Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

8 cách dạy con tự bảo vệ mình không phải bố mẹ nào cũng biết

Không phải lúc nào bố mẹ cũng ở bên cạnh để bảo vệ con trẻ an toàn. Vì thế, hãy dạy chúng những điều sau và luyện tập dần thành thói quen để không người lạ nào có thể làm hại hay bắt cóc được trẻ.

Trước khi dạy con tự lập, hãy giúp con tự bảo vệ mình an toàn khi không có bố mẹ bên cạnh. Những biện pháp này giúp con có thể đoán biết được hành vi của người lạ đang cố tiếp cận mình với mục đích xấu, từ đó phản xạ đúng đắn để tránh khỏi tình huống xấu nhất.

1. Không tiết lộ tên thật của con

Đây là việc của bố mẹ. Không viết hoặc đính kèm tên thật của con trên đồ đạc cá nhân hoặc vật dụng người khác dễ nhìn thấy ví dụ như cặp sách, balo, hộp đựng viết, áo quần… Vì hành động này vô tình giúp cho kẻ lạ có thể tiếp cận thông tin của con một cách dễ dàng.

Về tâm lý học, khi một người lạ trò chuyện với trẻ nhỏ, những đứa trẻ sẽ dễ dàng tin tưởng và thiện cảm với người biết tên thật của chúng. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ nhanh chóng bị dụ dỗ hoặc rơi vào các tình huống tồi tệ.

Không nên ghi tên con lên cặp sách vì vô tình giúp kẻ lạ biết tên con.

Thay vào đó, hãy viết số điện thoại của bạn lên những vật dụng cá nhân của con để ai đó có thể liên hệ với bạn kịp thời khi phát hiện ra chuyện không hay xảy ra với con bạn.

2. Cài đặt phần mềm biết được con đang ở đâu

Nhờ chức năng GPS của điện thoại thông minh ngày nay, các ứng dụng như vậy cho phép bạn giám sát nơi ở chính xác của con từ đó có những can thiệp kịp thời.

3. Chạy ngược với hướng chuyển động xe của người lạ

Các bậc phụ huynh thường dạy con cái của họ không được ngồi trên xe với người lạ và điều này thật sự rất quan trọng. Nhưng sẽ tốt hơn nếu con bạn học thêm một điều nữa, đó là chạy ngược với hướng chuyển động xe của người lạ một khi đã lỡ bước lên xe và muốn thoát ra.

Khi một chiếc xe cố tình đi theo và tiếp cận, thu hút sự chú ý của con bằng lời nói hoặc đồ chơi, con nên chạy thật nhanh theo hướng ngược lại với chuyển động của xe. Điều này sẽ khiến kẻ xấu bất ngờ và mất thời gian quay đầu xe lại, trong khoảng thời gian đó con có thể kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh.

4. Ghi nhớ một mật khẩu bí mật

Nếu ai đó nói với con của bạn rằng họ là người quen của bạn và được nhờ chở con về hoặc đưa con đến gặp bố mẹ thì điều đầu tiên con cần phải làm là hỏi: “Tên bố mẹ tôi là gì?”, “Mật khẩu của gia đình chúng tôi là gì?”.

Các bậc phụ huynh nên nghĩ ra một cụm từ mật mã và thống nhất với con về điều này để sử dụng cho các tình huống khẩn cấp.

5. La lớn “Con không biết người này!”

Hãy nói với con rằng, khi bị bắt bởi một người lạ, con cần phải phản kháng mạnh mẽ bằng cách cắn, đá, và cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh bằng bất cứ giá nào, ngay cả khi đó là tình huống rất đáng sợ.

Ngoài ra, con bạn cần phải tiếp tục la lớn "Con không biết người này. Người này muốn đưa con đi!".

6. Nguyên tắc “5 giây và 3 mét”

Trước tiên, con nên biết rằng mình không bắt buộc phải nói chuyện với người lạ, vì vậy, nếu cuộc trò chuyện kéo dài hơn 5 giây, tốt nhất là con nên bỏ đi đến một địa điểm an toàn. Hơn nữa, trong khi cuộc trò chuyện kéo dài, một đứa trẻ nên luôn luôn đứng ở khoảng cách 3 mét so với người lạ.

Dạy con nắm vững nguyên tắc "5 giây và 3 mét" khi trò chuyện với người lạ.

Bố mẹ nên giúp con thực hành và quan sát tình huống này để tạo lập thời gian và khoảng cách an toàn khi bị người lạ bắt chuyện. Hãy nhấn mạnh rằng nguyên tác “5 giây và 3 mét” phải được duy trì bất kể trong tình huống nào.

7. Tránh vào chung thang máy với kẻ lạ mặt

Dạy con rằng nếu có bất cứ người lạ nào gợi ý con vào chung thang máy, con phải đưa ra bất cứ lý do gì để từ chối không đi thang máy với người này. Cụ thể, con giả vờ quên một thứ gì đó hoặc bình tĩnh trả lời "Con đang chờ bố mẹ con” hoặc “Bố mẹ con dạy rằng chỉ đi thang máy với người quen hoặc hàng xóm”.

Nếu hắn manh động, bịt miệng và kéo con vào trong thang máy, con phải phản kháng mạnh mẽ và hét lên cho đến khi có người đến tiếp cứu.

8. Không để người lạ biết rằng bố mẹ vắng nhà

Bố mẹ phải dạy cho con nhớ rằng nếu có người lạ đến tìm khi bố mẹ vắng nhà, con tuyệt đối không được mở cửa.

Ngoài ra, con cũng không được cho người lạ đó biết rằng bố mẹ của con đang ở xa và vắng nhà ngay cả khi người này tuyên bố là bạn của bố mẹ hoặc nói rằng họ là nhân viên thu tiền điện/ nước.

Nếu kẻ lạ mặt này rất dai dẳng và bắt đầu tìm cách đột nhập vào nhà, con phải ngay lập tức gọi điện thoại cho bố mẹ và hàng xóm tin cậy cùng một lúc để ứng phó kịp thời.

Gokuyuri

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/8-cach-day-con-tu-bao-ve-minh-khong-phai-bo-me-nao-cung-biet-23025/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY