Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

5 thói quen xấu nhiều người thường mắc phải, dẫn đến tình trạng “nhớ nhớ quên quên”

Tình trạng suy giảm trí nhớ vốn chỉ từng xảy ra ở người già khi não bộ bị lão hóa, nay lại trở nên phổ biến ở cả những người trẻ chúng ta. Nguyên nhân không hề sâu xa mà bắt nguồn từ những thói quen xấu ta hay làm hằng ngày, đặc biệt là với 5 thói quen này.

1. Thức quá khuya

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, thức khuya trong một thời gian dài được xem như nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ nghiêm trọng với tỷ lệ cao gấp 5 lần so với các nguyên nhân khác. Điều đó chứng minh giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và cơ thể chúng ta, đồng thời là yếu tố chăm sóc, hồi phục lại não bộ sau một ngày dài “làm việc” mệt mỏi nhằm hoạt động trơn tru hơn cho ngày hôm sau. 

Thời gian thích hợp cho một giấc ngủ ngon là 7-8 tiếng, tuy nhiên, khi bạn thức khuya, não sẽ phải tiếp tục hoạt động ghi nhớ - xử lý nhiều lượng thông tin hơn và thời gian nghỉ ngơi bị rút ngắn đi, nếu tình trạng này tiếp diễn liên tục sẽ khiến não bộ yếu dần, dẫn tới hệ quả là suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, mệt mỏi và thiếu sự minh mẫn để giải quyết công việc, học tập. 

Vì vậy, bỏ ngay thói quen thức khuya, xây dựng lịch ngủ đủ giấc và đúng giờ mới chính là điều kiện giúp cho não bộ luôn khỏe mạnh và ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ.

Thức khuya luôn được các nhà nghiên cứu gọi tên như “kẻ giết người thầm lặng” không chỉ vì nó ảnh hưởng đến não bộ mà còn là cả sức khỏe của chúng ta (Ảnh: Internet)

2. Lạm dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích

Nếu bạn có thói quen “say sưa” hoặc thường xuyên sử dụng rượu bia thì nên cẩn thận, vì các chất có trong đó như ethanol và phụ phẩm acetaldehyde có thể gây ảnh hưởng xấu đến não bộ. 

Cụ thể là tạo ra sự rối loạn ở vùng đồi hải mã - một vùng não gắn liền với sự hình thành trí nhớ, cũng như gây nhiễu loạn hoạt động truyền tải glutamate (là loại hóa chất chuyển chở tín hiệu giữa các tế bào thần kinh của cảm thụ quan), ảnh hưởng xấu đến các chức năng và cấu trúc não. Lâu dần sẽ làm suy giảm trí nhớ, hoặc thương tổn não bộ như hư hại tế bào thần kinh và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh teo tiểu não vô cùng nguy hiểm. Do đó, nên hạn chế uống rượu bất cứ khi nào có thể và chỉ uống có chừng mực nếu bạn đang dùng rượu thuốc để bồi bổ sức khỏe.

Mặt khác, thói quen sử dụng các chất kích thích như thuốc lá cũng nguy hiểm cho não bộ không kém. Trong thuốc lá có chứa hàm lượng nicotin cao kèm theo nhiều chất độc hại khác khiến cho quá trình oxy lên não gặp khó khăn. Lâu dần, chúng sẽ làm co hẹp các mạch máu, khiến não bộ kém nhạy bén và chức năng ghi nhớ bị suy giảm, nếu nghiêm trọng có thể gây ra những bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não.

Rượu bia và thuốc lá là những thứ ta cần phải tránh xa nếu muốn giữ cho não bộ luôn được khỏe mạnh (Ảnh: Internet)

3. Thói quen kéo chăn qua đầu khi ngủ

Bạn không nên chủ quan nếu bản thân đang mắc phải thói quen xấu này. Việc bạn kéo chăn qua đầu khi ngủ có thể làm đình trệ quá trình cung cấp lượng oxy cho cơ thể, nhất là não bộ. Trong khi đó, lượng CO2 sẽ càng tăng cao. Nếu để cho tình trạng thiếu oxy kéo dài có thể làm các tế bào não hoạt động kém linh hoạt, dễ bị tổn thương và hậu quả là sụt giảm trí nhớ. 

Với những người có tiểu sử bị động kinh hoặc các vấn đề về não, thói quen trùm kín chăn khi ngủ còn làm tăng nguy cơ gặp các tai biến nguy hiểm hơn. Với người bình thường, nếu không sửa thói quen này thì trí nhớ và khả năng lao động trí óc sẽ giảm. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không nên trùm kín đầu khi ngủ.

4. Lười vận động

Trong kết quả của một cuộc nghiên cứu cho biết, khi về già, não của chúng ta sẽ co lại và teo đi, làm ảnh hưởng - suy giảm đến chức năng nhận thức của não bộ, và nếu diễn tiến nặng có thể gây ra đãng trí hoặc mất trí nhớ. Trong đó, nếu bạn lười vận động và cảm thấy mình đang mắc chứng hay quên thì đó là vì bạn đang làm lão hóa não bộ của chính mình. 

Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia chia sẻ rằng việc thiếu tập luyện thể chất sẽ tác động xấu đến các mạch máu nhỏ trong não bộ và làm phát triển các gốc tự do, khiến các tế bào chết dần. Theo thời gian, cấu trúc não bị teo đi dẫn đến sự suy giảm khả năng nhận thức của chúng ta.

Lười vận động, chỉ thích nằm một chỗ là thói quen ưa thích của nhiều người trẻ hiện nay, và cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh mãn tính (Ảnh: Internet)

5. Thói quen ăn uống không khoa học

Thói quen ăn uống không khoa học của chúng ta có thể kể đến như ăn thiếu chất, uống không đủ nước, bỏ bữa sáng và tiêu thụ các thức ăn không lành mạnh.

Người trẻ chúng ta rất hay không để ý đến tầm quan trọng của bữa sáng, và thường có xu hướng bỏ qua nó để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, chính hành động này đã làm giảm lượng đường trong máu của bạn, ngăn cản quá trình cung cấp các chất dinh dưỡng của bạn, lâu dần có thể làm sa sút trí tuệ và ảnh hưởng đến các chức năng khác của bạn, trong đó có chức năng ghi nhớ. Chính vì vậy, dù bận và vội đến mấy bạn cũng không nên bỏ qua bữa sáng vì nó là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhiều chứng minh cho thấy trẻ em được ăn sáng đầy đủ sẽ có IQ cao hơn những em không có thói quen đó.

Điều thứ hai chính là không cấp nước đầy đủ. Cơ thể ta 70% là nước nhưng ở não bộ, nước chiếm tới 85%. Do đó, nếu bạn không cấp đủ nước, các hoạt động của não bộ sẽ bị ngưng trệ, trong đó có hoạt động ghi nhớ. Một người lớn trưởng thành sẽ cần từ 2 - 2.5L/ ngày, tương đương 7 - 8 ly. Nhưng cũng tuỳ thuộc theo tình trạng sức khoẻ và thể chất của mỗi người mà có thể tăng hay giảm lượng nước cho phù hợp.

Nước giúp thanh lọc cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và bảo đảm các hoạt động của não bộ diễn ra bình thường, vì vậy cần nên cấp đủ nước cho cơ thể (Ảnh: Internet)

Điều cuối cùng, là chế độ dinh dưỡng không lành mạnh gây thiếu hụt các chất. Người trẻ chúng ta thường có xu hướng thích ăn thức ăn nhanh, hoặc các món đồ ngọt một cách vô độ. Đối với thức ăn nhanh, thường có chứa nhiều chất bảo quản và các gốc tự do, ngoài làm ảnh hưởng tới não bộ còn có thể gây ra các bệnh lý tim mạch, ung thư và tiểu đường. 

Ngoài ra, thiếu hụt dưỡng chất kéo dài cũng sẽ khiến não bộ “đói” các chất cần thiết để thực hiện chức năng, đặc biệt là chất thiamine (sinh tố B1) - chất dinh dưỡng thiết yếu giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Theo các chuyên gia, một lượng lớn vitamin B1 này nằm trong bộ não, có chức năng duy trì việc sản xuất các dẫn truyền thần kinh có tác động đến tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của con người. Do đó, để  ngăn chặn tình trạng này, hãy bổ sung đủ lượng sinh tố B1 trong ngày, tối đa 1,2 mg cho người lớn (nam là 1,4 mg, nữ là 1 mg).

Bạn thấy đó, các thói quen tưởng chừng là vô hại của chúng ta hoàn toàn có thể gây ra nhiều nguy hại đối với não bộ, là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ nghiêm trọng. Chính vì vậy, hãy bỏ ngay các thói quen xấu này và xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để bộ não chúng ta luôn được khỏe mạnh nhé.

Xem thêm: 3 yếu tố hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn cầu

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/5-thoi-quen-xau-nhieu-nguoi-thuong-mac-phai-dan-den-tinh-trang-nho-nho-quen-quen-35819/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY