Chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của chúng ta đều rất dễ bị đảo lộn trong những ngày Tết do đây là thời điểm có rất nhiều cuộc vui, chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, uống nhiều rượu bia. Bài viết cảnh báo tai biến thường gặp trong ngày Tết, đồng thời chỉ ra các triệu chứng và cách phòng ngừa trong dịp đầu năm mới.
1. Tăng huyết áp
Nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp trong ngày Tết là do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi bị đảo lộn, ít vận động, uống nhiều trà, rượu bia, hút thuốc... Những người đã có tiền sử cao huyết áp có nguy cơ tai biến mạch máu não, co thắt mạch vành, đột quỵ cao hơn.
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thất thường có thể gây tăng huyết áp |
Bạn cần làm gì để tránh cao huyết áp tái phát, nhất là với những người cao tuổi? Bạn nên có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý, tránh rượu bia quá đà và duy trì thói quen vận động hằng ngày để nâng cao sức khỏe.
Đối với trường hợp có người bị tai biến, người thân cần đưa ngay đến trung tâm cấp cứu gần nhất, không được cạo gió hay tự ý cho uống thuốc bừa bãi, không nên thực hiện các biện pháp theo phong tục mê tín để chữa dễ làm bệnh thêm nặng hơn.
Ở một số vùng quê có tập tục phải tiếp đón khách khi đến chơi nhà dịp Tết bằng việc cứ khách đến là phải có cơm rượu thịt thì mới thể hiện được sự quý mến, sự tiếp đón nồng hậu của chủ nhà khiến bạn phải ăn uống nhiều, thất thường, được mời uống quá nhiều trà, rượu, hút thuốc lá.
Như vậy, nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp càng cao hơn. Chủ nhà và cả khách cần giữ được quan niệm Tết vui Tết khỏe để không biến ngày Tết trở thành bi kịch.
2. Bệnh tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường rất "ngại" Tết bởi chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường đã được bác sĩ chỉ rõ, buộc tuân thủ tuyệt đối không ăn bánh kẹo, đồ hộp, hạn chế cơm và bánh mì, khuyến khích ăn nhiều rau củ quả ...
Tuy nhiên, ngày Tết lại có quá nhiều món ngon hấp dẫn như bánh ngọt, mứt Tết, nước ngọt... khiến không ít người nhập viện ngay trong ngày Tết. Người mắc bệnh tiểu đường không nên vì suy nghĩ ăn ít không sao, cần hết sức chú ý đến chế độ ăn uống trong những ngày này.
3. Mỡ máu
Ngày xưa khi kinh tế còn hạn chế ngày Tết rất được mong đợi bởi cả năm thì Tết mới được ăn no nhưng ngày nay không còn mong ăn no nữa mà phải là ăn ngon. Các món thịt, giò chả, bánh chưng… ngày Tết nhiều vô kể. Bạn sẽ đối diện với nguy cơ mắc bệnh mỡ máu nếu ăn nhiều các đồ ăn này.
Mỡ trong máu tăng cao đóng vào thành mạch gây tắc nghẽn |
Thêm vào đó, thực phẩm chứa nhiều chất béo và đồ ăn ngọt, ít chất xơ đã khiến cho đường máu và mỡ máu tăng cao. Mỡ trong máu tăng cao đóng vào thành mạch gây xơ vữa mạch máu, nguy hiểm hơn có thể làm vỡ mạch máu, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Cho nên, bạn hãy hạn chế ăn các món chiên xào, nội tạng động vật và thịt quá nhiều.
4. Bệnh gout
So với người bị mỡ máu, những người bị bệnh gút càng phải cẩn trọng trong việc ăn uống. Đã có rất nhiều người lên cơn gút cấp do ăn nhiều thịt, uống nhiều bia rượu, tốt nhất bạn hạn chế rượu bia, tăng cường ăn nhiều rau xanh và vận động cơ thể.
5. Viêm loét dạ dày, tá tràng
Nguyên nhân của bệnh đau dạ dày, đại tràng là do dịch dạ dày hoặc đại tràng tiết ra mà không có thức ăn để thẩm thấu dịch hoặc do các nguyên nhân phải làm việc quá sức.
Việc ăn uống không điều độ, dùng nhiều chất kích thích, bia rượu, có thể gây biến chứng cấp tính như chảy máu hoặc thủng dạ dày - tá tràng, nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng con người.
6. Men gan tăng cao
Bạn đang bị các bệnh lý về gan? Ngày Tết sẽ là nỗi sợ của bạn. Bia rượu là nguyên nhân chính khiến bạn bị men gan tăng cao, khi đã có tiền sử bệnh gan càng dễ dẫn biến chứng nghiêm trọng như viêm gan, ung thư gan, viêm thận, viêm túi mật...
Bạn hãy tự bảo vệ sức khỏe mình bằng cách hạn chế bia rượu, chỉ có bạn mới thực sự hiểu rõ cơ thể mình đang như thế nào và làm chủ nó tốt nhất.
7. Nôn
Không chỉ người lớn mới gặp các bệnh nguy hiểm ngày Tết mà cả trẻ nhỏ cũng rất dễ mắc phải. Nôn là biểu hiện của các bệnh đường tiêu hóa, dị tật đường tiêu hóa hoặc rối loạn sự co bóp của dạ dày.
Nguyên nhân có thể là ăn quá nhiều, dị ứng thức ăn. Ở người lớn, nôn là biểu hiện của tình trạng ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia... Để tránh tình trạng này, mọi người nên ăn chín uống sôi, ăn đúng, đủ bữa, lưu ý đối với trẻ nhỏ hạn chế cho ăn quá nhiều bánh kẹo.
8. Tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy xảy ra đối với cả người lớn và trẻ nhỏ do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn. Người bệnh thường đau bụng, đầy hơi dẫn đến tiêu chảy. Bệnh dễ bị mất nước, rối loạn điện giải, trẻ nhỏ có nguy cơ phải nhập viện nhiều hơn người lớn. Bạn nên chú ý trong ăn uống và chuẩn bị sẵn thuốc trong dịp Tết.
Với những thông tin cảnh báo tai biến thường gặp trong ngày Tết giúp bạn chú ý hơn trong sinh hoạt và ăn uống dịp Tết để có thể khỏe mạnh vui vẻ đón mừng năm mới Mậu Tuất một cách trọn vẹn nhất.
Khuyên Vũ
Theo chuyên đề Sức Khoẻ Gia Đình
Chủ đề liên quan: