Trước thềm hội nghị, có những ý kiến cho rằng, đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào 119 cây bút trẻ. Đừng vội gắn cho họ trách nhiệm quá lớn lao về nghĩa vụ của nhà văn với cuộc đời, với sự nghiệp văn học - nghệ thuật.
Thay vào đó, chỉ cần họ yêu văn chương, muốn theo đuổi văn chương, tích lũy đủ vốn sống, thì có thể viết nên những tác phẩm mà họ tâm đắc và có thể được bạn đọc đón nhận.
Trường hợp họ xem văn chương chỉ là "cuộc chơi" thì cũng chẳng sao. Bởi lẽ, ai đủ tình yêu văn chương thì vẫn viết, và cũng có nhiều người sau khi dự các hội nghị viết văn trẻ toàn quốc đã ngừng viết, đó là điều bình thường.
Tại cuộc họp báo của hội nhà văn việt nam ở hà nội hôm 13/6, nhà thơ nguyễn quang thiều, chủ tịch hội nhà văn việt nam cho biết, chủ đề và thông điệp chính của hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 là "vì sao chúng ta viết". theo ông, câu hỏi này là cần thiết và cấp bách, không chỉ đối với các nhà văn trẻ, mà còn với tất cả các nhà văn mỗi khi họ cầm bút viết.
"tại hội nghị, các nhà văn trẻ sẽ trả lời câu hỏi đó. văn học phải bảo vệ con người, thiên nhiên, nền văn hóa, là sự chia sẻ với con người khổ đau và tạo những giấc mơ đẹp đẽ…", nhà thơ nguyễn quang thiều nói.
Theo nhà thơ nguyễn quang thiều, cuộc gặp gỡ văn chương lần này là dịp để hội nhà văn việt nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cây bút trẻ, hiểu những người trẻ đang viết gì, có thái độ và trách nhiệm như thế nào với việc cầm bút. các cây bút trẻ sẽ trả lời "họ mang nghệ thuật ngôn từ để làm việc gì - đó là bảo vệ thiên nhiên, con người, nền văn hóa…". từ đó, hội nhà văn việt nam, các thế hệ đi trước có thể trợ giúp họ trên chặng đường sáng tác, đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà.
Trong khi đó, với nhiều cây bút trẻ, sự kiện lần này là dịp gặp gỡ 5 năm mới có một lần giữa những người viết có tuổi đời không quá 35 khắp các tỉnh, thành. Vì vậy, họ háo hức, mong đợi được "điểm tên" và chuẩn bị hành lý để đến Đà Nẵng.
Cây bút trẻ Lê Quang Trạng (tỉnh An Giang) bày tỏ hy vọng sẽ được gặp gỡ, học hỏi và lắng nghe tiếng nói của người trẻ về các vấn đề văn học hiện nay, cùng trao đổi về "Vì sao chúng ta viết?", cũng như chia sẻ những trăn trở về nền văn học nước nhà.
Là đại biểu Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 và đến hội nghị lần thứ 10 theo diện báo chí tác nghiệp, tác giả Hồ Huy Sơn (TPHCM) - người đã có 6 cuốn sách được xuất bản (tuyển tập truyện ngắn, thơ thiếu nhi, chân dung văn nghệ…) chia sẻ: "Hội nghị mang ý nghĩa là cuộc gặp hiếm hoi giữa những người bạn viết trẻ với nhau. Sau hai năm đại dịch COVID-19 thì cuộc gặp gỡ này càng quý giá hơn nữa. Cá nhân mình không kỳ vọng gì nhiều ở hội nghị, và cũng mong mọi người đừng kỳ vọng hay đặt quá nhiều trách nhiệm lên người viết trẻ. Điều quan trọng nhất là sau hội nghị, ai có đủ tình yêu văn chương để theo đuổi con đường này hay không".
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tặng hoa chúc mừng tác giả Yang Phan với truyện dài “Vụn ký ức” đoạt giải Nhì - Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7. Ảnh: NXB Trẻ
Tính từ năm 2020 đến nay, có hàng trăm cuốn sách của các tác giả trẻ được xuất bản, nhưng khó điểm những tác phẩm thực sự nổi bật. Ngay cả Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 do NXB Trẻ tổ chức cũng không tìm ra tác phẩm đoạt giải nhất trong 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo (tổng số 511 tác phẩm gửi dự thi). Giải thưởng cao nhất của mùa 7 - hai giải nhì được trao cho truyện dài "Vụn ký ức" của Yang Phan và tập truyện ngắn "Nửa lời chưa nói" của Duy Ân hồi tháng 5/2022.
Hai giải ba thuộc về "Vệt sáng của bụi" của Lê Quang Trạng và "Chuồng cọp trên cao" của Nguyễn Thu Hằng; ba giải tư gồm: "Bảy bảy bốn chín" của Hoàng Công Danh, "Chopin biến mất" của Hiền Trang và "Có thú dữ trong thành phố" của Nguyên Nguyên.
Điều đó cho thấy văn học trẻ đang cần một cú hích. Nhà văn Tống Phước Bảo (TPHCM) cũng nhận định: "Đội ngũ viết trẻ trải rộng khắp mọi vùng miền, nếu cho họ một đòn bẩy thì họ sẽ bật lên".
Nhà thơ Bùi Việt Phương, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình cho rằng, chúng ta đang có một đội ngũ sáng tác trẻ ở khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam, đại diện cho nhiều dân tộc. Các bạn trẻ dù sinh sống ở nông thôn hay thành thị, dù làm công việc gì cũng đều có tinh thần sáng tạo nghiêm túc, có khát vọng khẳng định tên tuổi như: Lê Quang Trạng, Tống Phước Bảo, Phan Đức Lộc, Phát Dương, Vàng A Giang…
"Người viết trẻ hôm nay không còn bị chi phối nhiều bởi áp lực cách tân hay câu nệ lối viết truyền thống. Họ có sự tự tại, chủ động và mạnh dạn sáng tạo, viết những gì mà thế hệ mình và cá nhân mình suy nghĩ. Họ là một thế hệ cầm bút đổi mới nhưng vẫn trân trọng lịch sử, văn hóa", nhà thơ Bùi Việt Phương nói.
Nhà thơ Bùi Việt Phương hy vọng những cây bút trẻ dự hội nghị lần 10 sẽ thành công trong tương lai khi bản thân mỗi người biết "đánh thức tiềm lực", tìm ra giá trị nhân văn trong cuộc sống, khắc họa được hình tượng người công dân mới. "Tôi tin rằng, không ai khác mà chính họ sẽ tạo ra một diện mạo văn chương vừa đa dạng về phong cách, vừa cho thấy sự đồng thuận trong cảm nhận về xã hội và thời đại", nhà thơ nhìn nhận.
Theo nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, đại biểu khách mời của Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 cho rằng, sự kỳ vọng dành cho người viết trẻ rất nhiều, nhưng hãy để người trẻ làm những việc mà họ có thể làm được trong khả năng. Đó là bộc lộ những khát khao cùng tình yêu văn chương theo cách mà họ muốn; là trải nghiệm về cuộc sống đúng với lứa tuổi; là những tâm tư của người trẻ trong thời đại này…
Nhà văn Niê Thanh Mai nói: "Điều chúng ta làm được là đồng hành, hỗ trợ. Chẳng hạn, những tờ báo, tạp chí mở rộng sân chơi hơn để người trẻ có thể tiếp cận, quảng bá tác phẩm. Nhiều kênh truyền thông chào đón họ để giúp tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Các nhà xuất bản tạo điều kiện để xuất bản tác phẩm…".
Thực tế, đội ngũ người trẻ viết văn trên cả nước chưa bao giờ thưa mỏng, vắng thiếu. Tuy nhiên, để kỳ vọng một điều lớn lao từ một hội nghị chỉ gói gọn trong vài ba ngày là rất khó.
Chúng ta có thể mong đợi sự trẻ trung, nền tảng tri thức và cách tiếp cận công nghệ của những người viết trẻ sẽ mở ra một trang mới cho văn chương Việt, chẳng hạn tiếp cận thị trường quốc tế bằng cách phát hành e-book chuyển ngữ, bằng cách tạo kênh podcast, hoặc trang web, sàn giao dịch tác phẩm thương mại điện tử, tạo dựng các kênh YouTube cá nhân...
"Chính thế hệ trẻ này sẽ tạo hành trình chinh phục độc giả, lan tỏa giá trị đọc và nền văn chương mang tầm thời đại. Công nghệ mở ra một thế giới phẳng, cũng là lúc thế hệ viết trẻ, những công dân thời 4.0 vượt vũ môn, để cá chép được hóa phép bay qua nhiều đại dương, bến bờ, vùng miền nào đó trên thế giới", nhà văn Tống Phước Bảo bày tỏ.
hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 chính thức khai mạc ngày 18/6 với 138 đại biểu tham dự, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ nhiều vùng, miền.
dịp này, hội nhà văn việt nam giới thiệu 2 tập sách tuyển chọn nhiều sáng tác của các tác giả là đại biểu chính thức gồm: tập truyện ngắn "mắt lửa" và tập thơ - tiểu luận phê bình "mạch rồng".
Phúc An