Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

4 chỉ số “vàng” giúp đo lường sức khoẻ, nếu càng cao thì nguy cơ bệnh tật càng lớn

Theo các y bác sĩ, có 4 chỉ số cơ bản - được xem là “thước đo” giúp chẩn đoán tình trạng sức khoẻ và nguy cơ bệnh tật của một người. Nếu bạn đang thắc mắc các chỉ số ấy là gì và vì sao nó lại quan trọng, thì hãy cùng Sức khoẻ Gia đình tìm hiểu nhé!

1. Chỉ số huyết áp

Huyết áp được hiểu là áp lực máu cần thiết lên thành động mạch, giúp đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Áp lực máu sẽ được tạo nên bởi lực co bóp của quả tim và sức cản của động mạch. Huyết áp được xem là một trong những dấu hiệu chính giúp nhận biết cơ thể có đang ổn định hay không. Bên cạnh đó, việc huyết áp tăng hay giảm cũng được cần được kiểm soát kỹ càng vì chúng đều có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ chúng ta. Đó là lý do vì sao, đo lường chỉ số huyết áp là điều quan trọng, giúp nhận biết tình trạng sức khoẻ cũng như cảnh báo nguy cơ bệnh tật

Thông thường, chúng ta sẽ đo huyết áp dựa theo công thức: số đo của huyết áp tâm thu*/ số đo của huyết áp tâm trương**. Theo đó, chỉ số huyết áp bình thường sẽ dao động giữa mức 90/60 mmHg và 120/80 mmHg. Chỉ số huyết áp thấp hơn mức bình thường gọi là huyết áp thấp, và cao hơn mức bình thường gọi là huyết áp cao.

 Huyết áp tâm thu: áp lực trong động mạch lên đến mức tối đa khi tâm thất co bóp.

** Huyết áp tâm trương: áp lực trong động mạch giảm xuống mức tối thiểu khi tâm thất giãn ra.

Tất cả mọi người đều cần quan tâm đến chỉ số huyết áp của bản thân để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh lý huyết áp, nhất là huyết áp cao. Vì khi mắc bệnh huyết áp mà không được kiểm soát hay điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận, tổn thương mạch máu, xơ vữa động mạch, đột quỵ, đau tim hay nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, để tránh nguy cơ mắc các bệnh lý huyết áp, ngoài việc đo chỉ số huyết áp thường xuyên thì mọi người cũng cần thực hiện một chế độ sinh hoạt lành mạnh, trong cả ăn uống lẫn sinh hoạt. Cụ thể, mọi người nên giảm thiểu lượng muối nạp vào cơ thể; chủ động cắt giảm rượu bia, ngừng hút thuốc; tập thể dục thường xuyên cũng góp phần giữ cho huyết áp ổn định.

Chúng ta có thể thực hiện đo huyết áp tại nhà để tự kiểm tra sức khoẻ của mình. Nhưng để có kết quả đo chính xác, mọi người cần nhớ: thả lỏng cơ thể, tránh căng thẳng và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thuốc lá; trà hoặc cà phê; không ăn quá no,... trước khi đo (Ảnh: Internet)

2. Chỉ số đường huyết

Đo chỉ số đường huyết sẽ giúp ta nhận biết lượng đường trong máu có đang ổn định hay không, đang tăng hay giảm nhằm đánh giá tình trạng sức khoẻ. Theo các y bác sĩ, chỉ số đường huyết được cho là ổn định nếu ở mức: nhỏ hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/l) trong trạng thái bình thường hoặc sau bữa ăn; nhỏ hơn 100 mg/dL (<5,6 mmol l) khi đói; cùng với đó là lượng HemoglobinA1c (HbA1c - chỉ số giúp chẩn đoán đái tháo đường) nhỏ hơn 42 mmol mol (5,7%).< p>

Nếu lượng đường trong máu tại những thời điểm trên cao hơn so với mức chuẩn thì đó là dấu hiệu của đường huyết tăng cao. Nếu hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh thông qua những biến chứng như: tổn thương thần kinh ngoại biên, huyết áp, tim mạch, và tổn thương mắt.

Ngược lại, nếu lượng đường trong máu tại những thời điểm trên thấp hơn so với mức chuẩn thì đó là dấu hiệu của hạ đường huyết. Hạ đường huyết so với tăng đường huyết còn nguy hiểm hơn, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng này thường xảy ra nhất với những bệnh nhân đang mắc sẵn bệnh đái tháo đường loại 1 hoặc 2.  

Có thể thấy, dù là đường huyết tăng hay giảm đều sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm và khó lường. Để tránh những tình trạng không mong muốn như trên, việc chủ động bảo vệ sức khoẻ bằng những thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là rất cần thiết. 

Mọi người nên hạn chế ăn thực phẩm có đường và dầu mỡ mà tăng cường chất xơ và các thực phẩm tốt cho sức khoẻ; uống đủ nước; vận động thường xuyên để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (Ảnh: Internet)

3. Chỉ số khối cơ thể BMI

Thông qua chỉ số BMI (Body mass index - chỉ số khối cơ thể), chúng ta có thể biết được tình trạng thể chất của một người là đang: thừa cân (khi chỉ số BMI vượt hơn 24,9), thiếu cân (khi chỉ số BMI thấp hơn 18,5) hay cân nặng đạt chuẩn (khi chỉ số BMI nằm giữa 18,5 và 24,9). Từ đó cũng sẽ đo được lượng mỡ trong cơ thể, nhằm đánh giá sức khỏe và các nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn của một người. 

Nhiều chuyên gia y tế chỉ ra rằng, chỉ số BMI quá cao hoặc quá thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường loại 2. Trong khi đó, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới cho biết, nếu mọi người đều giữ mức BMI cân đối giữa 18.5 đến 24,9, ước tính có thể ngăn ngừa hơn 25.000 trường hợp ung thư.

Điều này chứng minh, duy trì chỉ số BMI trong mức khỏe mạnh là cực kỳ quan trọng. Nếu muốn đạt được mục tiêu này, đầu tiên mọi người cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm. Tiếp đến là vận động thường xuyên, sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

*Công thức để tính chỉ số BMI:

BMI = W/ [(H)2]

Trong đó:

- W: là cân nặng (kg)

- H là chiều cao (m)

4. Hàm lượng cholesterol

Cholesterol là một chất dưới dạng sáp (giống như chất béo) được tạo thành một cách tự nhiên thông qua gan, hoặc đến từ các loại thực phẩm ta ăn hàng ngày. Cholesterol được chia thành 2 loại: cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL). Tuỳ thuộc vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của chúng ta sẽ quyết định lượng cholesterol xấu hay tốt nhiều hơn trong máu.

Cơ thể chúng ta cần nhất là cholesterol tốt (HDL) để nuôi dưỡng và xây dựng các tế bào khỏe mạnh, nhằm duy trì các hoạt động và chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, sinh hoạt thiếu lành mạnh sẽ làm tiêu biến các loại cholesterol tốt (HDL) và làm tăng cao các loại cholesterol xấu (LDL) - gây ra rất nhiều tác hại cho sức khỏe. Nó sẽ dính vào thành động mạch, tạo thành mảng bám. Các mảng bám này sẽ làm hẹp hoặc tắc động mạch, khiến máu không thể lưu thông trong cơ thể và dễ tạo thành các cục máu đông nếu không may vỡ đột ngột - được xem là nguồn cơn của các biến chứng như đau tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Thông thường, hiện tượng cholesterol xấu tăng cao đều đến từ lối sống không lành mạnh của nhiều người. Vì thế, nếu muốn hàm lượng cholesterol trong máu luôn duy trì ở mức ổn định, việc tuân thủ một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học là rất quan trọng (Ảnh: Internet)

Việc đo hàm lượng cholesterol trong máu mỗi khi kiểm tra sức khoẻ là cực kỳ quan trọng, vì nó giúp chúng ta biết được chỉ số HDL và LDL là bao nhiêu. Tuy nhiên, để có được kết quả chính xác nhất, bạn cần đến bệnh viện hoặc cơ sở uy tín để làm xét nghiệm máu. Sau khi có kết quả, các bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn và đưa ra các phương pháp phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình.

Thông qua bài viết này, có lẽ bạn đã hiểu được vì sao 4 chỉ số cơ bản nêu trên lại quan trọng và có tầm ảnh hưởng đối với sức khoẻ chúng ta. Mong rằng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn biết cách đo lường tình trạng sức khoẻ nói chung và cách để bảo vệ nói riêng. Từ đó luôn sống khoẻ mạnh và tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm nhé.

Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/4-chi-so-vang-giup-do-luong-suc-khoe-neu-cang-cao-thi-nguy-co-benh-tat-cang-lon-36043/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY