Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Ăn mầm khoai tây có thể ngộ độc, thậm chí là gây chết người

Nhiều gia đình có thói quen dự trữ khoai tây trong nhà dẫn đến chúng bị mọc mầm, tuy nhiên, vì tiếc rẻ nên các bà nội trợ đã tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, khoai tây mọc mầm là loại thực phẩm cực kỳ độc, gây ảnh hưởng đến thần kinh, thậm chí là gây tử vong.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, ăn khoai tây mọc mầm có thể gây tử vong?

Theo Cục An toàn thực phẩm, qua nghiên cứu người ta thấy chất solanin phân bố trong củ khoai tây mọc mầm như sau:

Trong mầm khoai và chân mầm: 420-730 mg trong 100g; Trong vỏ khoai: 30-50mg trong 100 g; Trong ruột khoai: 4-7 mg trong 100g. Như vậy lượng chất độc chứa trong mầm khoai rất lớn, trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4 g trên 1kg trọng lượng cơ thể.

Triệu chứng ngộ độc do ăn khoai tây mọc mầm biểu hiện như sau: bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, có hiện tượng giãn đồng tử và liệt nhẹ hai chân. Trường hợp nặng có thể gây tử vong do hệ thần kinh trung ương bị tê liệt làm trung tâm hô hấp không hoạt động được, đồng thời gây ngừng tim do cơ tim bị tổn thương.

Khoai tây mọc mầm độc ra sao?

Khi một củ khoai tây quá già, các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường. Đường này sẽ biến đổi thành các alcaloit gọi là solanine và chaconine-alpha. Các alcaloit thường tập trung trong thân, lá, mầm khoai tây cũng như khu vực vỏ màu da xanh lá cây của củ. Số lượng alcaloit phụ thuộc vào các điều kiện bảo quản và độ tuổi của khoai tây.

Nếu củ có vỏ màu xanh lá cây và mọc mầm khi mua, loại khoai tây này có thể đầu độc bạn. Nên gọt bỏ mầm của khoai tây để chắc chắn tinh bột trong khoai chưa được chuyển đổi thành các alcaloit độc hại và rằng khoai được an toàn. Tốt nhất là không nên ăn củ khoai tây này.

Ngộ độc khoai tây có thể xảy ra nếu bạn ăn vỏ xanh trên củ hoặc các mầm khoai. Nếu ăn với lượng ít, solanine và alpha-chaconine trong khoai tây gây ra những vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngộ độc nặng hơn, các triệu chứng sẽ trầm trọng và đau đớn hơn. Bạn có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh cùng với các trục trặc về tiêu hóa như mê sảng, tiêu chảy, giãn đồng tử, sốt theo cơn, ảo giác, đau đầu, sốc, hạ thân nhiệt, tê liệt, chậm chạp, thở chậm lại, đau bụng, nhìn kém, nôn...

Thời gian phục hồi sau ngộ độc khoai tây phụ thuộc vào số lượng alkaloid cũng như mức độ điều trị và trợ giúp y tế. Các triệu chứng ngộ độc khoai tây có thể kéo dài 1-3 ngày. Có người phải nằm viện, thậm chí tử vong do ngộ độc khoai tây cũng đã được ghi nhận, mặc dù rất hiếm.

Cách xử lý khoai tây mọc mầm như thế nào?

Để loại bỏ các chất độc solanin cần gọt kỹ vỏ, chất này cũng có thể tan trong nước và khi ngâm nước có thể cho thêm vài hạt muối trước khi nấu vài giờ để loại bỏ chất độc. Trường hợp củ khoai mới nảy 1-2 mầm nhỏ nếu ta không bỏ cả củ thì ít nhất cũng phải bỏ hết mầm và khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là loại bỏ chúng đi mà không nên tiếc.

Làm thế nào để tránh ngộ độc khoai tây?

Ngộ độc khoai tây có thể tránh được một cách dễ dàng bằng việc lưu trữ đúng cách, ăn sớm ngay sau khi đã mua, gọt vỏ và bỏ mầm xanh. Không nên ăn khoai tây đã mềm nhũn, cũ và mọc mầm. Khi mua khoai tây chúng ta nên chọn mua củ khoai màu vàng thì tốt hơn ngả sang trắng. Nên chọn khoai còn rắn, chắc tay, không có mầm khi mua tại chợ, siêu thị. Củ nào cầm lên thấy nặng, lành lặn, vỏ trơn nhẵn sẽ tươi ngon hơn.

Khi gọt vỏ khoai, nếu thấy vệt màu xanh thì nên khoét bỏ. Nên cho khoai tây vào thùng thoáng khí và không bị ẩm. Để hạn chế ngộ độc, trước khi bỏ khoai vào chế biến nên ngâm vào nước muối loãng vài giờ, khi nấu cho thêm ít giấm ăn để loại bỏ độc tố. Ngoài ra, khi nấu khoai tây cách tốt nhất để làm giảm các chất độc này là chiên ở nhiệt độ cao (170 độ C). Còn khi bạn vô tình ăn phải khoai tây chứa chất độc thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn.

Cách bảo quản khoai tây?

Bảo quản khoai tây ở nơi mát (khoảng 10oC), tối (sẽ bảo quản được 2 tháng), nhưng không nên bảo quản chung với củ hành khô.

Không cất trữ khoai trong túi nilon hay các hộp kín.

Giữ khoai tây hoàn toàn tránh xa ánh sáng mặt trời tự nhiên để khoai không bị chuyển sang màu xanh và mọc mầm.

Nếu bạn dự trữ khoai ở nhiệt độ thường thì không để quá được 2 tuần.

Các loại khoai tây ngọt nên ăn trong vòng 1 tuần là tốt nhất.

Bạn không nên để khoai tây chung với táo tàu, nếu không khoai tây sẽ mọc mầm và rất độc hại.

Thỉnh thoảng kiểm tra khoai đang được bảo quản để loại bỏ những củ thối và những củ đang xuất hiện màu xanh trên bề mặt da.

Chỉ nên rửa khoai trước khi sử dụng vì hơi ẩm có thể làm khoai nhanh hỏng.

Thanh Thanh

Theo tạp chí Sống khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/an-mam-khoai-tay-co-the-ngo-doc-tham-chi-la-gay-chet-nguoi-27585/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY