Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Ai cũng cần biết: Đối với F0 điều trị tại nhà, khi nào có thể tự dùng thuốc và khi nào cần phải có sự cho phép của bác sĩ?

F0 điều trị tại nhà thường sẽ phải tự chăm sóc bản thân mình và chủ yếu dựa theo những hướng dẫn từ Bộ Y tế, các bác sĩ hoặc các trang đưa tin uy tín. Tuy nhiên, sự nhiễu loạn thông tin từ nhiều phía có thể khiến F0 hoặc cả những người chăm sóc F0 đều hoang mang không biết nên nghe theo ai, và thực hiện như thế nào cho đúng, nhất là ở phần thuốc uống.

Trên thực tế, dù đã được các cơ sở y tế địa phương phân phát các nhóm gói thuốc A, B, C theo tình trạng bệnh của mỗi người, thì không phải ai cũng thực sự hiểu rõ nên làm gì với các loại thuốc ấy, và nếu trường hợp nguy cấp xảy ra, liệu họ có thể tự dùng ngay các loại thuốc kháng virus, kháng đông và kháng viêm hay phải chờ sự cho phép của bác sĩ. Để giúp mọi người hiểu rõ hơn với từng trường hợp mình sẽ nên dùng thuốc như thế nào, Sức khỏe Gia đình sẽ tổng hợp mọi chi tiết cần chú ý ngay tại bài viết này.

Nhóm F0 có nguy cơ dù không triệu chứng cũng được tự uống Molnupiravir

Sau cuộc họp về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trước đại dịch COVID-19 do Sở Y tế TP. HCM tổ chức, đã đưa đến thống nhất và cho ban hành nội dung như sau: tất cả F0 thuộc nhóm nguy cơ (nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ đang mang thai và cho con bú) tại TP. HCM phải được uống gói thuốc C (thuốc kháng virus molnupiravir) ngay trước khi đi cách ly, không cần đợi có triệu chứng, còn các F0 thuộc nhóm không nguy cơ chỉ được phát và dùng molnupiravir khi xuất hiện triệu chứng nhẹ (ho, sốt,...) do gói thuốc C hiện tại đang bị phân bổ không đủ để cấp phát rộng rãi cho tất cả người có kết quả test nhanh dương tính Covid-19.

Khi test nhanh tầm soát Covid-19 phát hiện dương tính, bạn sẽ được trạm y tế phường đến tận nhà cấp ngay 3 gói thuốc A (hạ sốt, vitamin), B (kháng viêm, kháng đông - chỉ một liều), và gói C. Trong đó, gói thuốc C người bệnh phải uống ngay, còn gói B uống theo chỉ định của bác sĩ khi có dấu hiệu trở nặng. Mới đây, Bộ Y tế công bố kết quả thử nghiệm molnupiravir, ghi nhận gần 100% bệnh nhân dùng thuốc có tải lượng virus thấp, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong.

Vì vậy, nếu bạn hoặc người trong gia đình bạn đang thuộc nhóm F0 có nguy cơ và được cấp gói thuốc C, bạn hoàn toàn có thể tự sử dụng thuốc molnupiravir mà không cần phải hỏi xin ý kiến hoặc chờ sự đồng ý của bác sĩ.

Tuy nhiên, F0 không thuộc diện nguy cơ cần phải lưu ý, không tùy tiện uống các loại thuốc sau đây

Những bác sĩ khi điều trị cho các F0 hoặc khi cấp thuốc cho bệnh nhân đều lưu ý nếu tự chữa COVID-19 tại nhà, không được phép lạm dụng thuốc kháng virus, kháng đông và kháng viêm. Đối với các triệu chứng thông thường, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như giảm ho, hạ sốt, hoặc kháng sinh,..

Kháng sinh khi dùng vốn không diệt được virus nhưng có thể dùng để dự phòng hoặc điều trị nhiễm khuẩn trên người có sức đề kháng yếu, nhiều bệnh nền hoặc đã có bằng chứng nhiễm khuẩn. Người bệnh có thể dùng một hoặc hai loại phối hợp, thời gian dùng thường 7-10 ngày.

Đồng thời, người bệnh cũng có thể dùng các thuốc khác như kháng virus (ức chế sự nhân lên của virus), kháng đông (ngừa đông máu) và kháng viêm (corticoids). Tuy nhiên, khi sử dụng các nhóm thuốc này, người bệnh cần phải thận trọng, không tùy tiện sử dụng và lạm dụng thuốc, phòng trường hợp có thể bị phản tác dụng. Sau đây là từng lưu ý khi bạn sử dụng các loại thuốc sau:

- Thuốc kháng virus: loại thuốc này chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Mỗi đợt nên dùng 5 - 10 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm. Khi đang dùng thuốc kháng virus đường uống, không được dùng kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid.

- Thuốc kháng đông: trên thực tế, nhiều bệnh nhân có các loại bệnh nền như đột quỵ nhồi máu não, sau đặt stent, có bệnh về van tim, tiểu đường, xơ vữa mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, ít vận động... đều có nguy cơ dễ tạo cục máu đông, từ đó gây các biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… và đang phải dùng thuốc kháng đông. Trong trường hợp có bệnh nhưng chưa dùng kháng đông, cần xem xét việc sử dụng sớm thuốc ức chế kết tập tiểu cầu (aspirin và/hoặc clopidogrel). Những người bình thường chỉ nên dùng thuốc kháng đông khi SpO2 xuống dưới 94% và (hoặc) khó thở, do khi sử dụng thuốc có thể gây nguy cơ chảy máu. những người đang chảy máu (xuất huyết dạ dày, kinh nguyệt...); những người bị các chứng bệnh dễ chảy máu (giảm tiểu cầu, bệnh ưa chảy máu...) không được dùng để dự phòng và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ mới được phép sử dụng.

- Thuốc kháng viêm: loại thuốc kháng viêm thường được sử dụng đó là Dexamethasone 0,5 mg x 12 viên hoặc Methylprednisolone 16 mg x 1 viên uống sau khi ăn. Tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo đây là loại thuốc dễ bị lạm dụng nhất nhưng lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nhất. Các bác sĩ khuyến cáo, F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không dùng thuốc kháng viêm. Bởi thuốc kháng viêm là corticoid - nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể. Corticoid chỉ có tác dụng khi Covid-19 ở mức độ vừa hoặc nặng. Trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập và đang nhân lên (trong vòng 5 - 7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng), dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên, khiến tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 nặng lên.

Ngoài ra, corticoid làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể nên các loại vi khuẩn, nấm…, làm đường huyết tăng đột ngột trên bệnh nhân tiểu đường hay tăng huyết áp đột ngột trên bệnh nhân tăng huyết áp; gây viêm loét, thậm chí xuất huyết dạ dày, tá tràng... và một loạt các bệnh khác (Ảnh: Shutterstock)

Nhìn chung, khi không may trở thành F0, bạn cũng không cần quá lo lắng vì các cơ sở y tế se đến tận nhà để kiểm tra và phát thuốc, đồng thời hướng dẫn cách bạn sử dụng thuốc cũng như lưu ý bạn một số điều cần thiết. Tuy nhiên, việc bạn biết thuốc nào có thể tự uống và thuốc nào không thể tùy tiện sử dụng sẽ giúp bạn chủ động hơn cũng như tiết kiệm được thời gian, không bị bối rối trong việc chữa bệnh tại nhà.

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/ai-cung-can-biet-doi-voi-f0-dieu-tri-tai-nha-khi-nao-co-the-tu-dung-thuoc-va-khi-nao-can-phai-co-su-cho-phep-cua-bac-si-33316/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY