Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

3 cách xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con, khắc phục tình trạng biếng ăn hiệu quả

Nhiều cha mẹ có con biếng ăn rất lo lắng trẻ sẽ bị thiếu chất mà ép trẻ ăn thật nhiều. Tuy nhiên, đây là một phương pháp cực đoan. Các cha mẹ nếu muốn khắc phục hiệu quả tình trạng này, tốt nhất là nên xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con với 3 cách sau.

Tình trạng biếng ăn ở trẻ có thể bắt nguồn từ việc khẩu phần ăn thiếu cân đối, thực phẩm không có sự đa dạng hoặc cha mẹ không cho trẻ ăn uống theo giờ giấc cố định, để trẻ hình thành thói quen xấu, không tập trung ăn. 

Khi trẻ bị biếng ăn sẽ có rất nhiều bất lợi xảy ra, đặc biệt là với sức khoẻ. Đầu tiên, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng vì cơ thể không hấp thu đủ chất dinh dưỡng để tăng trưởng. Theo đó, trẻ có khả năng chậm phát triển cả về trí não lẫn cảm xúc, cũng như hệ thống miễn dịch và sức đề kháng kém, dễ mắc nhiều bệnh tật. 

Vì vậy, cha mẹ nên xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con với 3 cách sau đây, kể từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm để hạn chế tình trạng kén ăn. Đối với cha mẹ có con kén ăn nên thực hiện ngay bây giờ và cần nhiều sự kiên trì hơn để cải thiện tình trạng này của trẻ.

Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con chỉ với 3 cách sau 

1. Bữa ăn đa dạng về thực phẩm và cách chế biến

Cách tốt nhất để trẻ không biếng ăn đó là cho trẻ tiếp xúc với sự đa dạng về thực phẩm từ sớm. Khi trẻ quen dần thì việc ăn uống cũng không còn là vấn đề nữa. 

Biện pháp này không chỉ giúp trẻ được cung cấp lượng dưỡng chất dồi dào, tốt cho sự phát triển về thể chất và trí não của trẻ (đặc biệt là ở giai đoạn vàng từ 2 tuổi đến 11 tuổi), mà còn hạn chế được tình trạng cha mẹ cho con ăn uống “lệch” dẫn đến việc thiếu hụt chất này, dư thừa chất kia.

Các loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích là các nhóm chất như: chất xơ gồm trái cây, rau củ; protein gồm thịt, cá, trứng, đậu phụ,...; ngũ cốc giàu tinh bột như khoai tây, khoai lang, hoặc gạo; canxi và vitamin D có trong các loại hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa; và chất béo là dầu, quả hạch, bơ hạt hoặc bơ.

Bên cạnh việc cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, cha mẹ cũng nên dành thời gian để tìm hiểu nhiều cách chế biến để tạo sự hứng thú cho con. Đặc biệt, nếu có sự đầu tư trong trang trí thì việc giúp con thích thú trong ăn uống cũng sẽ càng hiệu quả (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, cha mẹ nên hạn chế thêm đường cho đến khi trẻ 2 tuổi. Bởi vì thực phẩm có đường có thể thay thế thực phẩm khác giàu dinh dưỡng hơn trong chế độ ăn, làm tăng nguy cơ sâu răng.

2. Có giờ ăn cố định cho trẻ

Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ biếng ăn là phụ huynh không cho trẻ ăn trong một khung giờ cố định. Nhiều cha mẹ cứ lo sợ con sẽ bị đói mà ép ăn con ăn liên tục, lâu dần sẽ tạo tâm lý không tốt cho con trong việc ăn uống. Vì thế, việc đặt ra một khung giờ cố định sẽ tạo thành thói quen cho trẻ, cứ đến giờ là cơ thể sẽ bắt đầu đói, việc ăn uống của con cũng trở nên dễ dàng hơn. 

Bên cạnh đó, biện pháp này sẽ hiệu quả hơn nếu cha mẹ có thể sắp xếp để bé được ăn uống cùng mọi người trong gia đình. Do đây cũng là giai đoạn để trẻ hình thành nhận thức và bắt đầu học hỏi mọi thứ từ những người xung quanh, khi thấy mọi người ăn trẻ cũng sẽ có cảm giác muốn ăn. 

Một lưu ý khác mà các chuyên gia muốn nhắc nhở cha mẹ đó là không dụ trẻ ăn bằng tivi hoặc điện thoại. Vì điều này kéo dài lâu dần sẽ hình thành thói quen xấu, khiến con dễ bị xao nhãng, không tập trung vào việc ăn, từ đó tình trạng biếng ăn sẽ càng thêm trầm trọng. 

3. Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày

Cha mẹ nên chia nhỏ các bữa chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với lượng thức ăn ít hơn một chút. Theo lý giải của các chuyên gia dinh dưỡng, dung tích dạ dày của trẻ nhỏ nhưng lại tốc độ chuyển hóa thức ăn cao. Chia thành nhiều bữa nhỏ sẽ giúp hệ tiêu hoá của trẻ được hoạt động liên tục, từ đó kích thích ăn uống và đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ ăn lúc nào cũng được mà còn dựa vào khả năng dung nạp thức ăn của mỗi bé. Dựa theo khuyến cáo của các chuyên gia, để đảm bảo cho sự phát triển thần tốc trong 2 năm đầu đời, trẻ cần được cung cấp khoảng 112 calo cho mỗi kg cân nặng. Tuy nhiên, thể tích dạ dày của trẻ lúc này chỉ có thể chứa khoảng 200 gram thực phẩm nên bé có thể sẽ cần từ 5 - 6 bữa/ ngày để cung cấp đủ khẩu phần dinh dưỡng. Trung bình, cứ mỗi 3 - 4 tiếng, mẹ có thể cho bé ăn một bữa nhỏ. 

Với khung giờ của bữa chính, phụ huynh hãy cho bé ăn đủ chất với các loại thực phẩm như rau, thịt, cơm. Còn khung giờ của những bữa phụ thì có thể cho bé dùng sữa, sữa chua, bánh quy hay trái cây.  

Đặc biệt, mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài tối đa 30 phút và không ăn bất cứ thứ gì khác từ khi kết thúc bữa ăn cho đến khi bắt đầu bữa ăn tiếp theo. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng không tập trung, hoặc no ngang của trẻ (Ảnh: Internet)

Trên đây là 3 cách giúp xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ, giúp hạn chế cũng như là khắc phục tình trạng biếng ăn hiệu quả. Tuy nhiên, nhằm hiểu rõ hơn về tình trạng của con thì tốt nhất cha mẹ nên đưa con đi thăm khám bởi các bác sĩ, chuyên gia để được được tư vấn và đưa ra cách khắc phục thích hợp.

Xem thêm: Cảnh báo 2 nguyên nhân khiến sốt xuất huyết trở nặng và bí quyết phòng ngừa bệnh hiệu quả

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/3-cach-xay-dung-thoi-quen-an-uong-lanh-manh-cho-con-khac-phuc-tinh-trang-bieng-an-hieu-qua-35217/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY