Tài liệu y khoa

Kháng sinh amikacin – nhóm aminoglycoside

  • Mã tin: 6528
  • Ngày đăng: 28/02/2023
  • Gian hàng: mangyte  
  • Khu vực: Hà nội
  • Giá: Liên hệ
Mục lục
- Kháng sinh amikacin – nhóm aminoglycoside

Để lại bình luận tại Kháng sinh amikacin – nhóm aminoglycoside

Amikacin

Hãng sản xuất

Bristol-Myers Squibb

Thành phần

Amikacine sulfate

Dạng bào chế

Bột pha tiêm 250 mg : hộp 10 lọ bột + 10 ống dung môi 2 ml,
Bột pha tiêm 500 mg : hộp 10 lọ bột + 10 ống dung môi 4 ml,
Dung dịch tiêm dùng trong nhi khoa 50 mg/ml : hộp 20 lọ 1 ml

Biệt dược khác

Selemycin (Medochemie) lọ tiêm 250mg/2ml, 500mg/2ml

Opekacin (O.P.V. Pharm) lọ tiêm 100mg/2ml, 500mg/2ml

Ita-medkacin (Fisiopharma) lọ tiêm 500mg/ 2ml

Unidikan (United Pharm) lọ tiêm 500mg/ 2ml

Dược lực

Amikacine là kháng sinh thuộc họ aminoglycoside.
Hoạt tính kháng khuẩn:
Phân loại mức độ nhạy cảm, trung gian hay đề kháng của vi khuẩn đối với một kháng sinh dựa vào nồng độ kháng sinh: nhạy cảm ≤ 8 mg/l, đề kháng > 16 mg/l.
Mức độ đề kháng của kháng sinh thay đổi tùy theo khu vực địa lý và thời gian đối với một số loài. Do đó cần nắm thêm những thông tin về mức độ đề kháng của kháng sinh ở tại khu vực, nhất là trong điều trị những nhiễm trùng nặng. Các dữ liệu dưới đây chỉ nhằm cho biết khuynh hướng chung về mức độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh này.
Vi khuẩn nhạy cảm:
– Vi khuẩn hiếu khí Gram+: corynebacterium, Listeria monocytogenes, Nocardia asteroides, staphylococcus meti-S.
– Vi khuẩn hiếu khí Gram-: acinetobacter (chủ yếu là Acinetobacter baumannii), Branhamella catarrhalis, campylobacter, Citrobacter freundii, Citrobacter koseri, Enterobacter aerogenes (20-40 %), Enterobacter cloacae, Escherichia coli, Haemophilus influenzae, klebsiella (0-20 %), Morganella morganii, Proteus mirabilis, Proteus vulgaris, Providencia rettgerii, Providencia stuartii, Pseudomonas aeruginosa (5-20 %), salmonella, serratia (5-15 %), shigella, yersinia.
– Các loài khác: mycobacteries.
Vi khuẩn nhạy cảm trung bình (trong thử nghiệm in vitro cho kết quả nhạy cảm trung gian):
– Vi khuẩn hiếu khí Gram-: pasteurella.
Vi khuẩn đề kháng:
– Vi khuẩn hiếu khí Gram+: enterocoques*, staphylococcus meti-R**.
– Vi khuẩn hiếu khí Gram-: Alcaligenes denitrificans, burkholderia, flavobacterium sp, Stenotrophomonas maltophilia, streptococcus.
– Vi khuẩn kị khí: các chủng vi khuẩn kị khí tuyệt đối.
– Các loài khác : chlamydia, mycoplasmes, rickettsies.
* Trong một số chỉ định, amikacine có thể được sử dụng phối hợp, nhất là với các bêtalactamines (trong điều trị nhiễm trùng máu, viêm màng trong tim). Tuy nhiên, phối hợp không có tác dụng khi vi khuẩn streptocoques, enterocoques) đề kháng cao với amikacine (30-80% chủng).
** Tỉ lệ đề kháng với meticilline vào khoảng 30-50% các staphylocoques và thường xảy ra ở bệnh viện.

Dược động học

Amikacine là kháng sinh được sử dụng bằng đường tiêm.
Phân phối :
– Amikacine khuếch tán nhanh sau khi tiêm.
– Ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường, tiêm bắp 7,5 mg/kg (500 mg ở người lớn) sẽ cho nồng độ đỉnh trong huyết thanh là 20 mcg/ml sau khi tiêm 1 giờ.
– Dùng liều 7,5 mg/kg bằng cách truyền tĩnh mạch liên tục trong 30 phút sẽ cho nồng độ trong huyết thanh là 38 mcg/ml khi kết thúc đợt truyền.
– Ở người tình nguyện khỏe mạnh, truyền tĩnh mạch liên tục với liều 15 mg/kg trong 30 phút sẽ cho nồng độ trong huyết thanh khoảng 77 mcg/ml khi kết thúc đợt truyền và đạt khoảng 47 mcg/ml và 1 mcg/ml tương ứng với 1 giờ và 12 giờ sau đó.
– Ở bệnh nhân lớn tuổi có thanh thải créatinine trung bình là 64 ml/phút, truyền tĩnh mạch liên tục với liều 15 mg/kg trong 30 phút sẽ cho nồng độ trong huyết thanh là 55 mcg/ml khi kết thúc đợt truyền và đạt khoảng 5,4 mcg/ml và 1,3 mcg/ml tương ứng với 12 giờ và 24 giờ sau đó.
– Nhiều nghiên cứu dùng đa liều cho thấy không có hiện tượng tích lũy ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường khi dùng liều một lần mỗi ngày từ 15 đến 20 mg/kg.
– Thời gian bán hủy trong huyết thanh trung bình là 2 giờ.
– Thể tích phân phối biểu kiến là 24 lít tương ứng 28% trọng lượng cơ thể.
– Sau khi tiêm, amikacine khuếch tán nhanh trong cơ thể :
– khoảng 10 đến 20% nồng độ trong huyết thanh qua màng não bình thường, và có thể tăng lên đến 50% khi màng não bị viêm ;
– amikacine cũng được tìm thấy trong khoang bụng, trong dịch màng phổi, trong dịch tiết phế quản với nồng độ trị liệu (10 đến 20% nồng độ trong huyết thanh) ;
– thuốc khuếch tán qua nhau thai ở mức độ quan trọng. Khoảng 20% nồng độ amikacine trong máu mẹ được tìm thấy trong máu của bào thai và trong nước ối ;
– tỉ lệ kết dính với protéine dưới 10%.
Bài tiết :
– Amikacine chủ yếu được đào thải qua thận dưới dạng có hoạt tính. Trên 90% liều dùng được tìm thấy trong nước tiểu trong 24 giờ.
Một liều 7,5 mg/kg sẽ cho một nồng độ khoảng 800 mcg/ml trong nước tiểu trong 6 giờ.
– Bên cạnh sự đào thải qua nước tiểu, một phần rất nhỏ amikacine cũng được đào thải qua mật.

Chỉ định

Nhiễm trùng do vi khuẩn Gram âm được xác định là nhạy cảm, nhất là ở các nhiễm trùng thận và đường tiết niệu.
Có thể phối hợp aminoglycoside với một kháng sinh khác trong một số trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm dựa vào các dữ liệu vi khuẩn học, đặc biệt trong các biểu hiện nhiễm trùng ở thận, hệ tiết niệu và sinh dục, nhiễm trùng huyết và viêm nội tâm mạc, viêm màng não (có thể hỗ trợ thêm bằng liệu pháp tại chỗ), nhiễm khuẩn hô hấp, ngoài da (nhiễm trùng da ác tính do Staphylocoque ở mặt), nhiễm khuẩn ở khớp.

Chống chỉ định

– Dị ứng với kháng sinh họ aminoglycoside.
– Nhược cơ.
– Phối hợp với một kháng sinh khác cũng thuộc họ aminoglycoside : xem Tương tác thuốc.

Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng

Nhóm aminoglycoside có độc tính trên thận và tai, do đó cần phải thận trọng khi sử dụng :
– trường hợp bệnh nhân bị suy thận, chỉ dùng amikacine khi thật cần thiết và cần điều chỉnh liều tùy theo độ thanh thải créatinine.
– theo dõi chức năng thận và thính giác và kiểm tra thường xuyên nồng độ kháng sinh trong huyết thanh.
– đối với bệnh nhân đã có rối loạn tiền đình và ốc tai, chỉ nên dùng amikacine sau khi đã cân nhắc lợi và hại.
– tránh dùng thuốc lặp đi lặp lại và/hoặc kéo dài, đặc biệt ở người lớn tuổi.
– cẩn thận khi phối hợp amikacine với thuốc lợi tiểu mạnh.
– nếu có can thiệp phẫu thuật, cần báo cho chuyên viên gây mê hồi sức biết bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc này.

Lúc có thai và lúc nuôi con bú

Lúc có thai:

Các thử nghiệm trên thú vật cho thấy có gây tổn thương ốc tai – tiền đình và chức năng thận trên nhiều loài.
Trên lâm sàng, một vài trường hợp tổn thương ốc tai – tiền đình đã được ghi nhận đối với một số aminosides.
Tóm lại, không khuyến cáo dùng thuốc này khi mang thai. Nếu phát hiện có thai khi đang dùng thuốc, không tuyệt đối phải phá thai mà phải thận trọng theo dõi các chức năng trước và sau khi sinh (tai, thận). Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng aminoglycoside đường toàn thân, cần điều chỉnh liều theo trọng lượng và chức năng thận của bệnh nhân.

Lúc nuôi con bú:

Chưa có số liệu về bài tiết của aminoglycoside qua sữa mẹ, nhưng hầu như là thấp.
Sự hấp thu của thuốc này qua đường tiêu hóa của nhũ nhi đủ tháng là không đáng kể.
Sự hiện diện của thuốc ở đường ruột của nhũ nhi đủ tháng có thể làm mất cân bằng hệ sinh khuẩn đường ruột, dẫn đến nhiễm candida, tiêu chảy. Ngoài ra còn tiềm tàng nguy cơ gây độc tính trên tai và thận.
Tóm lại, nếu có chỉ định dùng thuốc, phải không được cho con bú mẹ.

Tương tác thuốc

Chống chỉ định phối hợp :
– Phối hợp với một kháng sinh khác cũng thuộc họ aminoglycoside : có nguy cơ tăng độc tính trên thận và tai.
Không nên phối hợp :
– Polymyxine (dạng tiêm) : cộng thêm độc tính trên thận. Chỉ phối hợp khi có sự giám sát chặt chẽ và kết quả kháng sinh đồ đòi hỏi cần phải phối hợp hai kháng sinh này.
– Độc tố của Clostridium botulinum : aminoglycoside có thể làm tăng tác dụng của độc tố của Clostridium botulinum. Nên sử dụng một kháng sinh khác.
Thận trọng khi phối hợp :
– Céfalotine : khả năng céfalotine làm tăng độc tính trên thận của aminoglycoside còn đang được tranh cãi. Theo dõi chức năng thận.
– Thuốc giãn cơ loại curare : tác dụng curare tăng khi kháng sinh được sử dụng bằng đường tiêm và/hoặc đường phúc mạc trước khi, trong khi hoặc sau khi sử dụng thuốc có tác dụng curare. Theo dõi mức độ của tác dụng curare vào cuối giai đoạn vô cảm.
– Thuốc lợi tiểu quai (bumétanide và furosémide) : tăng nguy cơ gây độc tính trên thận và tai của aminoglycoside (do thuốc lợi tiểu có thể gây mất nước dẫn đến suy thận chức năng).
Có thể phối hợp nhưng cần theo dõi tình trạng nước của cơ thể, chức năng thận và chức năng ốc tai-tiền đình và nếu cần, kiểm tra nồng độ aminoglycoside trong huyết tương.
Lưu ý khi phối hợp :
– Dùng các aminoglycoside kế tiếp nhau : lưu ý nguy cơ độc tính trên tai do tích lũy thuốc (dùng qua đường tại chỗ hay đường toàn thân).
– Amphotéricine B : có nguy cơ tăng độc tính trên thận.
– Ciclosporine : créatinine huyết tăng cao hơn so với ciclosporine dùng một mình (do hiệp đồng độc tính trên thận).

Tác dụng ngoại ý

– Độc tính trên thận : suy thận sau khi sử dụng aminoglycoside, trong đa số trường hợp, có liên quan đến việc dùng liều quá cao hoặc thời gian điều trị quá dài, tổn thương thận có từ trước, rối loạn huyết động hoặc phối hợp với các thuốc được biết là gây độc cho thận.
– Độc tính trên tai : tổn thương do dùng aminoglycoside dễ xảy ra khi dùng liều hàng ngày quá cao, thời gian điều trị kéo dài, có suy thận sẵn, nhất là suy thận chức năng ở người già, hay do phối hợp với các thuốc gây độc trên tai.
– Phản ứng dị ứng nhẹ (phát ban, nổi mày đay), sẽ tự khỏi khi ngưng điều trị.

Liều lượng và cách dùng

Không tiêm tĩnh mạch trực tiếp.
Có thể tiêm 1 lần/ngày đối với các trường hợp sau :
– bệnh nhân dưới 65 tuổi.
– bệnh nhân có chức năng thận bình thường.
– khi thời gian điều trị không quá 10 ngày
– không bị giảm bạch cầu đa nhân trung tính.
– khi loại trừ được nhiễm khuẩn Gram dương.
– đối với nhiễm khuẩn Gram âm (ngoại trừ Pseudomonas và Serratia).
Trong trường hợp khác, thì tiêm 2 lần/ngày.
Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch trong vòng 30 đến 60 phút (sau khi hòa tan trong dung dịch đẳng trương NaCl hoặc glucose với nồng độ 500 mg/200 ml) :
– Liều thông thường :
Người lớn/Trẻ em/Trẻ còn bú: 15 mg/kg/ngày, chia làm 1 đến 3 lần ở người lớn và trẻ em.
– Nhiễm trùng nặng :
Người lớn: tối đa 1,5 g/ngày, và tối đa 15 g cho một đợt trị liệu.
Tiêm dưới da : 15 mg/kg/ngày, chia làm 2 hoặc 3 lần.
Tiêm trong cột sống : 0,5 mg/kg, tiêm một lần mỗi 48 giờ ; tiêm lặp lại 3 hoặc 4 lần, sau khi đã vô khuẩn hóa dịch não-tủy.
Suy thận: 7,5 mg/kg ở lần tiêm đầu tiên ; tiêm lặp lại với khoảng cách thời gian giữa 2 lần tiêm được tính như sau :
T’ = 3 T½ (T½ = 0,3 x créatinine huyết tính theo mg/l).

Tương kỵ

Tránh pha amikacine trong cùng một chai với thuốc khác, nhất là với kháng sinh họ bêta-lactamine.

Quá liều

Trong trường hợp quá liều hay có phản ứng ngộ độc, thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc giúp đào thải nhanh Amiklin.

Bảo quản

– Sau khi pha với dung môi thích hợp, dung dịch Amiklin ổn định trong 12 giờ ở nhiệt độ phòng và trong 10 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh.
– Amiklin ổn định trong 24 giờ khi pha trong các dung dịch NaCl 0,9%, glucose đẳng trương 5%, glucose 10%.

Mạng Y Tế
Nguồn: https://tailieuykhoamienphi.com/khang-sinh-amikacin-nhom-aminoglycoside/
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY