Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

4 vệ sỹ bảo vệ nụ cười của bạn

Để chắc sóc sức khỏe răng miệng của bạn tốt hơn và để bảo vệ nụ cười tươi sáng, bạn hãy lưu ý và sử dụng 4 thứ sau một cách hợp lý nhất:

1. Bàn chải đánh răng

Có 3 điều bạn cần chú ý khi lựa chọn bàn chải đánh răng:

- Kích cỡ đầu bàn chải tròn, vừa miệng, không quá to cũng không quá bé

- Lông bàn chải mềm, đàn hồi tốt

- Cán cầm vừa tay.

Ngoài ra, khi chọn bàn chải cho bé yêu cần chú ý: độ dài từ 12-13cm, chiều dài của đầu chải răng từ 1,6-1,8cm, chiều rộng không quá 0,8 cm và chiều cao không quá 0,9m.

Để hạn chế tối đa vi khuẩn bám vào bàn chải và bảo quản bàn chải tốt hơn, bạn cần lưu ý:

- Rửa kỹ bàn chải đánh răng bằng nước sạch trước và sau khi dùng. Bạn có thể dùng thuốc diệt khuẩn cho bàn chải.

- Để bàn chải nơi thoáng khí, tránh xa nhà vệ sinh, giữ nó thẳng đứng bằng cách cắm vào một ống đựng sạch sẽ, không để tiếp xúc với mặt bàn hay bất cứ vật gì để tránh nhiễm thêm vi khuẩn.

- Không ngâm bàn chải đánh răng trong nước sôi nóng.

- Không dùng chung bài chải và thay mới 3 tháng/lần và có thể sớm hơn nếu lông bàn chải bị cùn, loe ra, bạc màu.

2. Chỉ tơ nha khoa

Song song với việc đánh răng thường xuyên, mọi người cũng cần đến chỉ nha khoa để lấy mảng bám thức ăn giữa các kẽ răng, cổ răng nơi mà bàn chải không thể làm sạch được. Bạn nên biết có đến 40% diện tích răng bàn chải không thể làm sạch được. Chỉ nha khoa giúp ngăn ngừa hình thành vôi răng, vì thế hạn chế các nguyên nhân gây ra sâu răng và các bệnh lý về nướu.

Chỉ nha khoa gồm có: dạng cuộn trong hộp và dạng gắn cố định trên một cung nhỏ giống như cung tên (còn gọi là floss-toothpick). Chỉ tơ có thể có sáp hoặc không với đường kính lớn nhỏ tùy theo nhu cầu sử dụng. Để tăng tính hiệu quả, chúng tôi còn được bổ sung các hợp chất kháng khuẩn, kháng amip, chất ức chế sự lên men, chống ung thư, hương liệu và nhiều loại khác.

Học làm quen với chỉ nha khoa: Lấy một đoạn dài khoảng 50cm và quấn 2 đầu sợi chỉ vào 2 ngón giữa, chừa lại 1 đoạn giữa khoảng 5cm; ngón trỏ và ngón cái giữ căng sợi chỉ, nhẹ nhàng đưa sợi chỉ vào kẽ răng sao cho đoạn chỉ len sát mặt bên của răng, không ấn quá sâu, không kéo sợi chỉ qua lại sẽ làm tổn thương nướu, kéo sợi chỉ quanh mỗi răng theo hình vòng cung và nhẹ nhàng di chuyển lên xuống ở mặt bên mỗi răng. Thay sợi chỉ khác khi chuyển qua làm sạch răng kế tiếp.

Nên làm sạch răng bằng chỉ tơ nha khoa sau khi ăn, trước lúc đánh răng. Khi chưa quen, bạn có thể dùng mỗi ngày một lần vào buổi tối; khi đã quen bạn nên dùng sau mỗi bữa ăn. Nếu lợi của bạn không khỏe, khi dùng chỉ nha khoa có thể gây chảy máu trong những lần đầu. Hiện tượng chảy máu sẽ giảm dần và mất hẳn sau một thời gian.

Ai không nên dùng?

Những bệnh nhân bị nha chu nặng không nên sử dụng chỉ nha khoa. Bạn cũng cần nhớ, chỉ nha khoa chỉ có tính chất bổ sung chứ không thể thay thế phương pháp chải răng.

3. Dụng cụ cạo lưỡi

Việc làm sạch lưỡi cũng quan trọng không kém việc chải răng trong vấn đề vệ sinh răng miệng. Dụng cụ cạo lưỡi gồm: cây cạo lưỡi, que cạo lưỡi, bàn chải cạo, một số loại bàn chải đánh răng còn có thêm bề mặt cạo lưỡi và bên trong má ở mặt dưới đầu bàn chải.

Vệ sinh lưỡi sẽ giúp bạn loại trừ mảng bám và vi khuẩn tích tụ trên bề mặt lưỡi, hạn chế hôi miệng do vi khuẩn gây ra, bệnh viêm nướu, nha chu cũng như sâu răng. Cả người lớn và trẻ em (ngoại trừ những người đang có bệnh ở lưỡi như loét lưỡi, nấm lưỡi, viêm lưỡi…) đều nên cạo lưỡi ít nhất 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Nên thay cây cạo lưỡi 2- 3 tháng/lần cùng với bàn chải đánh răng của bạn.

4. Nước súc miệng

Chúng tôi có thể loại trừ 75% vi khuẩn trong khoang miệng và hỗ trợ việc ngăn ngừa các bệnh về nướu, lợi, loại trừ mảng bám và cho hơi thở thơm tho.

Điểm mặt anh tài

Họ hàng nước súc miệng rất đông đảo, có thể kể đến nước muối nồng độ 0,9%, dung dịch Betadin với iod nồng độ 7% có tác dụng sát khuẩn, chống nấm và mất mùi hôi; dung dịch Givalex dùng khi viêm họng, viêm quanh răng, sát khuẩn, chống phù nề; Dung dịch Listerin; Dung dịch T-B tác dụng sát khuẩn và chống phù nề nhẹ niêm mạc. Ngoài ra còn có dạng dung dịch phun sương hỗ trợ điều trị viêm họng.

Mỗi loại có đặc tính và công dụng riêng nhưng có thể gói gọn trong hai dạng chính là hạn chế mùi hôi trong hơi thở thông qua việc loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa, trị liệu các bệnh về răng miệng.

Đọc kỹ trước khi mua

Hơi thở có mùi hoặc có vấn đề về lợi: Nên dùng các loại nước súc miệng chứa clo, kẽm và chất sát trùng có tên gọi là cetylpyridinium, có tác dụng chống lại những căn bệnh liên quan đến lợi (viêm lợi) và ngăn ngừa việc hình thành mảng bám trên răng.

Sâu răng hoặc có lỗ hổng trên răng: Chọn loại có chứa flour để tăng cường bảo vệ men răng, làm chắc răng và ngăn ngừa sâu răng phát triển. Để tạo điều kiện cho flo phát huy hết tác dụng vốn có, khi dùng loại này bạn không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì ngay sau khi súc miệng, tốt nhất là sau 30 phút.

Răng ố vàng: Chọn các sản phẩm có chứa chất làm trắng răng, những sản phẩm này thường có ghi rõ có tác dụng làm trắng răng (Whitening) ở bên ngoài bao bì.

Dùng cho trẻ em: Loại dành cho trẻ em thường dịu nhẹ và có mùi thơm ngọt ngào.

Cảnh báo

Cẩn thận với nồng độ cồn: Với những loại có nồng độ còn 6-27% khi sử dụng thường xuyên và lâu dài có thể gây cảm giác nóng rát ở má trong, nướu, lưỡi... Chất cồn còn gây nên tình trạng khô miệng vốn càng làm tăng thêm nguy cơ sâu răng.

Để xa tầm tay trẻ em: Đã có nhiều trường hợp trẻ em lên cơn co giật, tổn thương não, thậm chí tử vong do nuốt phải nước sức miệng có nồng độ cồn cao.

Không pha loãng khi không có hướng dẫn trên sản phẩm nếu không bạn sẽ làm giảm tác dụng diệt khuẩn của nó.

Không ngậm quá nhanh hoặc quá lâu, khoảng 20-30 giây là phù hợp; Không dùng quá 3 lần/ngày.

Thùy Dương

Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/4-ve-sy-bao-ve-nu-cuoi-cua-ban-21558/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY