Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

1 con sa bằng 3 con đẻ

Người mẹ nào cũng cảm thấy vô cùng đau khổ nếu bị sảy thai. Tiếc thay, hiện tượng sảy thai lại khá phổ biến với tỉ lệ từ 20-30% trong tổng số phụ nữ mang thai. Không chỉ để lại di chứng về mặt tâm lí mà theo dân gian đúc kết, một lần sẩy thai người mẹ còn mất sức bằng đẻ ba đứa con.

Sẩy thai, tại sao?

Có nhiều nguyên nhân gây sẩy thai, trong đó chủ yếu là những nguyên nhân sau:

Vấn đề về nhau thai: Nhau thai là một cơ quan vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới sự sống còn của thai nhi khi ở trong bụng mẹ. Nhau thai đóng vai trò là nguồn thức ăn của thai nhi vì nó nối thai nhi với nguồn máu của người mẹ. Nếu nhau thai bất thường, thai nhi cũng phát triển không ổn định và dẫn đến sảy thai.

Bất thường về nhiễm sắc thể: Để quá trình mang thai diễn ra cần phải có 23 nhiễm sắc thể từ người cha và người mẹ. Một bào thai bình thường sẽ có tổng cộng 46 nhiễm sắc thể. Lượng nhiễm sắc thể nhiều hơn hoặc ít hơn đều dẫn đến sảy thai do thai nhi phát triển bất bình thường.

Nhiễm trùng: Khi người phụ nữ mang thai bị nhiễm các bệnh như: bệnh lây lan qua đường tình dục, sốt rét, rubella hoặc HIV không có nghĩa là họ chắc chắn sẽ bị sảy thai. Tuy nhiên, xác suất bị sảy thai ở các trường hợp này rất cao.

Bệnh tật: Các bệnh mãn tính như bệnh tuyến giáp, tiểu đường không được kiểm soát, tăng huyết áp nghiêm trọng và lupus làm tăng cao nguy cơ sảy thai.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): thường gây vô sinh nhưng nếu phụ nữ có thai khi bị hội chứng này, tỷ lệ sảy thai rất cao. Lí do là vì buồng trứng của những người này thường lớn hơn so với bình thường dẫn đến sự mất cân bằng trong tử cung.

Ảnh minh họa

Sẩy thai có thể có một hoặc nhiều triệu chứng báo trước như ra nước, ra huyết âm đạo, đau bụng dưới, đột ngột hết nghén. Một số trường hợp không có triệu chứng gì trước đó, đột ngột ra nước hay ra huyết rồi sẩy thai ngay sau đó.

Do đó, những người bị sẩy thai luôn có cảm giác mất mát đột ngột, hụt hẫng. Những hậu quả về tình cảm có thể kéo dài rất lâu. Không dễ đối mặt với cảm giác tiếc nuối, trống trải, đôi khi bực tức và tức giận. Liên tục xuất hiện câu hỏi về nguyên nhân bất hạnh, đối tượng khổ sở vì mặc cảm bản thân có lỗi. Nhiều người e ngại sẽ không thể có con.

Không chỉ mất con, người sẩy thai còn mất sức bởi phần lớn phải nạo kiểm tra để tránh khả năng sót nhau, nhất là những thai trên 12 tuần. Nạo sau sẩy thai không khác gì nạo do vỡ kế hoạch hóa gia đình, vì có các tai biến như: nguy cơ nhiễm trùng, thủng buồng tử cung, dính buồng tử cung có thể gây vô sinh sau này.

Ngoài ra, còn có nguy cơ liên quan đến sốc phản vệ hoặc sốc do đau. Sẩy thai gây mất máu, nhiều hoặc ít. Những trường hợp sẩy thai liên tiếp không chỉ mài mòn sức khỏe mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người mẹ do lo lắng, thậm chí có người bị trầm cảm, suy nhược cơ thể…

Về mặt thể xác, cơ thể đang chuẩn bị mang thai trong thời gian 9 tháng 10 ngày, bị dừng đột ngột làm mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến những lần mang thai sau.

Dinh dưỡng sau sẩy thai

Ngoài các vấn đề về tinh thần, sẩy thai còn khiến cơ thể phụ nữ bị suy yếu, đặc biệt là do mất nhiều máu. Vì vậy, hãy bổ sung những dưỡng chất sau:

Trứng: Cơ thể bạn rất yếu sau khi sẩy thai. Bạn cần chọn các loại thực phẩm cung cấp đầy đủ năng lượng. Trứng là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, chất đạm và các chất dinh dưỡng thiết yếu.

Sắt: Sau sảy thai, cơ thể chị em mất rất nhiều máu khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt. Bởi vậy việc bổ sung sắt cho cơ thể là điều vô cùng cần thiết. Thông thường cơ thể sẽ dễ dàng hấp thu sắt từ động vật. Do đó bạn nên ghi danh các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu vào trong thực đơn hàng ngày của mình.

Magie: Nhiều chị em chia sẻ rằng sau khi mất con, họ thường xuyên ở vào trạng thái lo lắng và buồn bã. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần hoặc hàng tháng trời, thậm chí có những người không thể vượt qua nỗi đau mất con. Để đối phó với tình trạng này, chị em nên bổ sung các thực phầm giàu magie vào trong chế độ ăn của mình. Gạo, lúa mì, yến mạch, hạt bí ngô, bí đao, dưa hấu, hướng dương, hạnh nhân, hạt điều, mận khô, cải xoăn, cải lá xanh, rau bina là nguồn magie tốt nhất cho cơ thể.

Canxi: Mang thai làm cạn kiệt đi nguồn canxi vốn có trong cơ thể bạn. Vì vậy ngay sau khi sảy thai, chị em cần bổ sung nguồn dưỡng chất này. Sữa và các sản phẩm từ sữa là những sản phẩm cung cấp canxi tốt nhất cho cơ thể. Ngoài ra trái cây sấy khô, cải chíp, chuối, hạt dẻ, súp lơ xanh…. cũng được đánh giá là những thực phẩm giàu canxi.

Sản phẩm từ sữa: Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… cung cấp canxi cho bạn. Khi mang thai, cơ thể phụ nữ bị thiếu hụt nhiều canxi vì phải cung cấp cho thai nhi. Vì vậy hãy bổ sung từ 2-4 ly sữa mỗi ngày để cung cấp đủ canxi, chất đạm và phốt pho cho cơ thể.

Axi folic: Các sản phụ thường được khuyến cáo bổ sung đầy đủ axit folic trước và sau thai kỳ. Nguyên do là bởi thiếu loại dưỡng chất này sẽ dẫn tới nguy cơ sảy thai, dị tật ở thai nhi… Với những phụ nữ vừa lâm vào tình trạng “một lần sa”, “nạp” đầy đủ axit folic sẽ tránh những tổn hại do sảy thai để lại và chuẩn bị tốt hơn cho lần mang thai sắp tới.

4 lời khuyên cần nhớ

1. Lập tức tìm gặp bác sĩ - trường hợp nhận thấy ra máu hoặc đau bụng dưới.

2. Đến thẳng bệnh viện gần nhất (nếu có kết quả xét nghiệm nhóm máu, nhớ mang theo) – trường hợp đau bụng dưới dữ dội hoặc máu ra đầm đìa.

3. Nếu rơi ra bất cứ mô gì, hãy mang theo và đưa cho bác sĩ, bởi cần thiết phải kiểm tra.

4. Không đổ lỗi cho ai. Bởi sự cố gần như bất khả kháng.

Hiểu Đan

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/1-con-sa-bang-3-con-de-21669/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY