Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

7 bệnh dễ rước vào người khi đến hồ bơi công cộng mùa hè

Vào mùa hè, mọi người thường có xu hướng đổ xô đến những hồ bơi công cộng để tránh ánh nắng gay gắt và thời tiết oi bức. Nhưng với cả trăm, cả ngàn lượt người đến hồ bơi mỗi ngày thì nơi này lại ẩn chứa nhiều bệnh dịch nguy hiểm mà chúng ta cần hết sức đề phòng.

Nhìn nước trong vắt là vậy nhưng hồ bơi lại chứa rất nhiều mầm bệnh, vi khuẩn, ký sinh trùng… Sau đây là những căn bệnh thường gặp ở các hồ tắm công cộng:

1. Bệnh vùng kín

Đây là căn bệnh rất dễ gặp ở hồ bơi, khi nguồn nước tại đó không đảm bảo. Hơn nữa, bể bơi quá tải khiến khu vực vệ sinh luôn chật chội, chất lượng kém, mất vệ sinh.

Ảnh minh họa

Việc phải mặc đồ ẩm ướt lâu sẽ khiến bạn không loại sạch được hết nấm ra khỏi cơ thể và khiến độ pH bên trong âm đạo bị thay đổi. Nếu không tắm lại khi về nhà sẽ khiến nấm phát triển mạnh hơn, sinh khí hư, ngứa ngáy cho vùng kín.

Trên thực tế, rất ít hồ bơi bảo đảm được sát trùng hoàn toàn nên có thể là ổ bệnh về đường sinh dục dễ lây lan… đặc biệt là bệnh lậu ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản.

2. Các bệnh về da

Nước bể bơi luôn có các hợp chất có chứa clo (dùng để sát khuẩn), hóa chất từ các loại mỹ phẩm, chất chống nắng. Các chất này có thể gây dị ứng, viêm da, sạm da đối với những người nhạy cảm.

Bên cạnh đó, trong số những người đi bơi có thể có những người mắc bệnh ngoài da. Đây sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước. Đặc biệt, nấm da là căn bệnh rất dễ lây truyền tại các bể bơi bởi nấm có thể bám vào quần áo hay kính bơi của tất cả mọi người.

3. Đau mắt đỏ

Ngoài các bệnh về da, đau mắt đỏ là bệnh thường gặp tại các bể bơi công cộng do tính chất dễ lây lan của bệnh.

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Y tế kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) kết hợp cùng Hội đồng Sức khỏe và Chất lượng nước và Tổ chức Các bể bơi Quốc gia Hoa Kỳ (NSPF) cho rằng, chính những người đi tiểu trong bể bơi là nguyên nhân gây ra tình trạng đau mắt đỏ cho người đi bơi.

Một số người không có thói quen sử dụng kính bơi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

4. Các bệnh tai, mũi, họng

Khi bơi, nước vào trong tai sẽ đem theo các vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi nước đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm.

Ảnh minh hoạ

Do có kích cỡ và kết cấu hình dạng giống như một cái "máng" chứa nước nên tai là một môi trường dung dưỡng tuyệt vời cho các loại vi khuẩn, nấm mốc và thường gặp nhất là viêm tai ngoài.

Nếu không sử dụng mũ khi đi bơi có thể gây thủng tai trong và cũng có thể gây xáo trộn thính giác kéo dài.

5. Bệnh về đường tiêu hóa

Nước là môi trường lý tưởng để ký sinh trùng gây tiêu chảy có tên khoa học là Cryptosporidium sinh sống gây tổn thương tế bào biểu mô ở dạ dày, ruột, đường hô hấp.

Khi bị nhiễm thường không có triệu chứng, vì vậy chúng ta là những ổ chứa âm thầm truyền bệnh cho những cá thể khác. Ngoài ra, vi khuẩn gây tiêu chảy cấp E. Coli cũng rất dễ dàng lây nhiễm khi đi bơi.

Mặc dù nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa không cao bằng các loại bệnh khác nhưng nếu bạn thường xuyên "uống" nước bể bơi trong một thời gian dài thì có thể dẫn đến tình trạng đau bụng nhẹ, rối loạn chuyển hóa, lâu dài là viêm dạ dày, tiêu chảy, thậm chí viêm ruột - đều gây hại đến sức khỏe của bạn.

6. Bệnh não mô cầu

Nguy cơ mắc bệnh não mô cầu khi đi bơi tuy thấp nhưng rất nguy hiểm. Vi khuẩn não mô cầu có trong nước hồ bơi, khi xâm nhập cơ thể có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau: viêm họng, nhiễm trùng huyết viêm màng não, sốc. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong.

Để phòng ngừa bệnh não mô cầu, trẻ cần được tiêm phòng não mô cầu. Sau bơi, nếu trẻ được sát trùng mũi, họng cũng sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.

7. Bệnh hen suyễn

Đối tượng dễ mắc bệnh này thường là trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch yếu, kém.

Thủ phạm chính gây ra bệnh hen suyễn tại hồ bơi đó chính là thành phần Clo trong bể bơi, đặc biệt là những sản phẩm phụ của hóa chất chloramine ảnh hưởng trực tiếp đến phổi của người bơi

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Catholic của Louvain (Bỉ) nhận định, ảnh hưởng của chất hoá học clo lên hệ hô hấp của những người trẻ tuổi nguy hiểm hơn gấp 5 lần so với ảnh hưởng của việc hít khói thuốc lá gián tiếp.

Một số lưu ý để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hồ bơi:

- Lựa chọn hồ bơi có nguồn nước sạch, không quá đông người.

- Không bơi khi trên người có vết thương hở.

- Không nên đi bơi khi đang ốm mệt, đang có các bệnh ngoài da, bệnh lây nhiễm và đang trong thời kỳ “đèn đỏ”.

- Trang bị các phương tiện bảo hộ như kính bơi, mũ chụp đầu.

- Không ngâm nước hồ bơi quá lâu và vệ sinh sạch sẽ tai mắt bằng nước muối sinh lý sau khi bơi.

- Người đi bơi phải có ý thức chấp hành các biện pháp giữ vệ sinh chung của bể bơi như tắm gội sạch sẽ trước khi xuống bể, không khạc nhổ, tiểu tiện ra bể.

Ngân Trần

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/7-benh-de-ruoc-vao-nguoi-khi-den-ho-boi-cong-cong-mua-he-23136/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY