Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

4 lưu ý khi bổ sung axit folic

Axit folic phòng tránh thiếu hụt hồng cầu, hỗ trợ điều trị viêm loét tá tràng, ngăn ngừa đột quỵ, đặc biệt là ngừa sẩy thai và khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi. Axit folic gần như không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, một vài sự kết hợp vô tình có thể khiến lợi thành hại.

Axit Folic là một loại vitamin nhóm B, rất cần thiết cho sự sống. Tác dụng lớn nhất của axit folic là bổ máu. Việc bổ sung axit folic gần như là bắt buộc đối với người thiếu máu, mệt mỏi, axit folic đặc biệt quan trọng với phụ nữ mang thai. Điều đáng nói là axit folic rất dễ bị thay đổi tính hiệu dụng khi kết hợp với những loại thuốc khác, vì vậy cẩn thận là điều không thừa khi bổ sung vi chất này.

1. Không kết hợp với thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm thường được dùng trong việc điều trị chống viêm đau khớp với tác dụng nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, điều đáng ngại là các loại thuốc chống viêm lại làm thay đổi chuyển hoá của axit folic, cụ thể là làm thay đổi hoạt tính của enzym didhydrofolat reductase. Do đó mà folic không thể trở thành một hạt nhân hoạt hoá cần thiết, làm mất đi tác dụng bổ máu và làm giảm tác dụng tổng hợp DNA, kích thích tạo tuỷ xương của loại vitamin này.

Bởi vậy, bạn không nên sử dụng các loại thuốc chống viêm như aspirin, sulphasalazin, sulindac, indomethacin, naproxen, axit salicylic, ibuprofen, piroxicam… khi đang bổ sung acid folic. Nếu việc điều trị với thuốc chống viêm và bổ sung acid folic là bắt buộc, bạn nên uống axit folic trước thuốc chống viêm ít nhất 4 tiếng đồng hồ.

2. Cẩn thận với thuốc dạ dày

Axit folic được hấp thu chủ yếu ở trong dạ dày, nhờ các loại acid có trong dạ dày. Nồng độ axit cao trong dạ dày tạo điều kiện cho folic dễ hoà tan và dễ được hấp thu hơn.

Tuy nhiên, trong điều trị các bệnh lý dạ dày, chúng ta phải thường xuyên dùng thuốc chống tiết acid để làm giảm nồng độ acid trong dạ dày. Tác dụng của thuốc sẽ giúp bạn chống lại tình trạng viêm loét nhưng lại vô tình làm giảm hấp thu acid folic.

Nếu như việc sử dụng cùng lúc hai loại thuốc này là bắt buộc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc tăng liều lượng axit folic nạp vào cơ thể, để bù trừ lại phần thiếu hụt do giảm hấp thu mà thuốc trị bệnh dạ dày gây ra.

3. Tránh xa thuốc hạ mỡ máu

Nếu bạn là nạn nhân của chứng tăng mỡ máu thì rất có thể bạn sẽ được uống đồng thời hai thứ thuốc là folic và thuốc hạ mỡ máu. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với cholestyramin, một loại thuốc hạ mỡ khá phổ biến, có tác dụng điều chỉnh lượng cholesterol trong máu. Bởi loại thuốc này sẽ làm thay đổi nghiêm trọng khả năng hấp thu của ruột, gây giảm hấp thu nghiêm trọng axit folic.

Các thử nghiệm y khoa cho thấy: Những người sử dùng cholestyramin trên 1 tháng có dấu hiệu thiếu folic. Nếu dùng thuốc kéo dài thì sẽ mắc bệnh thiếu folic thực thụ, ngay cả khi bạn vẫn bổ sung axit folic qua thực phẩm bạn ăn mỗi ngày.

Để đối phó với tình trạng này, chúng tôi khuyên bạn, nếu phải dùng chung, hãy uống viên bổ sung folic trước ít nhất 2-3h đồng hồ rồi mới uống thuốc điều chỉnh mỡ máu. Thêm nữa, bạn không nên dùng thuốc hạ mỡ máu này kéo dài. Giữa các đợt dùng thuốc nên cách nhau khoảng 2 tuần để cơ thể có thời gian bổ sung phần acid folic thiếu hụt từ các loại thực phẩm hoặc các viên uống bổ sung.

4. Nói không với rượu

Rượu (không ngoại trừ rượu thuốc) được chứng minh là thủ phạm gây ra sự giảm hấp thu folic trong ruột. Khi đi vào cơ thể, rượu phá huỷ gan nên làm giảm lượng folic dự trữ ở trong gan đồng thời tác động trực tiếp lên axit folic và làm giảm hoạt tính của nó.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm nghiệm và phát hiện, hầu hết những người nghiện rượu 2 năm đều bị thiếu axit folic.. Thí nghiệm trên động vật (khỉ) cho thấy, khi cho một con khỉ uống rượu thường xuyên, trong một thời gian ngắn, con vật này sẽ bị thiếu máu do thiếu axit folic. Lý giải điều này người ta giả thuyết cho rằng rượu đã làm thay đổi hoạt tính các chất bề mặt có tác dụng hấp thu folic.

Bổ sung axit folic từ thực phẩm

Bên cạnh việc bổ sung axit folic bằng viên uống, bạn có thể tăng cường hấp thu vi chất quan trọng này qua các loại thực phẩm:

Trứng: Bằng việc ăn 3 quả trứng, bạn đã bổ sung cho cơ thể ¼ lượng acid folic cần thiết trong một ngày. Ngoài ra, trứng còn cung cấp protein và một loạt các vitamin và khoáng chất cần thiết khác.

Rau có lá xanh sậm: Các loại rau ăn lá màu xanh sẫm (như rau cải, rau diếp, xà lách) rất giàu folate (dạng tự nhiên của axit folic). Các loại rau này cũng đứng đầu về các loại vitamin và nguyên tố vi lượng.

Cam, quýt: Uống một ly nước cam, quýt ép là một cách tốt để hấp thụ acid folic. Ngoài ra, dứa, bưởi cũng rất giàu axit folic.

Các loại đậu: Một nửa bát đỗ nấu chín chứa tới 115mcg axit folic.

Súp lơ xanh: Một bát soup súp lơ xanh có tới 104mcg axit folic (khoảng 1/4 nhu cầu axit folic hàng ngày). Ngoài ra, súp lơ xanh còn giàu canxi, vitamin C, chất xơ và sắt.

Quả bơ: Một quả bơ chứa 180mcg folate. Nhưng không chỉ thế, giống như cá hồi và quả óc chó, quả bơ rất nhiều axit béo Omega-3 (chất béo lành mành, tốt cho tim của mẹ và não của bé).

Nước ép cà chua: Một cốc nước ép cà chua có 48mcg axit folic. Ngoài ra, nước ép cà chua còn giúp cơ thể hấp thu sắt tối đa.

BS. Cao Hồng Phúc

(Học viện Quân y)

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/4-luu-y-khi-bo-sung-axit-folic-8736/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY