Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

8 cách giảm căng thẳng, hạ huyết áp cho người huyết áp cao

Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp. Thực hiện theo 8 bước dưới đây sẽ tạo ra những thay đổi tích cực lớn cho cơ thể bạn và huyết áp cao có thể là dĩ vãng.

Thời đại và kỷ nguyên chúng ta đang sống là những thứ bất định. Tình trạng suy thoái do biến động kinh tế và các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đã gây thêm cho chúng ta những thảm họa về sức khỏe. Mọi người đã và đang đối mặt với căng thẳng trên mọi lĩnh vực: mất việc làm, sức khỏe, gia đình,… Căng thẳng có thể khiến huyết áp tăng đột biến trong thời gian ngắn. Thực hiện các bước để giảm căng thẳng của bạn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn.

Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp - (Ảnh: Pexels).

Theo báo cáo của Mayo Clinic, không có bằng chứng nào cho thấy bản thân căng thẳng gây ra huyết áp cao trong thời gian dài. Nhưng phản ứng với căng thẳng theo những cách không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, sự thật là cơ thể bạn tạo ra một lượng hormone tăng đột biến khi bạn rơi vào tình trạng căng thẳng, do đó tạm thời làm tăng huyết áp bằng cách khiến tim bạn đập nhanh hơn và các mạch máu của bạn thu hẹp lại.

Một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cho biết "Mặc dù căng thẳng có thể không trực tiếp gây ra cao huyết áp, nhưng nó có thể dẫn đến tăng huyết áp lặp đi lặp lại, cuối cùng có thể dẫn đến tăng huyết áp mãn tính".

Một nghiên cứu khác xác nhận rằng "Nhìn chung, ngày càng có nhiều sự ủng hộ thực nghiệm cho giả thuyết rằng việc tiếp xúc với căng thẳng tâm lý xã hội mãn tính góp phần vào sự phát triển của tăng huyết áp".

Các cách loại bỏ căng thẳng để kiểm soát huyết áp

Theo một báo cáo của Tổ chức Giáo dục Harvard, khi nói đến việc ngăn ngừa và điều trị huyết áp cao, một chiến lược thường bị bỏ qua là quản lý căng thẳng. Nếu bạn thường xuyên thấy mình căng thẳng và khó chịu, hãy thử 8 bước sau để giảm bớt căng thẳng.

Đơn giản hóa lịch trình của bạn: Căng thẳng sẽ tăng lên gấp bội khi bạn luôn cảm thấy gấp gáp. Dành một ít thời gian để xem lại lịch và danh sách việc cần làm của bạn. Xóa hoặc rút ngắn các hoạt động không quan trọng lắm đối với bạn.

Ngủ đủ giấc: Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể làm cho các vấn đề của bạn có vẻ tồi tệ hơn thực tế. Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sự tỉnh táo của tinh thần, mức năng lượng và sức khỏe thể chất của bạn.

Học các kỹ thuật thư giãn như Yoga và thiền định: Yoga và thiền định củng cố cơ thể của bạn và giúp bạn thư giãn. Thiền, thư giãn cơ tiến bộ, bài tập hít thở sâu và yoga - tất cả đều là những kỹ thuật thư giãn mạnh mẽ và có tác dụng giảm căng thẳng. Theo Mayo Clinic, những kỹ thuật này cũng có thể làm giảm huyết áp tâm thu của bạn từ 5mm thủy ngân trở lên.

Yoga và thiền định củng cố cơ thể của bạn và giúp bạn thư giãn - (Ảnh: Pexels).

Tăng cường các mối quan hệ xã hội: Đơn giản chỉ cần có ai đó để tâm sự có thể giúp bạn thoát khỏi trầm cảm, bệnh tăng huyết áp, cô đơn,.... Hãy bước ra ngoài thay vì ở trong chiếc kén. Kết nối với những người khác bằng cách tham gia một lớp học, tham gia một tổ chức hoặc tham gia vào một nhóm hỗ trợ.

Hoạt động thể chất: Tập thể dục là cách giảm căng thẳng tự nhiên. Tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới, đặc biệt nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp.

Cố gắng giải quyết các tình huống căng thẳng nếu có thể: Đừng bỏ qua một vấn đề và hy vọng nó sẽ biến mất. Tìm kiếm những cách hòa bình, thiết thực để giải quyết nó. Thực tế rằng có một số điều bạn không thể thay đổi hoặc kiểm soát, nhưng bạn có thể tập trung vào cách bạn phản ứng với chúng.

Hãy đặt bản thân lên hàng đầu: Trước hết, hãy nhận ra rằng bạn quan trọng, trên thực tế, bạn quan trọng nhất. Nuôi dưỡng tâm trí và cơ thể của bạn. Tự thưởng cho mình một buổi massage. Làm những điều bạn thực sự yêu thích. Làm vườn, đọc sách, đi du lịch, làm bánh,...

Theo dõi chế độ ăn uống của bạn: Tạo một kế hoạch ăn kiêng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh, các sản phẩm từ sữa ít béo và loại bỏ chất béo bão hòa và cholesterol - có thể làm giảm huyết áp của bạn lên đến 11mm Hg nếu bạn bị cao huyết áp. Chế độ ăn kiêng này được gọi là chế độ ăn uống DASH, đã được chứng minh có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Căng thẳng có thể nhanh chóng trở thành mãn tính, gây rối loạn ăn uống và làm trầm trọng thêm trạng bệnh cao huyết áp. Cao huyết áp về sau có thể gây ra các bệnh về tim, đau tim, đột quỵ, vì vậy, chúng ta phải kiểm soát huyết áp cao từ sớm. Hãy áp dụng ngay 8 cách trên đây để giảm căng thẳng, từ đó giúp huyết áp được ổn định.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/8-cach-giam-cang-thang-ha-huyet-ap-cho-nguoi-huyet-ap-cao-31402/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY