Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

4 dấu hiệu cho thấy trẻ bị lồng ruột các mẹ nên chú ý

Hiện nay, thống kê cho thấy có đến 80-90% trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là các bé trai bụ bẫm mắc bệnh lồng ruột. Chứng lồng ruột nếu không được cấp cứu và chữa trị kịp thời có thể gây hoại tử dẫn đến tử vong.

Bệnh lồng ruột xảy ra khi một khúc ruột bên trên di chuyển và chui vào khúc ruột phía dưới (hoặc ngược lại) làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do kích thước của ruột non và ruột già quá chênh lệnh nhau.

Nguyên nhân của bệnh có rất nhiều. Có thể do bố mẹ vui đùa bé quá mức hoặc bé ăn quá nhiều, cũng có thể do nhu động ruột của trẻ bị bất ngờ biến đổi do thay đổi loại sữa trẻ đang dùng. Ngoài ra, các bệnh như u ở ruột, tiêu chảy… sẽ khiến bệnh có nhiều khả năng xuất hiện hơn.

Sau đây là 4 dấu hiệu của chứng lồng ruột các mẹ nên ghi nhớ để có thể nhận biết kịp thời khi trẻ mắc bệnh:

1. Khóc thét từng cơn

Ảnh minh họa

Trẻ đang ăn, chơi bình thường đột nhiên khóc thét từng cơn thì dó có thể là dấu hiệu của chứng lồng ruột.

Trong cơn khóc, trẻ ưỡn người, bỏ bú, khóc kéo dài độ vài phút sau đó nằm yên 10-15 phút lại tỉnh dậy, có thể bú một ít rồi lại khóc tiếp. Lúc này, trẻ khóc là do cơn đau bụng dữ dội. Khóc nhiều khiến trẻ mệt, mặt trắng bệch, lưng cong ưỡn lên, hai tay nắm chặt, chân co lại hay đạp lung tung.

2. Nôn mửa

Ảnh minh họa

Nếu không được phân biệt và phát hiện sớm, sau lần quấy khóc đầu, ở lần khóc thứ hai, cách lần đầu khoảng 5-6 tiếng, bé sẽ bắt đầu nôn.

Ở giai đoạn sớm, bé nôn ra thức ăn chưa kịp tiêu hóa, giai đoạn muộn hơn bé sẽ nôn ra mật xanh vàng, sau đó nôn ra dịch dạng phân.

3. Bụng nổi cục

Khi bạn sờ vào bụng dưới của trẻ, nối thấy có một khối u nổi lên thì rất có thể đó là khối lồng của ruột.

Khi trẻ nằm yên, bạn thử sờ tay vào dưới bụng phải hoặc trên rốn nếu thấy một khối nổi lên, trơn nhẵn, không cứng, đó là khối lồng của ruột. Lúc trẻ mới bị lồng ruột, nếu sờ vào hố chậu bên phải thì thấy rỗng vì ruột ở đây đã chui vào khối lồng rồi.

4. Đi ngoài ra máu

Trẻ bị lồng ruột đi ngoài ra phân có chất nhầy giống hoặc có máu đỏ sẫm. Thông thường, sau 4-12 tiếng bị lồng ruột là trẻ đi ngoài ra máu.

Ngoài 4 triệu chứng chính trên, nếu trẻ bị lồng ruột ở giai đoạn sớm thì sẽ không có triệu chứng sốt, suy sụp, mất nước. Tuy nhiên nếu ở giai đoạn muộn, sau 12 tiếng thì trẻ thường có có dấu hiệu tắc ruột, viêm phúc mạc, đại tiện ra máu, nôn ra phân, cơn khóc có ít đi, trẻ lờ đờ, da xanh tái, sốt 39-40 độ C, bụng chướng và khó sờ thấy khối lồng.

Xử lý như thế nào khi phát hiện trẻ bị lồng ruột?

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời vì lồng ruột cấp tính không thể tự tháo ra được. Nếu bệnh không được chẩn đoán sớm và cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến hoại tử ruột gây viêm phúc mạc và tử vong.

Các thầy thuốc chuyên khoa sẽ nhanh chóng thăm khám và làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang… để xác định chẩn đoán. Khi đã chắc chắn trẻ bị lồng ruột, các biện pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi hoặc barium và thậm chí bằng phẫu thuật sẽ được thực hiện. Đồng thời với các biện pháp này, trẻ có thể được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng...

Ngân Trần

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/4-dau-hieu-cho-thay-tre-bi-long-ruot-cac-me-nen-chu-y-23941/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY