

Ở Việt Nam loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào buổi chập tối.

Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, nó là trung gian truyền bệnh chủ yếu bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.

Phòng ngừa bệnh Viêm não mùa hè

Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin VNNB, bởi vì vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có VNNB.

Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình.

Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.

Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các có sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.

Toàn thể người dân và cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cộng đồng.

Điều trị bệnh Viêm não mùa hè

Chống phù nề não

Truyền các dịch ưu trương để làm tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch.

Truyền tĩnh mạch dung dịch Glucoza 10%, 20%, 30%.

Glucoza chỉ gây giảm áp lực ở khoang não tuỷ trong một thời gian ngắn (không quá 35 - 40 phút).

Do vậy, nếu không xen kẽ sử dụng các dịch lợi niệu khác thì sẽ gây hiện tượng 'tái phù' trở lại của tổ chức tế bào nặng hơn trước.

Các thuốc lợi tiểu: Làm giảm phù mạnh hơn và thời gian kéo dài trong 2-10 giờ.

Có thể truyền Manitol 20% liều từ 1-2 g/kg thể trọng, truyền với tốc độ lớn (có thể cho chảy thành dòng).

Trong những trường hợp phù não nặng có co giật thì dùng Corticoid để giúp bình thường hoá sự thẩm thấu của mạch máu chống lại sự tích luỹ nước và muối ở tổ chức não.

Tốt hơn cả là dùng Dexamethason là loại Glucocorticoid tổng hợp tác dụng chậm và hiệu quả hằng định.

Dexamethason phát huy tác dụng chống phù nề não sau 12-18 giờ.

Liều dùng 10mg tiêm tĩnh mạch, sau cứ 5 giờ lại tiêm 4mg bắp thịt.

An thần cắt cơn giật

Seduxen có thể cho qua sonde hoặc tiêm bắp thịt và tĩnh mạch.

Có thể dùng dung dịch liệt hạch truyền tĩnh mạch nhỏ giọt: Aminazin + Thiantan + Spartein (liều lượng Aminazin 3-7 mg/1kg thể trọng/24 giờ).

Nếu bệnh nhân có co giật nhiều thì dùng Gardenal.

Hạ nhiệt

Cởi quần áo cho bệnh nhân, chườm đá vào bẹn, nách, cổ...

quạt, xoa cồn long não.

Có thể dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde hoặc thụt giữ qua trực tràng...

Aspirin 0,25 - 1g/24 giờ.

Tốt nhất dùng efferalgan dung dịch (5 ml/lần, 2-3 lần/24 giờ), hoặc đạn efferalgan (1-2 đạn/24 giờ, khi sốt cao).

Hồi sức hô hấp và tim mạch

Thở ôxy, lau hút đờm rãi, sẵn sàng hô hấp viện trợ khi rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở.

Bổ sung nước điện giải kịp thời theo Hematocrit và điện giải đồ.

Dùng thuốc trợ tim mạch ouabain, spartein, khi cần thiết có thể dùng các thuốc vận mạch như aramin, noradrenalin, dopamin.

Ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét

Dùng kháng sinh phổ rộng như Ampixilin hoặc Cephalosporine thế hệ 3 tuỳ theo trọng lượng cơ thể.

Thường xuyên lau rửa da, vệ sinh răng miệng, đặt vòi đái, dùng đệm cao su bơm hơi để vào các điểm tỳ hoặc nằm đệm nước và thường xuyên thay đổi tư thế cho bệnh nhân.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân phải đảm bảo đủ đạm và các vitamin, cho ăn qua sonde 4 lần/ngày.

Mạng Y Tế
Nguồn: https://amp.mangyte.vn/benhcategory-viem-nao-mua-he-3876.html

Lưu ý: Thông tin về bệnh chỉ mang tính chất tham khảo.

Bệnh cùng chuyên mục

Thuốc liên quan đến bệnh Viêm não mùa hè