1. Dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc
Dù muốn hay không thì cảm xúc thường luôn hiện diện trên bức tranh mà trẻ vẽ. Qua đường nét, mềm mại hay gãy khúc, màu sắc, rực rỡ hay u buồn.... trẻ đã gián tiếp thể hiện cảm xúc của mình về đối tượng được vẽ ra.
Vì thế, hội họa có thể dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc, quan điểm, tình cảm của mình đối với thứ trẻ tiếp xúc và thể hiện rõ ràng, chi tiết qua giấy bút...
Ảnh minh họa |
2. Tăng khả năng hoạt động của não
Học vẽ có thể tái hiện lại điều nằm trong suy nghĩ ra giấy không phải là một quy trình đơn giản, nó đòi hỏi một chút phương pháp và một chút tài năng. Quá trình đó đòi hỏi mọi phần của não bộ phải hoạt động hết công sức để tuyển chọn, chắt lọc, thay thế những đường nét, màu sắc, bố cục…
Làm quen với hội họa, bé phải hoạt động trí óc rất nhiều, nhưng nó lại không hề nhàm chán như các môn học khác ở trường.
Dần dà, điều này trở thành thói quen tốt, tập cho bé biết cách tư duy logic, nhiều chiều và trở nên thích thú với những hoạt động cần vận dụng đầu óc nhiều như giải toán, giải câu đố…
3. Rèn luyện trí nhớ
Khi được giao cho một đề tài nào đó trong lớp học vẽ, có thể hình ảnh đó không có ngay tại phòng học, nên đòi hỏi bé vận dụng trí nhớ của mình. Những đề tài như tả người ông nội đang sống ở xa gia đình, người cô giáo mẫu giáo, người công nhân vệ sinh bé gặp trên đường mỗi sáng… sẽ cần bé vận dụng trí nhớ rất nhiều.
Đây cũng giống như một bài tập rèn luyện thường xuyên của não để mỗi khi não nhận được một thông tin mới, nó sẽ có xu hướng lưu trữ và ghi nhớ lâu hơn. Khi ý tưởng được hoàn thành trên trang giấy vẽ, nó sẽ lại càng được khắc sâu trong bộ nhớ lâu hơn.
4. Tăng khả năng quan sát
Quan sát thế giới xung quanh là một khả năng cần thiết và sẽ được gia tăng trong quá trình bé làm quen và vui thích với hội họa. Tái hiện cuộc sống, quang cảnh xung quanh đòi hỏi bé một khả năng quan sát và tư duy, từ đó phác họa nên điều đó trong suy nghĩ rồi đến hiện thực nó trên giấy bằng bút vẽ và màu sắc.
Qua quan sát, bé có hiểu nhiều hơn về đàn bướm bay trong vườn, bệ hoa bên đường hay những chú mèo con nhà hàng xóm. Điều đó luyện tập được cho bé tình yêu thương động vật, cây cối… cũng như là cách hòa mình vào môi trường sống, nhạy cảm hơn và biết yêu thương nhiều hơn.
Ảnh minh họa |
5. Tăng trí tưởng tượng
Trong đầu trẻ em là một thế giới vô vàn những thứ kì diệu, mơ mộng, thần bí. Nhưng không phải bé nào cũng có cách để những điều đó đi vào hiện thực. Và hội họa chính là một trong những phương pháp giúp trẻ thỏa mãn nhu cần tưởng tượng phong phú của mình. Một khi nhu cầu ấy được giải tỏa, trí tưởng tượng sẽ lại tiếp tục sinh sôi, nảy nở, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào.
Như thế, còn gì bằng việc thấy con trẻ được thỏa thích vẫy vùng trong thế giới thần kì mộng mị của chúng và cảm thấy thích thú, sống đúng với lứa tuổi hồn nhiên mộng mơ của mình.
6. Cảm thấy hào hứng, phấn khích
Hoàn tất thành phẩm của chính mình tạo dựng nên, bé sẽ có cảm giác đã làm nên được một cái bằng chính sức lực của mình.
Nhìn lại tác phẩm nghệ thuật của mình, nhìn thấy thế giới riêng của mình được hiện ra trước mắt và được mọi người công nhận, không bé nào là không cảm thấy hào hứng, phấn khích đem khoe cha mẹ và người xung quanh.
Hội họa cũng cung cấp cho con trẻ một phương tiện để vẽ lên suy nghĩ của mình mà có thể với vốn từ vựng còn hạn chế của mình, diễn đạt và miêu tả cho người khác hiểu có lẽ là rất khó khăn.
7. Suy nghĩ đa chiều
Cuộc sống vốn nhiều mặt và muôn màu. Hội họa dạy con trẻ cách thể hiện một nhân vật theo nhiều cách khác nhau, như một chú chó hình vuông với chiếc mũi to hay một chiếc cầu vồng toàn màu hồng chính là cách khiến trẻ có nhiều hướng suy nghĩ và tưởng tượng nhiều hơn.
Trong khi người lớn ta thường hiểu rõ mọi việc nên thường đơn điệu trong suy nghĩ về một đối tượng nhất định, thì hội họa giúp trẻ có những suy nghĩ độc đáo, nhiều chiều hay có phần kì lạ. Theo đó, ông mặt trời không nhất thiết phải màu vàng chói lóa mà có thể màu xanh dương, tuy chiếu sáng mọi vật nhưng vẫn rất mát mẻ, trong lành.
Thu Ngân
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học
Chủ đề liên quan: